Hà Nội: Tăng lớp chuyên, chất lượng tăng?
Năm học 2011-2012, lần đầu tiên Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) tuyển sinh thêm 3 lớp chuyên vật lý, hóa học, sinh học, nâng tổng số các lớp chuyên của trường lên 10 lớp.
Mở thêm lớp, đón HS có điểm cận chuẩn
Nói về sự kiện này, ông Chử Xuân Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An cho biết: Năm 1995, cùng với Trường THPT Quốc học Huế và THPT Lê Hồng Phong (TP Hồ Chí Minh), trường được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xây dựng thành trường trọng điểm quốc gia.
Hiện nay, hai trường bạn đều đã trở thành trường chuyên với sự đầu tư của địa phương để phát hiện, đào tạo HS giỏi trên địa bàn. Lịch sử và quá trình phát triển Trường Chu Văn An đã từng bước tạo ra căn cứ thuyết phục cho việc mở rộng khối chuyên. Việc này đã được ban giám hiệu chuẩn bị chu đáo về mọi mặt.
Khi thành lập Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam cách đây hơn 20 năm, một số giáo viên giỏi của Chu Văn An đã được điều động sang làm nòng cốt và sau sự sáp nhập hữu cơ của hai trường Chu Văn An và Ba Đình, đội ngũ giáo viên nhà trường từng có sự chênh lệch khá lớn. Tuy nhiên, sự chưa đều tay về chuyên môn, nghiệp vụ đã dần được khỏa lấp bởi những nỗ lực của chính bản thân mỗi thầy, cô giáo và định hướng của ban giám hiệu, các cấp quản lý ngành.
Vài năm gần đây, đội ngũ ấy lại được bổ sung thêm những người trẻ, giỏi, từng có HS giỏi đoạt giải quốc gia, quốc tế ở các địa phương, trong đó có ở 3 môn mà nhà trường sẽ mở lớp chuyên là vật lý, hóa học, sinh học. Để đảm nhiệm tốt vai trò dạy chuyên với các môn này, nhất là để đáp ứng nhu cầu dạy – học thực hành, trong năm học 2011-2012, nhà trường sẽ được bổ sung thêm trang thiết bị dạy học với kinh phí hơn 2 tỷ đồng.
Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính (Sở GD-ĐT Hà Nội) Nguyễn Thế Sơn cho rằng: Việc có thêm 3 lớp chuyên thuộc khối khoa học tự nhiên của Trường Chu Văn An vào thời điểm này còn kịp thời đáp ứng nhu cầu học chuyên của HS phía Đông Bắc thành phố khi Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam đã được di dời tới địa điểm mới tại quận Cầu Giấy. Thực tế, nhu cầu học những môn khoa học tự nhiên của HS luôn cao hơn so với các môn khoa học xã hội. Mỗi mùa tuyển sinh, các trường có lớp chuyên trên địa bàn TP đã phải mở thêm lớp để phục vụ nhu cầu học của HS có điểm cận chuẩn.
Video đang HOT
Ảnh: Hà Nội Mới
Nâng chất, không dễ?
Với nhiều yếu tố khá thuận lợi và hợp lý như vậy, song với các cấp quản lý, trong đó có cả ban giám hiệu nhà trường thì đây là bài toán không dễ giải khi phải nâng cao chất lượng đào tạo trong điều kiện quy mô ngày càng lớn.
Thực tế là trong nhiều năm gần đây, số HS Trường Chu Văn An tham gia đội tuyển HS giỏi quốc gia còn hạn chế và về thực chất, Trường THPT Chu Văn An chưa phải là “thương hiệu” có sức hút mạnh với những HS có năng lực xuất sắc.
Trong số học sinh này, nhiều em chỉ chọn Chu Văn An là nguyện vọng 2 khi đăng ký dự tuyển vào lớp 10. Rõ ràng, khi chất lượng đào tạo hạn chế thì việc không thu hút được những HS ưu tú nhất là điều dễ hiểu. Làm sao để tạo ra sức hút mạnh mẽ và việc mở thêm lớp chuyên có phải là cách làm đúng?
Dư luận đang băn khoăn khi chất lượng đào tạo mũi nhọn của Hà Nội không ổn định và có chiều hướng đi xuống. Nếu như năm 2010, trong kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia, Hà Nội có 118/138 HS đoạt giải, trong đó có tới 12 giải nhất, thì tới năm 2011, số HS đoạt giải nhất chỉ còn là 4.
Đáng chú ý, các giải này đều là giải về ngoại ngữ, còn chất lượng giải ở các môn khoa học cơ bản chưa xứng tầm với khả năng của HS Hà Nội cũng như sự đầu tư của thành phố. TP Hà Nội đã dành hẳn 5ha đất ở vị thế đắc địa, đầu tư hơn 400 tỷ đồng xây dựng Trường Hà Nội – Amsterdam mới với mục tiêu tạo ra một môi trường học tập lý tưởng cho những HS tiêu biểu của Thủ đô. Với ưu thế về đào tạo mũi nhọn, sự đầu tư lý tưởng của nhà nước và sự quan tâm đặc biệt của phụ huynh, Trường Hà Nội – Amsterdam cần phải xác định cho mình vị thế “anh cả” trong hệ thống trường chuyên của Hà Nội.
Để vừa phát triển quy mô vừa nâng cao chất lượng đào tạo HS chuyên, theo ý kiến của các nhà quản lý giáo dục, ngoài các điều kiện cần thiết như cơ sở vật chất, trang thiết bị, thì vai trò của đội ngũ nhà giáo trong hệ thống trường chuyên, trường có lớp chuyên là vô cùng quan trọng.
Ở mỗi nhà trường, từng giáo viên, thành viên ban giám hiệu phải được bồi dưỡng, tiếp cận thường xuyên với những nội dung, yêu cầu mới của việc giáo dục HS chuyên cả về nội dung và phương pháp.
Mở thêm lớp chuyên, trong khi đội ngũ dạy chuyên không có sự thay đổi đáng kể và thực tế kết quả đào tạo mũi nhọn còn nhiều điều đáng lo ngại, vai trò “ nhạc trưởng” của Sở GD-ĐT càng trở nên quan trọng trong việc thống nhất quản lý, điều tiết các điều kiện dạy – học từ giáo viên, tài chính cho đến tuyển sinh.
Theo GDVN
Học giỏi đâu nhất thiết phải là trường chuyên!
Mấy ngày gần đây, rất nhiều cơ quan thông tấn, báo chí đưa tin về cậu bé Võ Văn Huy, học sinh lớp 12 của Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Tây Hòa, Phú Yên) là một trong 6 học sinh được chọn tham gia đội tuyển quốc gia dự thi Olympic Toán Quốc tế lần thứ 52 tại Hà Lan diễn ra từ ngày 13/7 đến 24/7/2011.
Chuyện học sinh giỏi tham dự một kỳ thi quốc tế cũng không có gì đáng bàn, tuy nhiên trường hợp của Huy lại khác. Lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ và thực tế cũng đã cho thấy đa phần học sinh tham dự các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế đều thuộc các trường THPT chuyên hay những trường THPT có thương hiệu.
Tuy nhiên, cậu học trò Võ Văn Huy lại không nằm trong quy luật đó, sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Phú Thứ, xã Hòa Bình 2 (huyện Tây Hòa). Thi đậu vào trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên) nhưng do điều kiện không cho phép, cậu học trò Huy đành chấp nhận học tại một trường không mấy tên tuổi và thuộc một vùng kinh tế cũng chẳng mấy khá giả.
Mặc dù học trường huyện và hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng Huy luôn cố gắng học tập. Năm học nào cậu học trò Huy cũng đạt học sinh giỏi với điểm trung bình môn trên 9,0 điểm, riêng môn Toán luôn là điểm 10, điều đặc biệt là Huy cũng chẳng có thời gian học thêm ở bất cứ nơi nào. Thế nhưng, cậu học trò huyện lại được vinh dự tham gia vào một cuộc thi Toán tầm cỡ quốc tế như thế vả là một nghị lực phi thường.
Sở dĩ, nhắc đến Võ Văn Huy bởi vì hiện nay, đa phần phụ huynh học sinh, ai cũng muốn con em mình được vào trường chuyên, trường điểm của tỉnh. Nhất là trong các đợt thi chuyển cấp vào lớp 10 hàng năm, nhiều phụ huynh tìm mọi cách nào là bắt ép ôn tập, học thêm nhiều nơi, đủ kiểu chạy trường,... mà quên mất rằng khả năng học tập của các em đâu phải chỉ phụ thuộc vào trường đó mà cái chính là ở bản thân của các em.
Trong hội nghị về công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2011-2012, TS Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cũng đã nói rõ, học không phải là đối phó với thi cử mà học là để biết, để làm người. Xuất phát từ nguyện vọng chính đáng này của người dân cũng như dư luận xã hội, nhiều quận, huyện đã tích cực xây dựng trường lớp để thay thế việc thi tuyển vào lớp 10 bằng cách xét tuyển.
Dẫn lời ông Minh và trường hợp của em Võ Văn Huy để thấy rằng, không phải học sinh giỏi nào cũng xuất phát từ các trường THPT chuyên hay các trường công lập nổi tiếng mà yếu tố đầu tiên dẫn đến sự thành công của các em đều phụ thuộc rất nhiều vào bản thân. Vì vậy, việc chạy trường điểm, bắt các em ôn tập, thi cử quá nhiều liệu đã có tác dụng?
Theo Giaoduc.net.vn
Luyện thi lớp 6, trường Trần Đại Nghĩa: Căng thẳng hơn thi... đại học Mặc dù áp lực tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2011 - 2012 tới sẽ giảm nhiều so với các năm học trước theo phân tích của sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM, nhưng nhiều phụ huynh vẫn không giấu được vẻ căng thẳng bởi kỳ vọng kiếm cho con em một chỗ ngồi ở "lớp chuyên, trường điểm"...