Hà Nội tăng cường phòng, chống dịch COVID-19
Ngày 8/12, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Công văn về “Tăng cường thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố” chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện nghiêm 8 nhiệm vụ nhằm duy trì vững chắc thành quả phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn thành phố.
Hà Nội thực hiện nghiêm nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19. (Ảnh: TA)
Công văn nêu rõ: Thời gian qua, Thành ủy, HĐND, UBND và cả hệ thống chính trị cùng nhân dân thành phố đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đồng bộ, vừa ngăn chặn dịch COVID-19, vừa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng trên địa bàn Thủ đô và đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, hiện nay, dịch COVID-19 trên thế giới, khu vực vẫn đang diễn biến phức tạp, bùng phát trở lại trong mùa đông tại nhiều quốc gia với số trường hợp mắc liên tục gia tăng. Ở trong nước, sau 88 ngày liên tiếp không phát hiện ca mắc mới trong cộng đồng, đã ghi nhận trường hợp lây nhiễm từ người nhập cảnh trong thời gian cách ly tại thành phố Hồ Chí Minh. Đã có tình trạng lơ là, chủ quan, thực hiện không đúng các biện pháp phòng, chống dịch và vi phạm quy định về cách ly tập trung, cách ly tại nhà.
Để duy trì vững chắc thành quả trong phòng, chống dịch, thực hiện Công điện số 1699/CĐ-TTg ngày 2/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội thành phố và nhân dân Thủ đô tiếp tục thực hiện nghiêm túc 8 nhiệm vụ cụ thể. Đáng chú ý toàn hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 31-CT/TU ngày 3/4/2020 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về thực hiện Lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thủ đô…
Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội từ thành phố đến cơ sở chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ nguồn lây từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt để, tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, bình tĩnh ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra; chỉ đạo thực hiện yêu cầu “5K” trong phòng, chống dịch bệnh, trước hết là việc đeo khẩu trang bắt buộc, sát khuẩn tay tại các khu vực cách ly, các khu dân cư tập trung, nơi công cộng như: Chợ, siêu thị, trường học, cơ sở sản xuất, bến xe, sân bay, ga tàu…, trên các phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt là tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
Video đang HOT
Đồng thời, Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo bám sát Công điện số 1699/CĐ-TTg ngày 2/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch COVID-19, chỉ đạo kiểm tra, quyết liệt đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra. Chỉ đạo kiểm soát, ngăn chặn triệt để, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép và các trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch; quản lý chặt chẽ, bảo đảm an ninh trật tự tại các cơ sở cách ly. Tiếp tục dừng các hoạt động, sự kiện có tập trung đông người khi không cần thiết, trường hợp tổ chức thì phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định. Các cấp, các ngành, địa phương khi tổ chức các sự kiện, hoạt động có tiếp xúc với người đến từ nước ngoài, nhất là từ các nước có nguy cơ cao phải hỏi ý kiến của cơ quan y tế….
Covid-19 ở Việt Nam: Để không phải 'thả gà ra đuổi'
Trong việc phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm như Covid-19, vai trò của từng cá nhân rất quan trọng. Thực tế cho thấy, nếu tất cả đều có ý thức, Việt Nam đã không phải trải qua nhiều giai đoạn bàng hoàng trong gần một năm qua.
Để đất nước không phải căng mình chống dịch Covid-19 rất cần ý thức, trách nhiệm của mỗi công dân. (Ảnh: TT)
TGVN giới thiệu bài viết của tác giả Thái Hoàng về trách nhiệm xã hội của mỗi cá nhân trong việc tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn.
Việc khởi tố vụ án "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" ở TP. Hồ Chí Minh đã một lần nữa gióng lên hồi chuông về trách nhiệm xã hội của mỗi người trong việc phòng, chống dịch Covid-19.
Đây là hệ quả của việc nam tiếp viên của Vietnam Airlines, tức bệnh nhân 1342 (BN1342) đã vi phạm các quy định phòng dịch khi cách ly tập trung, cũng như cách ly tại nhà, dẫn đến bị mắc Covid-19 và làm lây lan cho nhiều người khác. Đây cũng là lần đầu tiên các vi phạm trong phòng, chống Covid-19 làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng bị xem xét xử lý hình sự.
Nhìn qua lịch trình của BN1342 đủ thấy trách nhiệm công dân của người này rất kém, cùng với sự chủ quan, thiếu trách nhiệm của những người quản lý. BN1342 đi từ vùng dịch về, nhưng trong thời gian cách ly tập trung tại khu vực do Vietnam Airlines quản lý, người này vẫn đi lại giữa các khu cách ly, tiếp xúc với BN1325 - tiếp viên của chuyến bay khác từ Romania về và là chuyến bay có nhiều hành khách dương tính với Covid-19.
Không chỉ thế, khi cách ly tại nhà, BN1342 còn tiếp xúc với 3 người nữa, trong đó để bạn trai đến sinh hoạt chung, khiến 2 trong số này lây nhiễm rồi tiếp xúc với hàng nghìn người. Hậu quả của sự vô trách nhiệm đã khiến gần 20 trường học phải tạm thời đóng cửa, hàng chục nghìn sinh viên phải nghỉ học, rất nhiều người phải cách ly tập trung và cách ly tại nhà, kèm theo những hệ lụy về kinh tế cho cả cá nhân và xã hội.
Là tiếp viên hàng không, BN1342 hiểu rõ hơn ai hết nguy cơ khi từ vùng dịch về. Nhưng anh ta vẫn tự do đi lại, tiếp xúc với nhiều người. Chính sự thiếu ý thức, vô trách nhiệm của tiếp viên Vietnam Airlines này đã đạp đổ thành quả của cả nước sau 88 ngày gìn giữ trong căng thẳng, đồng thời, chấm dứt 120 ngày không có Covid-19 của TP. Hồ Chí Minh.
Cũng không thể không nhắc tới trách nhiệm của Vietnam Airlines trong vụ việc này khi đã để cho người bị cách ly đi lại tự do giữa các khu vực, rồi về khu tự cách ly vẫn tiếp tục đi mọi nơi.
Đáng tiếc, sự thiếu ý thức công dân không phải bây giờ mới xảy ra. Trước đó, trong giai đoạn một, chúng ta đã làm rất tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, khi 16/16 bệnh nhân đều được ra viện và hơn 20 ngày sau đó không có người mắc mới. Đó là kết quả của sự vào cuộc nhanh chóng, quyết liệt của Chính phủ và các ngành, đặc biệt là Bộ Y tế và lực lượng quân đội, công an.
Nhưng rồi, BN17 đã trở thành ca nhiễm đầu tiên của Hà Nội, mở đầu cho giai đoạn chống dịch mới đầy cam go của cả nước, đẩy chúng ta vào thế "thả gà ra đuổi", phá hỏng thành quả hơn 20 ngày cả nước gồng mình chống dịch đợt đầu tiên. Hà Nội chính thức trở thành tâm dịch Covid-19.
BN17 gây rúng động dư luận chính bởi cô đi từ vùng dịch ở Italy về, nhưng đã không khai báo y tế trung thực, đồng thời, còn sử dụng 2 hộ chiếu khác nhau để qua mặt cơ quan chức năng. Khi bị bệnh, cô đến BV Hồng Ngọc và chỉ trong hơn 1 tiếng đã có gần 20 y, bác sĩ tiếp xúc với BN17. Một ngày sau, bác sĩ đã khám cho bệnh nhân này lại tiếp tục khám cho người bệnh khác.
Hậu quả là hàng loạt người lây nhiễm, thậm chí, khu phố Trúc Bạch bị phong tỏa với hàng trăm người phải cách ly. Đau lòng hơn khi người bác của bệnh nhân đã bị lây và rơi vào tình trạng nguy kịch suốt nhiều ngày. Chi phí điều trị cho mỗi ca nặng là vô cùng đắt đỏ. Hậu quả xã hội là vô cùng lớn, khi chỉ một ngày sau ca 17 xuất hiện, Hà Nội lập tức đề nghị Bộ Y tế cho công bố dịch và Chính phủ phải tuyên bố đất nước bước vào giai đoạn 2 chống dịch, cam go và đầy thử thách hơn.
Câu chuyện còn đang nóng hổi mạng xã hội và báo chí, thì lại đến BN34 "siêu lây nhiễm" ở Bình Thuận. Đáng trách nhất là người này đã gây khó khăn cho cơ quan chức năng bởi sự gian dối liên tục khi khai rằng khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất là đi thẳng về nhà riêng. Nhưng thực tế, người này đã ở lại TP. Hồ Chí Minh để gặp gỡ nhiều người, rồi tiếp tục đến nhiều địa điểm ăn uống có đông người ở Bình Thuận. Sự thiếu trung thực đã khiến cho việc chống dịch ở cả địa bàn Bình Thuận lẫn trên cả nước gặp rất nhiều khó khăn, làm tăng số ca mắc, số người có nguy cơ và số người phải cách ly.
Từ tâm dịch là Bệnh viện Bạch Mai, bà HTN (46 tuổi, ở Phú Thịnh, Đại Từ, Thái Nguyên) đã trốn cách ly để về Thái Nguyên trên chuyến xe có gần 20 người. Khi bị sốt, bà HTN đã vào Bệnh viện huyện Đại Từ khám bệnh, nhưng cố tình che giấu việc mình từ ổ dịch về, để tiếp xúc với rất nhiều nhân viên y tế và bệnh nhân, khiến khi bà trở thành BN178 của Việt Nam, hàng trăm người đã tiếp xúc gần và tiếp xúc với người đã tiếp xúc cực kỳ hoang mang lo sợ, đồng thời, khiến một địa phương chưa có dịch, thành địa bàn đầy nguy cơ.
Để cả nước lại phải liên tiếp căng mình chống dịch sau khi đã ngăn chặn dịch Covid-19 được vài tháng, có trách nhiệm rất lớn của những người vô trách nhiệm trong thực hiện các quy định về phòng, chống dịch.
Những mất mát về con người, về sức khỏe, về kinh tế - xã hội ai cũng đã nhìn thấy trong 2 giai đoạn trước. Vì thế, công luận đồng lòng ủng hộ việc khởi tố vụ án "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" ở TP. Hồ Chí Minh chính là để ủng hộ Chính phủ phòng, chống dịch Covid-19 và là biện pháp cần thiết để mọi người nâng cao ý thức trách nhiệm xã hội. Đây được xem là "cú đấm thép" để không còn lặp lại chuyện tương tự.
Có thể nói, để việc phòng, chống dịch không phải "kiếm củi ba năm đốt một giờ", để không phải "thả gà ra đuổi", rất cần ý thức của mỗi người, từ những việc nhỏ nhất.
Đưa TP.HCM thành đô thị du lịch sống động hàng đầu Châu Á Chính quyền TP.HCM luôn xác định mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ngày 28-11 tại Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (Hoiana) dã diễn ra Hội nghị toàn quốc về Du lịch năm 2020 với chủ đề Liên kết, hành động và phát triển . Sự kiện có sự tham gia của trên 400 đại biểu là...