Hà Nội: Tan học sớm hơn nhưng vẫn oải
Tan học lúc trời nhập nhoạng tối lại vừa đói vừa rét, có em còn phải đạp xe hơn 7 km nữa mới về đến nhà…
Sau hai tuần thực hiện phương án đổi giờ học, giờ làm với hàng loạt bất cập, ngày 13-2, Hà Nội đã chính thức điều chỉnh lại giờ học một lần nữa. Theo đó, các trường mầm non, tiểu học, THCS sẽ tan học trước 17 giờ. Riêng các trường THPT vẫn học trước 7 giờ sáng và tan học sau 18 giờ (trước đây là 19 giờ).
Học sinh vẫn kêu mệt
Phương án điều chỉnh giờ mới cũng cho các trường áp dụng giờ tan học linh hoạt hơn. Cụ thể, đối với các trường có nhiều cấp học, có xe ô tô đưa đón học sinh được chủ động chọn giờ học theo một cấp học cho phù hợp với điều kiện từng trường. Các trường có học sinh học một ca, tự tổ chức giờ học thêm, giờ học ngoại khóa theo điều kiện trường mình cho phù hợp, tránh tan học vào giờ cao điểm…
Mặc dù phương án điều chỉnh giờ học đã nới lỏng hơn, tuy nhiên nhiều học sinh cấp ba học ca chiều cho biết giờ học mới vẫn gây khó cho các em. Gặp chúng tôi khi tan học lúc 18 giờ chiều 13-2, em Lê Trung Dương, học sinh lớp 10A2 Trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ), cho biết: “Được tan học sớm hơn 1 tiếng so với hai tuần qua nhưng em vẫn cảm thấy oải. Ra về lúc trời nhập nhoạng vừa đói, vừa rét, lại còn phải đạp xe hơn 7 km nữa mới về đến nhà. Tan học vào giờ này thì chỉ kịp về nhà ăn cơm, nghỉ ngơi để ôn bài cũ thôi, chứ khoản học thêm ngoại ngữ ca tối em phải cắt rồi”. Cũng theo Dương, nhiều bạn cùng lớp em cũng tỏ ra khá mệt mỏi sau hai tuần tan học muộn. “Bây giờ được tan sớm hơn nhưng những bạn ở xa vẫn rất vất vả, về đến nhà cũng phải 7-8 giờ tối, không có thời gian phụ giúp cha mẹ và học thêm nữa…” – Dương nói.
Cùng ba bạn học ngồi đợi đến giờ học thêm ngoại ngữ trước cổng Trường THPT Chu Văn An, em Nguyễn Phương Nga, học sinh khối 11, cho hay: “Khối chúng em học sáng nên không bị ảnh hưởng lắm bởi việc đổi giờ. Tuy nhiên, việc học thêm ca tối lại ảnh hưởng. Trước đây em học thêm từ 17 giờ 30 đến 19 giờ 30 là tan, giờ phải học muộn hơn (ca 18 giờ 30 đến 20 giờ 30) nên buổi tối cũng không có thời gian ôn bài cũ nhiều”.
Gặp chúng tôi khi đi đón cháu ngoại học mẫu giáo tại Trường Mẫu giáo Chu Văn An chiều 13-2, bà Trần Thị Yên (nhà ở phố Lạc Long Quân) cho hay: “Từ ngày Hà Nội điều chỉnh giờ học, giờ làm, bố mẹ của cháu đi làm phải đến 7 giờ tối mới tan. Do vậy tôi phải kiêm thêm nhiệm vụ đưa đón cháu đi học, chứ không có ai trông nó. Nhiều nhà khác không có người đưa đón, phải gửi con ở trường để các cô trông, muộn mới tới đón được”. Bà Yên cho biết thêm từ ngày Hà Nội điều chỉnh giờ, tuyến đường từ nhà bà (phố Lạc Long Quân) đến Thụy Khuê vẫn ùn tắc chứ không cải thiện được bao nhiêu.
Giờ tan học đã sớm hơn nhưng học sinh vẫn còn xáo trộn trong sinh hoạt.
Cần cách làm bài bản
Video đang HOT
Trao đổi với PV chiều 13-2, ông Đỗ Doãn Hải, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cho hay lịch học mới Hà Nội áp dụng cho học sinh học khối chiều đã linh hoạt hơn, tuy nhiên vẫn đặt áp lực khá nặng đối với các em. “Về mặt tâm lý, đồng hồ sinh học của con người hoạt động từ sáng tới 6 giờ tối là cũng khá mệt. Nhất là những tiết cuối, học sinh sẽ rất căng thẳng, mệt mỏi. Thời điểm này người lớn làm việc còn mệt, huống chi là học sinh” – ông Hải lý giải. Ông Hải phân tích thêm: “18 giờ mùa hè tan học không có vấn đề gì nhưng mùa đông thì khá muộn, trời rất tối. Các trường muốn học thì phải bật đèn. Thực tế, việc bật đèn học ảnh hưởng tới sự tiếp thu của các em. Điều này buộc các trường phải điều chỉnh thời khóa biểu, để dành các môn học phù hợp nhất vào tiết cuối để học sinh dễ tiếp thu. Ngoài ra, cần lưu ý đối với học sinh cuối cấp phải ôn thi ĐH, việc tan học muộn cũng gây khó khăn cho các em vì không còn thời gian để tham gia các lớp luyện thi sau khi học ở trường xong”.
Đánh giá cao hành động điều chỉnh lại giờ học mới của Hà Nội vì các nhà hoạch định quyết định điều chỉnh giờ đã thực sự lắng nghe phản hồi của các em học sinh, gia đình và các trường học, tuy nhiên GS Văn Như Cương – Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh cho rằng Hà Nội cần phải có nghiên cứu, điều tra cụ thể trước khi cho thực hiện việc điều chỉnh giờ học, giờ làm. “Tôi cảm thấy ngạc nhiên vì TP không tiến hành điều tra, thống kê số liệu cụ thể đến từng gia đình, trường học về việc điều chỉnh giờ. Từ thống kê đó mới làm rõ được học sinh đến trường, tan học vào giờ nào thì tuyến đường này lưu lượng giao thông tăng bao nhiêu %, khu vực này có ách tắc hay không. Thay vào đó các nhà hoạch định chính sách lại ra một quyết định chủ quan, máy móc khiến việc điều chỉnh giờ học sau hai tuần đã phải thay đổi vì quá nhiều bất cập”.
GS Văn Như Cương góp ý thêm TP Hà Nội nên có điều tra cụ thể đối với từng phường, từng quận, huyện một để áp dụng việc điều chỉnh giờ cho hợp lý hơn. “Chẳng hạn như tại tuyến đường có đông trường học thì áp dụng giờ tan học lệch nhau giữa các trường để giãn mật độ giao thông thay vì áp dụng cứng nhắc khối THPT phải tan một giờ, khối mầm non, tiểu học, THCS phải tan một giờ…” – GS Cương nói.
Theo PL TP.HCM
Tan học 19h gây 'quá nhiều bất cập'
Sau gân môt tuân áp dụng đổi giờ học, học sinh, giáo viên không cảm thấy quen dần mà thấy rệu rạo, mệt mỏi hơn. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng nên điều chỉnh giờ tan học cho hợp lý hơn.
Học sinh lớp 12 sợ bị ảnh hưởng tơi thi cư
Kết thúc buổi học chiều thứ 6 (buổi học tối thứ 3 áp dụng giờ học mới - PV), Linh, một học sinh lớp 12, THPT Xuân Đỉnh (huyện Từ Liêm) vừa ngáp vừa ôm bụng đói chạy nhanh ra khỏi cổng trường để lên xe người nhà đón, Nguyễn Lan Anh (học sinh THPT Yên Hòa, Cầu Giấy). Lan Anh cho biết, đến 19h kém 10 em đã thu gọn sách vở bỏ vào cặp, chuẩn bị tư trang để chạy cho nhanh khi có trống tan học.
"Từ 18h "kiến bò trong bụng" em vì đói, miệng ngáp dài vì buồn ngủ, chẳng còn tâm trí đâu mà tập trung vào học hành cả", Lan Anh nói.
Tương tự Thu Trang, học sinh THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy) cũng chia sẻ: "Ngày đầu em chỉ cảm thấy đói chứ không căng thẳng nhưng sang ngày thứ 3 liên tiếp thì em thấy oải hẳn. Cứ duy trì giờ học này em sợ sẽ ảnh hưởng đến việc thi tốt nghiệp và ĐH".
Tuy vẫn học theo thời gian cũ (1h30 - 17h30) nhưng Nguyễn Văn Hưng, học sinh lớp 12 THPT Lương Thế Vinh cũng cảm thấy mệt mỏi sau 1,5 tiếng bị nhốt trong trường. "Ngồi chơi không 2 tiết, em tiếc thời gian lắm nhưng không thể nào học được trong khi đó lại phải bỏ buổi ôn thi ở trung tâm . Chỉ mong sớm có điều chỉnh về thời gian tan học để chúng em tập trung ôn thi", Hưng nói.
Không chỉ học sinh, một số giáo viên cũng cảm thấy "nản" vì mỗi ngày số học sinh gục bàn, ngáp ngủ càng tăng.
Chị Nhung, giáo viên THPT Tây Hồ, quận Tây Hồ cho rằng, 18 - 19h là cái giờ "gà lên chuồng", học sinh không thể tập trung nghe giảng được, nhất là khi bụng đói. Như vậy việc đổi giờ học sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của giáo viên, học sinh.
Việc đổi giờ học buổi chiều ảnh hưởng đến chất lượng học tập khiến nhiều học sinh cuối cấp THPT lo lắng cho 2 kỳ thi quan trọng sắp tới.
Phu huynh se chiu thêm nhiều khoản phụ phí
Để phục vụ việc học của học sinh đến 19h, các trường THPT đều phải trang bị thêm hệ thống đèn điện chiếu sáng, máy phát điện. Những khoản chi phát sinh này hiện các trường đang phải rút "tiền túi" ra chi. Ngoài ra, theo tính toán sơ qua của một số trường, tiền điện thắp sáng sẽ tăng lên gấp hai, ba lần so với những ngày trước khi đổi giờ. Trong khi đó, đến thời điểm này, các trường vẫn chưa nhận được thông tin gì về hỗ trợ kinh phí cho các trường lắp đặt thêm hệ thống điện chiếu sáng.
Theo lãnh đạo một số trường, chi phí phát sinh cho việc thay đổi này không phải là nhỏ. "Hiện trường không có đủ tiền để mua máy phát điện, công suất lớn đáp ứng việc cung cấp ánh sáng cho hơn 30 phòng học, phòng chuyên môn. Nếu mất điện, nhà trường đành cho học sinh nghỉ học", Hiệu trưởng THPT Việt Đức nói.
Ông Văn Như Cương, giáo viên THPT Lương Thế Vinh cũng cho biết, trường sẽ hụt một khoản tiền lớn từ việc thay đổi giờ học như: tiền lắp thêm điện thắp sáng, tiền điện hao phí, tiền xe đưa đón học sinh. Thế nhưng, điều khiến ông hiệu trưởng này lo ngại nhất là vấn đề đảm bảo an toàn cho học sinh khi ở trường và trên đường về lúc trời đã tối mịt. Đây cũng là lo lắng của hầu hết các phụ huynh có con học THPT, nhất là phụ huynh của các nữ sinh.
Không chỉ các trường, nhiều phụ huynh cũng đang lo ngại sắp tới sẽ phát sinh thêm một số khoản thu "tự nguyện" do việc thay đổi giờ học giờ làm.
Anh Trần Quang Thọ, phụ huynh học sinh THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết, hiện trường chưa thông báo gì về các khoản thu thêm nhưng chắc chắn nếu duy trì giờ học mới này thì chúng tôi sẽ phải đóng thêm ít nhất tiền điện, tiền nước hàng tháng.
Một số phụ huynh có con học tiểu học ở Hà Nội cũng cho biết đã nhận được "gợi ý" của nhà trường về việc tự nguyện hỗ trợ giáo viên nếu đón đăng ký đón con muộn.
Ngoài ra, sợ con đói, không bắt được xe bus, nhiều phụ huynh đã phải tăng tiền tiêu vặt cho con.
Chị Nguyễn Thị Thơm, phụ huynh học sinh lớp 10, THPT Xuân Đỉnh cho biết, bình thường con trai chị đi học bằng xe bus, vé mua theo tháng nên chị chỉ cho thêm 10.000 đồng/ngày nhưng 3 hôm nay chị phải tăng lên 30.000 đồng.
"Cần điều chỉnh"
Ông Văn Như Cương, Hiệu trưởng THPT Lương Thế Vinh cho rằng, việc tan học lúc 19h có quá nhiều bất cập và đề xuất, các cơ quan chức năng nên có sự điều chỉnh về giờ tan học để không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
"Các ông không thể ngồi nhìn từ trên xuống rồi đưa ra quyết định, không hề lấy ý kiến của người dân và làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bao nhiêu người. Như vậy vô lý quá! Nếu cho rằng 17h - 18h là giờ cao điểm thường xảy ra ùn tắc giao thông thì tôi đề xuất bắt đầu học lúc 12h - 12h30 để học sinh có thể tan học lúc 16-1h30. Như vậy vừa tránh được giờ cao điểm, vừa thuận lợi cho học sinh, giáo viên", ông Cương ý kiến.
Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc, Sở GD - ĐT Hà Nội thừa nhận việc học sinh THPT tan học lúc 19h là quá muộn và cho biết, hiện Sở đã nhận được phản ánh của một số trường, phụ huynh về những khó khăn khi áp dụng giờ học mới. Cụ thể: việc giao giữa hai ca sáng chiều của THCS quá gấp gáp, học sinh THPT học về quá muộn, tiết học cuối buổi sáng của cấp THCS và cuối giờ chiều của THPT học sinh thường đói bụng, khả năng tiếp thu kém hơn, phụ huynh lo ngại về việc đi lại của học sinh khi về muộn.
"Chúng tôi tiếp tục kiểm tra và lắng nghe ý kiến phản ánh của các trường, phụ huynh về vấn đề này. Sau 2 tuần thực hiện, chúng tôi sẽ tổng hợp ý kiến của các cơ sở, từ đó có kiến nghị", ông Thống cho biết.
Ông Thống cũng yêu cầu các trường có thống kê chi phí tiền điện tăng thêm do học chiều tối, nếu chi phí lớn quá sẽ phải báo cáo đề xuất để được ngân sách hỗ trợ.
Chia sẻ quan điểm về việc thay đổi giờ làm để chữa bệnh ùn tắc giao thông, ông Thống cho rằng, đây chỉ là một trong nhiều giải pháp thành phố đã và sẽ phải làm. Trong khi đó, số lượng học sinh học ca chiều so với toàn bộ học sinh của 12 quận, huyện không lớn nên hiệu quả làm giảm ùn tắc giao thông sẽ không nhiều. Trong khi đó, việc thay đổi giờ lại làm ảnh hưởng quá lớn đến sinh hoạt của các học sinh, giáo viên.
Theo ĐVO
Đổi giờ học vào đề kiểm tra lớp 10 Đề bài kiểm tra yêu cầu học sinh lớp 10 của một trường THPT tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) nêu quan điểm và suy nghĩ về việc đổi giờ học. Không chỉ bày tỏ bức xúc, có em còn thẳng thắn "đây là quy định coi chúng em là "chuột bạch trong thí nghiệm". Một ngày sau khi Hà Nội thực hiện...