Hà Nội: Tắc đường và chuyện “biết rồi, khổ lắm…”
Vài năm trở lại đây, hễ cứ ra đường người dân Thủ đô lại “ngộp thở” vì ùn tắc giao thông kéo dài. Mặc dù, đã có nhiều biện pháp để giải quyết tình trạng trên nhưng các giải pháp đưa ra đều chỉ là giải pháp tình huống, ùn tắc vẫn xảy ra.
Từ số này, VnMedia sẽ có loạt bài mổ xẻ nguyên nhân gây ùn tắc giao thông trên các tuyến đường của Hà Nội.
Có lẽ bây giờ không cần phải nói ai cũng có thể nắm được như bàn tay những tuyến đường nào của Hà Nội ùn tắc vào giờ nào. Tình trạng ùn tắc thường xuyên, kéo dài trên nhiều tuyến đường trong thời gian dài đã gần như lập trình cho người đi đường Thủ đô một bản đồ về ùn tắc trên địa bàn thành phố.
Khoảng 5h chiều hàng ngày, các tuyến phố: Trường Chinh, Chùa Bộc, Thái Hà, Thái Thịnh, Sơn Tây … lại tắc cứng. Tại các tuyến phố trên, vào các giờ cao điểm, hàng nghìn ô tô, xe máy nhích từng chút dưới tiết trời hôm nắng nóng, lúc mưa dầm dìm tay ga tìm mọi cách chen lấn để nhanh chóng thoát khỏi đám tắc đường.
Ban đầu tắc đường chỉ xảy ra ở những tuyến phố nhỏ hẹp, sau đó, ùn tắc đã nhanh chóng lan sang các tuyến đường rộng rãi, thậm chí một chiều. Hầu như ngày nào cũng vậy, trong các ngày làm việc trong tuần, cứ khoảng thời gian 5h-6h chiều hàng ngày, các tuyến phố Huế, Bà Triệu, Nguyễn Thái Học, Lê Duẩn… cảnh ùn tắc giao thông lại xảy ra như cơm bữa.
Video đang HOT
Cảnh thường thấy trên các tuyến đường Thủ đô. Ảnh: Xuân Tùng
Mặc dù được thiết kế hai chiều với 6 làn đường khá rộng: Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt, Kim Mã… chiều nào cũng xuất hiện cảnh hàng nghìn ô tô, xe máy nối đuôi nhau xếp hàng dài chờ thông đường.
Không chỉ có vậy, tại nhiều tuyến đường mới xây rất rộng rãi: Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng… thời gian đầu mới đưa vào sử dụng giao thông khá thông thoáng. Ai cũng khen đó là những tuyến đường rộng và đẹp của Thủ đô, thế nhưng chỉ sau một thời gian, tình trạng ùn tắc giao thông cũng diễn ra liên miên. Tại các tuyến đường này, vào các giờ tan tầm, ô tô, xe máy chen nhau thành đoàn dài trên mặt đường, cố nhích từng chút qua các đám kẹt xe.
Chị Mai Anh, phố Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, ngày nào hầu như ra đường chị cũng gặp phải một vài lần tắc đường. Cơ quan đóng trên đường Cầu Giấy cho nên ngày nào đi làm chị cũng “dính” kẹt xe.
“Sáng thì tắc đường trên đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa. Chiều về thì tắc ở đường Láng, Đê La Thành. Đi làm về, đã mệt mỏi lại còn phải chôn chân giữa trời nắng xế, hít bụi, khói, nhức đầu bởi tiếng còi xe ầm ĩ, nhiều lúc như phát điên”, chị Mai Anh nói.
Trước tình trạng ùn tắc giao thông liên miên trên mọi tuyến đường, bắt đầu từ năm 2009, Hà Nội đã có nhiều giải pháp để “tháo nút” các điểm ùn tắc giao thông bằng cách: phân làn đường, rào chắn các ngã ba ngã tư hay xung đột, xén vỉa hè, lòng đường… nên đã giảm được hơn nửa số điểm ùn tắc giao thông từ 129 điểm xuống còn gần 60 điểm.
Mặc dù vậy, hiện nay trên địa bàn thành phố vẫn còn hàng chục điểm thường xuyên ùn tắc giao thông, gây cản trở đi lại và bức xúc cho người dân. Tình trạng ùn tắc giao thông vào các giờ cao điểm sáng chiều, đặc biệt là ngày lễ, Tết vẫn đang xảy ra liên miên làm đau đầu không chỉ người dân mà cả các cơ quan quản lý của chính quyền Hà Nội.
Tuyến đường Nguyễn Lương Bằng mỗi khi chiều về. Ảnh: Xuân Tùng
Mới đây, để từng bước giải quyết bài toán ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã trình lãnh đạo thành phố khoản kinh phí hơn 145.000 tỷ đồng để xây dựng các tuyến đường vành đai và các quốc lộ hướng tâm… từ nay đến năm 2015.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, nguồn vốn khổng lồ trên sẽ được ưu tiên tập trung xây dựng một loạt các tuyến đường vành đai: 1; 2; 2,5; 3; 3,5; 4 và 5; phát triển hệ thống khung hạ tầng đường bộ, các tuyến đường hướng tâm và kết nối liên thông theo mạng, giả quyết các nút thắt, điểm nghẽn trong mạng lưới giao thông…
Các tuyến đường hướng tâm, quốc lộ, thành phố sẽ tập trung thi công để hoàn thành các tuyến đường: Quốc lộ 32 (đoạn Diễn – Nhổn), đường nối Nhật Tân – Nội Bài, đường 1A, quốc lộ 2 (đoạn Phủ Lỗ – Nội Bài), quốc lộ 6 (Ba La – Yên Nghĩa – Xuân Mai)…
Các tuyến đường kết nối nội đô: Văn Cao – Hồ Tây, Cát Linh – La Thành; La Thành – Thái Hà – Láng; Yên Hòa – Bảo tàng Dân tộc học, Tôn Thất Tùng kéo dài đến đường vành đai 3, Kim Mã – Trần Phú, Nguyễn Tam Trinh…cũng sẽ đều được tập trung thi công hoàn thành sớm để kết nối các tuyến đường trong nội đô, nhằm giải quyết nạn ùn tắc.
Theo VNMedia