Hà Nội: Sinh viên có thể học từ 6h sáng
Theo phương án thứ nhất, sinh viên đại học trên địa bàn hai quận Cầu Giấy và Thanh Xuân học sáng từ 6h đến 11h, chiều từ 12h-17h.
Bộ Giao thông Vận tải vừa ra văn bản số 6956/BGTVT-VT gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất giờ làm việc, giờ học tập, kinh doanh thương mại tại TP Hà Nội.
Sinh viên có thể học từ 6h sáng
Dựa trên khảo sát thực tiễn cũng như cơ sở sắp xếp một cách khoa học và hợp lý để vừa đảm bảo công việc, vừa không ảnh hưởng lớn đến đời sống của cán bộ công chức, không xáo trộn sinh hoạt gia đình, đặc biệt để bảo đảm giờ giấc sinh hoạt phù hợp với nhịp sinh học của các đối tượng là học sinh mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, Bộ GTVT đề xuất 2 phương án thay đổi thời gian làm việc và học tập.
Phương án thứ nhất:
Video đang HOT
Cán bộ công chức cơ quan Trung ương sáng làm việc từ 9h-12h, chiều từ 13h-18h.
Cán bộ công chức Hà Nội làm việc sáng từ 8h30-12h, chiều từ 13h-17h30.
Cán bộ công chức Trung ương sẽ tan giờ chiều vào lúc 18h, cán bộ công chức Hà Nội tan giờ chiều lúc 17h30.
Đối với học sinh mầm non, tiểu học, THCS học từ 8h-17h30, học sinh THPT sáng từ 7h-11h, chiều từ 12h30-16h30.
Riêng sinh viên đại học khu vực quận Cầu Giấy và Thanh Xuân học sáng từ 6h-11h, chiều từ 12h-17h.
Sinh viên đại học khu vực quận Đống Đa, Hai Bà Trưng sáng học từ 7h-12h, chiều từ 13h-18h và các Trung tâm thương mại mở cửa từ 9h30-23h.
Phương án thứ hai:
Sinh viên đại học tại 4 quận nội thành được điều chỉnh như sau: Quận Cầu Giấy và Thanh Xuân sáng từ 7h-12h, chiều từ 13h-18h; Quận Đống Đa và Hai Bà Trưng sáng từ 8h-13h, chiều từ 14h -19h. Các đối tượng khác vẫn giữ nguyên như phương án 1.
“Sinh viên trường tôi đi xe buýt là chủ yếu”
Hiện nay, trên địa bàn TP.Hà Nội hiện có khoảng 360.000 học sinh mầm non, 470.000 học sinh tiểu học, 320.000 học sinh trung học cơ sở và 215.000 học sinh trung học phổ thông. Số lượng sinh viên đại học và cao đẳng học tại các cơ sở đào tạo trong nội thành là gần 478.000 sinh viên, trong đó nhiều nhất là quận Cầu Giấy và quận Đống Đa (13 trường) và Thanh Xuân, Hai Bà Trưng (6 trường).
Số lượng cán bộ, công chức hưởng lương ngân sách là 355.000 người, trong đó cơ quan Trung ương có hơn 202.000 người, chiếm 57,1%; số còn lại là cán bộ cơ quan trực thuộc Hà Nội.
Tiến sĩ Đoàn Văn Vệ (Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQGHN) cho biết: “Trung bình mỗi buổi học, có khoảng 3.000 sinh viên đến trường”.
Đối tượng sinh viên chủ yếu đi xe buýt nên việc đi học từ lúc 6h sáng cần bố trí phù hợp lượng xe chạy vào khung giờ này.
Tuy nhiên, cũng theo tiến sĩ Vệ: “Đa số sinh viên của trường chúng tôi đi học bằng xe buýt, còn lại một số nhỏ đi bộ, sinh viên đi xe cá nhân đến trường hầu như rất ít, chỉ chiếm khoảng 1-2%. Nên đối tượng sinh viên khi đi học hầu như không ảnh hưởng nhiều đến việc tăng mật độ phương tiện trên đường. Công chức mới là đối tượng sử dụng phương tiện cá nhân nhiều, hầu như ai làm việc cũng đi bằng xe cá nhân nên cần nghiên cứu kĩ và sắp xếp cho khoa học, hợp lý.”
Ông Vệ cho biết thêm: “Việc điều chỉnh giờ học, phía nhà trường cũng không gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi chỉ phải làm lại lịch học bảng biểu và thông báo cho sinh viên, giảng viên”.
Theo Bee