Hà Nội: Sĩ số lớp 1 đã bớt “ngộp thở”
Trước thềm năm học mới 2019-2020, nhiều phụ huynh tại Hà Nội khá bất ngờ khi biết sĩ số học sinh/lớp của lớp 1 đã giảm so với năm ngoái. Việc này thể hiện sự nỗ lực của TP Hà Nội trong việc sửa chữa, nâng cấp và xây trường học mới.
Bắt đầu từ ngày 1/8, nhiều học sinh lớp 1 trên địa bàn TP Hà Nội đã tựu trường. Ảnh: ĐH
Bên cạnh đó, năm nay số học sinh vào lớp 1 cũng giảm so với năm ngoái nên góp phần làm cho sĩ số tại các trường thấp hơn so với năm ngoái.
Phổ biến từ 50-56 học sinh/lớp
Theo khảo sát của phóng viên Báo Hải quan, sĩ số của lớp 1 ở nhiều trường trên địa bàn TP Hà Nội đã giảm đáng kể so với năm học 2018-2019. Nếu như năm trước, sĩ số lớp 1 của trường Tiểu học Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) khoảng 65 học sinh/lớp, thì năm nay đã giảm xuống còn 56 học sinh/lớp. Tương tự, năm nay sĩ số của trường Tiểu học Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) là 50 học sinh/lớp, trong khi năm ngoái con số này lên từ 65-68 học sinh/lớp. Tại trường Tiểu học Khương Trung (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng chỉ còn 56 học sinh/lớp.
Vừa làm thủ tục nhập học lớp 1, trường Tiểu học Nghĩa Tân cho con trai, chị Xuân Thảo (Cầu Giấy, Hà Nội) đã giảm được nỗi lo về sĩ số học sinh/lớp của trường này. “Những năm trước, trường Tiểu học Nghĩa Tân luôn nằm trong tốp những trường có sĩ số học sinh/lớp cao, tuy nhiên năm nay sĩ số chỉ còn 56 học sinh/lớp. Đây là con số khá “dễ thở” đối với những quận nội thành của Hà Nội. Hơn nữa, với sĩ số như vậy phụ huynh cũng yên tâm hơn vì các cô sẽ quan tâm các học sinh được đồng đều”, chị Thảo chia sẻ.
Lý giải nguyên nhân sĩ số học sinh lớp 1 trên địa bàn quận Cầu Giấy giảm, theo Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy (Hà Nội), số liệu điều tra dân số cho thấy, số lượng học sinh vào lớp 1 năm nay không tăng, trong khi quận cho sửa chữa, cơi nới phòng học của 10 trường.
Không chỉ quận Cầu Giấy, năm nay sĩ số học sinh/lớp ở nhiều trường trên địa bàn TP Hà Nội cũng sẽ giảm đáng kể so với năm học 2018-2019. Bởi theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học 2019-2020, quy mô học sinh trong độ tuổi vào các lớp đầu cấp không tăng mạnh như năm học trước, trong đó số học sinh vào lớp 1 năm nay là 167.000 em, giảm 13.000 em so với năm trước. Bên cạnh đó, ngay từ đầu mùa tuyển sinh năm học 2019 – 2020 Hà Nội cũng đã áp dụng nhiều biện pháp để khắc phục tình trạng tuyển sinh trái tuyến.
Ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, Sở đã chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã cần xây dựng phương án tuyển sinh hợp lý cho từng trường trên địa bàn. Kiểm soát chặt chẽ, hạn chế ở mức cao nhất việc tuyển sinh trái tuyến trên địa bàn, đặc biệt đối với các trường đã tuyển đủ chi tiêu được giao. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tăng quy mô tuyển sinh, tăng chất lượng công tác tuyển sinh, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học, giảm số học sinh trái tuyến, giảm số học sinh/lớp; tăng số học sinh được học 2 buổi/ ngày.
Nhiều trường học mới được xây
Video đang HOT
Cùng với biện pháp tuyển sinh hợp lí, trước thềm năm học 2019-2020, tại Hà Nội đã có nhiều trường học được xây mới đã được đưa vào sử dụng trong năm học này.
Theo ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội), trong năm 2019, theo chỉ đạo của TP Hà Nội, các quận huyện phải rà soát, cải tạo cơ sở vật chất hiện có. Năm 2019, TP đầu tư cải tạo 239 trường, xây mới và cải tạo hơn 100 trường tại các quận, huyện.
Tại quận Thanh Xuân, năm học 2018-2019 có 5 trường công lập được xây mới và đưa vào sử dụng, có 5 trường tư thục được thành lập mới. Ngoài ra, một số trường cũng đã được sửa chữa, nâng thêm tầng, tăng số phòng học như: Tiểu học, THCS Kim Giang, Tiểu học Khương Đình, tiểu học Hạ Đình… Ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng Giáo dục đào tạo quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, số lượng trường học tăng đã góp phần giải bài toán quá tải ở các trường học. Đơn cử, tại địa bàn phường Thanh Xuân Trung, mùa tuyển sinh đầu cấp năm nay, sẽ có một số học sinh được điều chuyển sang học tại trường tiểu học Nguyễn Tuân được xây mới với quy mô tiếp nhận 1.080 học sinh.
Tại quận Hà Đông với dân số cơ học liên tục tăng trong các năm qua nên sĩ số học sinh/lớp ở quận này luôn cao, kéo theo đó là gánh nặng về trường lớp. Tuy nhiên, năm học 2018-2019, gánh nặng này cũng đã vơi đi phần nào khi có một số trường mới được đưa vào hoạt động. Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông cho biết, quận đã xây thêm 3 trường mới ở các khu đô thị như Xa La, Văn Phú, Vạn Phúc, Phú Lương, La Khê… Tương tự, quận Hai Bà Trưng thời gian qua cũng đã triển khai xây dựng mới các trường học tại các điểm đất nhận bàn giao từ TP như trường mầm non tại khu đất 622 Minh Khai; trường tiểu học Ngô Thì Nhậm (tại 67 Ngô Thì Nhậm); xây dựng trường THCS Lê Ngọc Hân (94 Lò Đúc)… Cũng theo kế hoạch, đến năm 2020 quận Cầu Giấy xây thêm 8 trường học.
Có thể thấy, năm nay áp lực tuyển sinh lớp 1 trên địa bàn TP Hà Nội đã giảm, tuy nhiên với những địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh vẫn sẽ xảy ra tình trạng quá tải cục bộ. Năm 2018, quận Hoàng Mai là một trong những nơi “ nóng” nhất về tuyển sinh lớp 1. Song năm nay, tình trạng này vẫn chưa được cải thiện. Theo bà Phạm Đàm Thục Hạnh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận, áp lực tuyển sinh ở một số nơi trên địa bàn quận, trong đó có phường Hoàng Liệt vẫn căng thẳng.
Đỗ Hòa
Theo haiquanonline
Tất cả các địa phương có cần thiết phải tựu trường sớm không?
Tại sao lại cứ bắt học sinh phải tựu trường sớm từ năm này qua năm khác để làm gì khi nó không mang lại những tác dụng cần thiết, thậm chí còn phản tác dụng?
Trong kế hoạch mỗi năm học của ngành giáo dục hiện nay có nhiều tuần lễ rất...vô duyên, không cần thiết nhưng nó cứ được lặp đi, lặp lại từ năm này qua năm khác. Đó là sau mỗi học kỳ có một tuần dự trữ và tuần tựu trường đầu năm học.
Dù tuần dự trữ rất cần thiết nhưng đa số các trường bây giờ thường kiểm tra học kỳ sớm nên kiểm tra xong còn mấy tuần lễ cộng với tuần dự trữ khiến cho cả thầy và trò cứ vất vưởng ở trong lớp.
Tuần tựu trường cũng vậy, suốt cả tuần giáo viên phải luân phiên vào "canh" học trò mà trò vào trường cũng chẳng biết để làm gì. Cứ ngồi chơi, nói chuyện phiếm với nhau hết buổi thì về.
Việc tựu trường sớm nhiều khi phản tác dụng (Ảnh minh hoạ: Hanoimoi.com.vn)
Các địa phương hiện nay thường tựu trường trước một tuần và trong tuần này thì theo lãnh đạo ngành giáo dục là giúp cho học sinh nắm được nội quy của nhà trường và làm quen với lịch học tập sau một kỳ nghỉ hè bởi sợ các em xao nhãng.
Vì thế, tuần tựu trường bao giờ cũng tập trung học sinh vào sớm hơn lịch học một tuần lễ. Thế nhưng, tuần này học sinh làm gì thì chẳng trường nào có kế hoạch cụ thể cho cả tuần.
Nhà trường chỉ có thể bố trí một buổi nhận học sinh mới ở khối đầu cấp còn những học sinh lớp cũ thì nếu nhà trường đảo lớp cũng đã dán danh sách vào bảng thông báo của nhà trường.
Học sinh nhìn danh sách biết mình sẽ vào lớp nào, thầy cô nào chủ nhiệm và cứ đến lớp đã được mặc định theo từng dãy học mà nhà trường đã dán bảng hiệu từ nhiều năm để vào lớp.
Vậy nên, chỉ cần một buổi là học sinh có thể làm quen với bạn mới, giáo viên chủ nhiệm mới và bầu hoặc bổ sung ban cán sự lớp. Những buổi sau chẳng biết làm gì bởi kế hoạch dạy và học phải tuân theo kế hoạch của Sở.
Thú thật, để làm quen với lớp, dặn dò học sinh chuẩn bị môn của mình những loại sách vở gì thì chỉ cần vài phút là xong nhưng những môn như Văn, Toán, Anh thì giáo viên phải vào quản lý lớp nhiều tiết liên tục như vậy thật chẳng có một chút ích lợi gì.Chính vì thế, Ban giám hiệu cắt cử mỗi giáo viên vào giữ lớp một vài tiết (đối với cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông) còn đối với tiểu học thì giáo viên chủ nhiệm phải vào "canh" học sinh suốt cả tuần trời.
Thầy thì chưa dạy, trò thì chưa học nên cũng chẳng đem sách vở theo. Nhiều lớp thầy trò tám chuyện với nhau một lúc rồi thầy và trò cùng ngồi bấm điện thoại để đốt thời gian vô bổ bởi chẳng biết làm gì trong tuần tựu trường.
Chỉ cần tập trung trước khoảng 2 ngày là đủ.
Với những trường đặc biệt khó khăn thì việc tựu trường sớm giúp cho nhà trường kiểm diện xem học sinh của mình còn những em nào chưa vào trường để đi vận động đến lớp.
Thế nhưng, những khu vực đô thị, những vùng đồng bằng bây giờ thì phụ huynh thường rất quan tâm đến việc học của con em mình. Vậy nên, khi nhà trường có kế hoạch tựu trường thì học sinh cũng thường vào lớp theo đúng kế hoạch.
Bởi, lịch tựu trường này thường được các trường đưa về các thôn, ấp, khu phố trước khi tựu trường.
Khi nhận được kế hoạch thì địa phương sẽ đọc các bản tin này qua loa phát thanh của khu vực mình và đương nhiên là phụ huynh và học sinh nắm được lịch cụ thể.
Hơn nữa, trong hè thì học sinh vẫn thường sinh hoạt hè nên các em nắm được lịch cụ thể về thời gian tựu trường của mình.Đó là chưa kể bây giờ mạng xã hội gần như mọi người đều có và đến thời điểm này thì giáo viên thường chia sẻ lên trang cá nhân nên không có phụ huynh nào không nắm được thông tin về ngày tựu trường.
Chính vì vậy, chỉ cần tập trung sớm 2-3 ngày là vừa để giáo viên chủ nhiệm có thể làm những việc cần thiết như cho học sinh bầu ban cán sự, chia tổ, phân công học sinh lau chùi, dọp dẹp vệ sinh lớp mình sạch sẽ là đủ.
Thời gian tựu trường ít sẽ không dẫn đến tình trạng học sinh chán khi vào lớp hoặc học sinh biết vào lớp cũng chẳng làm gì nên la cà nơi quán xá hay đi chơi đâu đó mà cả nhà trường và phụ huynh đều không quản lý được.
Có những mốc thời gian đã thành thói quen từ năm này qua năm khác nhưng thay đổi thói quen này cũng không hề khó và càng có lợi cho cả giáo viên và học sinh. Chỉ cần lãnh đạo cần lắng nghe, cần nhìn nhận thực tế một cách sâu sát là có thể đưa ra những kế hoạch phù hợp cho ngành của mình.
Việc tựu trường cũng vậy, chỉ cần tựu trường vài ngày, sau đó sẽ diễn ra lễ khai giảng năm học luôn thì nó vừa ý nghĩa và không có những khoảng "thời gian chết" trong những ngày đầu năm học.
Có những khu vực, có những trường cần tựu trường sớm để đảm bảo sĩ số của lớp nhưng đa số các trường bây giờ không phải lo học sinh bỏ học thì việc tựu trường sớm cần phải được điều chỉnh cho phù hợp.
Chỉ cần một điều chỉnh nhỏ là dẫn đến quyền lợi của hàng chục nghìn giáo viên và học sinh ở địa phương mình.
Tại sao lại cứ bắt học sinh phải tựu trường sớm từ năm này qua năm khác để làm gì khi nó không mang lại những tác dụng cần thiết, thậm chí còn phản tác dụng?
NGUYỄN CAO
Theo giaoduc.net
Học sinh Nghệ An tựu trường trước ngày khai giảng gần 3 tuần Trước ngày khai giảng, học sinh bậc THCS, THPT ở Nghệ An cũng sẽ chính thức bước vào tuần học đầu tiên của học kỳ I. UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Quyết định kế hoạch thời gian năm học 2019- 2020 của giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên. Năm học 2019 - 2020, Nghệ An bắt...