Hà Nội: Nhiều trường quá tải sĩ số, tự ý thu tiền trái quy định
Ban Văn hóa Xã hội, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, vừa có báo cáo về kết quả khảo sát công tác triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn thành phố. Theo đó, nhiều trường quá tải, tự ý đặt ra các khoản thu trái quy định.
Báo cáo về kết quả khảo sát công tác triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội chỉ rõ nhiều hạn chế.
Cụ thể, các trường công lập có sĩ số cao, trong đó, có lớp lên tới 60 cháu. Hiện nay, toàn thành phố có 19/772 trường mầm non công lập (chiếm 2%) có sĩ số từ 50 cháu trở lên/lớp; 87/697 trường tiểu học công lập (chiếm 14%) có sĩ số từ 50 học sinh trở lên/lớp; có 13/599 trường THCS công lập (chiếm 2%) có sĩ số từ 50 học sinh trở lên/lớp.
Bên cạnh đó, một số trường tự ý đặt ra những khoản, thực hiện thu xã hội hóa không đúng như: Thu tiền túi kiểm tra, photo tài liệu, tiền vệ sinh, thu tiền để mua bàn ghế, trái tuyến, thu tiền xã hội hóa điều hòa và thiết bị giảng dạy… gây bức xúc trong phụ huynh học sinh.
Ngoài ra, nhu cầu thực tế phát sinh một số khoản thu khác ngoài quy định như học câu lạc bộ, kỹ năng sống, lắp và điện điều hòa, học ngoại ngữ chuyên gia, trông giữ trẻ, học sinh ngoài giờ và thứ bảy… Các khoản này chưa được quy định và hướng dẫn cụ thể, vì vậy, nhiều đơn vị lúng túng trong triển khai thực hiện.
Nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội quá tải về sĩ số (Ảnh minh họa: Mỹ Hà).
Một số tồn tại khác như nhà vệ sinh chưa đảm bảo yêu cầu, việc triển khai phần mềm sổ liên lạc điện tử miễn phí do Sở GD&ĐT Hà Nội cung cấp còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho giáo viên và phụ huynh học sinh. Hiệu quả ứng dụng chưa cao, thường xuyên lỗi mạng, bảo mật thông tin thấp.
Cơ sở vật chất ở một số trường chưa đảm bảo điều kiện về công tác phòng cháy chữa cháy, bếp ăn chưa đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm.
Được biết, những năm gần đây, vấn đề tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội luôn khiến cả phụ huynh, nhà trường “đau đầu” bởi số lượng dân cư tăng đột biến, nhất là tại các khu chung cư.
Hiện Sở GD&ĐT Hà Nội đang tiếp tục cập nhật tình hình nhập học từ các trường cụ thể, qua đó chỉ đạo các quận, huyện bố trí tăng thêm các lớp, phòng học không để tình trạng một lớp quá đông.
Video đang HOT
Mặc dù đã rất cố gắng nhưng theo một số lãnh đạo Phòng GD&ĐT trên địa bàn Hà Nội, do học sinh (HS) tăng đến 30.000 em so với năm ngoái nên nhiều trường học áp lực về sĩ số.
Một số trường tự ý thu sai quy định khiến phụ huynh bức xúc (Ảnh: Mỹ Hà).
Theo thống kê, tại một số trường trong khu dân cư mới như Hoàng Mai, Nam Từ Liêm…, sĩ số HS lớp 1 lên tới trên 60 HS/lớp.
Con số đưa ra tại hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm học 2018 – 2019 cấp tiểu học do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức mới đây khiến nhiều người giật mình.
Một số trường tiểu học ở Hà Nội, sĩ số nhiều lớp học lên tới trên 60 HS/lớp như: Trường Tiểu học Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), có lớp sĩ số lên tới 68 HS. Trường Tiểu học Dịch Vọng (quận Cầu Giấy), sĩ số 60 HS. Trường Tiểu học Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân), sĩ số 69 HS. Trường Tiểu học Nguyễn Trãi là 64-66 HS.
Một số trường tiểu học tại khu vực quận Thanh Trì, Hoàng Mai, Thanh Xuân năm nay sĩ số các lớp 1 cũng đều tăng so với mọi năm. Một số trường có sĩ số 64-65 HS.
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Đắk Nông: Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên theo kiểu... cầm cự
Thiếu giáo viên, dẫn đến tình trạng quá tải ở các lớp học, thậm chí ở một số huyện, nhiều trẻ vẫn chưa được đến trường. Do không có chỉ tiêu biên chế nên để giải quyết tình trạng trên, tỉnh Đắk Nông phải dùng các biện pháp trước mắt để đáp ứng nhu cầu dạy và học.
Học sinh tăng, giáo viên kiêm... giữ trẻ
Tiếng chọc ghẹo nhau, trêu đùa của trẻ vang cả tận hành lang lớp học. Mặc cho cô giáo la hét, nhiều học sinh lớp lá, Trường mầm non Hoa Mai (xã Đắk Ha, huyện Đắk G'Long, Đắk Nông) vẫn chạy khắp nơi làm cho lớp học ồn ào, náo nhiệt.
Cô Nguyễn Thị Hồng, giáo viên (GV) trường Hoa Mai tâm sự, dù là nhiều năm kinh nghiệm đấy, nhưng vì lớp đông quá, một mình cô cũng không thể nào quản hết được, nhất là các tiết sinh hoạt góc. "Lớp 41 cháu, một mình phải làm gấp đôi công việc so với quy định nên nhiều hôm về mệt rã rời. Điều tôi lo lắng hơn là thay vì tập trung giáo dục và chăm sóc thì bây giờ nhiệm vụ của các cô là trông trẻ".
Tranh thủ sáng sớm, hai giáo viên trường mầm non Hoa Mai làm dụng cụ học tập cho học sinh.
Đây không chỉ là điều trăn trở của cô Hồng mà là nỗi lo chung của 15 GV trong trường khi mỗi cô được giao phụ trách một lớp. Cô Lê Thị Lan, phó hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Mai thở dài: "Trường hiện có 410 trẻ theo học ở 13 lớp. Dù quy định mỗi lớp phải có 2 GV phụ trách nhưng hiện nay trường chỉ có 15 GV. Với việc bố trí 1 GV/lớp, lại phải thực hiện dồn lớp nên gần như lớp nào cũng "quá tải". Lớp ít nhất cũng 40 cháu, vượt quá quy định từ 5-10 cháu/lớp. Hiện nay chỉ có 2 lớp lá có đủ GV theo quy định, 4 lớp lá còn lại chỉ có 1 GV đứng lớp. Trường rất lo ngại về chất lượng phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi vào cuối năm".
Tương tự, cô Hà Thị Biến, phó hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Lan (xã Đắk R'măng, huyện Đắk G'Long) cho biết: "Dựa trên điều kiện thực tế, vào đầu năm học, trường không thể nhận hết lượng trẻ đăng ký mà chỉ ưu tiên cho trẻ 5 tuổi, tiếp đến là 4 tuổi. Dù đã thực hiện dồn lớp nhưng hiện tại vẫn còn khoảng 220 trẻ trong độ tuổi chưa được đến trường. Với số lượng 223 trẻ, trường đã phân chia ở 8 lớp, nhưng chỉ có 10 GV. Khi có GV bị ốm đau thì phải dồn lại 2 lớp/1 cô giáo. Thật sự rất căng thẳng".
Theo ông Trần Nam Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk G'Long, toàn huyện hiện thiếu 325 GV; trong đó bậc mầm non thiếu nhiều nhất với 194 GV, bậc tiểu học thiếu 82 GV và bậc THCS thiếu 49 GV.
Đối với bậc mầm non, dù đã thực hiện dồn lớp, giảm GV/lớp nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ở các trường. 5 năm gần đây, số lượng học sinh hàng năm luôn tăng từ 1.000-1.600 cháu. Như vậy là tăng khoảng trên 7.000 cháu, trong khi đó, số biên chế GV không được bổ sung thêm. Huyện cũng đã thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục nhưng hiện nay gần như không thể đáp ứng được nhu cầu. Toàn huyện vẫn còn gần 1.000 trẻ, tập trung các cháu 3-4 tuổi vẫn chưa được đến trường.
Nhiều trẻ chưa đến trường do thiếu cơ sở vật chất, giáo viên (ảnh minh họa)
Cũng theo ông Thuần, theo như tính toán của các cấp thì số lượng GV được tính trên tổng số lượng học sinh toàn huyện để giao biên chế. Như vậy số lượng GV thiếu sẽ ít hơn thực tế. Trong khi đó, đặc thù của địa phương địa bàn rộng, dân cư không tập trung, tỷ lệ trẻ tăng cơ học cao nên phải có nhiều điểm trường. Các điểm trường lại ở cách nhau nên nhiều nơi không thể thực hiện dồn lớp để bảo đảm số GV trên lớp theo quy định. Vì vậy, trong khi rà soát, các cơ quan liên quan cần dựa vào điều kiện thực tế mới có thể giúp địa phương giải quyết được "bài toán" thiếu GV hiện nay.
"Cầm cự" dạy và học
Vì thiếu GV và để bảo đảm duy trì dạy và học, ngành Giáo dục Đắk Nông đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, những giải pháp này cũng còn nhiều bất cập, theo kiểu "cầm cự", càng thêm chồng chất khó khăn.
Năm học 2018-2019, Trường THCS Hoàng Văn Thụ ở xã Quảng Sơn (huyện Đắk G'Long) có 1.230 học sinh ở 30 lớp. Với 42 biên chế GV, trường không thể phân phụ trách số tiết đúng theo quy định vì hiện trường còn thiếu 16 GV. Vì vậy, trường buộc phải tổ chức "dạy kê, dạy gác" nhằm bảo đảm cho học sinh học đúng theo chương trình. Thay vì dạy 19 tiết/tuần theo quy định thì mỗi GV phải đảm nhận bình quân trên 30 tiết/tuần.
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhiều trường phải tăng sĩ số lớp (ảnh minh họa)
Thầy Nguyễn Đức Hưng, dạy môn Tin học cho biết: "Mỗi tuần tôi đều dạy 33 tiết, vượt 14 tiết, phải đứng lớp cả ngày nên rất mệt mỏi, có lúc dạy về nói không ra tiếng. Nếu kéo dài tình trạng này, tôi nghĩ về sức khỏe chắc không chịu nổi".
Thầy Lê Xuân Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Văn Thụ cho biết, năm nay vì thiếu GV, trường buộc phải tiếp tục dạy tăng khoảng trên 5.000 tiết. Với số tiết này dự kiến kinh phí chi trả lên khoảng trên 1,5 tỷ đồng, trong khi số tiền dạy kê dạy gác năm trước vẫn chưa thanh toán.
Thị xã Gia Nghĩa cũng là một trong những địa phương loay hoay tìm phương án cho việc thiếu GV để đáp ứng nhu cầu dạy học tối thiểu cho các bậc học. Để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn, năm học 2017-2018, thị xã phải thực hiện hợp đồng thêm 106 GV từ kinh phí của địa phương. Do không có quy định chi trả nên việc giải quyết chi trả cho số GV hợp đồng nói trên rất khó khăn, nhiều GV đi dạy không có lương.
Năm học 2018-2019, thị xã tăng gần 1.000 học sinh các bậc học, rút kinh nghiệm việc thực hiện hợp đồng, năm nay địa phương này chuyển qua hình thức xã hội hóa để chi trả cho số GV hợp đồng còn thiếu.
Trong khi đó tại huyện Cư Jút, về cơ bản tình trạng thiếu GV không nóng như những địa phương còn lại, hiện chỉ thiếu ở bậc mầm non, và thừa cục bộ ở một số cấp học khác. Để khắc phục tình trạng này, nhiều GV, nhân viên dôi dư tự đăng ký đi học bổ túc kiến thức rồi xin chuyển xuống công tác ở bậc mầm non.
Theo Sở GD-ĐT Đắk Nông, năm học 2018-2019, toàn tỉnh có 11.872 GV, trong đó có 11.544 biên chế. Tính theo định mức, toàn ngành hiện thiếu 1.093 biên chế. Riêng bậc mầm non thiếu 839 biên chế, trong đó bậc mẫu giáo thiếu nhiều nhất với 783 biên chế và nhà trẻ thiếu 56 biên chế.
Theo Dân trí
Bạn đọc viết: "Mẹ ơi, con không muốn đi học, lớp đông các bạn quá!" Đến trước cửa lớp, con gái tôi thỏ thẻ trong nước mắt: "Mẹ ơi, con không muốn đi học, lớp đông các bạn quá!". Câu nói của con như thức tỉnh tôi, tôi nhìn vào lớp học, lố nhố, đông đúc bao nhiêu là bạn nhỏ cùng độ tuổi lên ba như con gái tôi... Ảnh minh họa Năm học mới đã vào...