Hà Nội muốn có nhiều trường học đẳng cấp quốc tế
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, thủ đô có nhiều lợi thế để xây dựng những trường học chất lượng cao.
Tại buổi làm việc của lãnh đạo Thành ủy Hà Nội với Sở Giáo dục và Đào tạo sáng 17/4, nhiều ý kiến liên quan đến quá tải trường lớp, tuyển sinh trái tuyến, chất lượng đào tạo… được đại biểu đề cập.
Cơ sở vật chất hiện đại của trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Ảnh: Quang Xuân.
Bà Hoàng Thanh Hương (Trưởng phòng Giáo dục mầm non) cho hay, giáo dục mầm non của Hà Nội quy mô lớn nhất cả nước. Thành phố đã xây mới nhiều trường, nhưng với số lượng trẻ đi học đông, dân số cơ học tăng nhanh nên vẫn thiếu trường mầm non công lập tại một số khu công nghiệp, khu đô thị.
Không chỉ mầm non, việc tăng dân số cơ học ở một số địa bàn cũng gây khó cho bậc phổ thông, nhất là trong tuyển sinh đầu cấp. Ngoài ra, theo ông Phạm Quốc Toản (Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng), có một số lý do chủ quan dẫn tới khó khăn trong tuyển sinh như: Sự phối hợp của một số ban ngành trong điều tra số trẻ còn thiếu chặt chẽ; khó tiếp cận để điều tra cơ bản trước mùa tuyển sinh ở chung cư cao cấp do cần có thẻ đi lại; một bộ phận cha mẹ đăng ký trực tuyến nhưng không nhập học gây ra học sinh ảo.
Lý giải việc thiếu trường, lớp dẫn tới sĩ số nhiều lớp tới 60 (trong khi quy định là 35 em/lớp), Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Ngọc Quang cho rằng sau 10 năm hợp nhất Hà Nội và Hà Tây, học sinh tăng 41% còn số phòng học tăng 35-36%. Để giải quyết bất cập trên, ông đề xuất các đơn vị liên quan của thành phố ủng hộ để quy hoạch mạng lưới các trường sớm được thông qua.
Video đang HOT
Khó giải quyết học trái tuyến bằng “mệnh lệnh hành chính”
Liên quan đến vấn đề tuyển sinh trái tuyến, Phó giám đốc Lê Ngọc Quang cho hay, Sở đã nhiều lần phổ biến nhưng có những quận, huyện chưa thực hiện nghiêm túc. “Nhiều trường có số học sinh trái tuyến rất cao, ví dụ một trường THCS ở quận Ba Đình có số học sinh trái tuyến 30-35%; trường tiểu học ở quận Đống Đa tỷ lệ lên tới hơn 50%”, ông Quang nói.
Thư viện của trường THPT Chu Văn An, Hà Nội, ngôi trường được xây dựng hơn 100 năm trước. Ảnh: Giang Huy.
Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, ông Phạm Văn Đại cho rằng trường có số học sinh trái tuyến đông vì chất lượng dạy, cơ sở vật chất tốt nên nhiều phụ huynh muốn con em mình được học. “Thực tế là vậy nên giải quyết bài toán trái tuyến bằng mệnh lệnh hành chính rất khó, phải có biện pháp khác”, ông Đại nói. Một trong những “biện pháp khác” mà ông Đại nói đến là xây dựng hệ thống trường công lập chất lượng cao tự chủ như Hà Nội đang làm.
Theo ông Đại, Hà Nội có lợi thế dẫn đầu cả nước về giáo dục như nguồn nhân lực cao, nhiều gia đình có tiềm lực kinh tế đầu tư cho con em học hành, nhưng so với một số nước giáo dục thủ đô vẫn hạn chế. Ví dụ quy hoạch mạng lưới trường lớp, tầm nhìn cho giáo dục thủ đô chưa tương xứng. Nhiều năm qua thành phố mới xây được trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam “đẹp đẽ theo dáng dấp nước ngoài”, trước đó thành phố có trường THPT Chu Văn An từ thời Pháp.
“Nhìn lại trường trong thành phố, chúng ta chưa có trường nào ngang tầm Singapore. Phải quy hoạch được các trường có đẳng cấp khu vực”, ông Đại bày tỏ mong muốn.
Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, thành phố hiện có hơn 2.700 trường mầm non, phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp (tăng 70 trường so với năm học 2017-2018) với hơn 58.000 nhóm lớp và gần 2 triệu học sinh.
Trong đó, trường công lập có gần 44.000 nhóm lớp với hơn 1,7 triệu học sinh; trường tư thục có hơn 14.500 nhóm lớp với hơn 256.000 học sinh (tăng hơn 90.000 học sinh so với năm học trước). Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành Giáo dục của thành phố là hơn 155.000.
Võ Hải
Theo VNE
Hà Nội hạn chế tối đa tuyển sinh trái tuyến năm học 2019-2020
Tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều qua (16/4), Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Phạm Văn Đại cho biết, năm nay, TP tiếp tục thực hiện 2 hình thức tuyển sinh mầm non, lớp 1 và lớp 6 là trực tuyến thông qua Cổng điện tử https://tsdaucap.hanoi.gov.vn và trực tiếp tại các trường.
Hình minh họa
Về phương thức, thực hiện xét tuyển theo tuyến tuyển sinh do UBND quận, huyện, thị xã phê duyệt. Đối với các trường THCS tuyển sinh theo Đề án "Thí điểm đào tạo song bằng THCS Việt Nam và chứng chỉ IGCSE Cambridge tại trường THCS trên địa bàn TP Hà Nội", việc tuyển sinh được thực hiện theo phương thức kiểm tra, đánh giá năng lực. Đối với trường THCS chất lượng cao, tuyển sinh lớp 6 không theo tuyến và có số học sinh đăng ký vượt chỉ tiêu sẽ thực hiện xét tuyển hoặc kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực.
Đối với tuyển sinh vào lớp 10 THPT, theo số liệu thống kê, năm nay, số lượng học sinh dự xét tốt nghiệp là 101.453 học sinh và dự kiến số học sinh đăng ký dự thi khoảng 90.000 học sinh (ít hơn năm học trước gần 5.000 học sinh); số điểm thi dự kiến khoảng 190 với gần 3.900 phòng thi.
Với tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên, việc tuyển sinh được thực hiện theo phương thức thi tuyển vào lớp 10 THPT công lập, lớp 10 không chuyên Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT Sơn Tây. Thời gian thi tuyển sinh là ngày 2/4/2019, buổi sáng thi môn Ngữ văn, buổi chiều thi môn Toán, sáng ngày 3/6 thi môn Ngoại ngữ và Lịch sử.
Sau khi công bố kết quả thi và điểm chuẩn, học sinh phải thực hiện thao tác xác nhận nhập học từ ngày 20/6 đến ngày 22/6/2019 theo 2 hình thức là trực tuyến hoặc trực tiếp. Với hình thức trực tuyến, đến 24h00 ngày 22/6/2019, tài khoản của học sinh sẽ được hệ thống tự động khóa, học sinh không thể thay đổi nguyện vọng trúng tuyển. Việc tuyển sinh bổ sung và nộp hồ sơ nhập học được thực hiện từ ngày 1 đến ngày 15/7/2019.
Đáng chú ý, năm nay, Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định sẽ kiểm soát chặt chẽ để hạn chế ở mức cao nhất việc tuyển sinh trái tuyến của các trường trên địa bàn, đặc biệt đối với các trường đã tuyển đủ chỉ tiêu được giao. Nếu sỹ số học sinh/lớp vượt quá quy định phải báo cáo Sở, không để xảy ra hiện tượng quá tải học sinh ở các trường học.
Minh Ngọc
Theo baophapluat
Du học: Đường thẳng và đường vòng? Theo anh Lê Nam - Nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Dublin, Ireland, đa phần các bạn trẻ Việt thường thích đi du học ở các nước Mỹ, Anh, Tây Âu... Tuy nhiên, việc nộp hồ sơ sang các quốc gia này vô cùng cạnh tranh. Do đó, bạn trẻ phải cân nhắc kỹ lưỡng mình là ai, nguồn lực của...