Hà Nội kiên trì các giải pháp kiềm chế lạm phát
Ngày 30-5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chủ trì phiên họp UBND TP tháng 5-2013 thảo luận về tình hình phát triển kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Theo Sở KH-ĐT, 6 tháng đầu năm kinh tế Thủ đô vẫn duy trì tăng trưởng, lạm phát được kiểm soát thấp hơn cùng kỳ năm trước. GDP Hà Nội ước tăng 7,5% song chưa có dấu hiệu bứt phá, khi quý II chỉ tăng 7,4%, thấp hơn quý I (7,5%) và cùng kỳ năm trước (7,9%).
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã chỉ rõ những nguyên nhân chủ quan cần khắc phục, nhất là sự thiếu linh hoạt trong chỉ đạo điều hành. Nhận định tình hình những tháng cuối năm còn nhiều khó khăn, Chủ tịch UBND TP đề nghị các ngành, các cấp của TP cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá. Đó là triển khai đồng bộ 7 nhóm giải pháp hỗ trợ thị trường tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh gắn với giải quyết việc làm. Đồng thời kiên trì thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, duy trì kiểm soát giá cả thị trường.
Theo ANTD
Hà Nội chủ động, quyết liệt hỗ trợ doanh nghiệp
Ngày 8-4, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị lần thứ 12 để cho ý kiến về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng cuối năm.
Doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ để vượt qua giai đoạn khó khăn
Theo đánh giá của Thành ủy, quý I-2013, kinh tế Thủ đô có mức tăng cao hơn và mức lạm phát thấp hơn so với cùng kỳ năm 2012. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GDP) ước tăng 7,5%, cao hơn mức 7,3% của năm 2012. Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng, tương ứng 0,3% và 2,9% so với cùng kỳ. Hoạt động du lịch tiếp tục phát triển, khách tham quan đến Hà Nội tăng 12,7%, trong đó, khách quốc tế đạt 425 nghìn lượt, tăng 18,9% so với quý I-2012. Đặc biệt, ngành nông nghiệp sau thời gian tăng trưởng âm thì đến quý I năm nay cũng tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước...
Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp, xây dựng tiếp tục gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng thấp hơn mức tăng cùng kỳ, đạt 7,3% (so với mức 7,9% quý I-2012). Theo thống kê của 45 sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 3 tháng đầu năm, có 25 sản phẩm giảm sản lượng, trong đó, có 5 sản phẩm giảm tới 60%. Tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong quý I khoảng 3.700 doanh nghiệp (DN) với số vốn là 15.100 tỷ đồng (bằng 79% số DN và 93% về số vốn so với quý I-2012). Lũy kế đến hết tháng 3-2013, toàn TP có 2.271 DN ngừng hoạt động (tăng 19% so với cùng kỳ). Cùng với đó, tổng dư nợ tín dụng tính đến cuối tháng 3 ước đạt 624.250 tỷ đồng, giảm 4,39% so với tháng 12-2012. Nợ xấu có xu hướng gia tăng, tính đến cuối tháng 2-2013 là 6,29%.
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, các đại biểu đã tập trung làm rõ một số hạn chế, yếu kém; đồng thời đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất khắc phục khó khăn nhằm giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội. Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Thắng dự báo tình hình chung năm 2013 vẫn khó khăn, nợ xấu sẽ tăng, thị trường hàng hóa tiếp tục thay đổi, người tiêu dùng sẽ đắn đo hơn khi mua sắm. Ông đề nghị ngành ngân hàng cần phải vào cuộc hỗ trợ DN, đặc biệt là giúp đỡ các DN tư nhân tiếp cận vốn vay.
Bí thư quận ủy Hoàn Kiếm, ông Hoàng Công Khôi cho biết, trong quý I, trên địa bàn quận có trên 300 DN giải thể, một số DN khác lâm vào cảnh khó khăn ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách. Bí thư huyện ủy Thanh Oai, bà Phùng Thị Hồng Hà cũng khẳng định, DN đang rất khó khăn khi hơn 60% DN trên địa bàn kê khai không có doanh thu hoặc không có lãi.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo yêu cầu các cấp, ngành phải chủ động, quyết liệt, năng động và sáng tạo hơn trong việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng cao, giải quyết nhiều việc làm, kiềm chế lạm phát tốt hơn trong quý tới. Trong đó, chú trọng vào nhóm giải pháp, hỗ trợ thị trường, giải quyết hàng tồn kho, xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP lưu ý các sở, ngành tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, đơn thư khiếu nại tố cáo và đặc biệt là kiến nghị chính đáng của nhân dân bằng cách vận dụng tất cả những quy định, cơ chế chính sách và điều kiện có thể, giải tỏa các "điểm nóng" không đáng có.
Kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, tất cả các cấp, ngành, địa phương cần phát huy những kết quả kinh tế- xã hội đã đạt được trong 3 tháng đầu năm; nhất là tập trung tạo những chuyển biến rõ nét trong "Năm kỷ cương hành chính - 2013" ở những khâu quan trọng như cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Các đơn vị cũng cần đẩy mạnh phân tích nguyên nhân và tìm ra những giải pháp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) của thành phố; làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng... Đồng chí Bí thư Thành ủy nói: "Cái khó là phải có được sự đồng thuận, đặc biệt là sự quyết tâm, quyết đoán. Nếu cứ chần chừ, thời cơ sẽ trôi qua...".
Cùng ngày, Thành ủy đã thảo luận về Kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2013; Kết quả công tác quy hoạch cán bộ diện Trung ương và Ban Thường vụ Thành ủy quản lý nhiệm kỳ 2015 - 2020; Sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".
Theo ANTD
Hà Nội siết chặt kỷ luật làm việc Ngày 25-3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu siết chặt thực hiện Quy chế làm việc của UBND TP. Theo đó, Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải thực hiện trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu đơn vị. Đồng thời, chủ động kiểm tra...