Hà Nội: Kiểm điểm sở chậm triển khai trường chất lượng cao
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa có yêu cầu Sở GD&ĐT “nghiêm túc kiểm điểm” việc chậm triển khai trường chất lượng cao (dự kiến thu học phí tối đa là 3,2 triệu đồng/tháng).
Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, việc thực hiện, xây dựng trường chất lượng cao là theo Nghị quyết của HĐND Thành phố và Quyết định của UBND Thành phố, nhưng đã chậm được triển khai so với tiến độ.
Theo đó, việc xây dựng trường chất lượng cao là việc làm được Luật Thủ đô quy định, có chỉ đạo thực hiện từ Trung ương đến Thành phố. “Tuy nhiên công tác tuyên truyền, nhận thức việc xây dựng trường chất lượng cao Ngành làm chưa tốt nên một số cán bộ quản lý, giáo viên trong Ngành chưa nhận thức đầy đủ, thậm chí còn gây khó khăn trong việc đăng ký, tổ chức thực hiện”. – bà Ngọc nhấn mạnh.
Cụ thể, Ban Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chậm ban hành cơ chế tài chính đối với trường chất lượng cao nên việc hướng dẫn cơ chế tài chính vẫn chưa thực hiện được, chưa báo cáo kịp thời để UBND Thành phố có ý kiến chỉ đạo, xử lý.
Sở Giáo dục và Đào tạo cũng bị Phó Chủ tịch UBND Thành phố phê bình Sở Giáo dục và Đào tạo đã chưa cụ thể công việc, chưa bám sát vào Nghị quyết của Hội đồng nhân dân và Quyết định của UBND Thành phố để chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện xây dựng trường chất lượng cao, chưa có biện pháp kiên quyết để các trường thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
Video đang HOT
Song song với việc phê bình Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, bà Phó Chủ tịch UBND Thành phố cũng yêu cầu các ngành, các cấp cần quán triệt việc xây dựng trường chất lượng cao là một chủ trương mới, là điểm nhấn trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội ngị lần thứ tám, Ban chấp hành Trung ương Khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, nhằm tạo cho Thành phố phát triển nhiều loại hình, nhièu dịch vụ giáo dục tiếp cận nền giáo dục tiên tiến của khu vực và thế giới nhằm giúp người học được lựa chọn, thụ hưởng giáo dục đào tạo theo khả năng của mình.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, việc xây dựng trường chất lượng cao là trách nhiệm chính của ngành Giáo dục và Đào tạo, các ngành khác tham mưu phối hợp, khẩn trương cụ thể Kế hoạch thực hiện việc xây dựng trường chất lượng cao theo tiến độ, trước ngày 15/4/2014 trình UBND Thành phố các Đề án trường chất lượng cao năm học 2013 – 2014 để UBND Thành phô công nhận theo quy định, đồng thời xây dựng kế hoạch xây dựng trường chất lượng cao năm học 2014 – 2015, báo cáo UBND Thành phố.
Bà Phó Chủ tịch Thành phố giao Sở Tài chính cùng Sở Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện, ban hành ngay văn bản về cơ chế tài chính đối với trường chất lượng cao để các cơ sở giáo dục có căn cứ thống nhất thực hiện.
Ảnh minh họa
Chủ trương xây dựng trường chất lượng cao từng gây nhiều phản ứng
Năm 2013, thông tin về việc Thành phố Hà Nội sẽ nâng cấp một loạt trường công thành trường chất lượng cao với mức học phí “ngất ngưởng” đã khiến dư luận có nhiều phản ứng lo ngại, bức xúc. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, các trường công lập chất lượng cao sẽ chỉ phục vụ được cho con nhà giàu (học phí dự kiến là khoảng trên 3 triệu đồng/tháng); là lấy bất công để tạo sự công bằng; là chưa phù hợp với Luật giáo dục… Đặc biệt, nhiều ý kiến tỏ ra hoài nghi rằng, liệu ở trường chất lượng cao, học phí có tương xứng với chất lượng dạy và học, hay chỉ là “thêm điều hòa máy lạnh, bể bơi…?”
Nói về chủ trương “biến” trường công thành trường chất lượng cao, thu học phí cao, Phó Giáo sư Văn Như Cương từng nói rằng: “đã là trường công thì không nên có sự phân biệt đối xử”. Phó Giáo sư cũng đã phải thốt lên: “rồi đây, giáo dục của chúng ta sẽ đào tạo ra ít nhất hai loại học sinh: “Học sinh chất lượng cao” và “học sinh hạng bét”?”
Còn ngay tại cuộc họp mới đây của sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội, một số ý kiến vẫn tiếp tục cho biết rất khó khăn trong việc chọn một trường công lập chuyển thành trường chất lượng cao không nằm trong tuyến tuyển sinh của xã hay quận để chỉ tuyển sinh theo nhu cầu của phụ huynh. Có ý kiến cho rằng, cách tốt nhất là xây mớih oàn toàn một trường chất lượng cao.
Trước đó, theo Nghị quyết quy định về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn Hà Nội được HĐND TP. Hà Nội thông qua tháng 7/2013, trong năm học 2013-2014, mức trần học phí đối với trường mầm non, tiểu học trên địa bàn Hà Nội được quy định là 2.900.000 đồng, trường THCS và PTTH là 3.000.000 đồng.
Tiếp đó, năm học 2014-2015, mức trần học phí đối với trường mầm non, tiểu học được quy định là 3.200.000 đồng, trường THCS và PTTH là 3.400.000 đồng.
Cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao sẽ thỏa thuận với phụ huynh học sinh về chủ trương, mức thu, nội dung thu, chi trên cơ sở thu đủ bù chi có tích lũy một phần để tăng thu nhập cho cán bộ, giáo viên và người lao động tham gia dịch vụ.
Toàn bộ số tiền thu học phí của cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao được gửi vào Kho bạc Nhà nước. Các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao tổ chức thực hiện công tác kế toán, thống kê học phí theo quy định, thực hiện các yêu cầu về thanh tra, kiểm tra của cơ quan tài chính và cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của thông tin và tài liệu cung cấp.
Theo Vietnamnet