Hà Nội: Khan hiếm SGK đầu cấp, “cò” găm hàng, tăng giá
Không những TP Hồ Chí Minh, tại Hà Nội, một số phụ huynh phản ánh thiếu một số SGK đầu cấp như SGK lớp 1, lớp 6. Một số nhà sách nhỏ thấy “khan” sách nên đã tranh thủ “ôm” một số cuốn và tăng giá.
Cò “găm” SGK, tăng giá
Mặc dù chưa đến ngày khai giảng nhưng theo phản ánh của một số phụ huynh, tình trạng khan hiếm một số cuốn SGK đầu cấp của lớp 1, lớp 6.
Chị T. Minh (khu đô thị Linh Đàm) cho biết, năm nay hai con chị vào lớp 1. Chị chủ quan cho rằng SGK vẫn thoải mái như mọi năm nên mấy hôm nay mới đi mua. Không ngờ, chị lùng sục đến mấy nhà sách đều không đầy đủ bộ.
Tại cửa hàng SGK của NXB Giáo dục ở số 45 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, khi tìm hỏi mua một số cuốn sách Mỹ thuật vào lớp 1, nhân viên nhà sách cho biết cuốn này vừa hết.
Nhân viên ở đây cũng cho hay, thông thường khoảng tháng 9, tình trạng thiếu SKG mới diễn ra vì người dân đồng loạt đi sắm. Tuy nhiên, năm nay, mặc dù mới giữa tháng 8 nhưng đã có tình trạng thiếu một số cuốn sách hoặc sách về không kịp so với nhu cầu.
Ở một số cửa hàng sách nhỏ đối diện nhà sách số 45 Lý Thường Kiệt – nơi được mệnh danh là “đầu bảng” tại Thủ đô về SGK của NXB Giáo dục, một số “cò” tay ôm một số cuốn SGK lớp 6 đi bán dạo. Đặc biệt, một số cuốn bị hét giá 40.000 đ trong khi giá niêm yết chỉ 21.000 đồng/cuốn.
Trong vai một người đi mua sách, ngay bãi gửi xe, PV đã được “cò” “chăn dắt” với lời quảng cáo, cần sách gì cũng có. “Đợt này nhà sách đang khan hiếm sách giáo khoa và bài tập lớp 6 nên giá thường rất cao”, một phụ nữ tay ôm tập sách, mồm liến thoắng.
Khi được hỏi giá vài ba cuốn sách Toán, Ngữ văn, Vật lý lớp 6 (cả tập 1 và 2), một phụ nữ khác cho biết, trong nhà sách hiện không còn những cuốn này, chỉ có ở đây nhưng giá mỗi quyển 40.000 đồng”.
“Cò” SGK đầu cấp trước cửa nhà sách 45 Lý Thường Kiệt, Hà Nội (Ảnh: Đ.T).
Video đang HOT
Trao đổi với PV Dân trí ngày 20/8, ông Nguyễn Văn Tùng – Phó Tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam cho hay, nguyên nhân của việc thiếu SGK đầu cấp là do năm nay có sự đột biến về số lượng học sinh ở một vài địa phương, trong đó có Hà Nội, nên ở một vài cửa hàng bán SGK nhỏ lẻ có hiện tượng thiếu SGK tạm thời.
Để khắc phục tình trạng đó, NXB đã khẩn trương cung ứng bổ sung SGK, phục vụ đầy đủ nhu cầu của học sinh trước ngày khai giảng.
Cũng theo ông Tùng, giống như các năm học trước, để phục vụ tốt năm học mới này, một mặt NXB đảm bảo giá SGK được giữ nguyên. Đồng thời NXB xây dựng kế hoạch in và phát hành SGK dựa vào số lượng đặt mua SGK của các Công ty Sách – TBTH địa phương cũng như căn cứ vào thực tiễn phát hành SGK các năm học trước.
Tính đến ngày 15/8/2018, NXB GDVN đã phát hành trên 100 triệu bản SGK, đạt 102% kế hoạch.
Theo NXB Giáo dục, nguyên nhân “khan” SGK là do học sinh tăng đột biến. (Ảnh: Hoài Nam).
Cùng với đó, NXB thành lập các đoàn giám sát việc phát hành sách giáo dục tại các địa phương trong cả nước, đảm bảo không để xảy ra thiếu sách, sốt sách; lập nguồn SGK dự phòng để có thể kịp thời phục vụ học sinh ở một số địa phương trong trường hợp xảy ra thiên tai lũ lụt.
Đồng thời, NXB tiếp tục thực hiện chủ trương của Bộ GD&ĐT vận động HS sử dụng SGK cũ, quyên góp SGK cũ tặng HS nghèo, HS có hoàn cảnh khó khăn, tặng sách cho thư viện trường học, cho tủ SGK dùng chung.
Với việc phối hợp nhiều giải pháp đồng bộ, đến thời điểm này về cơ bản việc phục vụ SGK cho học sinh trên cả nước đón năm học mới 2018 – 2019 đã đầy đủ, đảm bảo không có học sinh nào phải bỏ học vì thiếu SGK.
Không riêng Hà Nội, như Dân trí đã đưa tin trước đó, ngày 20/8, học sinh tại TP Hồ Chí Minh bắt đầu năm học mới. Tuy nhiên, việc thiếu SGK đầu cấp cũng diễn ra cục bộ ở một số lớp đầu cấp.
Cụ thể, ngoài việc thiếu SGK lớp 1 cũng ghi nhận, nhiều đầu sách các khối đầu cầu như lớp 6, lớp 10 tại thị trường THPT cũng bị thiếu. Các công ty phát hành sách tại TPHCM thông tin, năm nay số lượng SGK về nhiều nhưng nhu cầu tăng một cách đột biến, các nhà sách liên hệ đặt thêm sách từ NXB Giáo dục và đang chờ nguồn sách phân phối để cung ứng cho thị trường trong những ngày tới.
Trao đổi với PV Dân trí về nguyên nhân thiếu SGK đầu cấp ở TP Hồ Chí Minh, tiến độ rà soát và cung ứng SGK cho địa phương này tới đâu, đại diện NXB Giáo dục Việt Nam cho hay, đơn vị này đang xem xét và sẽ có câu trả lời sau khi rà soát.
Mỹ Hà
Theo Dân trí
NĂM HỌC 2018 - 2019: Cà Mau: Hàng nghìn học sinh không vào lớp 6, lớp 10 thì đi đâu?
"Số học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình năm học 2017 - 2018 là 20.730 em, còn số học sinh vào lớp 6 năm học 2018 - 2019 chỉ có 20.107 em, tính ra còn thiếu 623 em. Vậy hàng trăm em học sinh này đi đâu?", Chủ tịch tỉnh Cà Mau truy vấn ngành Giáo dục và các địa phương tỉnh này.
Học sinh tăng vì sinh "năm vàng"
Tại buổi họp thông tin về tình hình rà soát sắp xếp trường, lớp học và giáo viên do UBND tỉnh Cà Mau tổ chức mới đây (15/8), báo cáo về số học sinh (HS) tăng, giảm năm học 2018 - 2019 của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Cà Mau cho biết, tổng số HS tăng năm học 2018 - 2019 so với số lượng HS năm học 2017 - 2018 là 14.968 HS (trong đó, cấp Tiểu học tăng 5.298 HS, cấp THCS tăng 4.514 HS và cấp THPT tăng 4.969 HS).
Trong khi đó, số học sinh giảm năm học 2018 - 2019 so với số HS năm học 2017 - 2018 là 4.061 HS (trong đó, Mầm non giảm 1.131 HS, Tiểu học giảm 984 HS, THCS giảm 1.302 HS và THPT giảm 644 HS).
Báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau cho biết, nguyên nhân HS tăng là HS vào lớp 1 năm học 2018 - 2019 sinh vào năm 2012 (năm Nhâm Thìn), HS lớp 6 sinh vào năm 2007 (năm Đinh Hợi), HS lớp 10 sinh vào năm 2003 (năm Quý Mùi) thì theo truyền thống dân gian đây là những năm tốt nên tỷ lệ sinh tăng cao. Bên cạnh đó, tỷ lệ HS bỏ học đầu cấp (lớp 6, 10) năm học 2018 - 2019 giảm so với những năm học trước, nên số lượng HS tăng hơn.
"Một số học sinh chuyển trường ra ngoài tỉnh, học sinh bỏ học,... dẫn đến số lượng giảm. Ngoài ra, ở cấp học Mầm non, trẻ trong độ tuổi còn nhỏ, phụ huynh chưa đăng ký mà chờ khai giảng mới đăng ký cho con em đi học,...", báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau nhận định nguyên nhân giảm HS.
Giám đốc Sở Giáo dục Cà Mau, ông Nguyễn Minh Luân báo cáo tình hình rà soát học sinh năm học 2018-2019.
Hàng nghìn em học sinh đi đâu?
Trước con số HS tăng/giảm các cấp học mà Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau báo cáo, tại buổi họp nói trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải tỏ ra rất băn khoăn về số HS giảm ở đầu cấp. Trong đó, lo ngại nhiều em HS sau khi học hết lớp 5 (trung bình khoảng 10-11 tuổi) nhưng không vào học lớp 6.
Theo ông Nguyễn Tiến Hải, báo cáo cho thấy, số HS lớp 5 hoàn thành chương trình năm học 2017 - 2018 là 20.730 em, còn số HS vào lớp 6 THCS năm học 2018 - 2019 chỉ có 20.107 em, tính ra còn thiếu 623 em.
"Vậy hơn 600 em này đi đâu? Nếu chuyển ra ngoài tỉnh thì cũng một số nào thôi, không khéo các em bỏ học, mà mới lớp 5, lớp 6 bỏ học là không được rồi. Phải tạo mọi điều kiện, gia đình khó khăn thì hỗ trợ, phải vận động chứ không để các em không đi học được", ông Hải đề nghị rà soát lại.
Trong khi đó, số HS lớp 9 tốt nghiệp THCS năm học 2017 - 2018 là 15.593 em, còn số HS vào lớp 10 THPT năm học 2018 - 2019 là 13.335 em, tính ra còn thiếu 2.258 em.
"Con số hơn 2.200 này không vào lớp 10 thì ở đâu? Số này có thể phân luồng, có em đi học tiếp, có em đi học nghề, làm việc khác hoặc chuyển ra ngoài tỉnh nhưng đây là con số lớn, số nhiều nên cần phải rà lại, không khéo bỏ học lại căng. Từ ngành, huyện đến thành phố phải nắm rõ chứ không bỏ lửng số này được", Chủ tịch tỉnh Cà Mau yêu cầu quyết liệt.
Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân cho rằng, tỷ lệ bình quân HS THCS lớp 9 lên lớp 10 không năm nào dưới 12.000 em, thậm chí có năm tới 15.000 em. Nhưng khi tới thi tốt nghiệp THPT thì không năm nào đạt được 10.000 em. Cho nên số này có thể bỏ học, chuyển trường,... rất nhiều.
Theo ông Luân, con số 2.258 em lớp 9 không vào lớp 10 nói trên có thể học nghề, lao động tự do,... nhưng xét về tỷ lệ các em vào lớp 10 so với năm trước thì cao hơn.
Còn hơn 600 HS hết lớp 5 đi đâu không vào lớp 6 mà Chủ tịch tỉnh đặt ra thì theo ông Luân, nhiều năm nay rất khó trả lời vì không nắm được. Bởi có thể các em gia đình có điều kiện thì đi học ở các tỉnh, thành phố lớn hoặc từ tỉnh khác về Cà Mau cũng không nhiều.
"Nếu con số này mà thật sự bỏ học thì đây là gánh nặng xã hội", ông Luân e ngại.
Chủ tịch tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải (người đứng) băn khoăn khi nhiều học sinh giảm ở đầu cấp.
Trước phần giải trình của Giám đốc Sở GD&ĐT, Chủ tịch tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải "bác" lại và cho rằng: "Nếu các em chuyển trường học chỗ khác thì phải rút hồ sơ học bạ, do đó nhà trường phải nắm lại cái này chứ không thể nói là không nắm được. Việc chuyển trường là do các em nhưng các em bỏ luôn thì mới là vấn đề".
Tiếp thu ý kiến của Chủ tịch tỉnh, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân cho biết, về góc độ quản lý của ngành sắp tới sẽ lưu ý, bởi vì chuyển đi như ở bậc Tiểu học thì không tới Giám đốc Sở mà ở dưới giải quyết, cho nên chưa có thông tin đầy đủ. Vì thế, ông Luân nói về trách nhiệm của Sở là sẽ chỉ đạo rà soát lại vấn đề này.
Huỳnh Hải
Theo Dân trí
Nhanh chóng giảm bớt những điểm trường tạm bợ Mưa, gió kéo dài từ đầu tháng 6. Điểm trường nhà tạm Chế Á - Tiểu học Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên mặc dù đã được chằng chống bằng các loại cột xung quanh nhà nhưng vẫn bị đổ sập. Dân bản và các thầy cô mải dọn dẹp nhưng cũng chưa nghĩ được cách nào để có chỗ cho...