Hà Nội: Học sinh áo cộc, dầm mưa lạnh chờ được vào hội khỏe
Sau hơn một giờ đồng hồ dầm mình dưới mưa lạnh, các em học sinh tham dự Hội khỏe Phù Đổng quận Đống Đa (Hà Nội) mới được vào bên trong nhà thi đấu.
Sáng 30/1, tại Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức, Phòng GD&ĐT quận Đống Đa tổ chức lễ khai mạc Hội khỏe Phù Đổng năm học 2015-2016. Hàng nghìn học sinh đến từ hơn 30 trường tiểu học và trung học cơ sở đóng trên địa bàn quận đã có mặt từ rất sớm, háo hức chờ đợi thời khắc được tham dự lễ diễu hành, biểu diễn nghệ thuật và thi đấu các bộ môn.
Học sinh co ro giữa trời rét. Ảnh: Lao Động.
Theo thông báo của Ban tổ chức, buổi lễ sẽ diễn ra từ 7h30 nên tất cả học sinh có mặt đã đứng nghiêm chỉnh vào hàng ngũ. Tuy nhiên sau đó, chương trình không thể bắt đầu như kế hoạch trong khi trời bắt đầu đổ mưa.
Nhìn con trai và đám bạn rúm ró trong bộ quần áo thể thao mỏng manh, rùng mình liên tục dưới mưa lạnh mà không nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào của Ban tổ chức cũng như nhà trường, chị P.D đã tìm cách trợ giúp cho con mình bằng chiếc áo mưa. Tuy nhiên, con chị bất ngờ từ chối và nói sợ thầy cô mắng bởi mặc áo mưa sẽ làm mất vẻ đẹp tiêu chuẩn của đội hình.
Những lời hờn trách của chị D về công tác tổ chức của hội khỏe cũng như thái độ thờ ơ của thầy cô giáo . Ảnh: Lao Động.
Video đang HOT
Quá bức xúc, chị P.D lập tức đã đăng tải những lời hờn trách lên trang Facebook cá nhân: “Trời mưa lạnh, các thầy cô có trái tim không mà bắt học sinh đứng đợi dưới mưa mặc phong phanh, không phát cho các cháu một cái áo mưa nào trong khi các thầy cô áo đơn áo kép? Tập trung ở Nhà thi đấu từ 7h30 nhưng đến 8h30 vẫn chưa được vào bên trong, tiếp tục phải chờ ngoài trời. Các đại biểu cấp cao còn chưa đến đủ, các con cứ cố mà chờ nhé!
P/S: Khoẻ để xây dựng Tổ quốc đâu chưa thấy, chắc chắn ngày mai nhiều con bị ốm vì nhiễm lạnh. Giáo dục vô cảm thế chả hiểu dạy dỗ gì?”.
Cũng theo lời người phụ nữ này, hầu hết các học sinh đến dự hội khỏe đều trong tình trạng quần áo đồng phục mỏng manh, và để đầu trần. Riêng một số em trong hàng dẫn lễ phải mặc áo cộc tay.
Nhiều em học sinh đã phải lấy áo chùm lên đầu để tránh mưa . Ảnh: Lao Động.
“Sau cả tiếng chờ đợi, đến khoảng 9h, khi các đại biểu đã đến đủ, các cháu mới được vào bên trong Hội trường Nhà thi đấu để diễu hành trong vòng vài phút”, chị P.D bức xúc nói.
Một phụ huynh khác, anh C.T cũng cho hay: “Tôi không hiểu tại sao Ban tổ chức lại máy móc đến thế. Các cháu xếp hàng đứng dưới mưa cả giờ đồng hồ mà chẳng một ai ra lệnh cho các cháu vào bên trong trú mưa hoặc phát áo mưa giấy. Ý kiến mãi không được tôi phải lấy ô ra che mưa cho con”.
Theo Long Nguyễn/Lao Động
Vì sao cậu bé 13 tuổi mất oan học vị tiến sĩ?
Thông minh đĩnh ngộ, học rộng, đỗ cao nhưng vì sơ suất nhỏ mà cậu bé 13 tuổi đã không được chấm đỗ, mất học vị tiến sĩ.
Kể từ khoa thi đầu tiên được tổ chức năm Ất Mão (1075) đời Lý Nhân Tông, qua các triều đại, quy chế thi cử ngày một được xây dựng quy củ, hoàn thiện hơn. Đến đời Lê Thánh Tông, để bảo đảm sự chặt chẽ và chất lượng tuyển chọn nhân tài, tháng 4 năm Nhâm Ngọ (1462) vua đã định ra lệ "Bảo kết hương thí".
Đây là "bản cam kết" bắt các xã phải chịu trách nhiệm về tư cách và đạo đức của các sĩ tử là con em trong xã mình.
Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, trước khi thi một thời gian, cụ thể vào khoảng tháng 8 của năm trước, các sĩ tử có ý định tham gia ứng thí "phải đến nhà giám hay đạo sở tại, khai tên và căn cước, đợi thi Hương; đỗ thì gửi danh sách đến viện Lễ nghi, tới trung tuần tháng giêng năm sau vào thi Hội. Cho quan bản quản và xã trưởng xã mình làm giấy bảo kết rằng người ấy thực là có đức hạnh thì mới được kê vào sổ đi thi. Người nào vào loại bất hiếu, bất mục, bất nghĩa, loạn luân, điêu toa... thì dù có học vấn, giỏi văn bài, cũng không cho vào thi".
Quy định về lệ bảo kết được thực hiện kể từ đó cho đến tận thời Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng ở nước ta. Khoa cử thời Nguyễn thịnh nhất là vào đời vua Minh Mạng, các lề lối sơ tuyển, thi cử đều được cải cách lại, nhưng lệ bảo kết vẫn được áp dụng, trong khoa thi Hương đầu tiên của triều đại này tổ chức năm Đinh Mão (1807) đời Gia Long đã định lệ: "Trước kỳ thi, lý trưởng sở tại phải ghi tên học trò đi thi vào sổ. Những người bất hiếu, bất mục, loạn luân, điêu toa, phạm án cướp hay phản nghịch đều không được đi thi".
Sĩ tử làm bài thi. Tranh minh họa: Phụ Nữ TP HCM.
Một điều rất thú vị là không có quy định cụ thể độ tuổi của các sĩ tử, vì vậy có những khoa thi có thí sinh tuổi ngoài 70, lại có những thí sinh tóc vẫn còn để chỏm. Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, trong phần Khoa mục chí chép điều lệ thi Hương năm Mậu Ngọ (1678) đời Lê Hy Tông như sau: "Hoặc có người chưa đến 18 tuổi cũng cho đi thi để mở rộng đường lấy người tài giỏi, nhưng phải khai sổ đệ lên quan huyện, quan châu khảo xét".
Thực ra trước đó cũng không có việc hạn định độ tuổi sĩ tử nên có những cậu bé như Nguyễn Hiền 13 tuổi đỗ Trạng nguyên, Đặng Ma La 14 tuổi cùng đỗ khoa thi năm Đinh Mùi (1247), Nguyễn Trung Ngạn 16 tuổi đỗ Hoàng giáp khoa Giáp Thìn (1304)...
Đời vua Minh Mạng nhà Nguyễn, trong khoa thi năm Ất Mùi (1835) có một thí sinh tuổi mới 13 đã đỗ tiến sĩ nhưng không được công nhận dù không có tội lỗi gì mà chỉ do lỗi của chức dịch địa phương. Tuy nhiên vua Minh Mạng cho đó hành vi đó gian dối, vì thế cậu bé thông minh kia đã bị trượt oan.
Trong sách Minh Mạng chính yếu có chép sơ lược thông tin liên quan việc này như sau: "Khoa Điện thí ấy có người đậu Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân tên Lê Chân Niên, tuổi còn ít, Hoàng đế ban sắc hỏi lại. Chân thưa thực. (Chân mới 13 tuổi, danh sách lại ghi 19 tuổi vì trước lý trưởng khai lầm, chưa kịp cải chính).
Hoàng đế dụ rằng:
- Khoa mục là bước đầu để tiến thân, nên lấy danh thành tín làm gốc. Nếu có việc giấu tuổi như thế, trước đã tự dối mình, sau này ra làm quan trông mong gì giữ được công bình, trung chính. Vì thế trẫm không thể lấy đậu. Hãy cho theo đúng tuổi mà cải chính.
Hạ lệnh cho bộ Lễ truyền dụ: Từ nay về sau, họ tên, tuổi, quê quán của những người ứng thí, phải được kê khai xác thực. Nếu người nào đã bị lý trưởng khai lầm, phải nhận quyển về, bẩm rõ với quan trên để xin cải chính. Nếu cứ bưng bít, im lặng, đến khi biết sẽ có tội".
Cũng từ đó, sử sách không có dòng nào nhắc đến cậu bé Lê Chân Niên nữa. Đáng tiếc là vua Minh Mạng quá nghiêm khắc, khắt khe, dẫn đến việc một nhân tài bị bỏ qua, không có điều kiện được phát huy tốt hơn trí lực của mình cống hiến cho xã hội.
Theo Lê Thái Dũng/Phụ Nữ TP HCM