Hà Nội: Hàng trăm phụ huynh “bao vây” cổng trường vì phân tuyến
Hàng trăm phụ huynh “bao vây” cổng trường tiểu học Cao Bá Quát (Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội) để phản đối việc phân tuyến tuyển sinh khiến học sinh trong khu đô thị phải đi học rất xa. Trong khi đó, theo nhà trường, việc phân tuyến là theo kế hoạch, không phải nhà trường tự ý.
Phụ huynh bật khóc
Vài ngày gần đây, hàng trăm phụ huynh tụ tập trước cổng Trường tiểu học Cao Bá Quát để phản đối việc phân tuyến, khiến con em phải đi học quá xa. Nhiều phụ huynh, trong đó có cả những ông bố cũng phải bật khóc vì con bất ngờ được chuyển đến trường học khác xa hơn.
Chị Nguyễn Thị Hương, phụ huynh một học sinh ở khu đô thị Đặng Xá cho biết, cùng một khu đô thị nhưng những người có hộ khẩu ở Khu đô thị thì con em được học ở trường này. Trong khi những phụ huynh khác, do hộ khẩu thuộc địa phận xã Cổ Bi, cho dù mua nhà ở khu đô thị nhưng con em phải học ngoài khu đô thị xa hơn và điều đáng nói là trường chưa xây xong.
Chị Trần Thị Tr. cũng cho biết, nhiều phụ huynh phản ánh lên Phòng, Phòng chỉ lên Ủy ban. Phụ huynh sang Ủy ban thì Ủy ban bảo về trường vì Phòng đã có quyết định. “Chúng tôi như quả bóng bị đá qua đá lại trong khi năm học mới đã bắt đầu”, chị Tr. bức xúc.
Phụ huynh tụ tập trước cổng trường Tiểu học Cao Bá Quát để phản đối việc phân tuyến (Ảnh: N. Hà).
Một phụ huynh khác cũng rất bức xúc khi cho rằng, hàng tháng mình đều thực hiện các khoản đóng góp ở địa bàn này nhưng con lại bị “cắt” cơ học sang khu vực khác. “Việc cắt đôi khu đô thị chia học sinh ra hai trường khác nhau là chưa thỏa đáng và không thấu tình đạt lý. Những cư dân chúng tôi nếu không có tiền thuê xe đưa đón con em thì phải cắt cử người đưa đi, điều đó là bất hợp lý”, phụ huynh này nói.
Trường quá tải học sinh đầu cấp
Trao đổi với PV Dân trí ngày 10/8, bà Băng Tâm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Cao Bá Quát cho biết, trường nghiêm túc thực hiện tuyển sinh theo công văn hướng dẫn của phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm.
Cụ thể, trường đã thông báo lên facebook, dán ở cổng trường các hướng dẫn hồ sơ tuyển sinh, thời gian tuyển sinh trực tuyến, thời gian tuyển sinh trực tiếp. Như vậy, trường đã thực hiện đúng hướng dẫn tuyển sinh cho tất cả các đối tượng phân tuyến tuyển sinh.
Về số lượng học sinh, theo Hiệu trưởng Tâm, năm nay trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh 500 nhưng số lượng học sinh đăng ký lên tới 563 em.
Video đang HOT
Phụ huynh đang trực tiếp xem thông tin tuyển sinh được dán ở cổng Trường tiểu học Cao Báo Quát.
“Khi có số lượng tăng hơn chỉ tiêu, trường đã báo cáo cấp trên xin ý kiến cấp trên và được chỉ đạo, tiếp tục nhận hồ sơ trực tiếp đến ngày 17/7. Do đó, trường nhận thêm 85 hồ sơ nữa.
Đồng thời, Phòng GD&ĐT cũng chỉ đạo, để giảm tải, một số học sinh sau này sẽ được phân sang ngôi trường mới là Trường Tiểu học Trung Thành sau khi xây dựng xong”, bà Tâm cho hay.
Được biết, số học sinh Trường Cao Bá Quát nhận từ khi tuyển sinh đến nay đã được xếp thành 13 lớp, học bình thường sĩ số khoảng 50 học sinh. Thiếu phòng học, trường xếp tạm cả phòng chức năng.
Giảm tải nhưng cần thấu tình đạt lý
Trao đổi với PV Dân trí về nghi vấn phụ huynh đặt ra, nhà trường hạn chế số lượng học sinh đúng tuyển để nhận các suất trái tuyến, bà Tâm khẳng định, căn cứ trên hồ sơ, trường không có một đối tượng học sinh trái tuyến nào. Chỉ có đối tượng 1, 2, 3. Những đối tượng này đều thuộc đối tượng trường tiếp nhận.
Trước những bức xúc của dư luận, chiều 8/8, UBND huyện Gia Lâm đã có hướng xử lý về việc phân tuyến ở trường này. Lãnh đạo huyện nhận định, việc phân tuyến nhằm giảm tải là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, khi thực hiện đã “cắt” cơ học mà chưa tính đến thực tế.
Do vậy, để tránh những bức xúc không đáng có trong dư luận, UBND huyện quyết định: 279 học sinh đã có hộ khẩu thường trú ở đây, đều được học ở Trường tiểu học Cao Bá Quát. Còn lại 359 học sinh trong diện tạm trú, đều phải về trường mới.
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Phụ huynh Sài Gòn chi nghìn USD 'chạy' hộ khẩu, xin trường tốt cho con
Vì một suất học ở trường tốt cho con, nhiều phụ huynh bất chấp chiêu trò, chấp nhận mất nghìn USD trong mùa tuyển sinh đầu cấp.
ảnh minh họa
Năm học 2017-2018 vừa kết thúc, cuộc đua trường lớp cho năm học tới trở nên "nóng" hơn. Thời điểm này, các trường tiểu học, THCS chưa thông báo tuyển sinh vào lớp 1 và lớp 6 nhưng thực tế, nhiều trường đã kín chỗ.
Nhiều chiêu "lách" hộ khẩu
Dù năm sau con mới vào lớp 1, ngay từ bây giờ, chị Hồng (quận 4, TP.HCM) đã tính đến chuyện trường lớp cho con. Chị cho hay gia đình cân nhắc chuyển về quận 12 sinh sống nên đang tìm trường ở nơi này.
Chấp nhận chuyện chung chi để chuyển hộ khẩu về quận 12, chị Hồng vẫn lo lắng bởi nhiều trường yêu cầu phải có hộ khẩu tại địa bàn 3-4 năm trước khi nhập học, hoặc có hộ khẩu ngay từ khi mới sinh ra.
Trong khi đó, anh Thanh có hộ khẩu ở quận 12 nhưng muốn cho con học ở trường tại quận 1. Cách đây một năm, anh chấp nhận bỏ tiền để làm sổ tạm trú dài hạn (KT2) ở quận 1. Để chắc suất, anh còn phải nhờ quan hệ gửi gắm con mình vào trường này kèm "phí cảm ơn".
Thế nhưng, công sức, tiền bạc anh Thanh bỏ ra có thể "xôi hỏng bỏng không" khi các trường "hot" của thành phố hiện nay yêu cầu trẻ phải có hộ khẩu từ khi mới sinh.
Không mong con mình được học trường top đầu, anh Tiến (quận Gò Vấp) phải "chạy" hộ khẩu để con gái được đi học đúng tuổi quy định, vì hiện anh chưa có hộ khẩu TP.HCM. Không có người thân quen, anh đành tìm đến dịch vụ. Biết anh muốn xin cho con học ở quận Phú Nhuận, họ đề nghị ghép hộ khẩu
"Họ nói sẽ ghép hộ khẩu cho hai cha con với giá 36 triệu đồng/người. Chuyện ghép với ai họ lo, mình chỉ chuẩn bị giấy tờ, rồi có mặt đi công chứng với nhà được ghép là xong. Con đi học rồi thì sẽ tách khẩu", anh Tiến cho biết.
với Báo , hiệu trưởng một trường tiểu học có tiếng ở TP.HCM, cho biết không lo được cho con suất học trái tuyến, nhiều phụ huynh buộc phải "lách" hộ khẩu để trở thành đúng tuyến.
"Hiện tại, không có quy định phải kiểm tra hộ khẩu từng học sinh nên nhiều người cứ vô tư lách luật mà không sợ phát hiện. Sau khi vào học, chúng tôi phát hiện nhiều trường hợp 'chạy' KT3, KT2, hộ khẩu nhưng rồi cũng chỉ để biết. Trường cũng không thể đuổi học những em đó"
Nữ hiệu trưởng trường tiểu học ở Sài Gòn
Nhiều trường quy định hộ khẩu phải có trước vài năm (tính tới thời điểm tuyển sinh) nhưng có trường không quy định. Dù có quy định thời gian hay không, phụ huynh vẫn có cửa "chạy" được. Họ thường tính toán ngay từ khi con mới lọt lòng hoặc ít cũng phải 1-2 năm trước khi bé vào lớp 1. Chiêu bài thường được phụ huynh áp dụng là nhờ người quen hoặc các đường dây dịch vụ gửi ghép hộ khẩu rồi chung tiền.
"Có lần, một người hỏi tôi năm nay trường nhận học sinh có hộ khẩu từ tháng mấy? Tôi nói quận mình chưa quy định thời gian hộ khẩu, anh ấy nói 'vậy là chắc ăn rồi'. Hỏi thì mới biết phụ huynh này vừa 'chạy' hộ khẩu xong", bà Ngân kể.
Cũng theo nữ hiệu trưởng, trường quy định nhận trẻ có hộ khẩu tại địa bàn từ trước tháng 1/2018, vì thế học sinh có tên trong sổ hộ khẩu từ tháng 5/2018, đương nhiên không đủ điều kiện. Nhưng nếu không quy định thời gian, cứ có hộ khẩu là được, dù mới làm trong tháng 5, có tên trong danh sách điều tra của phường gửi lên quận, thì đương nhiên sẽ đúng tuyến.
Chính vì "chạy" hộ khẩu là cách lách luật "được việc", không phải xin duyệt trái tuyến nên được nhiều phụ huynh lựa chọn. Một trường hợp chạy hộ khẩu thường 20-30 triệu đồng, tùy các quận khác nhau. Ở những quận trung tâm của thành phố, số tiền này sẽ lớn hơn rất nhiều.
Giá nghìn USD và những mối quan hệ khó từ chối
Theo lời nữ hiệu trưởng này, mùa tuyển sinh đầu cấp luôn là nỗi ám ảnh. Rất nhiều người tìm gặp bà trong mùa tuyển sinh: Phụ huynh từng có con học ở trường; người quen từ các mối quan hệ; con, cháu của giáo viên, lãnh đạo...
"Họ thường gây phiền hà, bởi ai cũng muốn chọn môi trường tốt cho con nhưng khả năng nhận của mỗi trường có hạn. Có những mối quan hệ rất khó từ chối dù biết đó là cơ hội để họ làm ăn mùa tuyển sinh", nữ hiệu trưởng than thở.
Bà cũng cho biết từ nhiều năm nay, giá một suất "chạy" vào lớp 1 ở các trường trung tâm quận 1 phải hơn 80 triệu đồng. Còn giá cho những người rất thân quen, gần gũi cũng phải 40-60 triệu đồng.
Cách đây một tháng, chị Mai (quận Thủ Đức) chi 50 triệu đồng để đổi lấy một suất học cho con ở trường tiểu học "hot" của quận 1. Theo nữ phụ huynh, đây là mức giá "mềm". Một đồng nghiệp trong công ty chị phải chi 25 triệu đồng để đổi lấy một suất học ở trường tiểu học "thường thường bậc trung" ở quận 3.
Chị Thanh, giáo viên trường chuyên nổi tiếng ở Sài Gòn, cho hay Sở GD&ĐT TP.HCM hoặc phòng giáo dục ở mỗi quận quản lý số lượng học sinh được tuyển mỗi năm nhưng vẫn để chỗ cho các mối quan hệ ngoại giao.
Xác nhận điều này, nữ hiệu trưởng nói các trường luôn có suất tuyển trái tuyến theo quy định, nhưng phụ huynh bình thường không có cơ hội. Các trường tuyển đủ trong tuyến nếu còn chỉ tiêu sẽ lấy trái tuyến. Các suất trái tuyến thường được để dành cho quan hệ ngoại giao.
"Thật sự là con của cán bộ công chức gửi vào thì không có vấn đề nhưng nhiều người lợi dụng vị thế, bảo lãnh nhận là cháu chắt, họ hàng, khi hỏi ra toàn phụ huynh phải tốn tiền thì ức lắm, mà ức cũng làm được gì, chỉ ngại mang tiếng nhà trường, mang tiếng mình thôi. Phụ huynh chỉ biết vào trường đó phải tốn bao nhiêu chứ có biết chi tiền đó cho ai vì khi ra giá họ nói là phải chi cho hiệu trưởng, phòng giáo dục", nữ hiệu trưởng kể.
Nữ hiệu trưởng cũng thẳng thắn thừa nhận, bản thân từng giúp đỡ người thân quen, gần gũi vì đó là những quan hệ không thể từ chối. Nhưng những trường hợp đó phụ huynh sẽ tự nguyện đóng góp vào quỹ hoạt động của trường, thông thường 5-10 triệu đồng.
Theo Zing
Nhà trường lý giải về điểm chuẩn "nhảy múa" Đại diện trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu vừa lý giải về điểm chuẩn "nhảy múa" từ 46 lên 50,5 điểm gây xôn xao dư luận. Mức điểm chuẩn tăng theo từng giờ như chứng khoán của trường Tạ Quang Bửu Trao đổi với PV Dân trí trưa ngày 3/7, ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho...