Hà Nội đưa giáo dục An toàn giao thông vào giảng dạy chính khóa
Hà Nội đã xây dựng xong khung chương trình giáo dục An toàn giao thông cho cả 3 cấp học và sẽ triển khai dạy đại trà cho học sinh trong toàn thành phố.
Ông Chử Xuân Dũng- Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội – cho biết: Mặc dù ở phần lớn các cấp học từ mầm non đến phổ thông đều đã có tài liệu giảng dạy về An toàn giao thông (ATGT), nhưng việc giảng dạy mới chỉ là lồng ghép trong các môn học hoặc chương trình ngoại khóa.
Việc xây dựng bộ tài liệu giáo dục ATGT cho học sinh Thủ đô là rất cấp thiết khi tất cả mọi người đều nhận thức rõ tác động của ATGT đến đời sống an sinh xã hội chứ không chỉ ảnh hưởng riêng cá nhân một ai. Tình trạng ùn tắc giao thôngdiễn ra tại các thành phố lớn, đặc biệt là ở Hà Nội ngày càng nghiêm trọng.
Sở GD&ĐT Hà Nội đã xây dựng và hoàn thiện khung chương trình giáo dục An toàn giao thông cho cả 3 cấp học, tổ chức thẩm định và tổ chức dạy thí điểm bộ tài liệu này tại 32 trường học từ tháng 2/2018.
Nội dung tài liệu bao gồm lý thuyết, thực hành trong đó có câu hỏi, tình huống, hoạt động trải nghiệm, 60-70% nội dung là dành cho giáo dục ATGT đường bộ, 30% còn lại cho đường sắt và các loại hình giao thông khác. Các nội dung soạn thảo theo hướng mở để phát huy tính sáng tạo của thầy và trò trong quá trình giảng dạy, học tập.
Trong quá trình thí điểm, toàn thành phố có 32 trường, 64 lớp, 64 giáo viên, 2.991 học sinh của 12 trường tiểu học, 12 trường THCS tại các đơn vị trực tiếp tham gia giảng dạy, học tập bộ tài liệu ở 3 lớp/cấp học. 100% giờ dạy có giáo án lên lớp và được trao đổi, thông qua phòng GD&ĐT và hiệu trưởng nhà trường trước khi lên lớp.
Sau mỗi giờ dạy, phòng GD&ĐT, nhà trường và giáo viên giảng dạy tổ chức trao đổi, rút kinh nghiệm. 100% học sinh có tài liệu đọc trước, phụ huynh học sinh cũng có thể tham khảo tài liệu của học sinh.
Ban chỉ đạo, tổ công tác cơ sở tổ chức giao ban, dự giờ thường xuyên theo lịch, tổ chức khảo sát, thăm dò tới 100% cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh tham gia thí điểm và 100% phụ huynh học sinh có con, em tham gia thí điểm bộ tài liệu này.
Video đang HOT
Theo đánh giá chung của cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh, việc đưa nội dung giáo dục an toàn giao thông vào dạy trong nhà trường là cần thiết, nội dung và thời lượng phù hợp.
Thời gian tới, Sở GD&ĐT sẽ báo cáo Bộ GD&ĐT, UBND TP Hà Nội về việc thực hiện dạy đại trà bộ tài liệu “Giáo dục an toàn giao thông” lớp 1, 6, 10 đối với học sinh toàn TP từ đầu năm học 2019 – 2020.
Đồng thời, ngành GD&ĐT cũng sẽ có văn bản chỉ đạo thực hiện nghiêm túc kế hoạch giảng dạy giáo dục an toàn giao thông năm học 2018 – 2019 (lớp 1, 6, 10) và tổ chức các cuộc thi trong giáo viên, học sinh ở giờ chính khoá và ngoại khoá.
Vân Anh
Theo giaoducthoidai.vn
Sở GD&ĐT Hà Nội trả lời nhiều câu hỏi "nóng" về tuyển sinh vào 10
Hàng loạt vấn đề "nóng" về tuyển sinh vào lớp 10, được lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội trả lời trong buổi họp báo chiều nay (10/4).
- Kỳ thi THPT quốc gia cũng sử dụng bài thi tổ hợp nhưng phân rõ bài thi khoa học tự nhiên và khoa học xã hội? Vậy tại sao kỳ thi vào lớp 10 của Hà Nội năm 2019-2020 lại quyết định chọn 1 tổ hợp gồm ngoại ngữ và cả môn tự nhiên, xã hội?
Ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội: Hiện nay không có trường THPT phân ban và học sinh THCS vẫn đang học theo yêu cầu toàn diện. Chính vì vậy cần có sự đan xen để khách quan, công bằng nhất với học sinh. Tránh như việc bốc thăm, nếu vào toàn vào môn tự nhiên, các học sinh có năng khiếu khoa học xã hội sẽ thiệt thòi và ngược lại.
Bên cạnh đó, nếu thi toàn môn tự nhiên chẳng hạn, nghiễm nhiên các trường năm đó sẽ đầu tư nhiều vào những môn học này; năm sau thi vào môn khác, trường lại phải điều chỉnh giáo viên, làm mất đi sự cân bằng trong nhà trường. Ngoài ra, tuyển sinh hiện nay phần lớn theo tuyến, độ ổn định cao.
Ông Phạm Quốc Toản - Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT Hà Nội): Tuyển sinh vào lớp 10, bài thi tổ hợp không phải do thí sinh chọn như kỳ thi THPT quốc gia, vì: Kỳ thi THPT quốc gia, ngoài mục đích xét tốt nghiệp THPT còn làm cơ sở để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh. Còn với tuyển sinh vào THPT, bài thi nhằm kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh ở bậc THCS, trong khi đó mục tiêu của bậc học này là giáo dục học sinh toàn diện.
Còn việc lựa chọn môn thi trong bài tổ hợp, trước hết trong bài thi có môn Ngoại ngữ nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ của người học. Các môn còn lại đều có cả tự nhiên và xã hội với mục đích đảm bảo tính công bằng, khách quan cho mọi đối tượng học sinh ở THCS, vì học sinhTHCS chưa có định hướng rõ ràng về nghề nghiệp.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng
- Bài thi tổ hợp sẽ gồm tổng hợp cơ học các môn hay tích hợp liên môn?
Ông Lê Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội: Đề thi có phần riêng cho từng môn, nhưng cũng có thể có phần tích hợp liên môn. Liên môn hoàn toàn không mới, việc này đã được triển khai trong các nhà trường. Toàn bộ kiến thức trong đề thi nằm trong chương trình, không có gì mới về mặt kiến thức.
- Việc thi nhiều môn như vậy liệu có tạo ra áp lực lớn với thí sinh, đồng thời có thể dẫn tới dạy học thêm tràn lan?
Giám đốc Chử Xuân Dũng: Điều này chúng tôi đã tính đến. Áp lực dạy học thêm bắt đầu từ cách thức thi và định dạng đề thi. Trước đây, các trường ĐH tự ra đề thi, thi theo bộ đề dẫn đến học sinh các tỉnh thành dồn về Hà Nội ôn thi. Nhưng mấy năm gần đây, cách thức thi thay đổi, hiện tượng luyện thi đã giảm đi rất nhiều. Nhiều thí sinh thủ khoa đạt điểm tuyệt đối xuất phát từ các vùng nông thôn chứ không phải ở thành phố, nơi có điều kiện học tập hơn.
Do đó, trong phương án đề thi, chúng tôi cũng tính đến việc giảm tải, ma trận, mức độ đề thi phù hợp hơn, không có câu hỏi đánh đố, học sinh chỉ cần ý thức học tập tốt, học chuyên cần, chăm chỉ, nắm chắc chuẩn kiến thức kỹ năng là có thể làm được bài, do đó không cần phải học thêm. Hiện nay, đề thi Toán vào lớp 10 năm nào cũng có câu hỏi khó (thường là câu số 5 - hình học), tạo sức ép với học sinh, phụ huynh.
Ông Phạm Quốc Toản - Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT Hà Nội):
- Có ý kiến lo lắng khi đổi mới dạy học trong nhà trường chưa bắt kịp đổi mới thi cử?
Giám đốc Chử Xuân Dũng: Để chuẩn bị triển khai phương án thi mới, Sở GD&ĐT Hà Nội trong nhiều năm đã tổ chức quán triệt tới các nhà trường về định hướng dạy học, kiểm tra cũng kết hợp tự luận và trắc nghiệm khách quan. Chúng tôi cũng đã tập huấn kỹ lưỡng cho các thầy cô giáo về nội dung đó. Quan điểm là triển khai cẩn trọng, có lộ trình, kế hoạch thực hiện làm sao để nhà trường, thầy cô giáo không bị sức ép.
Ông Phạm Quốc Toản: Ngay từ khi Bộ GD&ĐT triển khai phương án thi THPT quốc gia có bài thi tổ hợp, Sở GD&ĐT Hà Nội đã chủ động chỉ đạo triển khai ở các cấp THPT và THCS, đưa vào giảng dạy, định hướng cho học sinh làm quen với hình thức thi mới. Hiện nay, ở trường THCS, trong các bài kiểm tra định kỳ cũng đã cho học sinh làm quen với thi trắc nghiệm khách quan.
- Liệu Sở GD&ĐT có ra đề thi minh họa để định hướng nhà trường, thí sinh với phương án thi mới?
Ông Phạm Quốc Toản: Chúng tôi sẽ ban hành kế hoạch chi tiết triển khai phương án tuyển sinh mới, trong đó có đề thi minh họa. Dự kiến chúng tôi sẽ công bố đề thi minh họa vào tháng 9/2018, khi bắt đầu vào năm học mới
Ông Trần Phương - Viện Toán học: Tôi ủng hộ phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 - 2020 của Sở GD&ĐT Hà Nội. Việc có bài thi tổ hợp như phương án Sở đưa ra là văn minh, tránh học lệch. Bên cạnh bài thi tổ hợp theo hình thức trắc nghiệm khách quan, vẫn chú trọng 2 môn cơ bản là Ngữ văn và Toán. Bài thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan sẽ nhẹ nhàng, không gây áp lực cho thí sinh. Nếu Sở GD&ĐT Hà Nội công bố được đề thi minh họa sẽ giải tỏa được sức ép tâm lý cho học sinh, phụ huynh.
Hiếu Nguyễn
Theo giaoducthoidai.vn
Hà Nội dự kiến đào tạo song bằng từ bậc THCS Lần đầu tiên đưa đào tạo song bằng tú tài vào trường THPT công lập năm học 2017-2018, Hà Nội dự kiến tiếp tục mở rộng mô hình này ở bậc THCS với 7 trường tham gia thí điểm. Hà Nội đẩy nhanh triển khai các chương trình quốc tế trong trường công lập Tại buổi toạ đàm Triển khai giảng dạy chương...