Hà Nội dự kiến cấm xe máy ở nội thành từ năm 2030
Để giảm tải ùn tắc giao thông, Hà Nội dự kiến thu phí phương tiện đi vào nội thành, tăng mạnh giá trông giữ ôtô ở khu vực trung tâm, yêu cầu tài xế phải mở tài khoản điện tử…
Ngày 2/6, UBND Hà Nội bắt đầu lấy ý kiến vào dự thảo nghị quyết của HĐND TP về tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030.
Hà Nội sẽ thực hiện nhiều giải pháp để giảm ùn tắc giao thông. Ảnh: Bá Đô.
Thành phố sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030; tổ chức thống kê, phân loại theo khu vực (quận, huyện), niên hạn, chủng loại toàn bộ xe máy trên địa bàn thành phố; phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng.
Hà Nội sẽ cấm ôtô hoạt động theo giờ, theo ngày trên một số tuyến phố; thí điểm cấm đỗ theo ngày chẵn lẻ; ban hành quy định hoạt động của xe taxi ngoại tỉnh…
Để quản lý số lượng phương tiện tham gia giao thông, Hà Nội dự kiến thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: lập quy hoạch vận tải hành khách bằng taxi đến năm 2030, lộ trình thực hiện 2017-2020. Với xe taxi và các phương tiện hoạt động kinh doanh tương tự taxi (xe Uber, Grab…), thành phố cấp hạn ngạch phù hợp với điều kiện giao thông và năng lực của kết cấu hạ tầng. Với ôtô điện, Hà Nội yêu cầu rà soát, nghiên cứu đưa ra số lượng phương tiện hoạt động theo khu vực trên địa bàn toàn thành phố phù hợp với kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông.
Dự thảo đề xuất chủ sở hữu ôtô phải mở tài khoản điện tử và lắp thiết bị phụ trợ để phục vụ quản lý phương tiện và điều tiết giao thông (thiết bị thu phí tự động…); thiết lập cơ chế tính giá dịch vụ trông giữ phương tiện theo hướng luỹ tiến theo giờ và tăng mạnh vào khu vực trung tâm, lập Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố…
Nghi quyêt sẽ được HĐND xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 4, dự kiến diễn ra vào đầu tháng 7.
Lộ trình thực hiện được Hà Nội chia làm 3 giai đoạn:
- Giai đoạn 2017-2018: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải;
- Giai đoạn 2017-2020: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng;
Video đang HOT
- Giai đoạn 2017-2030: Triển khai đồng thời, đồng bộ các nhóm giải pháp về đầu tư, xây dựng, kết cấu hạ tầng, phát triển vận tải hành khách công cộng, rà soát điều chỉnh quy hoạch theo hướng TOD, bố trí hợp lý giao thông tĩnh phục vụ việc kết nối…
Võ Hải
Theo VNE
Cấm xe máy: Đi xe bus đắt hơn đi xe máy
Bỏ xe máy đi xe buýt cũng được, nhưng không phải ai cũng có thể đi được xe buýt.
Đi xe buýt còn đắt hơn cả xe máy
Chị Nguyễn Vân Anh (Thanh Oai, Hà Nội) chia sẻ, đoạn đường đi làm từ nhà chị tới chỗ làm là Trung Hòa, Cầu Giấy (Hà Nội) khoảng 22km, tức là 44km cả đi và về.
Nếu chị đi bằng xe máy mà không bị tắc đường sẽ mất khoảng 45 phút, những hôm tắc đường thì có thể là 1 tiếng đồng hồ, thậm chí nhiều hơn.
Sự kết nối giữa các loại hình giao thông còn rời rạc
Tính trung bình, mỗi ngày chị tiêu tốn hết khoảng 20.000 - 25.000 đồng tiền xăng. Trung bình một tháng khoảng 600.000 - 700.000 đồng/tháng.
Nếu bây giờ bảo chị bỏ xe máy để đi xe buýt thì chi phí chắc chắn không rẻ hơn mà khó khăn sẽ nhiều hơn.
"Từ nhà tôi ra đường quốc lộ khoảng 6km, nếu bỏ xe máy tôi sẽ mất khoảng 50.000 đồng tiền taxi một lượt, 100.000 đồng/ngày để ra được điểm xe buýt đầu tiên. Từ điểm xe buýt đầu tiên, tôi bắt tuyến xe số 57 để ra Mỹ Đình, rồi từ Mỹ Đình lại bắt tiếp tuyến nữa để quay ngược lại Trung Hòa.
Nếu mua vé tháng thì cũng mất khoảng 250.000 đồng/tháng, cộng thêm mỗi tháng 1.500.000 đồng/tháng tiền taxi.
Chưa tính tới những khó khăn như phải chờ đợi, phải nhảy điểm, không chủ động được giờ giấc thì rõ ràng chi phí đi xe buýt đối với một người có lộ trình như tôi đang bị đắt hơn gần gấp 2 lần so với đi xe máy", chị Vân Anh nhẩm tính.
Có lộ trình tương tự, anh Bùi Thanh Thiên (44 tuổi, Chương Mỹ, Hà Nội) nêu khó khăn.
Ngoài việc phải đi taxi hoặc xe ôm khoảng 3km để ra bến xe buýt thì anh phải sử dụng hai loại hình thanh toán xe buýt khác nhau.
Anh cho biết, xe buýt ngoại thành đi từ Quảng Bị lên Chúc Sơn không cho phép hành khách sử dụng vé tháng mà phải mua vé ngày. Như vậy, mỗi ngày anh đã mất ít nhất 30.000 đồng tiền taxi, cộng thêm 10.000 đồng tiền xe buýt/ngày để ra được trạm xe buýt trung chuyển tiếp theo.
Cộng thêm tiền vé tháng khoảng 250.000 đồng/tháng. Tính trung bình mỗi tháng anh cũng tốn cả tiền triệu cho việc đi lại. So sánh với việc đi bằng xe máy anh Thiên nói: "Đi xe buýt đắt hơn nhiều mà còn bất tiện nữa".
Chị Nguyễn Thanh Hằng (35 tuổi, Yên Nghĩa, Hà Đông) cũng chia sẻ, chặng đường chị đi làm bắt đầu tư Yên Nghĩa tới Xã Đàn cũng phải đi qua hai tuyến xe buýt khác nhau.
Nếu sử dụng một vé xe buýt tháng chi phí có thể chỉ tương đương với xe máy. Nhưng cái bất tiện nhất theo chị là việc sử dụng vé xe buýt không linh hoạt.
Hiện chị đang phải dùng cả vé tháng cho xe buýt nhanh và một vé tháng cho xe buýt thường. Chị Hằng giải thích: "Theo quy định, vé dành cho xe buýt thường không thể sử dụng để đi xe buýt nhanh và ngược lại. Trong khi, xe buýt nhanh còn hạn chế, mới đáp ứng được một vài điểm. Vì vậy, tôi phải chấp nhận mua cả hai để tiện cho việc đi lại", chị Hằng nói.
Tương tự, anh Phạm Ngọc Hùng cũng than thở, từ nhà anh đi đến chỗ làm có 10km. Bình thường anh đi xe máy nếu đổ xăng A95, mỗi tháng anh hết khoảng hơn 150.000 đồng tiền xăng/tháng. Thời gian đi lại mất khoảng 20 phút, vừa chủ động, vừa không bị tắc đường.
Ngược lại nếu đi xe buýt, có thể anh Hùng chỉ mất 100.000 đồng/tháng nhưng sẽ mất khoảng 3km đi taxi để ra đến trạm xe buýt đầu tiên. Từ điểm đầu tiên anh sẽ đi thêm một tuyến xe buýt nữa mới tới được cơ quan.
Chưa hết, từ điểm đỗ cuối cùng, anh cũng mất 2km đi taxi nữa mới vào được tới cơ quan. Cứ như vậy ngày hai lượt, theo tính toán của anh thì chi phí đi xe buýt thực sự cao hơn nhiều đi xe máy.
Không thể cấm
Nói thêm về đề xuất cấm xe máy của cả TP.HCM và Hà Nội, một vị chuyên gia nói thẳng: "Không ai dám làm đâu".
Vị chuyên gia chỉ rõ, vấn đề trên đã được đặt ra từ nhiều năm nay song chưa ai dám đặt ra lệnh cấm xe máy cả. Tất cả vẫn rất khiên cưỡng sử dụng các cụm từ như: "hạn chế dần xe máy" hoặc "thay thế dần xe máy" chứ không ai dám cấm xe máy.
Ông cho biết, cá nhân ông cũng đang sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại và ông nhận thấy sự tiện lợi thực sự của của loại hình phương tiện này. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận không phải ai cũng có điều kiện thuận lợi để một bước là lên được xe, xe dừng là đỗ tại cổng cơ quan như ông để mà lựa chọn.
Theo quan sát của ông, nếu người dân sinh sống và làm việc tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM bị buộc phải đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng thì phải giải quyết được những vấn đề sau.
Thứ nhất, ông cho biết điều kiện giao thông và quy hoạch mạng lưới giao thông công cộng hiện còn rất nhiều bất cập. Từ nhà ra điểm xe buýt còn xa, chưa thuận tiện đối với phần đông những người tham gia giao thông bằng loại hình này.
Thứ hai, lưu lượng phương tiện xe công cộng và loại hình vận chuyển còn rất hạn chế. Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia cho thấy, muốn giảm ùn tắc bắt buộc phải kết hợp nhiều giải pháp.
Cụ thể là phải quy hoạch hình thái đô thị đa trung tâm. Trong đó, cần quyết liệt trong quy hoạch đô thị, quy hoạch khu dân cư phải ứng với quy hoạch mạng lưới giao thông công cộng.
Mạng lưới giao thông của đô thị với quy hoạch cụm dân cư phải tương thích với nhau, đáp ứng được cho nhau. Việc này Việt Nam còn lúng túng, chưa thực hiện được.
Tiếp đến là vấn đề phát triển theo định hướng giao thông công cộng. Trong đó, phát triển đường trên cao kết nối 3 tầng giao thông metro - trên mặt đất - trên cao hiện còn rời rạc, không thực hiện được.
"Khi phương tiện giao thông công cộng tốt, tiện lợi tự người dân sẽ có cân nhắc, tự từ bỏ xe máy", vị chuyên gia nói.
Theo Đất Việt
Chuyên gia: Hà Nội không dễ cấm xe máy trong 14 năm tới Hà Nội muốn cấm xe máy trong 14 năm tới, tuy nhiên chuyên gia giao thông lo ngại phương tiện công cộng ở thủ đô đến lúc đó mới đáp ứng được 20-25%, nên mục tiêu này không khả thi. Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải vừa cho biết, dự thảo đề án quản lý phương tiện cá nhân ở...