Hà Nội: Dính hàng loạt sai phạm, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An vẫn yên vị?
Ngoài sai phạm trong công tác quản lý tài chính, còn vi phạm phân công nhiệm vụ đã được UBND thành phố Hà Nội chỉ ra trong Kết luận số 56/KL-UBND, ngày 28/6/2019, song đến nay, bà Lê Mai Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An vẫn yên vị khiến dư luận không khỏi băn khoăn về tính nghiêm minh của pháp luật…
Trường Chu Văn An. Ảnh: Hoàng Lâm
Vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính
Liên quan đến việc bà Lê Mai Anh, Hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An bị tố cáo vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính trong việc thu chi khoản tiền tổ chức Lễ hội 110 năm trường Bưởi – Chu Văn An được tổ chức vào ngày 27/10/2018 đến 4/11/2018, trong Kết luận số 56/KL-UBND, UBND TP Hà Nội cho biết, khi chuẩn bị tổ chức lễ hội, trường THPT Chu Văn An đã không lập dự toán chi tiết các hoạt động của Lễ hội trình Sở GD-ĐT duyệt theo quy định.
Cụ thể, để chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 110 năm truyền thống trưởng Bưởi – Chu Văn An, trường THPT Chu Văn An đã lập kế hoạch tổ chức thực hiện trình UBND thành phố và được Chủ tịch UBND thành phố chấp thuận tại Thông báo số 299/TB-UBND ngày 26/3/2018 của UBND thành phố. Do đây là hoạt động không sử dụng ngân sách nên phải huy động nguồn tài chính từ các nguồn lực bên ngoài, nên UBND thành phố chấp thuận chủ trương cho trường Chu Văn An được huy động tài trợ.
Thực hiện quy định tại Điều 7 Thông tư 16/2018/TT/BGD ĐT ngày 3/8/2018 của Bộ GD-ĐT quy định về Quản lý, sử dụng tài trợ: “1. Cơ sở giáo dục lập kế hoạch sử dụng tài trợ, trong đó xác định rõ mục đích, đối tượng thụ hưởng, cách thức tổ chức thực hiện, tiến độ thực hiện, chất lượng hoạt động, chất lượng sản phẩm, công trình kèm dự toán kinh phí chi tiết phù hợp với các quy định về tiêu chuẩn, định mức hiện hành”.
Trường THPT Chu Văn An đã lập và trình kế hoạch tổ chức kèm dự toán kinh phí Lễ kỷ niệm gửi Sở GD-ĐT và đã được Sở GD-ĐT có băn bản chấp thuận kế hoạch huy động của Nhà trường theo đúng quy định tại Điều 10 Thông tư số 16/2018/TT-BGD ĐT ngày 3/8/2018 của Bộ GD-ĐT quy định về quản lý và sử dụng tài trợ. Phê duyệt kế hoạch vận động tài trợ của cơ sở giáo dục cấp trung học phổ thông và các cơ sở giáo dục khác trực thuộc đảm bảo phù hợp với nhiệm vụ triển khai năm học”.
Tuy nhiên, do nội dung bản dự toán kèm theo kế hoạch huy động tài trợ mới chỉ dự toán theo nhóm việc nhưng chưa chi tiết đến từng nội dung chi, chưa đáp ứng yêu cầu của Sở GD-ĐT nên chưa được Sở phê duyệt theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT ngày 3/8/2018 của Bộ GD-ĐT.Việc tổ chức Kỷ niệm đã thực hiện xong nhưng đến nay, nhà trường chưa có dự toán chi tiết kèm theo kế hoạch vận động tài trợ được Sở GD-ĐT duyệt. Như vậy nội dung tố cáo là đúng.
“Ưu ái” khi xử lý vi phạm?
Liên quan đến những sai phạm tại trường PTTH Chu Văn An, trước đó, ngày 7/4/2018, báo Nhà báo & Công luận đã có bài viết “Hà Nội: Trường PTTH Chu Văn An thành lập Câu lạc bộ để thu tiền sai quy định?” phản ánh việc mặc dù Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có công văn số 2836/SGD&ĐT-GDPT, yêu cầu các trường trên địa bàn không tổ chức dạy thêm, học thêm dưới mọi hình thức, song Hiệu trưởng Trường PTTH Chu Văn An “phớt lờ” quy định trên, vẫn tiến hành thành lập Câu lạc bộ (CLB) để hợp thức hóa việc dạy thêm, học thêm, gây bức xúc cho đội ngũ giáo viên và phụ huynh học sinh.
Sau khi báo Nhà báo & Công luận thông tin, ngày 3/8/2018, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã ra Thông báo số 3304/TB-SGDT, về kết quả kiểm tra, xác minh đơn tố cáo bà Lê Mai Anh – Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An của Sở GD và T Hà Nội cho thấy, năm học 2017-2018, Trường THPT Chu Văn An lập cam kết không thu các khoản trái quy định.
Theo kết luận kiểm tra, mặc dù nhà trường không tổ chức dạy thêm, học thêm mà tổ chức các nhóm câu lạc bộ bồi dưỡng, bổ trợ và nâng cao kiến thức chuyên sâu theo định hướng nghề nghiệp, nhưng Hiệu trưởng lại vận dụng Quyết định 22/2013/Q-UBND để thu tiền học câu lạc bộ dạy bồi dưỡng là sai quy định. Nhà trường thu không lập dự toán chi tiết các nội dung chi để làm cơ sở tính toán mức thu, đưa ra thông báo mức thu dựa vào các văn bản vận dụng thiếu cơ sở, chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.
áng chú ý, tháng 9/2017, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An thành lập các nhóm câu lạc bộ bồi dưỡng, bổ trợ và nâng cao kiến thức chuyên sâu theo định hướng nghề nghiệp. Kinh phí hoạt động theo đề xuất của Hội cha mẹ học sinh là 78 nghìn đồng/học sinh/buổi.
Video đang HOT
Tổng thu kinh phí của câu lạc bộ từ tháng 10/2017 đến tháng 1/2018 là hơn 812 triệu đồng; tổng chi là hơn 882 triệu đồng (bội chi 70 triệu đồng được Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường ủng hộ).Tuy nhiên, một số khoản chi chưa rõ ràng, không đủ căn cứ để thanh toán, không có chữ ký người nhận tiền, danh sách chi có hiện tượng gạch xóa chữ ký người nhận tiền, chưa đủ hóa đơn vẫn quyết toán.
Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An đã giao cho cán bộ giáo viên không có chuyên môn tài chính lập chứng từ, quản lý thu chi; toàn bộ số tiền thu chi hoạt động câu lạc bộ không theo dõi trên hệ thống sổ sách kế toán nhà trường, vi phạm quy định của Luật Kế toán. Việc Hiệu trưởng đồng ý với Hội cha mẹ học sinh thu 78 nghìn đồng/học sinh/buổi là trái quy định.
Cũng theo kết luận kiểm tra, xác minh cho thấy, Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường THPT Chu Văn An thu kinh phí cho hoạt động năm học 2017-2018 là 550 nghìn đồng/học sinh. Tổng tiền Ban đại diện cha mẹ học sinh thu được là hơn 899 triệu đồng, nhưng không cung cấp được cho đoàn kiểm tra các nội dung thu chi và chứng từ chi, vi phạm nguyên tắc công khai, dân chủ.
Việc Ban đại diện cha mẹ học sinh hỗ trợ 70 triệu đồng cho hoạt động câu lạc bộ nhưng lại chi hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học, hoạt động giáo dục là trái quy định về điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh.
áng chú ý, theo báo cáo của Trường THPT Chu Văn An thì nhà trường không thu tiền xã hội hóa. Nhưng thực tế vẫn có một số lớp tự ý triển khai thu tiền ủng hộ xã hội hóa 90 triệu đồng. iều đáng nói, khi tổ công tác xác minh, Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường THPT Chu Văn An đã từ chối hợp tác, không cung cấp hồ sơ về việc thu chi nêu trên.
Có thể nói, kết luận kiểm tra, xác minh của của UBND TP. Hà Nội và Sở GDT Hà Nội đã chỉ rõ những việc làm trái quy định, vi phạm của cá nhân, tập thể tại Trường THPT Chu Văn An. Tuy nhiên, đến nay việc xử lý trách nhiệm, cũng như những sai phạm của bà Lê Mai Anh thuộc thẩm quyền của UBND TP Hà Nội dường như vẫn “bặt vô âm tín”.
Thiết nghĩ UBND TP Hà Nội cần vào cuộc xử lý nghiêm vi phạm tại Trường THPT Chu Văn An, góp phần thực hiện nghiêm các nguyên tắc tài chính, tránh gây ra những bức xúc trong dư luận.
H.Lâm
Theo congluan.vn
Trường quốc tế: Phân biệt bằng chương trình đào tạo
Trường THPT Chu Văn An được chọn để thí điểm thực hiện chương trình song bằng của TP Hà Nội từ năm học 2017-2018. Học sinh sẽ tốt nghiệp với 2 tấm bằng: bằng tốt nghiệp THPT Quốc gia Việt Nam và bằng tốt nghiệp THPT Quốc tế.
Là một trong 7 thành viên nòng cốt của Ban đề án Song bằng ISV/CVA, cô giáo Mai Bích Thủy - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Quốc tế Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với phóng viên báo Đại Đoàn Kết về khó khăn, thuận lợi của học sinh Việt Nam khi theo học chương trình này. Đồng thời, cô Thủy cũng thẳng thắn chia sẻ quan điểm về tên gọi trường quốc tế hiện nay với tư cách là người trong cuộc.
Trường "quốc tế" không nằm ở tên gọi
PV: Đến thời điểm này vẫn chưa có một định nghĩa chính xác thế nào là trường quốc tế. Theo bà, phụ huynh nên căn cứ vào đâu để không lựa chọn nhầm trường cho con?
Bà Mai Bích Thủy: Vừa rồi cũng có những xôn xao dư luận thế nào là trường quốc tế. Thực ra chưa có một định nghĩa chính thức nào về tên gọi này. Với tư cách là một phụ huynh, tôi cho rằng nếu bạn định cho con học ở trường quốc tế, thì nghĩa là con phải đạt được chứng chỉ quốc tế để sau này con đi du học ở nước ngoài, để hội nhập và trở thành công dân toàn cầu. Nếu chúng ta cho con đến học ở một trường có cơ sở vật chất tốt nhưng vẫn giảng dạy chương trình của Việt Nam thì đấy vẫn trường Việt Nam.
Với bằng tốt nghiệp Việt Nam, các em vẫn có thể đi du học nước ngoài được, nhưng sẽ học thêm 1 năm bổ trợ. Như vậy, thời gian sẽ kéo dài hơn và tốn kém hơn. Như Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 của ngành Giáo dục thủ đô, đó là gia đình sẽ tốn kém thêm một khoản 50-60 ngàn USD nữa. Chính vì thế, chúng tôi đang nghiên cứu chương trình "du học tại chỗ".
Nhiều phụ huynh đã đến trường chúng tôi xem nhưng vẫn bán tín bán nghi vì thực ra mô hình trường quốc tế hiện nay mở ra nhiều quá, hỗn loạn quá. Như phụ huynh đến trường tôi, tôi luôn tư vấn là có những chương trình thế này, phụ huynh muốn con học chương trình nào? Xa hơn, phụ huynh muốn con đi du học ở nước nào? Ví dụ nếu đi học ở Anh thì nên học A level vì nó rút ngắn con đường cho học sinh rất nhanh. Còn nếu chưa quyết định được học ở đâu thì nên học IB. Tất nhiên, còn phải phụ thuộc vào trình độ của học sinh, các cháu có đủ khả năng tiếng Anh để học bằng IB hay không?
Tôi đang đề nghị các lãnh đạo của nhà trường mở một lớp trong trường để tuyển các em học sinh Việt Nam vào cấp bằng tú tài quốc tế ngay tại Việt Nam, tuyển từ lớp 10. Đề án đó tôi đề nghị sau khi hoàn thành đề án Song bằng. Từ nay đến năm 2020 là thời gian chuẩn bị cho đề án đó, vì hệ IB không thể tổ chức ở trường công được, nên nếu ta phân loại được các em muốn đi du học và có nguyện vọng sở hữu tấm bằng tú tài quốc tế thì nên giới thiệu cho các em hướng đi này, với một nguồn ngân sách rất hợp lý, tiết kiệm nhiều tiền và không phải sớm xa gia đình.
Kiểm định chặt chẽ
Vấn đề kiểm định chương trình quốc tế của Trường quốc tế Việt Nam như thế nào, thưa bà?
- Trường quốc tế Việt Nam nằm trong khu đô thị Đại Kim trên mảnh đất gần 2.000 mét vuông thuộc dự án xã hội hóa. Khi công ty tôi đến đó, đề án tôi trình lên UBND TP với mục đích có quy mô đầu tư và quy mô giảng dạy là ngay từ đầu sẽ giảng dạy chương trình tú tài quốc tế với nguồn giáo viên ra sao, giấy tờ bằng cấp thế nào, thời gian sát hạch ra sao, đối tượng đào tạo là ai...?
Trong giấy phép của trường chúng tôi hiện nay vẫn có chữ "thí điểm". Khi thành lập thí điểm xong thì TP Hà Nội cấp phép thành lập, Sở GDĐT Hà Nội xuống sát hạch và cấp giấy phép hoạt động. Ngay năm 2013, tổ chức CAIE đã sang và cấp giấy chứng nhận cho trường là trường thành viên của Cambridge và được tổ chức giảng dạy và tổ chức thi bằng tú tài quốc tế.
Tôi nhấn mạnh ở đây là trường chỉ tổ chức thi bằng tú tài quốc tế A Level. Cấp bằng là tổ chức Cambridge cấp chứ không phải Việt Nam mình cấp.
Không có trường nào được cấp bằng quốc tế. Chúng ta chỉ được phép giảng dạy nếu có đầy đủ cơ sở vật chất và chương trình được họ phê duyệt. Khi trở thành thành viên chính thức, chúng ta được phép giảng dạy chương trình đó và sau đó tổ chức thi, được quyền rút đề thi. Khi thi xong, họ là người chấm bài. Điểm số sẽ được đăng tải trên mạng, không phải do chúng tôi chấm điểm. Ai đạt sẽ được tổ chức tú tài quốc tế cấp bằng.
Để được tổ chức tú tài quốc tế công nhận, phải trải qua kỳ sát hạch rất nghiêm ngặt. Như trường chúng tôi, hàng năm mình phải làm việc và báo cáo theo từng giai đoạn cụ thể. Đến 2016, toàn bộ trường ở cả 3 cấp 1,2,3 đều đã được sát hạch và công nhận trở thành thành viên chính thức của tổ chức tú tài quốc tế.
Phụ huynh cần thông thái
Hiện nay, vẫn còn có sự nhập nhèm giữa tên trường quốc tế, thưa bà?
- Qua quá trình tiếp xúc với các vị phụ huynh và học sinh hiện nay, tôi thấy họ rất hiểu biết. Tôi không biết ở những trường khác thế nào, nhưng khi họ đến trường chúng tôi, họ đều hiểu thế nào là hệ A level, thế nào là Cambridge. Sự lựa chọn hệ khác khi giảng dạy chương trình song ngữ là quyền của họ, còn chữ quốc tế, nếu nói chi tiết chưa có quy định nào. Nhưng tên trường chỉ là tên trường. Các phụ huynh nên tìm kiếm các thông tin ở trên mạng, tìm hiểu thêm thế nào là quốc tế.
Thực tế, nhiều trường hiện nay đều công khai trên trang mạng hoặc khi đến thăm trường là họ giảng dạy chương trình Việt Nam.
Giảm tải cho hệ Song bằng
Về đề án Song bằng đang được triển khại tại trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), bà có thể cho biết tại sao chúng ta lại chọn chương trình này chứ không phải là chương trình khác?
- Hiện nay trên toàn thế giới, bằng tốt nghiệp hệ Cambridge A level và bằng tú tài quốc tế Diploma Programme- DP là hai văn bằng tốt nghiệp hệ THPT quốc tế phổ biến nhất. Học sinh tốt nghiệp một trong hai văn bằng này có cơ hội đăng ký và theo học ở hầu hết các trường ĐH trên thế giới. Các em có thể tìm trường, tìm nước nhưng ta không phải học lại một năm nữa.
Với bằng A level, học sinh thi 4 môn, cách quản lý của mỗi tổ chức khác nhau. Tổ chức Cambridge cho phép mình giảng dạy khi mình chưa trở thành thành viên chính thức và họ sẽ quản lý ở trường thi. Chúng tôi lấy ví dụ khi triển khai ở trường Chu Văn An, triển khai trong điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất, nguồn học sinh, giáo viên, chương trình mới... Khó khăn nhất là học sinh phải học hai hệ, rất nặng. Một bằng Việt Nam đã rất nặng rồi, thêm một bằng nước ngoài nữa thì chắc chắn là khó khăn. Giáo viên cũng khan hiếm nhưng vẫn có thể làm được dựa trên yếu tố học sinh Việt Nam rất chăm, hàng năm đều đạt giải quốc tế rất nhiều, đặc biệt là học sinh chuyên.
Công tác gần 30 năm trong ngành Giáo dục nên tôi thấy nếu chọn tổ hợp khoa học tự nhiên thì yêu cầu về ngôn ngữ sẽ ít hơn. Môn kinh tế ở nước ngoài, như ở Anh tới lớp 11 mới học nên là mới đều với tất cả học sinh chúng ta, nhưng riêng Toán, Lý, Hóa thì học sinh Việt Nam đã học rất tốt rồi, chỉ phải chuyển đổi về vấn đề ngôn ngữ thôi. Chúng ta sẽ có 1 năm lớp 10 để bổ trợ. Chính vì vậy, tính khả thi rất cao.
Đối với chương trình tú tài quốc tế IBDP, bắt buộc phải thi 6 môn và như vậy phải có ít nhất 2 môn xã hội. Khả năng ngôn ngữ lúc này đòi hỏi rất cao. Mời được giáo viên giảng dạy những môn này cũng rất khó khăn. Với số lượng học sinh ít, nguồn kinh phí nhà nước phê duyệt rất thấp, chúng tôi phải thắt lưng buộc bụng, làm rất khó.
Thực tế học sinh Việt Nam rất thích du học tại Mỹ vì 2 năm đầu họ chưa thể phân định rõ được họ muốn học ngành nghề gì. ĐH Mỹ học 4 năm, học đại cương 2 năm đầu, sau đó quyết định nghề. Nhưng đối với các trường ĐH ở các nước khác, học sinh phải chọn ngay. Nếu như bạn thi A level thì phải rất chắc chắn muốn học nghề đó. Còn khi muốn chuyển nghề thì kết quả thi tốt nghiệp đó không chuyển được. Trong khi bằng IBDP nếu học cảm thấy không thích hợp, hoàn toàn có thể chuyển được. Hơn nữa bằng tú tài quốc tế là phổ cập, công nhận ở phạm vi rộng hơn.
Đối với đề án Song bằng hiện nay, nhiều người băn khoăn liệu học sinh có "quá tải" khi cùng lúc phải học hai hệ. Làm thế nào để bớt đi những phần kiến thức trùng lặp ở hai chương trình, giảm tải cho học sinh?
- Đó chính là phần tích hợp. 3 môn Toán, Lý, Hóa là khoa học tự nhiên nên luôn luôn đúng. Làm việc cặp đôi giữa giáo viên giảng dạy chương trình quốc tế và chương trình Việt Nam phải chặt chẽ để tránh việc trùng lặp. Ví dụ cần làm việc theo tổ để xem trong chương trình lớp 10, hai chương trình học cái gì sau đó bổ trợ sao để các em không phải học lại kiến thức đó. Khi đã nắm vững được kiến thức thì chuyển tải sang chỉ là vấn đề phiên dịch, là ngôn ngữ toán học.
Trân trọng cảm ơn chị!
Thu Hương (thực hiện)
Theo daidoanket
Cùng sinh viên Hà Tĩnh "Hiểu chi tiêu - Phòng cháy túi" Nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng hữu ích về quản lý tài chính, quản lý chi tiêu tiết kiệm và lập ngân sách một cách có trách nhiệm, tối 14/8, Hội Sinh viên Đại học Hà Tĩnh đã tổ chức chương trình "Hiểu chi tiêu - Phòng cháy túi". Tham dự chương trình có 4 đội thi, mỗi đội gồm 5 người...