Hà Nội điều chỉnh tăng học phí năm học 2018-2019 thế nào?
Chiều 5.7, tại kỳ họp thứ 6 HĐND TP khóa XV, HĐND TP.Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội.
Áp dụng mức thu học phí mới cho năm học 2018-2019
Trình bày tờ trình về việc quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của TP.Hà Nội năm hoc 2018-2019, ông Chử Xuân Dũng – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm học 2017-2018, các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập (trừ các cơ sở giáo dục chất lượng cao) thực hiện thu học phí theo quy định tại Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐND.
Cụ thể, học sinh ở vùng thành thị thu 110.000 đồng/tháng; vùng nông thôn thu 55.000 đồng/tháng và khu vực miền núi thu 14.000 đồng/tháng.
Với mức thu trên, tổng số thu từ học phí công lập cấp học mầm non và phổ thông của TP khoảng 675,351 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 8,3% trong tổng số chi (từ nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước cấp và nguồn thu học phí); kinh phí ngân sách nhà nước cấp chi theo định mức khoảng 7.426,241 tỷ đồng. Như vậy nguồn thu học phí đã hỗ trợ một phần cùng với ngân sách nhà nước đáp ứng nhu cầu chi phục vụ dạy và học tại các cơ sở giáo dục công lập.
Ông Chử Xuân Dũng – Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội trình bày tờ trình tại kỳ họp thứ 6 HĐND TP.Hà Nội. Ảnh. T.An
Theo Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội, mức thu học phí hiện nay ở mức thấp trong khung học phí theo quy định của Chính phủ. Ngoài ra, các đơn vị phải sử dụng 40% tổng số thu học phí để chi thực hiện cải cách tiền lương. Như vậy, kinh phí còn lại (60% nguồn thu học phí) để chi phục vụ dạy và học là rất hạn hẹp.
So với một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đồng bằng sông Hồng, mức thu học phí bình quân của TP.Hà Nội ở mức thấp nên chưa huy động được nguồn lực từ sự đóng góp của người dân cho giáo dục.
Theo đó, căn cứ vào khung quy định của Chính phủ; bảo đảm nguyên tắc điều chỉnh tăng dần được quy định tại Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐND và phù hợp với khả năng đóng góp thực tế của người dân, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hằng năm, UBND TP.Hà Nội đã đề xuất mức thu học phí năm học 2018 – 2019 cụ thể và được thông qua như sau: Học sinh theo học tại các cở sở giáo dục trên địa bàn thành thị (phường, thị trấn) mức thu học phí là 155.000 đồng/tháng/học sinh; học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn nông thôn (trừ các xã miền núi) là 75.000 đồng/tháng/học sinh; học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn các xã miền núi là 19.000 đồng/tháng/học sinh.
Số tăng thu học phí (chênh lệch giữa mức thu học phí đề xuất năm học 2018-2019 với mức thu học phí năm học 2017- 2018), một phần để thực hiện cải cách tiền lương theo quy định, phần còn lại dành để chi sự nghiệp giáo dục hằng năm.
UBND TP.Hà Nội cũng đánh giá, mức thu học phí đề xuất phù hợp với khả năng chi trả của người dân TP so với thu nhập bình quân một nhân khẩu/tháng. Với thu nhập hiện nay, việc tăng học phí năm học 2018-2019 làm tăng khả năng chi trả việc học khoảng 0,85% so với thu nhập bình quân một nhân khẩu một tháng ở khu vực thành thị.
Video đang HOT
Tổng số thu học phí theo mức thu năm học 2018-2019 là 939,864 tỷ đồng; tăng 264,513 tỷ đồng so với năm học trước, trong đó khu vực thành thị tăng 170,480 tỷ đồng, khu vực nông thôn tăng 93,267 tỷ đồng, khu vực miền núi tăng 0,766 tỷ đồng. Tiền thu học phí chiếm tỷ lệ 11,3% tổng số chi hoạt động thường xuyên của đơn vị. Vì vậy, dù học phí tăng nhưng nguồn kinh phí chi thường xuyên cho giáo dục mầm non và phổ thông công lập vẫn chủ yếu từ ngân sách nhà nước.
“Việc điều chỉnh tăng mức thu học phí không làm ảnh hưởng đến các đối tượng học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, học sinh diện chính sách vì các đối tượng này đã được hưởng chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định của trung ương (riêng đối tượng nghèo và cận nghèo thực hiện theo chuẩn nghèo, chuẩn cận nghèo của thành phố). Kinh phí thực hiện chế độ miễn, giảm học phí theo mức thu đề xuất khoảng 26,732 tỷ đồng” – Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho hay.
Trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học uống 1 hộp sữa/ngày
Tại kỳ họp, với với tỷ lệ 96,08% số đại biểu tán thành (đạt 100% đại biểu có mặt), HĐND TP.Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về quy định cơ chế hỗ trợ từ ngân sách địa phương thực hiện Đề án chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo tờ trình của UBND TP do Giám đốc Sở GDĐT Chử Xuân Dũng trình bày, TP.Hà Nội đã và đang triển khai, tổ chức họp với các Sở, ngành có liên quan, Phòng GDĐT các quận, huyện, thị xã về triến khai xây dựng Đề án Sữa học đường…
Quang cảnh kỳ họp thứ 6 HĐND TP khóa XV, HĐND TP.Hà Nội. Ảnh: Thành An
Theo Nghị quyết của HĐND TP, đối tượng áp dụng Nghị quyết này là trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học đang theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.Hà Nội và phụ huynh của các đối tượng này tự nguyện tham gia đề án sữa học đường. Doanh nghiệp (DN) cung cấp sữa, các đơn vị, tổ chức cá nhân có liên quan đến việc tổ chức, thực hiện Đề án Chương trình Sữa học đường trên địa bàn TP.
Theo đó, thời gian thụ hưởng, giai đoạn 2018-2020 (từ năm học 2018-2019 đến năm học 2020-2021, riêng năm học 2020-2021 chỉ tính đến hết ngày 31.12.2020). Về định mức thụ hưởng, trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa tươi 5 lần/tuần (mỗi ngày đến trường uống một lần), mỗi lần 1 hộp 180ml và trong 9 tháng đến trường của mỗi năm học.
Về mức hỗ trợ, nguồn kinh phí được lấy từ ngân sách hỗ trợ; phụ huynh học sinh đóng góp và nguồn hỗ trợ của doanh nghiệp cung cấp sữa. Dự kiến kinh phí thực hiện đề án chương trình sữa học đường giai đoạn 2018-2020 là hơn 4.188 tỉ đồng, trong đó ngân sách TP, quận hỗ trợ hơn 1.293 tỉ đồng; DN cung cấp sữa hỗ trợ hơn 891 tỉ đồng; Phụ huynh học sinh đóp góp hơn 2.000 tỉ đồng.
Theo Dân Việt
Đề thi lớp 10 Hà Nội sẽ không đánh đố
Ngày 7.6, hơn 95.000 thí sinh Hà Nội sẽ tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2018 - 2019. Thanh Niên ghi nhận những thay đổi và lưu ý quan trọng với thí sinh trong kỳ thi năm nay.
Thí sinh xem danh sách dự thi vào lớp 10 năm học 2017 - 2018 tại Hà Nội - NGỌC THẮNG
Kỳ thi năm nay do số học sinh (HS) dự thi tăng mạnh nên số phòng thi, điểm thi ở Hà Nội đều tăng nhiều.
Đặt ra yêu cầu phù hợp trong đề thi
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết từ năm nay, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ bắt đầu thay đổi theo hướng sẽ không có phần câu hỏi mang tính "đánh đố" HS. Đề thi sẽ được xây dựng trên ma trận với những mức độ, yêu cầu phù hợp hơn.
Từ trước tới nay, đề thi toán ở các kỳ thi quan trọng đều có một số câu hỏi rất khó để phân hóa HS, nhưng nhiều khi chính vì 1 - 2 câu hỏi rất khó ấy lại gây sức ép cho việc phải đi học thêm mới làm được bài. "Chúng tôi đã chỉ đạo và nghiên cứu để đề thi sẽ không có những câu hỏi quá khó như vậy, mục tiêu là giảm áp lực dạy thêm, học thêm đối với người học, tạo tiền đề cho việc đổi mới thi tuyển sinh vào lớp 10 theo dự kiến từ năm học 2019 - 2020", ông Dũng cho hay.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng đặc biệt lưu ý HS không học tủ, học lệch, không nghe ngóng các thông tin trên mạng xã hội về việc đề thi sẽ rơi vào bài toán này, tác phẩm văn học kia vì những lời đồn đoán vô căn cứ. Lưu ý này được nhấn mạnh bởi trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện một công văn giả mạo của Bộ GD-ĐT, yêu cầu giảm tải nội dung ra đề môn ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018 - 2019.
Bỏ thủ tục khai mạc kỳ thi
Một trong những điểm mới về hướng dẫn làm thủ tục thi năm nay là Sở GD-ĐT quyết định cắt bỏ thủ tục khai mạc kỳ thi. Thay đổi này tuy nhỏ nhưng được phụ huynh HS và các trường đánh giá rất cao vì lâu nay tâm lý HS tham dự những kỳ thi quan trọng đã rất căng thẳng, việc bắt HS tốn thời gian, công sức để tham gia vào những hoạt động rất hình thức như dự khai mạc kỳ thi, chứng kiến đề thi niêm phong ra sao... ở sân trường là rất mệt mỏi.
Chia sẻ thêm về điều này, ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết: "Việc cho thí sinh chứng kiến hộp niêm phong đề thi là không cần thiết, không đúng hướng dẫn của Bộ. Do đó, chúng tôi đề nghị không cần thủ tục này, bởi rất mất thời gian và còn tốn kém khi hàng trăm cán bộ coi thi phải di chuyển xuống để khai mạc rồi lại phải đi lên phòng thi".
Thay vì chứng kiến đề thi niêm phong trong lễ khai mạc ở sân trường, năm nay thí sinh sẽ thực hiện việc này tại phòng thi, kiểm tra tình trạng của đề thi ngay khi được phát.
Giữ hộ thẻ dự thi của thí sinh
Năm nay để thắt chặt khâu an ninh, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu thêm phiếu báo dự thi của thí sinh cũng phải có ảnh và được đóng dấu giáp lai.
Điểm mới nữa là Sở GD-ĐT Hà Nội cho phép các điểm thi giữ lại "thẻ HS", cũng đồng thời là thẻ dự thi ngay khi các em kết thúc buổi học quy chế thi sáng 6.6. Bộ phận phục vụ điểm thi có trách nhiệm bảo quản thẻ của HS và phân về các phòng thi cho các buổi thi sau. Thí sinh không phải đóng bất kỳ khoản phí nào khi tham dự kỳ thi này; các điểm thi tuyệt đối không được gợi ý, vận động thu góp ủng hộ cho việc tổ chức thi; nếu phát hiện sai phạm, trưởng điểm thi sẽ bị xử lý nghiêm khắc.
Để không phạm quy chế thi
Ông Phạm Quốc Toản lưu ý HS ghi nhớ danh mục vật dụng không được phép mang vào phòng thi như đồ uống có cồn, giấy than, bút xóa, tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin... Nếu bị phát hiện mang các vật dụng trái quy định vào phòng thi, HS sẽ bị đình chỉ thi.
Những vật dụng được phép mang vào phòng thi gồm: bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, máy tính bỏ túi không có thẻ nhớ và không soạn thảo được văn bản, Atlat địa lý VN do Nhà xuất bản Giáo dục VN ấn hành, không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì (với thí sinh thi chuyên địa lý); các loại máy ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.
Quy định không được mang điện thoại vào phòng thi cũng được ban chỉ đạo thi nhấn mạnh trước kỳ thi bởi các năm trước đã có không ít trường hợp vô tình mắc lỗi rất đáng tiếc, dù được giáo viên nhắc nhở kỹ. Theo quy chế thi, chỉ cần mang điện thoại vào phòng thi, nếu bị phát hiện thì dù không sử dụng thí sinh cũng sẽ bị đình chỉ thi.
Ông Toản cũng nhấn mạnh một số điều thí sinh cần lưu ý, như nếu đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi.
Gợi ý hướng dẫn giải đề thi trên thanhnien.vn
9 giờ hôm nay (6.6), thí sinh đến phòng thi làm thủ tục dự thi, đính chính sai sót thông tin đăng ký dự thi (nếu có) và nghe phổ biến quy chế thi, lịch thi.
Ngày 7.6: Bắt đầu từ 8 giờ, thí sinh làm bài thi môn ngữ văn, thời gian làm bài 120 phút; buổi chiều từ 14 giờ 30, làm bài thi môn toán, thời gian làm bài 120 phút.
Báo Thanh Niên sẽ đăng gợi ý hướng dẫn giải đề thi ngay sau khi kết thúc từng môn thi trên thanhnien.vn.
Để cập nhật những thông tin phản ánh về kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2018 - 2019, Sở GD-ĐT công bố điện thoại đường dây nóng: 0888996977.
Theo thanhnien.vn
Bỏ quy định cho phép các trường thu tiền đóng góp tự nguyện UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 04/2018/QĐ-UBND bãi bỏ điều 11 của Quy định về thu, sử dụng các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập của TP. ảnh minh họa Quyết định này có hiệu lực từ ngày 5.2 tới. Quy định tại điều 11 ghi: "Trong trường hợp ngân sách nhà nước...