Hà Nội: Dạy thêm tràn lan ở bậc tiểu học
Trước tình trạng dạy thêm, học thêm (DTHT) diễn ra ở hầu hết các cấp học, ngày 1-11, Sở GD-ĐT TP Hà Nội đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến về việc quản lý hoạt động này.
Theo Sở GD-ĐT TP Hà Nội, dù Bộ GD-ĐT nghiêm cấm DTHT ở bậc tiểu học nhưng hàng loạt hình thức dạy thêm trá hình dưới dạng quản lý ngoài giờ của các giáo viên tiểu học vẫn đang diễn ra khiến phụ huynh rất bức xúc. Đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay sở đã nhận được không ít khiếu nại của phụ huynh về tình trạng DTHT khá phổ biến ở bậc tiểu học.
Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Tây Hồ, nhấn mạnh nếu giáo viên dạy tốt thì có thu đến 500.000 đồng/buổi, lớp vẫn đông nhưng điều khiến phụ huynh bức xúc là giáo viên dạy không ra gì, lại ép con họ đi học bằng nhiều cách. Quản lý DTHT hiện nay cần tập trung vào việc làm sao để bảo đảm chất lượng theo đúng nhu cầu và chi phí phụ huynh bỏ ra, thay vì chỉ bảo đảm đúng thủ tục hành chính, giấy tờ. Muốn vậy, cần có kinh phí cho công tác kiểm tra, đánh giá. Bên cạnh đó, không thể thiếu chế tài mạnh, cụ thể.
Bà Dương Thị Thanh Huyền, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Hoàn Kiếm, cũng cho rằng chế tài hiện nay chưa đủ mạnh để xử lý những vi phạm DTHT. “Theo tôi, nên áp dụng chế tài theo Luật Viên chức với hình thức xử lý rất quan trọng là hạn chế hoạt động nghề nghiệp. Theo đó, những giáo viên có hình thức ép học sinh đi học thêm, thu tiền cao, dạy không bảo đảm chất lượng thì có thể cho tạm dừng giảng dạy với môn học mà người đó đảm nhiệm trên lớp”.
Về quản lý DTHT trong nhà trường, các giáo viên cho rằng mức thu quá chênh lệch giữa cùng một bậc học là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều đơn thư, khiếu kiện của phụ huynh. Lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận Hà Đông cho hay đã đi kiểm tra một số trường tiểu học và phát hiện có nơi thu tiền DTHT tới 700.000 đồng/học sinh. Bà Nguyễn Thị Hương, Phòng GD-ĐT huyện Từ Liêm, cho biết có giáo viên dạy tiểu học thu nhập lên tới hàng chục triệu đồng trong dịp hè vì thu tới 100.000 đồng/cháu/buổi với một lớp hơn 30 học sinh. Tuy nhiên, việc xử lý rất khó vì các trường đều có thể đưa ra đơn thỏa thuận của phụ huynh.
Video đang HOT
Chính vì vậy, lãnh đạo các phòng giáo dục kiến nghị Sở GD-ĐT TP Hà Nội cần đưa ra khung thu chi với hoạt động DTHT trong nhà trường để phụ huynh có thể yên tâm với hoạt động này.
Yến Anh
Theo người lao động
Đừng sĩ diện bắt con "chín ép"
Mới đây, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo điều chỉnh Điều lệ trường tiểu học trong đó có quy định học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể được học vượt lớp trong phạm vi cấp học. Liệu quy định này có đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận phụ huynh cho rằng con mình đang "ngồi nhầm lớp"...
Không phải cứ "vượt lớp" là giỏi
Trước khi khai giảng năm học mới - 2012, chị Nguyễn Hồng Ánh, ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy đã đến một trường tiểu học gần nhà để hỏi về thủ tục "học vượt lớp" cho con gái mới 5 tuổi. Theo chị Ánh, sở dĩ chị muốn cho con đi học sớm là do con gái chị đã đọc thành thạo không cần đánh vần, thậm chí đã biết cộng trừ có nhớ trong phạm vi 100, thuộc bảng cửu chương... hơn cả chương trình của học sinh lớp 2. Tuy nhiên, lời khuyên mà giáo viên dành cho chị Ánh là trẻ vẫn phải đủ 6 tuổi (tính theo năm sinh) mới được vào lớp 1. Bởi, về nguyên tắc trẻ em 5 tuổi học mẫu giáo, 6 tuổi vào lớp 1 cần được duy trì vì trẻ cần được chơi, cần được phát triển, không học sớm, không học nhiều...
Việc học vượt lớp của trẻ, cũng không còn quá xa lạ ở Việt Nam. Cách đây 7 năm, dư luận từng xôn xao về cậu bé Hoàng Thân, quê ở Tuyên Quang có thành tích "học 2 ngày lên 3 lớp". Năm 2005, khi mới 5 tuổi, Hoàng Thân đã đoạt giải trong cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh-thiếu niên, nhi đồng toàn quốc. Hiện tại, Hoàng Thân đang là học sinh trường THCS Đại Kim, quận Hoàng Mai. Những năm qua, em vẫn luôn là học sinh giỏi, đặc biệt về toán, tin học và tiếng Anh, giành được nhiều giải thưởng về sáng tạo. Tuy nhiên, xét ở góc độ khác, em cũng phải chịu một số thiệt thòi nhất định. Tuy kém 2 tuổi, Thân vẫn phải học cùng chương trình giáo dục thể chất với các bạn cùng lớp. Các bạn trong lớp đều lớn hơn em về tuổi đời, nên cũng có chênh lệch nhất định về tâm - sinh lý...
Cho con em học vượt lớp, học trước không thể dựa vào mong muốn chủ quan của phụ huynh. (Ảnh minh họa)
Mặc dù Luật Giáo dục quy định trẻ 6 tuổi vào lớp 1, nhưng cũng có điều kiện mở với học sinh phát triển hơn về thể chất, tinh thần có thể học vượt lớp trong phạm vi cấp học hay còn gọi là học "nhảy cóc". Theo đó, cha mẹ hoặc người đỡ đầu cần có đơn đề nghị với nhà trường. Hiệu trưởng nhà trường thành lập hội đồng khảo sát, tư vấn, gồm đại diện của ban giám hiệu và ban đại diện cha mẹ học sinh của trường, giáo viên dạy lớp học sinh đang học, giáo viên dạy lớp trên, nhân viên y tế, tổng phụ trách đội. Căn cứ kết quả khảo sát của hội đồng tư vấn, hiệu trưởng sẽ quyết định.
"Điều tôi băn khoăn là hiện nhiều bậc phụ huynh có xu hướng thích cho con học sớm. Họ cho các bé học chữ và làm toán ngay từ lớp mẫu giáo nên đến khi vào lớp 1 thấy trẻ đọc thông viết thạo, tính toán nhanh đâm ra "ảo tưởng" về khả năng của con em mình. Do vậy, cha mẹ nên bình tĩnh xem xét thay vì kỳ vọng con mình sẽ học "vượt thời gian", anh Nguyễn Hoàng Hải, ở phường Giảng Võ, quận Ba Đình nhận xét.
Tránh tình trạng cào bằng
Theo nhiều nhà khoa học, với một trẻ thông minh, hoàn toàn có nhiều cách để nâng cao trình độ, vấn đề là phải chú trọng cho trẻ phát triển thể lực và các năng khiếu về văn nghệ, thể thao trước khi cho các em học văn hóa. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh và thầy cô cũng cho rằng, lâu nay, trò giỏi phải học chung với trò kém là rất thiệt thòi. Do vậy, dự thảo học vượt lớp được ví như cánh cửa mở cho trẻ. Điều quan trọng là các bậc phụ huynh nên suy nghĩ trước khi đưa ra quyết định việc con mình có nên học vượt lớp hay không. Bởi, sẽ rất nguy hiểm nếu chỉ vì sĩ diện, muốn con mình hơn con người khác mà cho con học vượt lớp.
Cô Nguyễn Thu Phương, giáo viên trường Tiểu học Thanh Quan, quận Hoàn Kiếm thừa nhận, nếu một đứa trẻ được nuôi dạy ở môi trường tốt cả về thể chất lẫn tâm lý thì những gì chúng thể hiện qua tư duy, lời nói, hành động cũng như thể lực cũng tốt hơn những đứa trẻ khác. Tuy nhiên, để đánh giá chính xác đứa trẻ đó có khả năng đáp ứng tốt việc học sớm hay không phải dựa trên những đánh giá khách quan, tránh tình trạng bắt trẻ "chín ép". Song, ngược lại những trường hợp trẻ có tố chất phát triển nhỉnh hơn đa số trẻ cùng tuổi thì nên cho trẻ có cơ hội được phát triển tốt hơn.
Với quan điểm, học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể vượt lớp là một xu thế tất yếu, PGS.Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh cho rằng, một nền giáo dục tiên tiến cần hướng tới mục tiêu đáp ứng cá nhân, không thể cào bằng. Đối với những trẻ khiếm khuyết về trí tuệ như tự kỷ, hội chứng Down... nên có cách giáo dục riêng để giúp các em tiếp nhận kiến thức theo cách riêng. Còn đối với các em phát triển sớm về trí tuệ hay có những tố chất đặc biệt thì nên đặc cách cho các em học vượt lớp, vượt cấp để các em có thể phát huy hết khả năng sáng tạo của mình.
Tuy nhiên, việc xét vượt lớp nên có chuẩn mực, học sinh vượt lớp cần phải xét về tất cả các môn, không thể vì 1, 2 môn học nổi trội mà có thể cho trẻ vượt lớp. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng nên đánh giá đúng năng lực của con em mình trước khi quyết định cho trẻ vượt lớp. Các trường nên thành lập hội đồng kiểm tra trình độ học sinh này bằng các bài thi, bài kiểm tra gồm những tiêu chuẩn, điều kiện rõ ràng để xác định xem học sinh đó có đủ trình độ học hết lớp muốn vượt và có khả năng tự học hay chưa. Nếu những kiến thức phổ thông ở các môn khác không có khả năng bù đắp thì chưa thể vượt lớp được.
Theo ANTĐ
Mỗi chương trình một kiểu Mỗi trường có nhiều chương trình tiếng Anh nhưng mỗi chương trình mỗi kiểu, thiếu sự liên thông giữa các chương trình, giữa các cấp học. Giờ toán đầu tiên chương trình dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh lớp 10 Trường THPT Lương Thế Vinh (TP.HCM). Bài học nhẹ nhàng về cách đọc các số dương, số âm, phép tính lũy...