Hà Nội: Dạy học qua truyền hình cho học sinh trong mùa dịch Covid-19
Từ ngày 9/3, học sinh lớp 9 và 12 ở Hà Nội được học và ôn luyện các môn phụ vụ tuyển sinh qua kênh 1 Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội.
Từ 9h sáng, Phạm Minh Quân, học sinh lớp 9 Trường THCS Bế Văn Đàn, quận Đống Đa đã ngồi trước TV để tham gia lớp học trên truyền hình.
Thay vì học với các bạn cùng lớp như thông thường, trong tiết học kéo dài gần 30 phút, em học một mình ở nhà. Dù không có sự tương tác qua lại giữa giáo viên với học sinh như những giờ giảng thông thường nhưng Phạm Minh Quân vẫn cảm thấy hứng thú với hình thức học qua truyền hình này.
“Chương trình này rất hiệu quả. Ngay tại nhà, học sinh cũng có ôn bài. Chương trình dạy trên TV sôi nổi hơn, học sinh cũng dễ tập trung hơn”, Quân cho biết.
Hà Nội tiến hành dạy học qua truyền hình. (Ảnh minh họa)
Chị Nguyễn Giang Thanh, mẹ của Phạm Minh Quân cho biết, trong thời gian học sinh nghỉ học để phòng chống dịch covid-19, hình thức học qua truyền hình giúp học sinh cuối cấp củng cố kiến thức để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh sắp tới: “Khi Sở và nhà trường có thêm hình thức để cho các con ôn tập, phụ huynh rất mừng vì năm nay các con thi rồi. Chương trình truyền hình này có lợi, bởi có lịch trình chủ động cho các con sắp xếp thời gian, thứ 2 là 3 môn học chính thì cũng được sở xếp lịch học 1 tuần 2 buổi. Phụ huynh chúng tôi thấy vui và rất ủng hộ”.
Để giúp học sinh đảm bảo kiến thức cho kỳ thi vào lớp 10 và thi trung học phổ thông quốc gia, chương trình học trên truyền hình của thành phố Hà Nội được xây dựng cho học sinh khối 9 với 3 môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh; học sinh lớp 12 với 9 môn, gồm: Ngữ văn, Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân và Tiếng Anh.
Ông Kiều Văn Minh, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: “Các bài giảng mà chúng tôi dạy học trên truyền hình thì xuất phát từ một yêu cầu quy định của Bộ Giáo dục- Đào tạo là tiếp nối chương trình mà lúc trước các em đã học. cùng với việc đó là chúng tôi chỉ đạo cho đội ngũ cán bộ giáo viên này xây dựng bài giảng trên chuẩn kiến thức kỹ năng theo quy định của chương trình Bộ Giáo dục và Đào tạo”.
Tuy nhiên, thực tế việc dạy và học trên truyền hình cũng còn nhiều điểm hạn chế so với phương thức học truyền thống như: giáo viên và học sinh không có cơ hội tương tác; giáo viên không thể kiếm tra được mức độ tiếp thu của học sinh đối với bài giảng để điều chỉnh nội dung hay cách thức truyền đạt; kiến thức các bài giảng chưa thực sự phù hợp với phần lớn học sinh thành phố. Bên cạnh đó, hiệu quả của việc dạy và học phụ thuộc vào tinh thần tự giác của chính học sinh.
Em Lều Thu Phương, học sinh lớp 9 Trường THCS Bế Văn Đàn và Nguyễn Đức Anh, học sinh lớp 12, Trường THPT Lý Thái Tổ nêu ý kiến, dù chương trình hay, nhưng nhiều nội dung giáo viên còn giảng hơi nhanh. Những học sinh lớp đại trà chưa nắm chắn kiến thức sẽ khó hiểu hơn.
Hiện nay chương trình học của học sinh ở Hà Nội cũng như các địa phương khác đã phải lùi lại gần 2 tháng do dịch covid-19. Chương trình dạy học trên truyền hình dù còn nhiều điểm hạn chế nhưng cũng góp phần giúp các học sinh cuối cấp có thêm kênh tự học, tự ôn tập, đảm bảo kiến thức để bước vào các kỳ thi quan trọng sắp tới./.
Theo VOV
Dạy học qua truyền hình: Học sinh cuối cấp học tập, ôn thi sao cho hiệu quả?
Nhiều địa phương đang tích cực dạy học trực tuyến thời gian học sinh tạm nghỉ, nhưng phương pháp này liệu có thể thay thế học trên lớp?
Lo lắng khi học bài mới qua truyền hình
Để giúp học sinh không quên kiến thức thời gian tạm nghỉ vì Covid-19, nhiều địa phương đẩy mạnh phương pháp dạy học trực tuyến thông qua nhiều hình thức như bài giảng điện tử, tương tác trực tuyến, livestream, bài tập điện tử...
Đặc biệt mới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội triển khai hình thức giảng bài trực tuyến qua truyền hình cho học sinh lớp 9 và lớp 12. Các bài giảng truyền hình là các bài tiếp nối trong chương trình lớp 9 và lớp 12 năm học 2019- 2020, góp phần củng cố kiến thức, kỹ năng cho học sinh trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và THPT quốc gia 2020.
Lớp 9 gồm các môn Ngữ văn, Toán và tiếng Anh. Lớp 12 gồm các môn Ngữ văn, Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân và tiếng Anh.
Ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.Hà Nội, cho biết Sở huy động gần 50 cán bộ, giáo viên THCS, THPT xây dựng nội dung, thiết kế bài giảng đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng, theo chương trình giáo dục hiện hành. Sở cùng Đài Phát thanh- Truyền hình Hà Nội ghi hình, phát sóng từ thứ 2 đến thứ 7 mỗi tuần.
"Đây là các bài giảng mới, tiếp nối các bài học mà các em học trước kỳ tạm nghỉ chống dịch Covid-19 chứ không phải ôn lại các bài đã học", ông Quang nói.
Môn Ngữ văn được dạy học trên truyền hình của Hà Nội.
Em Nguyễn Phương Nga, học sinh lớp 12 trường THPT Chu Văn An cho biết, sau ngày đầu tiên học qua truyền hình, em thấy giáo viên giảng bài kỹ, dễ hiểu và chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong giải bài tập, ghi nhớ công thức dễ dàng.
" Tuy nhiên học qua truyền hình, không có sự tương tác, không nêu được thắc mắc để giải đáp ngay nên chúng em khá lúng túng. Do đó, học sinh phải tự tương tác thêm với giáo viên bộ môn ở trường để được giải thích cặn kẽ một số điểm chưa rõ trong bài giảng", Phương Nga nói.
Bên cạnh những điểm tích cực, việc học sinh thụ động tiếp thu các kiến thức thông qua học trực tuyến khiến nhiều giáo viên tỏ ra lo lắng. Cô giáo Lê Hoàng Thu, giáo viên một trường THPT ở Hà Nội cho biết, học sinh cuối cấp rất lo lắng về việc học và ôn thi. Muốn hiểu được hết kiến thức mới qua truyền hình là điều khó; vì không có giáo viên đốc thúc nên dễ sao nhãng việc học.
"Không ít phụ huynh và học sinh đang có tâm lý coi nhẹ việc học trực tuyến. Vì họ mơ hồ không biết kết quả học lúc này có được công nhận, hay chỉ giải pháp tạm thời và sau khi đi học chính ở trường các em đều được thầy cô giảng bài lại", cô Nga chỉ ra thực tế.
Trong khi đó, dù Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường thực hiện việc dạy học trực tuyến thời gian học sinh nghỉ, nhưng hiện chưa có quy định nào cho phép việc dạy học chính khóa ở bậc phổ thông thay thế bằng học trực tuyến. Điều này khiến phụ huynh, học sinh còn nhiều phấp phỏng về cách dạy, cách học và kết quả đánh giá trong thời điểm này, việc học đâu đó chưa đạt được hiệu quả như mong đợi?.
Tăng hiệu quả học trực tuyến
Thầy giáo Phạm Quốc Toản, trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội) cho rằng, vai trò của giáo viên trong dạy học trực tuyến ở thời điểm này tương tự như giáo viên trên lớp. Họ đều phải thiết kế bài giảng cho học sinh tiếp cận kiến thức, soạn giáo án, hệ thống bài giảng giúp học sinh dễ tiếp thu.
Dạy học trực tuyến có lợi thế về mặt logic phải ngắn gọn, nhẹ nhàng không quá rườm rà, khác với học sinh học trên lớp. Ví dụ các môn tự nhiên, sẽ phân theo các chủ đề bài giảng hoặc một nhóm kiến thức gộp lại. Trong mỗi chủ đề yêu cầu tóm lược kiến thức cơ bản thể hiện bằng sơ đồ ngắn gọn để đi đến cái kết quả; sau đó mới đưa ra các cái dạng bài tập và bài tập minh họa.
"Hãy để học sinh tự suy luận, hiểu quá trình hình thành và có thể tự thiết lập được công thức theo ý hiểu, miễn sao đúng với nội dung bài giảng, giúp các em ghi nhớ rất sâu", thầy Toản chia sẻ.
Học sinh tự chủ động, tiếp thu kiến thức bài học trực tuyến.
Theo vị giáo viên này, quan trọng nhất trong dạy học trực tuyến là thu hút được học sinh, chăm chú theo dõi bài giảng và muốn quay lại bài lần thứ hai. Để làm được việc đó, giáo viên cần đặt ra nhiều câu hỏi và tự trả lời, phải đặt mình vào vị trí của học sinh, xuất phát từ thực tiễn, vướng mắc khó khăn. Sau đó lồng thêm những tình huống vui vẻ giúp cho học sinh cảm nhận kiến thức nhẹ nhàng và ấn tượng.
Tuy nhiên, theo thầy Toản, phương pháp học trực tuyến dẫu sao cũng chỉ là hỗ trợ không thể thay thế học tại lớp. Bởi việc này liên quan đến thái độ của cảm xúc của học sinh và phương thức truyền thụ kiến thức trên lớp sẽ cặn kẽ giải đáp, ngọn ngành mọi thứ tỉ mỉ hơn.
Trong tình thế hiện nay, hiệu quả của học trực tuyến là phục vụ cho luyện thi hiệu quả hơn, từ những kiến thức đã có sẽ giúp học sinh hiểu sâu thêm, vận dụng luyện tập.
"Còn muốn học sinh hình thành kiến thức mới và phát triển các kĩ năng thì khó thực hiện, sẽ có tình trạng hiểu bài mơ hồ, không hiểu sâu, hiểu bản chất", thầy giáo cho hay.
Theo đánh giá của giáo viên, học đại trà qua truyền hình thuận lợi ở chỗ tiếp cận nhanh và có nhiều nguồn tư liệu phong phú, học sinh được xem lại nhiều lần, tham khảo nhiều tư duy khác nhau...
Nhưng nhược điểm khi học sinh muốn trao đổi trực tiếp thắc mắc bài tập, giáo viên không thể giải đáp được ngay. Giáo viên không nhìn được vướng mắc trực tiếp của học sinh trong quá trình dạy, không điều chỉnh tiến độ bài giảng, chỉ áp đặt cái logic của người thầy dạy từ đầu đến cuối bài.
Thầy Toản cho rằng, muốn việc học trực tuyến đạt hiệu quả, học sinh phải chủ động, xuất phát từ nhu cầu muốn học mà chủ yếu là đối tượng học sinh khá trở lên; còn lại học sinh kém, nhất nhiều em các trường ngoài công lập thì rất khó khăn trong việc tự học. Để biết được tiến độ tới đâu thì cần có hệ thống câu hỏi đánh giá, tức là bài kiểm tra lại sau mỗi buổi học.
Video: Lớp học không khoảng cách mùa dịch bệnh Covid-19. (Nguồn VTC)
Theo vietnamnet
Bài dạy trên truyền hình cho học sinh Hà Nội: Dễ hiểu, đúng trọng tâm Trong ngày đầu tiên phát sóng, chương trình dạy trên truyền hình cho học sinh lớp 9 và lớp 12 ở Hà Nội nhận được phản hồi khá tích cực về nội dung cũng như phương pháp truyền đạt của giáo viên. Các bài giảng trên truyền hình là các bài tiếp nối trong chương trình lớp 9 và lớp 12 năm học...