Hà Nội có tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT 2020 cho học sinh lớp 12 không?
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được giao cho địa phương quyền chủ động tổ chức. Sở GD&ĐT Hà Nội có tổ chức cho học sinh lớp 12 thi thử như mọi năm không?
Ông Phạm Quốc Toản – Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT Hà Nội) sẽ giải đáp các thắc mắc của thí sinh và phụ huynh liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Ảnh minh họa
Năm nay, kỳ thi bị lùi sang tháng 8, Sở GD&ĐT có tổ chức cho học sinh lớp 12 thi thử hay không?
Ông Phạm Quốc Toản: Như mọi năm, để giúp thí sinh có bước chuẩn bị tâm lý, kiến thức tốt trước kỳ thi Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức kì khảo sát kiến thức cho học sinh lớp 12 vào khoảng tháng 3.
Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, kì thi khảo sát hiện nay chưa triển khai. Hiện nay Bộ GD&ĐT công bố bộ đề thi minh hoạ cũng như quy chế thi và tuyển sinh, thời gian tới Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ xem xét, nghiên cứu để chọn hình thức và thời điểm hợp lí triển khai kì thi khảo sát cho học sinh lớp 12 trên toàn thành phố.
Video đang HOT
Được biết, năm nay các địa phương phải chủ động tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trong khi thời gian chuẩn bị không nhiều nên có thể phát sinh sai sót. Sở GD&ĐT Hà Nội đã tính đến các phương án để khắc phục những sai sót có thể xảy ra hay chưa?
Ông Phạm Quốc Toản: Sau mỗi năm tổ chức kì thi THPT quốc gia, Sở GD&ĐT Hà Nội bao giờ cũng tổ chức buổi tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để nhìn nhận những ưu điểm cũng như những hạn chế, tồn tại cần khắc phục trong công tác tổ chức kì thi những năm sau.
Năm 2020, trên cơ sở quy chế thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội đã rà soát nội dung và đối chiếu với những thực tế của thành phố, từ đó đã dự thảo phương án để tổ chức kì thi, trong đó quan tâm đến công tác kiểm soát các tình huống phát sinh. Khi thành lập Ban chỉ đạo Thành phố, Ban chỉ đạo luôn quán triệt, rà soát kĩ các điều kiện, khắc phục hạn chế năm trước, phối hợp chặt chẽ và sâu rộng với các ngành để tổ chức kì thi đảm bảo đúng quy chế, tránh sai sót.
Là địa phương có số lượng thí sinh lớn nhất cả nước, Sở GD&ĐT Hà Nội làm gì để phòng ngừa hành vi gian lận?
Ông Phạm Quốc Toản: Năm 2020, dự kiến Hà Nội có khoảng 85.000 thí sinh tham dự kì thi tốt nghiệp THPT. Để tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT, Sở GD&ĐT Hà Nội đã xây dựng dự thảo kế hoạch tổng thể từ công tác tổ chức dạy học, ôn tập, đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm học; rà soát những hạn chế, tồn tại của những năm trước để khắc phục; chuẩn bị nghiêm túc các điều kiện dạy học và tổ chức kì thi với mục tiêu chung của ngành là “thầy dạy tốt, trò học tốt, tổ chức kì thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Năm nay sẽ không còn giảng viên đại học tham gia công tác coi thi. Nếu quy định cán bộ không được làm nhiệm vụ khi có người thân tham dự kỳ thi THPT thì nhiều nơi sẽ không đủ giáo viên coi thi, chấm thi?
Ông Phạm Quốc Toản: Những năm trước, kì thi THPT quốc gia do địa phương chủ trì và có sự phối hợp chặt chẽ của các trường đại học ở tất cả các khâu đã giúp cho công tác tổ chức kì thi được thuận lợi.
Năm 2020, với thông tin của Bộ GD&ĐT, kì thi được giao toàn bộ cho địa phương chủ trì tổ chức. Sở GD&ĐT Hà Nội đã rà soát toàn bộ đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, đảm bảo chuẩn bị đầy đủ nhân sự cho công tác tổ chức kì thi.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Học sinh lớp 12 "nháo nhào" ôn thi môn thứ 4, thứ 5
Việc công bố kỳ thi tốt nghiệp THPT với các bài thi tổng hợp 3 môn chỉ tính chung một đầu điểm, mà không phân ra từng môn đã tạo ra một áp lực rất lớn với học sinh chuẩn bị thi ĐH. Chỉ còn 3 tháng nữa, nhiều em mới "nháo nhào" ôn thi môn thứ 4, thứ 5 trong tâm trạng phấp phỏng, lo âu.
"Vắt chân" với 6 môn thi
Nếu như mọi năm, giai đoạn nước rút này, học sinh lớp 12 đã hòm hòm kiến thức với khối thi ĐH của mình, thì năm nay, các em "vắt chân lên cổ" học từ đầu thêm mấy môn. Điều đáng nói là việc thay đổi cách tính điểm môn thi ĐH của Bộ GD-ĐT đến đột ngột, chỉ cách kỳ thi mấy tháng, khiến học sinh không có sự chuẩn bị từ trước.
Nhiều học sinh lớp 12 "vắt chân lên cổ" ôn thi môn thứ 4, thứ 5 khi năm nay có sự thay đổi về cách tính điểm bài thi tổ hợp
Điều khiến Hoàng Thành (trường THPT Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội) lo nhất hiện nay là trường ĐH Kinh tế quốc dân tính điểm thế nào. "Hiện tại, học sinh chỉ biết rằng trường ĐH Kinh tế quốc dân xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT, nhưng cụ thể xét tuyển thế nào thì vẫn chưa rõ. Như mọi năm, điểm thi xét theo 3 môn của khối thi. Còn năm nay, do bài thi tổng hợp 3 môn chỉ tính chung một đầu điểm, nên không biết trường ĐH Kinh tế quốc dân sẽ tính điểm ra sao. Nếu tính điểm như việc xét tốt nghiệp THPT là 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và 1 môn tổ hợp thì bọn em sẽ phải ôn thi 6 môn là Toán, Văn, Ngoại ngữ, Lý, Hóa, Sinh. Còn nếu tính điểm từ môn Toán và tổ hợp tự nhiên thì bọn em sẽ phải ôn Toán, Lý, Hóa, Sinh", Hoàng Thành cho biết.
Theo như Hoàng Thành, việc ôn thi môn thứ 4, thứ 5 như những năm trước chỉ để "chống liệt" thì năm nay, những môn "chống liệt" này lại có giá trị như những môn chính của khối thi ĐH. "Em thi khối A0 nên suốt 3 năm THPT chủ yếu chỉ tập trung ôn Toán, Lý, Hóa, các môn khác chúng em gần như bỏ bẵng. Giờ phải học thêm 3 môn là Văn, Ngoại Ngữ, Sinh thực sự khiến em quá tải. Văn và Sinh, nếu tập trung học thì không phải là vấn đề lớn. Nhưng với môn tiếng Anh, những học sinh khối A0 như em nhìn chỉ muốn "khóc thét". 3 tháng "cày" thêm 3 môn, không biết có đạt điểm trung bình không?", Hoàng Thành lo lắng.
Bình tĩnh, chủ động ôn luyện là cách tốt nhất với học sinh lớp 12 hiện nay
Tự tin vì chuẩn bị phương án ngay từ đầu năm học
Trong khi nhiều học sinh thi khối A0, A1 lo cuống cuồng vì phải học thêm môn thi thứ 4, thứ 5 khi cách kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ 3 tháng thì Phạm Diệu Linh (lớp 12A6, trường THPT Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội) lại khá ung dung, tự tin. "Em đã có điểm Ielts 6.5 và chỉ cần đỗ tốt nghiệp THPT là có thể đỗ vào trường ĐH Kinh tế quốc dân. Em học khối A1 (Toán, Lý, Anh), nếu tính điểm chung cho môn thi tổ hợp khối tự nhiên là Lý, Hóa, Sinh thì thời gian này em sẽ phải học thêm 2 môn là Hóa, Sinh. Ngay từ đầu em cũng dự tính thi thêm trường ĐH Luật nên em cũng đã chú trọng học tất cả những môn này. Chủ động ngay từ đầu năm học nên giờ em không cảm thấy quá lo lắng", Diệu Linh chia sẻ.
Theo kinh nghiệm của Diệu Linh là lên kế hoạch cho nhiều phương án từ sớm sẽ khiến mình không bị động. "Phương án tuyển sinh ĐH sẽ không cố định mãi, mà sẽ tùy từng năm sẽ có những thay đổi khác nhau. Nếu xác định tinh thần như vậy thì sẽ tìm cách thích ứng. Thời gian này, cuống cuồng sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều tinh thần. Em sẽ bình tĩnh rà soát lại kiến thức. Phần nào hổng, em sẽ bù đắp, bổ sung. Em xác định khó thì khó chung, vì vậy cần tập trung nỗ lực hết sức để có kết quả tốt nhất", Diệu Linh cho biết.
N.Minh
Trường học bỏ vách ngăn, học tập trung Trường học bỏ vách ngăn, không chia lớp, bắt đầu tổ chức bán trú nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến trường. Tại TP.HCM, ngày 11-5, học sinh (HS) khối 1, 2, 3 (tiểu học) sẽ đến trường cùng thầy cô thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Trong khi đó, HS khối 4, 5 (tiểu học);...