Hà Nội có bao nhiêu trường quốc tế chuẩn?
LS Đặng Văn Cường cho biết, chỉ một số trường đặc biệt được mở ra vì mục đích ngoại giao mới thực sự được công nhận là trường quốc tế tại Việt Nam.
Trong bối cảnh hội nhập, nhiều mô hình giáo dục tiên tiến được du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng nhận được sự đón nhận của phụ huynh. Nhiều phụ huynh sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng mỗi tháng để con được học trong các trường học “quốc tế”. Tuy nhiên, hiện nay trong các văn bản pháp luật liên quan đến ngành giáo dục chưa hề có nội dung quy định cụ thể thế nào là trường quốc tế. Một lãnh đạo ngành giáo dục quận Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng việc các trường gắn mác quốc tế vào tên trường chỉ nhằm mục đích thu hút thí sinh, tăng học phí.
Nhiều trường được gắn mác “quốc tế” nhằm thu hút học sinh. (Ảnh minh họa)
Trao đổi với VOV.VN về vấn đề này, Ths, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, Điều 48 Luật giáo dục 2005 quy định Nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức theo các loại hình sau đây: Trường công lập do Nhà nước thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên. Trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động. Trường tư thục do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động bằng vốn ngoài ngân sách nhà nước.
Trong Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ 1/7/2020) cũng quy định 3 loại hình nhà trường tương tự như trên.
Như vậy, tại Việt Nam chưa có quy định về trường quốc tế và cũng không có văn bản hay tiêu chuẩn cụ thể nào cho những ngôi trường này.
LS Cường cho rằng, tiêu chuẩn của thế giới về trường quốc tế gồm 3 tiêu chí: Trường phải có cơ sở ở nhiều quốc gia khác nhau; phải sử dụng các ngôn ngữ quốc tế phổ biến như tiếng Anh, không sử dụng tiếng bản địa; phải đào tạo theo chương trình được nhiều nước công nhận, có thể học lên lớp cao hơn, hoặc thi vào đại học quốc tế.
Hiện nay, các trường quốc tế hầu như được hoạt động dưới mô hình là các trường tư thục. Những trường này được gắn thêm tên “quốc tế” do có yếu tố nước ngoài; thường là có vốn đầu tư nước ngoài, hoặc liên kết đào tạo với nước ngoài, hoặc cả hai.
Video đang HOT
“Hiện nay, tại Việt Nam khái niệm trường quốc tế chưa có ranh giới rõ ràng. Muốn phân biệt trường quốc tế với các trường khác thì phân biệt theo chương trình giảng dạy và đối tượng học, vốn đầu tư. Về vốn đầu tư thì có nhiều hình thức, vốn đầu tư trong nước nhưng dạy chương trình nước ngoài và vốn đầu tư nước ngoài dạy chương trình nước ngoài.
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết: Hiện nay, Luật chưa có các quy định rõ ràng về trường quốc tế. (Ảnh: KT)
Trên địa bàn Hà Nội có các trường quốc tế do các cơ quan ngoại giao thành lập là trường Liên Hiệp Quốc UNIS, trường trung học Alexandre Yersin của Đại sứ quán Pháp, trường của Đại sứ quán Nhật, Hàn Quốc, Nga. Bên cạnh đó, còn có các trường có vốn đầu tư của nước ngoài như Kinderworld/SIS (của Singapore), Horizon (Thổ Nhĩ Kỳ)… còn nhiều trường vốn đầu tư Việt Nam nhưng dạy theo chương trình nước ngoài như BIS & BVIS, Trường chuẩn quốc tế BIS tại Vinhomes Riverside, trường quốc tế Hà Nội…” LS Cường cho biết.
Cũng theo LS Đặng Văn Cường, Nghị định số: 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ cho phép cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài dạy kết hợp cả chương trình Việt Nam và chương trình nước ngoài đảm bảo mục tiêu giáo dục Việt Nam, dạy tích hợp.
Điều kiện cho phép thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài đối với dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục phổ thông là phải có suất đầu tư ít nhất là 50 triệu đồng/học sinh (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ thời điểm có quy mô dự kiến cao nhất, nhưng không thấp hơn 50 tỷ đồng. Đối với các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không xây dựng cơ sở vật chất mới mà chỉ thuê lại hoặc do bên Việt Nam góp vốn bằng cơ sở vật chất sẵn có để triển khai hoạt động thì mức đầu tư ít nhất phải đạt 70% mức quy định trên.
Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, trong đó đối với cơ sở giáo dục phổ thông.
Về đội ngũ nhà giáo đối với cơ sở giáo dục phổ thông thì Giáo viên ít nhất phải có trình độ đại học sư phạm hoặc tương đương; Số lượng giáo viên ít nhất phải bảo đảm tỷ lệ: 1,5 giáo viên/lớp đối với trường tiểu học, 1,95 giáo viên/lớp đối với trường trung học cơ sở và 2,25 giáo viên/lớp đối với trường trung học phổ thông; Số lượng học sinh/lớp không vượt quá 30 học sinh/lớp đối với trường tiểu học, 35 học sinh/lớp đối với trường trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Về việc tiếp nhận học sinh Việt Nam thì cơ sở giáo dục phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài được phép tiếp nhận học sinh Việt Nam vào học chương trình giáo dục của nước ngoài. Số học sinh Việt Nam học chương trình giáo dục của nước ngoài phải thấp hơn 50% tổng số học sinh học chương trình giáo dục của nước ngoài tại cơ sở giáo dục.
Không đảm bảo tiêu chí, tên trường vẫn có “quốc tế” là lừa đảo?
LS Đặng Văn Cường chỉ rõ, Điều 5 Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của của Bộ GD-ĐT ban hành điều lệ trường THCS, trường THPT, việc đặt tên trường được quy định như sau: Trường THCS (hoặc:THPT; tiểu học và THCS; THCS và THPT; tiểu học, THPT chuyên) tên riêng của trường.
Đối với Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài thì theo Điều 29 Nghị định số: 86/2018/NĐ-CP ngày 6/6/2018 của Chính phủ quy định: Đối với trường, tên phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: “Trường”, “Cấp học hoặc trình độ đào tạo” và tên riêng; Tên riêng của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không được đặt trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của cơ sở giáo dục đã đăng ký, với tên của doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư; không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.
Theo đó, pháp luật không có quy định về việc đặt tên “quốc tế” mà các trường đặt theo tên nước ngoài tự nhận là trường “quốc tế” chỉ nhằm mục đích để thu hút người học vì có thể trong chương trình dạy của họ có một số giáo viên nước ngoài và chương trình dạy có một phần dạy theo chương trình của nước ngoài.
Cách đặt tên này không sai vì không vi phạm thuần phong mỹ tục. Khái niệm trường quốc tế ở Việt Nam chưa định nghĩa được vì chưa có văn bản nào quy định thế nào là trường quốc tế.
“Trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway cũng như nhiều trường quốc tế khác trên cả nước chưa được pháp luật công nhận là trường quốc tế. Từ “quốc tế” chỉ được gắn vào tên trường như một tên riêng, nhằm thu hút tuyển sinh và khẳng định đẳng cấp của trường.
Chỉ có một số ngôi trường đặc biệt được mở ra vì mục đích ngoại giao mới thực sự được công nhận là trường quốc tế tại Việt Nam. Đó là các trường quốc tế do các cơ quan ngoại giao thành lập là trường Liên Hiệp Quốc UNIS, trường trung học Alexandre Yersin của Đại sứ quán Pháp, trường của Đại sứ quán Nhật, Hàn Quốc, Nga”, LS Cường cho biết.
Tuy nhiên, theo LS Đặng Văn Cường, trong trường hợp các trường học tư thục không có giáo trình nước ngoài, không có chương trình học của nước ngoài, không có giáo viên nước ngoài mà lại tự nhận là trường quốc tế để thu tiền cao hơn các trường tư thục khác thì hành vi này là gian dối trong lĩnh vực đào tạo, tùy vào tính chất mức độ có thể xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chuyên gia pháp lý này cũng cho rằng, các bậc phụ huynh khi chọn trường cho co cần tìm hiểu kỹ về môi trường học tập, tránh lựa chọn theo tên. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT cũng cần có những văn bản quy định chặt chẽ về các loại, tên trường, các loại hình trường học trong đó có cần phân loại để làm rõ thế nào là trường quốc tế, trường tư thục trong nước. Tránh trường hợp một số cơ sở lợi dụng sơ hở, nhập nhèm, dùng mác “quốc tế” để lừa dối phụ huynh.
Theo VOV
Dễ dãi với tính mạng con trẻ
Có một nghịch lý đang tồn tại. Đó là tuy ô tô được xem như một nguồn nguy hiểm nhưng dịch vụ ô tô được tổ chức để đưa đón học sinh đi học hằng ngày lại đang bị buông lỏng.
Ảnh minh họa
Bắt nguồn từ áp lực thời gian hằng ngày, các bậc phụ huynh phần nào đỡ vất vả hơn khi con cái được ô tô đưa đón đi học. Thế nhưng, dường như đâu đó là tâm lý "chỉ đi lại khá gần từ nhà đến trường", nên nhiều phụ huynh không để ý nhiều đến phương tiện chuyên chở con mình mỗi ngày. Còn đơn vị vận hành xe đưa đón học sinh cũng có phần chủ quan, thậm chí thiếu trách nhiệm.
Thực tế đi trên đường, rất nhiều ô tô chở học sinh (HS) khá cũ kỹ, lại bố trí ghế ngồi dày đặc, và có cả trường hợp xe mang thiết kế tải hàng được hoán cải. Thế mà, những chiếc xe ấy vẫn vô tư đi lại trên đường.
Đáng sợ hơn, giữa năm ngoái, trong bài viết Gần 200.000 xe "hết đát" không biết ở đâu mà Báo Thanh Niên đăng giữa năm 2018, có cả trường hợp xe hết niên hạn sử dụng được đưa về một số tỉnh, thành chuyển đổi thành... xe đưa đón HS hằng ngày. Báo chí cũng đã phản ánh những thực trạng tương tự, có nơi lực lượng chức năng xử phạt cả trăm xe không đủ tiêu chuẩn vẫn được dùng để chở HS.
Thực trạng xe không đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định được dùng để đưa rước HS đâu chỉ xảy ra tại các tỉnh, thành nhỏ mà xảy ra ở cả các đô thị lớn. Điển hình như trong vụ học sinh Trường Gateway (Hà Nội) tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón, thì như Thanh Niên đã thông tin: Chiếc xe liên quan chưa có giấy phép về kinh doanh vận tải, chưa được cấp phù hiệu xe kinh doanh. Một trường "quốc tế" mà dùng phương tiện chưa có phù hiệu xe kinh doanh để đưa rước HS, thì khó có thể hình dung được mặt bằng chung về độ an toàn của các dịch vụ đưa rước HS có mức phí thấp hơn.
Tất nhiên, phụ huynh không nhiều người biết xe còn hạn sử dụng hay không, xe có phù hiệu hay không... Nhưng nhà trường, đơn vị tổ chức vận chuyển, cơ quan hữu trách phải có trách nhiệm theo dõi, giám sát. Chưa dừng lại ở đó, một chiếc xe chỉ toàn chở trẻ em thì đòi hỏi nên có các biện pháp vận hành phù hợp, kết hợp cùng sự tham gia của người hỗ trợ mà ở đây có thể là bảo mẫu. Chẳng phải tự nhiên mà ở nhiều nước phát triển, tiêu chuẩn hoạt động của những chiếc xe như vậy, bao gồm cả người lái, được đòi hỏi rất khắt khe.
Chính vì thế, đừng để đến khi xảy ra những vụ việc đau lòng như trên, thì cơ quan chức năng mới tiến hành rà soát, xử lý theo kiểu "mất bò mới lo làm chuồng". Đã đến lúc, việc kiểm soát chất lượng ô tô đưa rước HS cần được tiến hành thường xuyên, liên tục và chặt chẽ. Nếu không, chẳng khác nào chúng ta đang dễ dãi với tính mạng con trẻ.
Theo Thanh niên
Loạt trường quốc tế đắt đỏ sao Việt đưa con đi nhập học ngày đầu Hầu hết các nhóc tỳ đều rất hào hứng với trường lớp mới, bạn bè mới. Ưng Đại Vệ đưa con gái đi thăm thú xung quanh trường, chỉ cho bé thấy những điều mới lại để bé cảm thấy thích thú hơn. Những ngày đầu tháng 8 vừa qua, một số trường mầm non, tiểu học trên cả nước đã bắt đầu...