Hà Nội cấm taxi hoạt động tại hàng loạt tuyến phố
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa thông báo danh sách các tuyến phố cấm taxi hoạt động nhằm giảm ùn tắc giao thông vào những giờ cao điểm.
Cấm taxi hoạt động trong giờ cao điểm (sáng 6h30 – 8h30, chiều từ 16h – 19h) hai tuyến đường Mai Xuân Thưởng và Hoàng Hoa Thám (từ phố Ngọc Hà đến phố Mai Xuân Thưởng); cấm xe taxi hoạt động từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần (trừ thứ bảy, chủ nhật và các ngày lễ).
Cấm giờ đối với xe taxi hoạt động buổi sáng từ 6h – 9h đi qua cầu Chương Dương hướng từ bên Nguyễn Văn Cừ về Trung tâm Hà Nội; Cấm từ thứ 2 – thứ 6 các ngày trong tuần (trừ thứ bảy, chủ nhật và các ngày lễ).
Một số tuyến đường sẽ bị cấm taxi trong giờ cao điểm (ảnh minh họa).
Video đang HOT
Cấm giờ đối với xe taxi hoạt động tại nút giao Mai Dịch đến Nguyễn Cơ Thạch đến Hồ Tùng Mậu từ 6h – 20h hàng ngày; hướng dẫn đi từ Phạm Hùng – Mễ Trì – Lê Quang Đạo – Lê Đức Thọ – Trần Hữu Dực – Nguyễn Cơ Thạch.
Cấm ô tô lưu thông qua đường Xuân Thủy đoạn từ ngã tư Xuân Thủy – Phạm Hùng đến ngã tư Xuân Thủy – Trần Thái Tông.
Cấm taxi hoạt động trong giờ cao điểm trên phố Đê La Thành, Khâm Thiên; Khâm Thiên cấm taxi rẽ vào từ hướng Lê Duẩn; thời gian cấm sáng từ 6h – 9h, chiều từ 16h30- 19h30 (trừ thứ bảy, chủ nhật và các ngày lễ).
Cấm xe taxi qua Cầu Diễn buổi sáng từ 6h – 9h (hướng từ Nhổn về trung tâm Hà Nội).
Cấm xe taxi bắt giờ cao điểm bắt đầu từ ngày 25.12 sáng từ 6h – 9h, chiều từ 16h30 – 19h30 trên tuyến đường Giảng Võ – Láng Hạ – Lê Văn Lương để phục vụ vận hành tuyến BRT.
Đường Cổ Nhuế: Cấm taxi đi ra Phạm Văn Đồng.
Phố Phủ Doãn cấm taxi từ hướng Triệu Quốc Đạt đi vào.
Theo Trần Thường (VNN)
Hiến kế chống ùn tắc: Cấm taxi giờ cao điểm sẽ mở ra lối thoát
Nêu các ý tưởng về giải quyết ùn tắc, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, cần hạn chế ngay một số loại phương tiện, trong đó có taxi trong giờ cao điểm.
Cho ý kiến về việc Sở GTVT Hà Nội vừa công bố cuộc thi tuyển chọn ý tưởng tổ chức và giải pháp chống ùn tắc giao thông cho Thủ đô, TS Doãn Minh Tâm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ GTVT cho rằng, đây là một hướng đi tích cực và hoàn toàn mới cho giao thông Thủ đô. Theo ông Tâm, trước đây các vấn đề về tổ chức giao thông, giải pháp chống ùn tắc, cả thành phố Hà Nội và Sở GTVT chỉ triển khai theo cơ chế chỉ định các đơn vị chuyên môn thực hiện. "Do vậy, các phương án họ đưa ra mang tính kỹ thuật nhiều hơn, khi mang ra áp dụng thường chưa sát với thực tế trên đường. Nay thành phố Hà Nội tổ chức cuộc thi như vậy, các đơn vị có đủ điều kiện tham gia sẽ đóng góp được các ý tưởng, giải pháp sát thực tế hơn", ông Tâm nhận xét và cho rằng nếu cuộc thi mở rộng đối tượng hơn sẽ nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ của dư luận.
Đề cập đến tiêu chí của cuộc thi, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, phải đạt được 2 mục đích: lĩnh hội, tiếp thu tất cả các ý tưởng, hiến kế của người dân, tổ chức và mọi người dân, tổ chức cũng thấy được vai trò, trách nhiệm của mình mà góp ý, nêu ý tưởng với các thực trạng chung của thành phố. Tuy nhiên cuộc thi do Sở GTVT Hà Nội vừa công bố chỉ nhắm đến đối tượng đơn vị nghề nghiệp, bỏ qua ý kiến người dân trong đó có nhiều chuyên gia, nhà khoa học đang có nhiều tâm huyết với giao thông Thủ đô. Hơn lúc nào hết, cùng với chính sách, mọi sự lắng nghe, lấy ý kiến trong nhân dân cần phải bình đẳng, khách quan.
Trao đổi với báo chí chiều 13/1, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, giải bài toán ùn tắc giao thông Hà Nội cần một giải pháp tổng thể, nhiều người và đơn vị có kinh nghiệm tham gia. "Trong quy chế thi tuyển do Chủ tịch UBND thành phố ký ban hành nêu rõ: Thi tuyển hạn chế thông qua việc tuyển chọn năng lực của các đơn vị tư vấn thiết kế trong nước và quốc tế. Các đơn vị tham gia có đủ điều kiện năng lực, hành vi dân sự và chịu trách nhiệm về giải pháp, ý tưởng của mình", ông Viện nói.
Theo ông Vũ Văn Viện, sở dĩ cuộc thi chỉ tuyển chọn những đơn vị có năng lực vì nhiệm vụ cuộc thi được đặt ra rất cao. Cụ thể, cuộc thi được thành phố đặt ra phải tìm kiếm các ý tưởng tốt nhất cho phương án tổ chức giao thông trên địa bàn thành phố đến năm 2025. Trong đó, làm rõ các giải pháp chống ùn tắc, quản lý phương tiện cá nhân, định hướng xây dựng không gian ngầm và ứng dụng giao thông thông minh trong công tác tổ chức quản lý điều hành.
Cho ý kiến về lộ trình triển khai các nội dung của bài thi, một số chuyên gia giao thông cho rằng, để thực hiện được lộ trình lâu dài (đến năm 2025, tầm nhìn 2030), Thủ đô cần giải quyết được thực trạng ùn tắc trước mắt. Nếu giải pháp cứ đưa ra trong khi nhà cao tầng, phương tiện cá nhân vẫn gia tăng không kiểm soát thì không có một giải pháp, ý tưởng nào có thể giải quyết được. "Vậy làm sao để giải quyết được việc này? Là do hạ tầng giao thông không theo kịp với sự gia tăng phương tiện cá nhân, nhà cao tầng mọc lên như nấm tại khu vực nội đô. Việc cần làm ngay là hạn chế xe cá nhân, di dời bớt dân cư ra khu vực bên ngoài. Mặc dù Chính phủ đã có chủ trương nhưng hơn 10 năm qua thành phố Hà Nội vẫn chưa thực hiện được", ông Bùi Danh Liên nói.
Với thực trạng ùn tắc dịp cuối năm đang diễn ra, ông Liên cho rằng, do lượng phương tiện tăng cao trên đường. Hiện có đến 40% lượng phương tiện ô tô trên đường là taxi, xe tải, nếu giờ cao điểm dịp cuối năm các cơ quan thực thi công vụ chỉ cần cấm taxi, xe tải trên những trục đường chính, ùn tắc sẽ có lối thoát. Tuy nhiên, ông Liên cũng lưu ý, giải pháp này chỉ mang tính tình thế và không thể áp dụng lâu dài vì liên quan đến quyền lợi của doanh nghiệp.
Theo Anh Trọng (Tiền Phong)