Hà Nội cấm nhiều tuyến phố phục vụ Lễ Quốc tang nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười
Trong hai ngày 6 và 7/10, Hà Nội sẽ cấm nhiều tuyến đường, hạn chế phương tiện để phục vụ Lễ Quốc tang nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.
Nhằm đảm bảo an ninh, an toàn giao thông trong tang lễ nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, công an Hà Nội sẽ phân luồng giao thông, cấm các phương tiện đi vào một số tuyến đường.
Cụ thể, các phố cấm toàn bộ xe từ 6h30 đến 22h ngày 6/10 và 6h30 đến 12h ngày 7/10 gồm: Tăng Bạt Hổ, Phạm Đình Hổ, Nguyễn Công Trứ (đoạn từ Trần Thánh Tông đến Lò Đúc), YecXanh, Trần Thánh Tông, Nguyễn Huy Tự, Lê Quý Đôn (từ Nguyễn Cao đến YecXanh), Nguyễn Cao (từ Lò Đúc đến Lê Quý Đôn), Hàn Thuyên, Hàng Chuối (đoạn từ Hàn Thuyên đến Nguyễn Công Trứ).
Các phố hạn chế giao thông từ 6h đến 22h ngày 6/10 với các xe ôtô chở hàng 500 kg trở lên, ôtô chở khách từ 25 chỗ trở lên gồm: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Lê Thánh Tông, Lò Đúc, Nguyễn Công Trứ (đoạn từ Lò Đúc đến Phố Huế), Trần Khánh Dư, đê Nguyễn Khoái, Đê 401, Ngô Thì Nhậm, Đại Cồ Việt, Trần Khát Chân, Phố Huế, Hàng Bài.
Từ 6h30 đến 12h00, các tuyến đường hạn chế các phương tiện trên là: Lò Đúc, Phan Chu Trinh, Tràng Tiền, Hàng Khay, Tràng Thi, Điện Biên Phủ, Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Độc Lập, Điện Biên Phủ, Chu Văn An, Nguyễn Thái Học (đoạn từ Nguyễn Thái Học – Chu Văn An đến Nguyễn Thái Học – Lê Duẩn), Lê Duẩn, Giải Phóng, Ngọc Hồi, Ngũ Hiệp.
Nhiều tuyến đường Hà Nội cấm hoặc hạn chế phương tiện lưu thông trong hai ngày 6 và 7/10. ( Ảnh Zing)
Các cơ quan, tổ chức, nhân dân các địa phương về dự Lễ viếng, truy điệu cố Tổng Bí thư Đỗ Mười sẽ gửi phương tiện cá nhân trên đường Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng (đoạn từ phố Phan Chu Trinh đến phố Lê Thánh Tông), đường Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư thuộc quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và các điểm trông giữ xe ngoài phạm vi hạn chế, phạm vi tạm cấm phương tiện.
Các phương tiện sẽ di chuyển thế nào
Các xe ô tô trong diện hạn chế, tạm cấm từ Quốc lộ 5 đi các tỉnh phía Nam theo Quốc lộ 1B qua cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì.
Xe từ các hướng qua cầu Thanh Trì; cầu Vĩnh Tuy theo đường Minh Khai, – Tam Trinh, đến Pháp Vân đi theo Quốc lộ 1B hoặc ngược lại từ Quốc lộ 1B qua cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy đi các hướng.
Xe từ tỉnh phía Nam đi các tỉnh phía Bắc theo tuyến: Quốc lộ 1B, đến nút giao Pháp Vân đi đường vành đai III trên cao, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, cầu Thăng Long, đi các tỉnh phía Bắc; hoặc từ Quốc lộ 1B rẽ đường dẫn tỉnh lộ 427, đến ngã 3 Thường Tín rẽ trái theo đi tỉnh lộ 427 – Cenco 5 – Phúc La, Văn Phú – Lê Trọng Tấn – Đại lộ Thăng Long, đi các hướng đến các tỉnh phía Bắc, Tây Bắc.
Video đang HOT
Từ 6h30 đến 11h ngày 7/10, các phương tiện từ các tỉnh phía Nam đi các tỉnh phía Bắc theo tuyến Quốc lộ 1A (cũ) chủ động chuyển hướng theo tuyến Quốc lộ 1B tại nút giao Cầu Giẽ – Quốc lộ 1B hoặc ngã 3 Thường Tín – Quốc lộ 1B; đi Quốc lộ 1B đến Pháp Vân lên đường vành đai III trên cao, qua Cầu Thanh Trì hoặc qua cầu Thăng Long đi các hướng.
Các phương tiện đi vào trung tâm thành phố xuống nút giao Khuất Duy Tiến Nguyễn Trãi hoặc nút giao Trần Duy Hưng – Khuất Duy Tiến.
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã từ trần hồi 23h12 phút, ngày 1/10/2018 (tức ngày 22/8 năm Mậu Tuất), tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ ông với nghi thức Quốc tang.
Linh cữu nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đặt tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ viếng bắt đầu từ 7h ngày 6/10 đến 7h30 phút ngày 7/10; lễ truy điệu tổ chức vào 9h ngày 7/10. Lễ an táng từ 13h cùng ngày tại quê nhà, khu Ma Vang, thôn 1, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Cùng thời gian này, tại Hội trường Thống Nhất TP.HCM cũng tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.
ĐĂNG KHOA
Theo VTC
Tình cảm của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười với Báo Quân đội nhân dân
Từ cuối năm 1989, tôi được về công tác tại Báo Quân đội nhân dân (QĐND) và có may mắn nhiều lần được tiếp xúc, gặp gỡ đồng chí Đỗ Mười.
Qua tìm hiểu và được sự giúp đỡ của các đồng chí làm việc ở Văn phòng Tổng Bí thư, như các anh: Phan Trọng Kính, Nguyễn Huy Đông, Hà Nghiệp..., tôi được biết Tổng Bí thư Đỗ Mười rất ham đọc sách, rất quan tâm đến báo chí, luôn gần gũi, tôn trọng, thân mật với những người làm báo, viết sách.
Một kỷ niệm khó quên đối với tôi, vào những ngày tháng 10-1990, Tòa soạn Báo QĐND đang chuẩn bị kỷ niệm 40 năm Ngày báo ra số đầu tiên (20-10-1950 / 20-10-1990), ngày 19-10, tôi nhận được Thư chúc mừng của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT) Đỗ Mười gửi cán bộ, chiến sĩ, nhân viên, công nhân viên tòa soạn và Nhà in báo QĐND; qua đó thể hiện sự quan tâm và tình cảm chân tình của ông đối với những người làm báo.
Thư chúc mừng của Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười gửi Báo QĐND nhân dịp 40 năm Ngày ra số báo đầu tiên là một tin vui, không chỉ đối với Tòa soạn báo QĐND, mà còn đối với cơ quan Tổng cục Chính trị (TCCT) và các Thủ trưởng TCCT; thể hiện sự đánh giá cao, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhân dân và của đồng chí Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười đối với quân đội và Báo QĐND. Trong thư, sau khi gửi lời thăm hỏi, chúc mừng đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ, nhân viên của tòa soạn và Nhà in Báo QĐND, Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười khẳng định: "40 năm qua, Báo QĐND đã góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, làm thấu suốt đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước, làm tốt chức năng là tiếng nói của Đảng trong lực lượng vũ trang nhân dân và phản ánh tiếng nói của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong cả nước".
Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm Báo Quân đội nhân dân ngày 30-1-1992. Ảnh tư liêu.
Là người đứng đầu Hội đồng Bộ trưởng, dành tâm huyết, trí tuệ, sức lực quan tâm, chỉ đạo điều hành biết bao công việc lớn của đất nước, nhưng Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười vẫn dành những tình cảm, sự quan tâm sâu sắc đến quá trình phát triển của Báo QĐND. Trong thư của đồng chí Đỗ Mười chúc mừng Báo QĐND, có đoạn: Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Báo QĐND đã bám sát và cổ vũ mạnh mẽ cuộc chiến đấu anh hùng của quân và dân ta ở khắp các chiến trường. Trong giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Báo QĐND đã cổ vũ có hiệu quả quân và dân ta đấu tranh giành độc lập dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng các LLVT nhân dân. Bước vào thời kỳ đổi mới, Báo QĐND đã có nhiều cố gắng trong công cuộc đổi mới góp phần đấu tranh trên mặt trận tư tưởng và chống tiêu cực, được dư luận đồng tình và hoan nghênh".
Đây là sự đánh giá hết sức cô đọng của một cán bộ đầy tâm huyết, tin tưởng và yêu mến những nhà báo-chiến sĩ của Báo QĐND, cũng là sự ghi nhận, biểu dương những đóng góp của tập thể Báo QĐND trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Ông nhắc lại lời dạy của Bác Hồ: "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy cũng là vũ khí sắc bén", và khẳng định: "40 năm qua, cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo QĐND đã tỏ rõ lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, chịu đựng mọi khó khăn nhất là ở những nơi gian khổ, nóng bỏng, nhiều phóng viên đã hy sinh ngoài mặt trận để phản ánh và cổ vũ kịp thời những gương chiến đấu và những sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước".
Sau khi nêu rõ nhiệm vụ của Báo QĐND trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với tình cảm chân thành, với một niềm tin sâu sắc đối với những người làm báo, Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười nhắc nhở, tâm tình, như truyền nhiệt huyết cho cán bộ, phóng viên Báo QĐND. Trong thư, đồng chí viết: "Là "người chiến sĩ cầm bút" chiến đấu trên mặt trận tư tưởng, các cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo QĐND không ngừng rèn luyện về chính trị tư tưởng, trau dồi phẩm chất và đạo đức cách mạng, nâng cao kiến thức và nghiệp vụ, bồi dưỡng phong cách người làm báo cách mạng, thường xuyên liên hệ chặt chẽ với cộng tác viên, làm cho tờ Báo QĐND ngày càng nâng cao chất lượng và hiệu quả, được đông đảo bạn đọc trong và ngoài quân đội tin cậy, mến yêu".
Đối với cơ quan báo chí, những người làm báo vào dịp tết đến xuân về, những lễ trọng đại của đất nước hay ngày truyền thống, kỷ niệm của các báo, được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm, gửi thư chúc mừng; đó là niềm vui, nguồn động viên, cổ vũ lớn lao, phần thưởng quý giá và là một dấu ấn quan trọng trong quá trình xây dựng và trưởng thành của cơ quan báo chí.
Báo QĐND trong hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, đã nhiều lần được hưởng niềm vui và hạnh phúc đó. Đối với tôi, lần thăm và chúc tết báo QĐND ngày 30-1-1992, đón Xuân mới Nhâm Thân của Tổng Bí thư Đỗ Mười, là một kỷ niệm sâu sắc, đáng nhớ và chứa chan tình nghĩa.
Đồng chí Đỗ Mười nhậm chức Tổng Bí thư của Đảng vào tháng 6-1991, chỉ sau 7 tháng, ngày 30-1-1992, đồng chí đã đến thăm và chúc tết Báo QĐND, nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thân. Và đây cũng là sự trùng hợp thật thú vị và có ý nghĩa-ngày 2-2 là ngày sinh của Tổng Bí thư Đỗ Mười. Mấy hôm trước, Đảng ủy và Ban biên tập Báo QĐND đã có kế hoạch, sẽ đến chúc tết và mừng thọ Tổng Bí thư Đỗ Mười. Thật bất ngờ, tết năm đó, chính Tổng Bí thư Đỗ Mười lại đến chúc tết chúng tôi. Vậy là, cả tòa soạn báo được vinh dự và may mắn gặp và chúc tết, mừng thọ Tổng Bí thư Đỗ Mười thượng thọ tuổi 75.
Ngày 30-1-1992, cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo QĐND phấn chấn, quân phục chỉnh tề đón vị lãnh đạo cao nhất của Đảng-Tổng Bí thư Đỗ Mười. Tham dự còn có nhiều người làm báo, viết văn của các cơ quan báo chí, xuất bản và văn nghệ sĩ của quân đội cùng nồng nhiệt chào đón, chúc tết Tổng Bí thư và các đồng chí cùng đi. Hôm đó, chúng tôi rất phấn khởi được đón hai đồng chí Phó chủ nhiệm TCCT là Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp và Trung tướng Lê Hai-những thủ trưởng phụ trách công tác tư tưởng, báo chí, văn nghệ trong quân đội, rất gần gũi và gắn bó với anh em chúng tôi, cùng dự buổi đón tiếp Tổng Bí thư Đỗ Mười.
Tổng Bí thư chưa đi vào hội trường ngay, ông dừng lại giữa sân tòa soạn, muốn dành cho chúng tôi những giây phút đặc biệt để nhìn tận mắt những khuôn mặt hồ hởi, tươi trẻ, đầy niềm tin của những "Nhà báo-chiến sĩ" Báo QĐND. Ông ưu ái mời các nữ phóng viên, biên tập viên và nữ công nhân của Nhà in Báo QĐND, hỏi về công việc, cuộc sống của gia đình, sinh hoạt, đời sống của chị em. Cử chỉ và giọng nói của ông thật gần gũi, giản dị, ấm áp. Chúng tôi có dịp quây quần bên Tổng Bí thư; các phóng viên ảnh, quay phim có cơ hội tác nghiệp...
Hội trường Báo QĐND hôm đó chật cứng, một số đồng chí phải lấy ghế hoặc đứng ở bên ngoài. Mọi người im lặng, lời đầu tiên, Tổng Bí thư Đỗ Mười dành những lời tốt đẹp nhất chúc cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, rồi ân cần thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, người làm công tác báo chí, xuất bản, văn hóa-văn nghệ và những người làm công nhân in và phát hành; chúc các nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ quân đội có những tác phẩm xuất sắc phản ánh một cách sinh động, sâu sắc sự thay đổi cả về nếp nghĩ, cách làm của nhân dân ta trong sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trên cương vị Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), với niềm tin mà Tổng Bí thư dành cho Báo QĐND, ông đánh giá: "Tờ báo QĐND là tờ báo của Đảng trong LLVT, cùng với Báo Nhân Dân, đã lập nhiều chiến công to lớn trong nhiệm vụ tuyên truyền, động viên toàn dân, toàn quân bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc; và hiện nay đang góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng, nhân dân mãi mãi ghi nhớ chiến công của LLVT nhân dân anh hùng, của đội ngũ những người làm báo quân đội trung thành, dũng cảm gắn bó với sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của dân tộc".
Tổng Bí thư Đỗ Mười dành thời gian thông báo một cách vắn tắt những thành tựu về kinh tế-xã hội, về văn hóa-giáo dục, về quốc phòng, an ninh, về đối ngoại mà nhân dân ta đạt được trong năm 1991. Để góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ VII của Đảng, giọng Tổng Bí thư Đỗ Mười dứt khoát, như giao nhiệm vụ: "Chúc Báo QĐND-tờ báo của Đảng trong LLVT, không ngừng phấn đấu vươn lên nâng cao chất lượng và hiệu quả, xứng đáng là chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng-văn hóa, thực sự là người bạn thân thiết của bộ đội, của nhân dân trong cả nước, góp phần tích cực vào việc giữ vững ổn định chính trị, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới".
Tiếng vỗ tay vang lên hồi dài. Mặc dù đã quá giờ, nhưng Tổng Bí thư không quên đến thăm nhà in, cán bộ, công nhân viên nhà in, thể hiện sự quan tâm, đánh giá đúng vị trí, vai trò và những cống hiến thầm lặng của những người làm ra sản phẩm báo chí, xuất bản; qua đó thêm hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng, những khó khăn, vất vả và thuận lợi của nhà in, của những người phát hành Báo QĐND trong thời kỳ đổi mới, trong cơ chế thị trường...
Đến nhà in, thấy những công nhân đánh máy nét mặt rất vui, quần áo đẹp, gọn gàng; nhìn những chiếc máy vi tính hiện đại được bố trí khoa học, Tổng Bí thư Đỗ Mười rất vui trước sự phát triển của công nghệ thông tin được áp dụng vào công tác in ấn để làm ra những tờ báo, những cuốn sách đẹp, nhanh chóng, thuận lợi. Tổng Bí thư hỏi và lắng nghe từng câu trả lời cặn kẽ, cụ thể của công nhân nhà in về đời sống, về thuận lợi của việc làm báo nhờ có công nghệ thông tin... Như nhớ lại một kỷ niệm nào đó xa xưa, Tổng Bí thư Đỗ Mười nói: "Trước kia, làm ra được một tờ báo, in ra được một cuốn sách, ngay cả việc in ra một tài liệu, một tờ truyền đơn... công nhân nhà in rất vất vả, phải viết ti-pô trên đá, sau này phải xếp chữ chì, phân loại ra từng ô chữ: A-á-â... Áo quần, mặt mũi, tay của công nhân nhà in lấm lem mực in; rất độc hại do điều kiện làm việc khó khăn, máy móc thô sơ, đời sống khó khăn; trình độ văn hóa, nghiệp vụ in của công nhân nhà in hạn chế... Vậy mà, đến nay đã có sự đổi mới tiến bộ vượt bậc, đáng mừng. Nhưng các đồng chí nên nhớ rằng, dù xếp chữ chì hay dùng máy vi tính hiện đại, thì công nhân nhà in là người lính gác cuối cùng của Đảng trên mặt trận báo chí, xuất bản". Mọi người cười vang và vỗ tay không ngớt. Thật là vui và ấm cúng, gần gũi lạ thường.
Tết Nhâm Thân 1992 là một cái tết để lại những dấu ấn sâu đậm, có ý nghĩa rất quan trọng đối với anh em làm báo, xuất bản, và văn hóa-văn nghệ, nhà in..., bởi cùng một lúc nhận được hai niềm vui lớn, cũng có thể nói đó cũng là hai món quà tết quý giá: Thư chúc tết và đón Tổng Bí thư Đỗ Mười đến chúc tết tại Báo QĐND. Tết đó, đối với tôi, niềm vui, hạnh phúc được nhân đôi.
Tổng Bí thư Đỗ Mười đến thăm và chúc tết Báo QĐND, không chỉ là vinh dự, tự hào của tập thể những người làm báo ở Báo QĐND, mà trước hết, đó chính là sự thể hiện tình cảm, lòng tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước đối với QĐND Việt Nam. Trong thư chúc tết, mở đầu, Tổng Bí thư Đỗ Mười viết... "Tôi thân ái chúc toàn thể cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam anh hùng, phát huy truyền thống vẻ vang "Trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng" cùng toàn Đảng, toàn dân ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ VII của Đảng, luôn xứng đáng là Bộ đội Cụ Hồ".
Là một nhà hoạt động chính trị, đã từng là Chính ủy kiêm Tư lệnh Liên khu 3, Chính ủy Quân khu Tả ngạn, Tổng Bí thư Đỗ Mười hiểu rất rõ vai trò, vị trí và hiệu quả của công tác Đảng, công tác chính trị trong quá trình xây dựng và chiến đấu của quân đội, nên ông nhìn hai đồng chí Phó chủ nhiệm TCCT ngồi ở hàng đầu như nhờ hai đồng chí đó chuyển thông điệp đến TCCT: "Chúc TCCT hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vẻ vang của mình, là cơ quan tiến hành công tác tư tưởng, công tác tổ chức trong toàn quân". Thật trọn tình vẹn nghĩa, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của người đứng đầu Đảng bộ Quân đội.
Lời dặn trong thư của Tổng Bí thư đối với Báo QĐND nhân dịp kỷ niệm 40 năm báo ra số đầu tiên, lời chúc tết của ông đối với những người làm báo, xuất bản, văn hóa-văn nghệ, nhà in Tết Nhâm Thân 1992 vẫn vẹn nguyên giá trị. Lời hứa của chúng tôi năm nào: "Biết ơn sâu sắc sự quan tâm của Đảng, của Nhà nước, của nhân dân, của Tổng Bí thư đối với Báo QĐND. Chúng tôi sẽ vững vàng tiến bước, không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng và hiệu của Báo QĐND xứng đáng là những "Nhà báo-chiến sĩ" xung kích trên mặt trận tư tưởng-văn hóa, thực sự là người bạn thân thiết của bộ đội và nhân dân, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh" vẫn được các thế hệ làm Báo QĐND luôn ghi nhớ, ra sức thực hiện...
Vậy mà, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã ra đi về cõi vĩnh hằng. Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, cầu mong đồng chí an giấc ngàn thu!
Thế hệ những người làm Báo QĐND mãi ghi nhớ lời căn dặn, mong muốn của ông và luôn đoàn kết, thống nhất, thực hiện một cách tốt đẹp nhất lời hứa với Tổng Bí thư Đỗ Mười năm xưa.
Thiếu tướng PHAN KHẮC HẢI
Nguyên Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân
Theo qdnd.vn
Các đoàn viếng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười chỉ mang băng tang, không mang vòng hoa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có công văn kiến nghị các đoàn viếng lễ tang nguyên Tổng Bí thư chỉ mang băng tang, không mang vòng hoa đến viếng. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Ảnh Báo Gia thông. Ngày 4/10, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công điện về việc ngừng các hoạt động vui...