Hà Nội bớt môn thi lớp 10, phụ huynh “đỡ được gánh lo”
Việc Hà Nội quyết định bỏ môn thi thứ 4 tuyển sinh vào lớp 10 năm nay trong bối cảnh dịch Covid-19, khiến không chỉ các học sinh mà cả các phụ huynh như “đỡ đi được một gánh lo”.
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã quyết định bỏ môn thi thứ 4 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020-2021, theo đó thí sinh sẽ chỉ phải thi 3 môn gồm Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.
Quyết định này đã nhận được sự đồng tình của các học sinh, phụ huynh và giáo viên bởi sẽ giảm bớt áp lực học và thi cho học sinh trong điều kiện phải học từ xa do dịch Covid-19.
“Khi biết được thông tin Hà Nội quyết định bỏ bài thi thứ 4 cho các con thì phụ huynh chúng tôi rất vui mừng và như thở phào”, chị Phạm Huyền, phụ huynh có con học lớp 9 Trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ.
Chị Huyền cho hay, vui, giảm áp lực – có lẽ cũng là tâm trạng chung của các phụ huynh trong lớp con chị. Bởi trước đó, trong group chat của lớp, các phụ huynh có thử làm khảo sát thì đến 100% phụ huynh đồng tình bỏ môn thi thứ 4.
“Thực tế với mặt bằng chung học sinh của Trường THCS Ngô Sĩ Liên thì việc thi môn thứ 4 theo mình cũng không quá khó khăn. Song nhìn các con học hành vất vả, bố mẹ nào cũng xót. Vậy nên đây là một quyết định rất hợp lòng dân”.
Phụ huynh sát cánh cùng con ngày thi vào lớp 10. Ảnh: Thanh Hùng
Có con năm nay thi lớp 10, chị Nguyễn Thị Hải Yến, một phụ huynh ở quận Đống Đa chia sẻ vui mừng bởi điều kiện học tập của năm học này khác với các năm học trước. “Nghe thông tin bỏ bớt môn thi, tôi mừng không phải vì con không phải học nữa mà thực tế điều kiện học tập của các con trong bối cảnh dịch Covid-19 là không thuận lợi, khó cho việc tập trung để đạt chất lượng cao nhất”.
Chị Yến cảm thấy nhẹ nhàng hơn bởi trước nay vì lo nên con học rất muộn và thường bố mẹ giục mới chịu đi ngủ. “Hôm nào cũng đến 11h đêm, mẹ giục thì mới đi ngủ. Nhiều hôm con học đến muộn hơn. Sau khi có thông tin bớt môn thi thứ 4, thấy thời gian học của con không nhiều thay đổi nhưng thấy tư tưởng thoải mái hơn rõ rệt”.
Chị Nguyễn Thị Vân Anh, phụ huynh có con đang theo học tại Trường THCS Thái Thịnh không khỏi vui mừng: “Khi có quyết định chỉ thi 3 môn và không thi môn thứ 4 thì mọi người từ học sinh, phụ huynh đến giáo viên đều cảm thấy như thở phảo vì giải tỏa được áp lực trước nay. Đặc biệt các con nhìn thấy được cái mục tiêu cụ thể để tập trung cố gắng. Tôi nghĩ đây là quyết định đúng đắn”.
Video đang HOT
Con gái chị có nguyện vọng vào Trường THPT Kim Liên – một trong những trường công lập không chuyên top 1 và hệ chuyên Sinh của các trường chuyên, nên áp lực không nhỏ.
Chị Vân Anh kể, từ khi có thông tin bớt đi được một môn thi, tâm trạng con có vẻ thoải mái, đỡ căng thẳng hơn.
“Thực ra nếu xét chung mà nói, nếu thi môn thứ 4 thì nước nổi bèo nổi nên tôi không lo chuyện kiến thức vì tất cả các học sinh đều gặp khó như nhau. Xét về tốn kém chi phí thì cũng không đáng kể. Nhưng nhìn các con ôn tập vất vả với khối lượng kiến thức lớn và chủ yếu cảm giác mông lung không biết sẽ thi môn nào nên rất thương. Vì vậy giảm được môn nào hay môn đó và rõ ràng bớt môn đi thì các con có thể tập trung hơn vào 3 môn còn lại”, chị Vân Anh nói.
Con gái học đều, chăm và tự giác đạt giải học sinh giỏi cấp thành phố môn Sinh học. Thế nhưng chị cũng không hề nuối tiếc trong trường hợp nếu môn thứ 4 rơi vào môn Sinh, bởi theo chị xác suất đó là quá ít ỏi. “Con có học lực khá nhưng rất căng thẳng. Nhiều hôm còn tâm sự với mẹ thèm được ngủ”, chị Vân Anh kể.
Phụ huynh đón thí sinh thi lớp 10 năm 2019 làm tắc đường kéo dài. Ảnh: Thanh Hùng
Con gái chị là Ngô Minh Nguyệt Khuê chia sẻ: “Vì có thế mạnh môn Sinh nên trước đây em luôn mong rằng môn thứ tư có thể rơi vào môn học này thì mình sẽ có lợi thế. Nhưng dù sao xác suất cũng rất thấp và bỏ hẳn môn thi thứ tư khiến em bớt đi bao áp lực”.
Em Lê Văn Thành (học sinh lớp 9 một trường THCS tại Hà Đông) chia sẻ: “Thú thực lúc đọc được những dòng thông tin chỉ thấy 3 môn thi Toán, Văn, Anh, em đã nhảy cẫng lên trong phòng vì vui sướng. Nhóm bạn em còn chát chúc mừng lẫn nhau vì đỡ được một lượng kiến thức lớn phải ôn thi nhiều môn vì trước nay chưa xác định môn thứ 4 là môn nào”.
Không chỉ các học sinh, phụ huynh, mà các trường THCS đều cho rằng đây là quyết định đúng đắn của UBND TP Hà Nội để giảm bớt áp lực cho học sinh trước thực tế các em đã nghỉ học quá dài vì dịch Covid-19.
Theo kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội, với các trường THPT công lập không chuyên, Sở GD-ĐT sẽ tổ chức một kỳ thi chung cho tất cả các trường với 3 bài thi gồm: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh.
Các bài thi môn Toán và Ngữ văn theo hình thức tự luận, với thời gian làm bài mỗi môn là 120 phút. Môn Ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan với thời gian làm bài 60 phút.
Mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào 2 trường THPT công lập trong cùng một khu vực tuyển sinh, không kể nguyện vọng vào các lớp chuyên của Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam, THPT chuyên Nguyễn Huệ, THPT Chu Văn An, THPT Sơn Tây.
Ngoài ra học sinh có thể dự tuyển tại các trường THPT ngoài công lập hoặc các trung tâm GDNN-GDTX bằng phương thức xét tuyển.
Năm học 2019-2020, dự kiến toàn thành phố Hà Nội có 107.246 học sinh xét tốt nghiệp THCS. Số lượng học sinh dự tuyển vào lớp 10 THPT 2020- 2021 dự kiến khoảng 90.730 em; trong đó các trường công lập tuyển 66.492 em; trường ngoài công lập tuyển 21.450 em; trường công lập tự chủ tuyển 2.788 em; các trung tâm GDNN-GDTX tuyển 8.043 em và vào cơ sở giáo dục nghề nghiệp là 8.473 em.
Thanh Hùng
Thi vào lớp 10 sớm hơn năm ngoái: Phụ huynh sốt ruột muốn con trở lại trường
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid - 19, cho đến thời điểm hiện tại, học sinh Hà Nội đã nghỉ học 3 tuần để chủ động phòng chống dịch bệnh.
Bộ GD&ĐT cho biết, vì học sinh cả nước nghỉ học kéo dài nên đã quyết định lùi thời gian năm học sau ngày 31/5. Thế nhưng, theo kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2020-2021 được UBND Hà Nội phê duyệt ngày 18/2, dự kiến sáng 1/6 thí sinh sẽ bắt đầu thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập với môn thi đầu tiên là Ngữ Văn.
So với năm ngoái (thi ngày 2-3/6) thì năm nay học sinh thi vào lớp 10 sẽ sớm hơn 1 ngày so với năm ngoái.
Lịch thi vào lớp 10 dự kiến của Hà Nội
Ngay sau khi quyết định trên của UBND TP. Hà Nội được công bố, nhiều phụ huynh đã lên tiếng phản đối rất gay gắt.
Chị Huỳnh Phương Mai (phụ huynh học sinh trường THCS Nghĩa Tân, Cầu Giấy) cho hay: "Theo tôi làm như vậy không hợp lý tí nào. Cho học sinh nghỉ để tránh dịch bệnh nhằm mục đích an toàn cho sức khỏe, trong thời gian này 10 cháu thì chỉ được 1-3 cháu tự giác học vì bố mẹ đi làm nên hầu như ở nhà chơi hoặc nếu có học thì rất lơ là...
Một thực tế là rất ít cháu nghĩ được rằng tận dụng thời gian nghỉ mà học để thi lắm. Bản thân tôi mong một quyết định hợp lý hơn vì làm thế này là tạo áp lực lên cả thầy cô, cha mẹ và các cháu. Ít nhất cũng dời lại hai tuần so với kỳ thi năm trước. Học để trẻ có kiến thức, tốt cho các cháu sau này. Hãy giúp con trẻ bớt áp lực và học trở thành niềm vui chứ không phải học là cực hình.
Nếu không ngay từ bây giờ hãy cho học sinh trở lại trường để gấp rút ôn tập. Bởi lẽ, theo thông tin từ báo đài, hiện nay số bệnh nhân mắc Covid - 19 đã dần bình phục hoàn toàn và xuất viện. Tại sao Hà Nội vẫn chần chừ chưa cho học sinh đến trường trong khi lại bắt con em chúng tôi thi vào lớp 10 sớm hơn năm ngoái? Vậy thời gian đâu cho các con ôn tập?".
Đồng tình với quan điểm trên, anh Nguyễn Hoàng Anh (phụ huynh học sinh trường THCS Khương Thượng) cho hay: "Việc cho học sinh nghỉ dài như thời gian vừa qua là bất hợp lý. Các nước có nền giáo dục phát triển như Nhật Bản, Singapore học sinh vẫn đến trường giữa mùa dịch Covid -19.
Theo tôi được biết, Nhật Bản là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất ngoài Trung Quốc trong đợt dịch virus corona với 161 ca nhiễm, con số này gấp 10 lần số ca nhiễm virus của Việt Nam.
Ở tỉnh Osaka - nơi có trường hợp nhiễm nCoV, mọi người vẫn làm việc bình thường. Việc đóng cửa trường chỉ xảy ra tại thành phố có dịch như Nara thay vì toàn tỉnh.
Thái Lan, với 32 ca nhiễm virus corona, cũng không đóng cửa hàng loạt trường dù trước đó, nước này từng nhiều lần tạm dừng hoạt động đối với trường học để đảm bảo an toàn cho học sinh khi không khí ô nhiễm nghiêm trọng.
Singapore có 45 trường hợp nhiễm nCoV và ghi nhận trường hợp lây từ người sang người. Tuy nhiên, nước này cũng không đóng cửa hàng loạt các trường".
Anh Hoàng Anh chia sẻ thêm, việc đóng cửa các trường đa số các phụ huynh ở thành phố lớn đều gặp khó khăn nhất là trong việc trông con vì vẫn phải đi làm. Việc học online thực tế hiệu quả không nổi 1/3 nhất là với học sinh tiểu học.
Trong khi đó UBND TP.Hà Nội là dự kiến cho học sinh thi vào lớp 10 ngày 1/6 (sớm hơn năm ngoái 1 ngày). Điều này càng bất hợp lý. Nếu thế, hãy cho con em chúng tôi được đến trường để thực hiện ngay việc hoàn thành chương trình và ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh sắp tới.
"Hà Nội chưa ghi nhận ca nào nhiễm corona, tôi nghĩ rằng thay vì cho học sinh nghỉ dài rồi lại áp lịch thi sớm hơn cả năm ngoái thì các cơ quan chức năng hãy nghĩ đến việc làm sao kiểm soát tốt corona và cho học sinh trở lại trường", phụ huynh Hoàng Anh cho hay.
Được biết, để chuẩn bị đón học sinh quay trở lại trường học, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã yêu cầu từng đơn vị phải xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn về sức khỏe, tinh thần cho giáo viên, học sinh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để sớm ổn định tình hình và duy trì nền nếp dạy học tại đơn vị.
Để đảm bảo môi trường học tập an toàn cho học sinh, hiện nay, các cơ sở giáo dục tại Hà Nội đang tích cực triển khai vệ sinh, tẩy trùng trường lớp, thiết bị dạy học; chuẩn bị xà chuẩn bị tốt nhất các điều kiện an toàn, tạo tâm lý yên tâm cho phụ huynh khi cho con em trở lại đi học.
Theo infonet
Nghỉ học dài ngày vì Covid-19, hiệu trưởng gửi thư chia sẻ với sinh viên và phụ huynh "Cứ mỗi lần dịch Covid-19 có những diễn biến mới, thầy lại rất khó khăn để cân nhắc việc quyết định học và nghỉ học. Thầy rất xin lỗi vì khiến các em thấp thỏm trong 2 tháng qua" - vị hiệu trưởng viết. Ông Hoàng Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Công nghệ Bách khoa, vừa có thư gửi sinh viên...