Hà Giang: Lớp học 6 m2 và sứ mệnh “cõng chữ lên non” của cô giáo trẻ
Chỉ vỏn vẹn trong không gian chật chội 6m2, 25 cô trò điểm trường mầm non Sơn Vĩ tại thôn Lũng Lình A vẫn bám trụ, trao nhau ước mơ về một tương lai tươi sáng.
Điểm trường MN Sơn Vĩ tại thôn Lũng Lình A.
Sơn Vĩ là một xã nghèo nằm giáp ranh biên giới với Trung Quốc thuộc huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Vốn nằm trên địa hình khó khăn, hiểm trở, nằm cheo leo trên núi nên cuộc sống của đồng bào nơi đây vẫn gặp nhiều khó khăn.
Ghé thăm điểm trường tại thôn Lũng Lình A thuộc trường mầm non Sơn Vĩ, 25 cô trò học tập dưới một không gian gọi là “ lớp học” chỉ vỏn vẹn 6m2. Có thể nhiều người sẽ nghĩ mình đang nghe nhâm nhưng không, thực sự đó chỉ là 6 mét vuông được ghép bằng những tấm ván thô sơ, tạm bợ.
Một không gian nhỏ bé, sừng sững giữa núi rừng, tuy khó khăn nhưng đó là nơi gieo mầm cho nhiều thế hệ học sinh. Có lẽ, ở một nơi đến cái ăn còn thiếu thốn, sự kiên trì của những cô giáo vùng cao bám bản, thực hiện sứ mệnh “ cõng chữ lên non” là điều đáng trân quý hơn bao giờ hết.
Cô giáo đứng lớp tại lớp học đặc biệt này mang tên Lò Thị Lan. Cung cấp thông tin cho PV, cô Mua Thị Cáy – Hiệu trưởng trường mầm non Sơn Vĩ kể, cô Lan người dân tộc Nùng và là một giáo viên rất có tâm với nghề và có hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn.
“Khi con cô Lan mới được 12 tháng đã bị phân công về đây dạy nhưng cô không hề ngại khổ mà từ chối. Với những điểm trường khác đỡ khó khăn hơn, nếu có con nhỏ, các cô thường mang con theo rồi nhờ người gia đình lên phụ giúp. Nhưng gia đình cô Lan neo người, điểm trường lại khó khăn, đến diện tích học cho các cháu còn không đủ nên cô đành bỏ con tại nhà. Đi dạy biền biệt cả tuần, cuối tuần cô mới đi về thăm con. Có những khi con đau ốm, cô buộc phải xin nghỉ về chăm con rồi lại tiếp tục lên lớp hoàn thành nhiệm vụ”, cô Cáy xúc động kể.
Được biết, con đường đến trường từ nhà cô Lan khoảng 9 km. Nếu ở vùng xuôi có thể là rất gần, nhưng đối với một xã nghèo vùng biên như Sơn Vĩ, con đường ấy rất hiểm trở khó đi. Mặc dù là đường đá nhưng phụ nữ khó lòng mà đi xe vượt qua được nên cô phải đi bộ. Những hôm may mắn, co được đi nhờ các thầy giáo tiểu học gần đó là một niềm vui lớn.
Video đang HOT
Lớp học thô sơ là nơi học tập của 25 cô trò.
Cô hiệu trưởng cho biết: “Đây là năm đầu tiên cô Lan được giao nhiệm vụ đứng dạy tại điểm trường này. Mầm non Sơn Vỹ của chúng tôi có tất cả 19 điểm trường rải ở các thôn, bản trong xã. Do điều kiện địa hình vùng cao khó khăn, đường đi phức tạp nên phải phân ra các điểm trường để tiện cho việc đi lại của các em học sinh. Và điểm trường thôn Lũng Lình A cùng là điểm trường có điều kiện khó khăn nhất. Những ngày mưa gió vẫn bị dột, gió lạnh vẫn lùa được vào, lạnh lắm nhưng cô trò vẫn phải cố gắng. Đồ dùng học tập vẫn có nhưng ít, diện tích thì chật hẹp…”
“Mặc dù hoàn cảnh điều kiện ở đây còn gặp nhiều khó khăn, cuộc sống chưa đủ no ấm nhưng chưa bao giờ tôi chán nản và cũng chưa từng có suy nghĩ sẽ từ bỏ nghề… Vì đây cũng là nơi tôi sinh ra và lớn lên, tôi chỉ cố gắng, muốn làm điều gì nhỏ bé góp phần xây dựng quê hương thêm giàu đẹp. Có lúc mưa gió lạnh nhưng chỉ có ít em nghỉ học nhưng chỉ vắng vài cháu. Còn những ngày nắng ráo thì các cháu đến trường đều. Vì sự chăm chỉ, cố gắng của các cháu nên cả cô và trò đều phải làm hết sức”, cô Lan trải lòng.
Nói về 24 em trong lớp học của cô Lan, vốn thông thường, trẻ vùng cao hay nhút nhát nhưng các em ở đây nhận thức rất nhanh. Để rèn luyện được điều đó, phương pháp dạy của cô giáo này đặc biệt hơn. Bởi vì, cô thường giao tiếp lần một với các em bằng tiếng dân tộc Nùng, sau đó mới lặp lại bằng tiếng phổ thông nên các em nắm bắt ý được nhanh hơn. Cũng chính vì thế, khi tiếp xúc với người lạ như chúng tôi, các em không tỏ ra lúng túng. Không thể ngờ rằng, tại một nơi có hoàn cảnh khắc nghiệt như thế, với độ tuổi chỉ từ 3 -5 tuổi mà các em đã có thể vô tư trả lời về lòng yêu quê hương, yêu thôn bản và giữ gìn vẹn toàn chủ quyền lãnh thổ của dân tộc. Quả thực, với những đứa trẻ tại đây, việc đào tạo, dạy dỗ các em điều này là điều hết sức quý báu. Vì mai sau đây, các em chính là thế hệ tương lai của tổ quốc, là những người được giao trọng trách quý báu bảo vệ quê hương, giữ gìn biên ải.
Chia tay Lũng Lình A, chia tay Sơn Vĩ, nghĩ về bao khó khăn, vất vả trong một không gian chỉ 6 mét vuông ấy đang ươm mầm cho cả một thế hệ khiến ai nấy man mác buồn nhưng vẫn ánh lên niềm tin, hy vọng về một tương lai tốt đẹp.
Tiếng đài radio vọng lại: “Nắng chiều bản em bên sườn núi / Cô giáo về rộn vang tiếng trẻ thơ / Tung tăng bên sườn núi, hát líu lo đùa trong nắng / Thêm yêu mái trường em đã quen / Có tiếng hát đàn em sớm chiều…”, Sơn Vĩ xa dần
Theo Conglyxahoi.net
Nỗi niềm của các cô giáo "cõng chữ" lên non ở miền Tây xứ Quảng
Nước mắt cô Ngô Thị Hoa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trà Nham (xã Trà Nham, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi) đã không ít lần rơi khi nói về những kỷ niệm buồn vui với học trò vùng cao, về những dự định tiếp tục đi xin tiền, kêu gọi sự hỗ trợ xây nhà ở công vụ cho giáo viên, khu nhà ăn bán trú đến việc duy trì bữa cơm bán trú cho học sinh...
ảnh minh họa
Xin tiền xây trường lớp cho trò nghèo
Sinh ra ở huyện miền núi Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi), tuổi thơ cô Hoa sớm chịu bao nỗi vất vả, nhọc nhằn. Năm 1996, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm, cô Hoa trở về quê hương dạy học.
Sau 1 năm dạy học ở xã vùng khó khăn Trà Bùi (huyện Trà Bồng), năm 1997, cô tiếp tục được phân về phụ trách giảng dạy tại các điểm trường vùng sâu, vùng xa xã Trà Nham.
Những ngày vào các điểm trường dạy học, cô Hoa gặp phải vô vàn khó khăn, thiếu thốn. Hàng ngày chứng kiến học trò đến lớp với tấm áo không lành, chân trần lấm bẩn, ngồi học trong căn phòng tồi tàn, rách nát đã thôi thúc cô Hoa phải làm một điều gì đó để bù đắp cho các em.
Sau nhiều đêm trăn trở, cô quyết định kết nối, với những bạn bè, đồng nghiệp khắp nơi trên cả nước về những nỗi nhọc nhằn, thiếu thốn mà con em đồng bào dân tộc thiểu số nơi mình dạy học, ghi lại cuộc sống, sinh hoạt, học tập, ăn ở của học trò rồi đăng lên facebook. Và thế là, những món quà là những tấm áo, chiếc quần, tập vở, trang sách, thậm chí cả gói bánh, cân gạo... được mọi người khắp trên cả nước san sẻ gửi về trong niềm hạnh phúc của cô trò. Niềm hạnh phúc lớn nhất của cô trò khi nhận tin vui từ Bộ Công an và Thành đoàn Đà Nẵng trao kinh phí xây dựng 7 phòng học mới thay thế cho các phòng học tạm bợ cho nhà trường.
Nhớ lại điều này, cô Hoa tâm sự: "Bao năm gắn bó công tác ở đây, nỗi trăn trở lớn nhất của tôi cũng như nhiều giáo viên khác là nỗi lo về cơ sở vật chất trường lớp, phòng học của cô trò chỉ là phòng ốc tạm bợ bằng tranh tre, vách nứa, với mấy bộ bàn ghế cũ, còn dụng cụ học tập thì không có gì. Bởi vậy, khi nghe tin, cô trò mừng quá, ôm lấy nhau reo mà nước mắt dâng trào".
Có được nguồn kinh phí xây trường nhưng công tác triển khai xây dựng lại gặp khó khăn vì không có mặt bằng xây dựng. Qua nhiều lần đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo địa phương nhưng không giải quyết được vì người dân không đồng ý giao mặt bằng cho chính quyền. Trước tình thế đó, cô Hoa đánh liều xuống tận thôn, nóc, vào từng gia đình người dân vận động hiến đất xây trường.
Ngày khánh thành 7 phòng học với kinh phí xây dựng gần 1,2 tỷ đồng đúng vào khai giảng năm học 2016 - 2017 không chỉ cô trò mà cả người dân nơi đây đều vui mừng. Các phòng học được xây dựng theo mô hình trường lắp ghép bằng khung thép bán kiên cố, tạo nên một khu liên hoàn, khang trang, sạch đẹp. Cảm xúc sung sướng, hạnh phúc đó đến bây giờ vẫn còn vẹn nguyên trong tim cô Hoa như mới hôm qua.
Có được niềm tin từ những lần vận động, hỗ trợ xây trường, cô tiếp tục kêu gọi sự quan tâm, hỗ trợ từ các hội từ thiện khác. Đáp lại sự kiên trì, bền bỉ đó, nhóm từ thiện Phước Hạnh (TP HCM) và nhóm thiện nguyện Quảng Ngãi đã cấp kinh phí 800 triệu đồng để xây dựng hệ thống sân trường, công trình nước sạch, nhà vệ sinh.
"Nghề giáo đã cho tôi lẽ sống"
Theo cô Hoa, 100% học sinh của trường là con em đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, công tác giáo dục con em học sinh gần như "khoán trắng" cho nhà trường. Do vậy, bên cạnh dạy kiến thức cho học sinh thì giáo dục đạo đức, lối sống, nền nếp cho các em là điều hết sức khó khăn đối với cán bộ, giáo viên.
"Hầu hết các em khi bước vào lớp 1 có năng lực giao tiếp tiếng Việt còn rất hạn chế. Các em đều rất rụt rè trong giao tiếp, nhất là đối với người lạ, hay tự ái và luôn cảm thấy xấu hổ trước mọi người... Đây thực sự là những lý do khiến cho công tác giáo dục của thầy cô, nhà trường gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học", cô Hoa cho biết.
Từ kinh nghiệm giảng dạy, làm công tác quản lý của mình, ngay từ khi được phân công về phụ trách Trường Tiểu học Trà Nham, cô Hoa lấy công tác xây dựng nền nếp trường học, tạo dựng các kỹ năng sống, sinh hoạt, giao tiếp cho học sinh làm nền tảng, điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục.
"Trên cương vị là người quản lý trường học, tôi luôn tâm niệm, làm sao để trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò. Để giáo dục nhân cách, lối sống cho học sinh, thầy cô giáo thật sự là những tấm gương sáng mẫu mực", cô Hoa .
Hơn 20 năm cống hiến cho giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cô Hoa vẫn không nguôi ngọn lửa yêu nghề, nhiệt tâm cống hiến cho giáo dục vùng khó. Bởi vậy khi nói về nghề của mình, cô Hoa tâm sự: "Nghề giáo đã cho tôi niềm vui, cho tôi lẽ sống và các em học sinh là động lực, là cảm hứng cho tôi trong công việc mỗi ngày".
Theo Phapluatvn.vn
Cô giáo về quê mở lớp dạy trẻ tự kỷ Dạy trẻ bình thường đã vất vả, dạy trẻ tự kỷ thì nỗi vất vả khó khăn hơn gấp nhiều lần. Cô giáo trẻ Tô Thị Hương - chủ cơ sở Trợ giúp trẻ đặc biệt Sao Mai ở Phố Mới, thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên (Bắc Giang) đã vượt khó khăn giúp nhiều em nhỏ tự kỷ có cơ hội...