GV trình độ cao đẳng: Nên quy định rõ trách nhiệm của thầy cô sau khi được tuyển
Nên có kinh phí hỗ trợ thầy cô học tập bồi dưỡng nâng chuẩn, vì hiện nay, sinh viên sư phạm bên cạnh miễn học phí còn được hỗ trợ sinh hoạt phí.
Thiếu giáo viên đang là bài toán nan giải với ngành giáo dục. Vừa qua, trong cuộc làm việc với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết tháo gỡ những khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên.
Cụ thể, Nghị quyết này cho phép tuyển dụng các giáo viên tốt nghiệp cao đẳng với điều kiện giáo viên sẽ tự bồi dưỡng để đạt chuẩn đến năm 2030.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, số người tốt nghiệp cao đẳng nhưng chưa học nâng chuẩn đạt trình độ đại học theo Luật Giáo dục 2019 vẫn còn khá nhiều, vì vậy, trong điều kiện thiếu giáo viên, có thể khai thác nguồn nhân lực này.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)
Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn có một Nghị quyết riêng trong tuyển dụng để giải quyết bài toán thiếu giáo viên là hợp lý.
Thứ nhất, điều này giúp đáp ứng được nhu cầu thực tế của nhiều người, họ đã được đào tạo sư phạm trình độ cao đẳng và có mong muốn, nguyện vọng được gắn bó với lĩnh vực giáo dục đào tạo. Vậy có thể tạo cơ hội, tuyển dụng những giáo viên này sau đó bồi dưỡng để đạt chuẩn.
Thứ hai, xuất phát từ tình hình thực tiễn hiện nay, nhiều địa phương đang thiếu giáo viên đáp ứng việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, giải quyết bài toán thiếu giáo viên là việc làm rất cần thiết.
“Đây là một hướng đi tích cực và đúng, tuy nhiên việc thực hiện cần phải được tính toán rõ ràng, có thời hạn, lộ trình cụ thể, và quy định rõ trách nhiệm của giáo viên như thế nào sau khi được tuyển dụng”, Phó Giáo sư Nguyễn Kim Hồng nêu quan điểm.
Theo thầy Hồng, phần lớn giáo viên học nâng chuẩn sẽ tham gia các lớp học theo hệ “vừa học vừa làm”, dù chi phí không quá nhiều nhưng cũng cần đặt vấn đề ai sẽ chi trả chi phí đào tạo bồi dưỡng.
Nếu chúng ta có nhu cầu sử dụng đội ngũ này thì cũng nên có kinh phí hỗ trợ thầy cô học tập bồi dưỡng nâng chuẩn, vì hiện nay, sinh viên sư phạm bên cạnh miễn học phí còn được hỗ trợ sinh hoạt phí.
Cần có nguồn kinh phí hỗ trợ bồi dưỡng nâng chuẩn cho các giáo viên trình độ cao đẳng được tuyển dụng. Vì chính sách sử dụng giáo viên tác động khá lớn đến đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, phải căn cứ vào nhu cầu thực tế của từng địa phương để lên phương án tuyển dụng phù hợp chứ không thực hiện một cách ồ ạt.
Bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Giao – nguyên Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục cho rằng, vì đề xuất này ngược với Luật Giáo dục 2019 nên cần một Nghị quyết từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tạo cơ chế thực hiện.
Phải đảm bảo về đội ngũ vì nếu để thiếu giáo viên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giáo dục.
Video đang HOT
Đối với bậc tiểu học thì giáo viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng và học nâng chuẩn lên là có thể đảm đương được nhiệm vụ giảng dạy.
“Luật Giáo dục 2019 đã quy định giáo viên tiểu học, trung học cơ sở phải có trình độ đại học trở lên, giáo viên mầm non đạt trình độ cao đẳng trở lên.
Liên quan đến luật thì chúng ta phải thực hiện nghiêm túc, và nếu muốn có sự thay đổi so với luật thì cần có quyết định của cơ quan ban hành luật.
Việc giải quyết bài toán thiếu giáo viên hiện nay rất cần thiết, và tôi tin, giáo viên yêu nghề, họ sẽ gắn bó và nỗ lực học tập, bồi dưỡng để đạt chuẩn, đáp ứng hoạt động giảng dạy của mình”, thầy Giao chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đối với quy định hiện hành, giáo viên tiểu học và trung học cơ sở đều phải tốt nghiệp đại học, điều này là phù hợp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ của ngành.
Nhưng lẽ ra chúng ta cần có bước đệm để có sự chuẩn bị tốt nhất về đội ngũ giáo viên, để đáp ứng nhu cầu cho các địa phương. Vì thực tế, đội ngũ đạt trình độ cao đẳng chiếm số lượng lớn, mà nhiều tỉnh/thành phố lại đang thiếu giáo viên, thiếu nguồn tuyển.
Trong giai đoạn hiện nay, đề xuất tuyển giáo viên trình độ cao đẳng cho bậc tiểu học, trung học cơ sở là phù hợp.
Tuy nhiên, cần làm rõ yêu cầu tự bồi dưỡng ở đây là như thế nào, liệu việc để giáo viên tự bồi dưỡng có đảm bảo? Nên chăng, cần có yêu cầu cụ thể hơn về vấn đề đào tạo bồi dưỡng để nâng chuẩn cho giáo viên. Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương nên phối hợp với các trường đào tạo giáo viên để tổ chức các khóa bồi dưỡng ngắn hạn cho giáo viên.
Còn nếu yêu cầu tự bồi dưỡng và không có quy định cụ thể sẽ khó đảm bảo chất lượng và không kiểm soát được hoạt động bồi dưỡng cho đội ngũ này.
“Để đảm bảo thực hiện được mục tiêu giáo dục, trong giai đoạn hiện nay, chúng ta có thể chấp nhận giáo viên trình độ cao đẳng dạy tiểu học và trung học cơ sở. Tuy nhiên, cần có thêm yêu cầu về kinh nghiệm giảng dạy ở từng cấp học hay được tham gia các lớp bồi dưỡng ngắn hạn”, ông Nguyễn Văn Ngai cho hay.
Nguyên Phó giám đốc Sở GD TPHCM: Nên quy hoạch, đánh giá lại trường chuyên
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngai -nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh có những đánh giá về mô hình trường trung học phổ thông chuyên.
Tại Việt Nam, hệ thống trường trung học phổ thông chuyên có nhiệm vụ "phát triển năng khiếu một số môn học trên cơ sở đảm bảo giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước".
Bàn về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đã đến lúc cần quy hoạch, đánh giá lại mục tiêu của các trường chuyên.
Cần quy hoạch, đánh giá lại mục tiêu trường chuyên
Nói về vai trò của trường phổ thông thầy Nguyễn Văn Ngai cho biết, trường phổ thông là nhằm cung cấp các kiến thức, hiểu biết cần thiết trong độ tuổi được quy định, để đáp ứng được yêu cầu hòa nhập với cuộc sống khi trưởng thành.
Mỗi con người đều có một sở trường, sở đoản riêng, nên các trường trung học phổ thông chuyên sẽ tạo điều kiện phát huy sở trường, năng khiếu của người học sẽ là rất cần thiết. Người học sẽ có một môi trường để phát huy năng khiếu của mình, ra đời với các tài năng thực thụ của mình thì đó là điều rất cần thiết.
Thế nhưng, hiện nay, tại một số trường trung học phổ thông chuyên đang có hiện tượng mà người ta gọi là luyện "gà chọi, gà nòi" thì theo thầy Nguyễn Văn Ngai đó chỉ là mang tính chất phong trào, chứ không phải là nhiệm vụ chính trong việc đào tạo của các trường chuyên.
Trường Phổ thông Năng khiếu, 1 trong 3 trường trung học phổ thông chuyên ở Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: website trường)
Về các trường trung học phổ thông chuyên tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay có 3 trường là: trường trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, trường trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa, Trường Phổ thông Năng khiếu - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Chưa kể, tại một số trường trung học phổ thông công lập còn có lớp chuyên.
Trả lời câu hỏi của phóng viên rằng, điều đó có phải là có quá nhiều trường chuyên, lớp chuyên ở tại Thành phố Hồ Chí Minh không, thầy Nguyễn Văn Ngai giải thích: Sở dĩ có việc này là do thành phố muốn tạo điều kiện cho các em học sinh cư trú tại một số khu vực, địa phương ở một số quận, huyện ở xa nhưng có năng khiếu, muốn học ở các lớp chuyên nhưng không cần phải tập trung về trung tâm thành phố, gây khó khăn cho việc đi lại.
Tuy vậy, thực tế là có một số trường trung học phổ thông công lập có mở lớp chuyên, nhưng lại không thu hút được học sinh, không phát triển được.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngai nhấn mạnh: "Việc phát triển trường trung học phổ thông chuyên là cần thiết, nhưng việc phát triển như thế nào, số lượng ra sao thì cần phải tính toán lại, dựa trên các cơ sở và điều kiện nhất định".
Theo quan điểm cá nhân của thầy Nguyễn Văn Ngai thì thành phố chỉ nên tập trung đầu tư cho hai trường trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa là đủ.
Nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, không cần phải mở quá nhiều điểm, chỉ cần gom 2 trường này lại đầu tư thì sẽ đủ điều kiện, khả năng lo kỹ càng hơn cho các trường chuyên, từ cơ sở vật chất cho đến đội ngũ giáo viên giảng dạy.
Theo thầy Nguyễn Văn Ngai, đã đến lúc cần có cái nhìn, đánh giá lại mục tiêu, quy hoạch cụ thể các trường trung học phổ thông chuyên.
Nên có tiêu chỉ để tuyển chọn thật kỹ các học sinh học ở trường chuyên. Các chương trình giảng dạy cũng cần được tính toán, để làm sao đầu tư, phát huy được năng khiếu của học sinh trên từng lĩnh vực, nhưng cũng vẫn phải đảm bảo được các kiến thức tổng quát của bậc phổ thông.
Không nên mời giáo sư, phó giáo sư về dạy trường chuyên
Với đội ngũ giảng dạy tại các trường chuyên, thầy Nguyễn Văn Ngai cho hay, có một thực tế là một số thầy cô dạy ở trường chuyên nhưng chưa xứng tầm, tất nhiên là có một số lý do nhất định. Do vậy, mà đội ngũ giảng dạy cũng cần phải tính toán lại, có các chế độ và chính sách đãi ngộ phù hợp.
Song song đó, cũng cần phải có các yêu cầu về mặt năng lực chuyên môn đối với thầy cô giáo này.
Với ý kiến có nên mời giáo sư, phó giáo sư về dạy tại các trường chuyên hay không, thầy Nguyễn Văn Ngai chia sẻ: Việc này là không cần thiết.
Mỗi cấp học của học sinh đều có một đội ngũ giáo viên phù hợp. Điều đó có nghĩa rằng, giáo viên dạy giỏi ở bậc trung học phổ thông chưa chắc đã là giáo viên dạy giỏi ở lớp 1.
Các vị giáo sư, phó giáo sư thường chỉ đi vào nghiên cứu, hướng dẫn sinh viên các trường đại học theo từng chuyên đề. Dạy ở bậc đại học khác với dạy ở bậc phổ thông, nên có thể là sẽ không phù hợp.
"Nếu có thể thì chỉ nên mời giáo sư, phó giáo sư về giảng dạy một số chuyên đề nào đó, bồi dưỡng cho giáo viên là chủ yếu, chứ không thể thay thể các thầy cô giáo dạy học sinh" - thầy Nguyễn Văn Ngai khẳng định.
Thầy Ngai đặt vấn đề tiếp: "Nên chăng, có thể để kinh phí mời giáo sư, phó giáo sư về giảng dạy dùng để cải thiện chế độ, chính sách cho các thầy cô giáo dạy trong trường chuyên, lúc đó sẽ hiệu quả hơn?".
Cần tìm nguyên nhân vì sao giải thưởng học sinh giỏi quốc gia còn khiêm tốn?
Từ nhiều năm nay, Thành phố Hồ Chí Minh dành rất nhiều kinh phí để đầu tư vào các trường trung học phổ thông chuyên, nhưng số giải thưởng học sinh giỏi quốc gia còn khiêm tốn, thậm chí thua một số địa phương phía Bắc, thầy Nguyễn Văn Ngai nói điều này là đúng.
Nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đặt vấn đề: Việc này đã xảy ra từ một vài năm nay. Việc học không phải chỉ là một ngày, một bữa mà là cả một quá trình dài.
Là một thành phố lớn nhất nhì nước, là một địa phương có điều kiện về kinh tế, nhưng lại thua các tỉnh nhỏ hơn thì cũng đúng là điều đáng để suy nghĩ.
Về điều này, mỗi người có thể có một cách nhìn nhận, đánh giá riêng. Tuy nhiên, để giải được bài toán này thì những người có trách nhiệm nên ngồi lại với nhau, bàn bạc, phải tìm ra được nguyên nhân để có hướng khắc phục.
"Mỗi người, với trách nhiệm của mình thì cũng cần phải đánh giá lại việc này, cái gì làm tốt, chưa làm tốt, kết quả đã đạt được trong thời gian qua là gì, để từ đó có thể đưa ra đề xuất, yêu cầu" - thầy Nguyễn Văn Ngai đề xuất.
Tuyển dụng GV cao đẳng: Khi nâng chuẩn thầy cô có được hưởng chế độ theo NĐ 71? Nếu quy định tự bồi dưỡng để đạt chuẩn, khi giáo viên đăng ký học dài hạn thì sẽ không đảm bảo việc dạy học tại các cơ sở giáo dục. Vừa qua, tại buổi làm việc với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết tháo gỡ,...