GV Sử đi dạy Hóa: Phòng Giáo dục bó tay
Trước thực trạng một số trường THCS tại huyện Thanh Sơn – Phú Thọ phải để giáo viên dạy trái môn, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Sơn cho rằng, trong vài năm qua toàn huyện đang rơi vào tình trạng thừa giáo viên ban xã hội, thiếu giáo viên tự nhiên.
Kiến nghị nhiều nhưng chưa được giải quyết
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thu – Hiệu phó nhà trường và ông Trần Văn Tình – Chủ tịch UBND xã Địch Quả cho biết, trước thực trạng thiếu giáo viên bộ môn, ngay từ đầu năm học xã và nhà trường đã có công văn kiến nghị lên UNND huyện Thanh Sơn cần điều động thêm giáo viên để đảm bảo chất lượng giảng dạy, tuy nhiên cho tới thời điểm này đã gần hết năm học vẫn chưa thấy hồi âm.
Ông Trần Văn Tình cho rằng, bản thân ông cũng có con gái học lớp 8 tại trường, và trước thực trạng nhiều giáo viên phải dạy trái môn thì chắc chắn chất lượng sẽ không thể đảm bảo. Hơn nữa, sắp tới để được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia thì điều đó lại càng không thể.
Ông Trần Văn Tình – Chủ tịch UBND xã Địch Quả cho rằng, bản thân ông cũng có con gái học lớp 8 tại trường, và trước thực trạng nhiều giáo viên phải dạy trái môn thì chắc chắn chất lượng sẽ không thể đảm bảo. Ảnh PT
Là người lãnh đạo đứng đầu xã, ông Tình thường nhận được phản ánh từ người dân về chuyện con em họ phải học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng nếu cứ để tình trạng này kéo dài. “Giáo viên không đúng chuyên môn mà dạy cho cả khóa đào tạo thì học sinh có thể mất hết gốc, điều đó rất nguy hiểm. Thực ra không chuyên môn cũng dạy được nhưng không được chuyên sâu sẽ không đảm bảo bằng giáo viên được đào tạo chuyên sâu. Tôi cũng có cháu học tại trường, các môn Toán, Lí thì cháu học được, nhưng riêng môn Hóa học lực hơi tụt một tí”, ông Tình cho biết.
Theo chia sẻ của ông Tình, tình trạng này dứt khoát sang đầu năm tới phải đủ giáo viên để trường được đón chuẩn quốc gia.
Bà Nguyễn Thị Thu – Hiệu phó nhà trường thì cho rằng, thực tế giáo viên dạy trái môn tại trường không chỉ có môn Hóa mà còn có các môn: Sinh học và Công nghệ (Kĩ thuật Công nghiệp và Kĩ thuật Nông nghiệp). Tình trạng ở trường THCS Địch Quả giáo viên ban Xã hội phải dạy ban Tự nhiên là chuyện bình thường do thiếu cơ cấu giáo viên bộ môn.
Trước tình hình đó bà Thu cho biết: “Sự thiếu cân bằng này do tổ chức, phần điều động chỗ thừa, chỗ thiếu là do cấp trên. Chúng tôi chỉ biết đề nghị điều động thêm giáo viên bộ môn còn thiếu để nhà trường bớt khó khăn hơn, học sinh bớt thiệt thòi hơn”.
Video đang HOT
Bà Nguyễn Thị Thu – Hiệu phó Trường THCS Địch Quả cho biết, trước khi dạy trái ban giáo viên sẽ được bồi dưỡng kiến thức để đảm bảo chất lượng giảng dạy. Ảnh PT
Giải pháp trước mắt được lãnh đạo Trường THCS Địch Quả áp dụng để hạn chế tới mức tối đa sự thiệt thòi cho học sinh là, trước giáo viên dạy trái ban phải thông qua nhiều bước kiểm tra kiến thức, dự giảng do các lãnh đạo nhà trường thực tế giảng (gọi là các chuyên đề trái ban). Tiếp theo, những giáo viên dạy trái ban nêu ý kiến về những khó khăn và vướng mắc rồi trực tiếp đề nghị với tổ chuyên môn. Qua nhiều bước như vậy giáo viên trái ban mới được được tham gia giảng dạy cho học sinh.
Nói về chất lượng giáo viên dạy trái ban, bà Thu cho biết, chất lượng chuyên môn không thể đồng đều được, học sinh được học chính ban chắc chắn sẽ so với học giáo viên lệch ban. “Với khó khăn này tôi nghĩ học sinh cũng biết nhưng không tránh được. Theo định kì Ban giám hiệu cũng phải đi dự giờ các thầy cô dạy trái ban để cho hiệu quả giảng dạy ngày càng cao hơn, làm sao cho học sinh tiếp thu được những kiến thức cơ bản” bà Thu cho hay.
Cân đối cơ cấu rất khó khắc phục?
Theo thông tin từ ông Bù Hữu Khánh – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thanh Sơn, thì trong vài năm gần đây huyện Thanh Sơn đang ở vào tình trạng thừa giáo viên ban xã hội, thiếu giáo viên ban tự nhiên. Nguyên nhân có thể do đầu ra ban xã hội quá dồi dào. Với thực trạng đó toàn huyện Thanh Sơn đang thừa khoảng 40 giáo viên dạy Văn, như vậy sẽ “lấn” sang giáo viên các môn khác.
Ông Khánh cũng cho biết, giáo viên môn xã hội thường nhàn hơn và ít tiết hơn thường phải làm kiêm các công tác khác của nhà trường. Ở các môn tự nhiên, giáo viên Lý sang dạy Hóa cũng có, Hóa sang dạy Địa cũng có. Việc như báo chí nêu thiếu giáo viên ở chỗ này, chỗ kia có thể xảy ra trong một thời điểm, có thể lúc thời điểm đó giáo viên nghỉ đẻ… Vấn đề cân đối cơ cấu của một số trường, trong đó có Trường THCS Địch Quả vẫn chưa khắc phục được.
Trường THCS chưa đáp ứng được tiêu chí về giáo viên nên chưa thể đạt chuẩn. Ảnh PT
Giải thích về sự thiếu hụt trong cơ cấu giáo viên các bộ môn hiện nay, nhất là các môn tự nhiên, ông Khánh cho biết thực chất số lượng giáo viên vẫn đảm bảo theo tiêu chuẩn nhưng chỉ có cơ cấu là đang thiếu. Không phải môn nào cũng đạt đủ giáo viên vì trên thực tế mức quy định hiện nay chỉ tính trên đầu lớp (tỉ lệ giáo viên 1,9 với cấp THCS và 1,4 đối với tiểu học ở trường chuẩn, và không chuẩn sẽ dưới mức đó).
Riêng ở huyện Thanh Sơn thường chỉ có 4 đến 5 lớp/trường, nếu lấy như tỉ lệ là 1,9 giáo viên/lớp nhiều trường sẽ thiếu giáo viên bộ môn. “Có những trường chỉ có 5 lớp mà nhân với 1,9 (làm tròn thành 2) thì cũng chỉ được 10 giáo viên, nếu làm đúng tỉ lệ sẽ có những môn không có giáo viên là đúng. Nếu trường nào 12 lớp trở lên cơ cấu sẽ dễ phân hơn. Thực tế, có những huyện thiếu giáo viên môn này nhưng huyện khác cũng thiếu giáo viên môn khác. Đối với huyện Thanh Sơn việc phân bổ sẽ không được nữa do định mức đã giao kín. Ngoài ra, việc điều chuyển còn liên quan tới cả chế độ và nguyện vọng của cá nhân. Tình trạng này chắc chắn là khó” ông Khánh cho biết.
Vẫn theo ông Khánh, việc để cho những giáo viên phải dạy trái ban cũng là điều bất đắc dĩ mà huyện chưa có giải pháp. Trước mắt, các hiệu trưởng cần tìm được năng lực của từng giáo viên để phân công những giáo viên có năng lực, có ý thức cao để kiêm các môn mà còn thiếu giáo viên.
“Thường chúng tôi vẫn phải động viên các cô, nếu các cô chối mình cũng không làm gì được vì các môn đó không phải là chuyên môn của họ”, ông Khánh nói.
Nhiều học sinh cấp THCS tại Thanh Sơn đang phải chịu thiệt thòi do thiếu giáo viên bộ môn. Ảnh PT
Theo vị lãnh đạo Phòng Giáo dục huyện Thanh Sơn, với những trường hợp giáo viên phải dạy trái ban cần được Ban giám hiệu giúp đỡ về chuyên môn, thậm chí là lãnh đạo cũng phải tham gia giảng dạy để bù đắp những môn còn thiếu.
Cũng tại Trường THCS Địch Quả, đây là một ngôi trường thuộc diện ưu tiên đặc biệt do nằm trong vùng xã khó khăn (xã vùng 229), mọi chế độ ở đây đều được đảm bảo. Học sinh đi học được miễn học phí và còn thêm trợ cấp hàng tháng. Theo bà Nguyễn Thị Thu – Hiệu phó nhà trường thì dự kiến theo kế hoạch trong tháng 3 vừa qua trường được đón nhận danh hiệu trường đạt chuẩn quốc gia, tuy nhiên do đội ngũ giáo viện hiện chưa đảm bảo, cơ cấu còn thiếu nên chưa thể được công nhận.
Đứng trước thực trạng này, về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của học sinh và ảnh hưởng tới cả một thế hệ do phải học trong điều kiện không được chuyên sâu, hơn lúc nào hết, các cơ quan ban ngành thẩm quyền của huyện Thanh Sơn và tỉnh Phú Thọ cần có biện pháp giải quyết kịp thời. Vấn đề này liên quan tới cơ chế, chính sách và cần sớm được giải quyết kịp thời để tránh tình “thui chột” cả một thế hệ trẻ tại Thanh Sơn.
Theo Phương Thảo (Báo Giáo dục Việt Nam)
ĐH khối kinh tế: Tăng tự chủ, tăng hiệu quả
Không nằm ngoài thực trạng của giáo dục ĐH Việt Nam nói chung, trong những năm qua, các trường ĐH khối kinh tế không tránh khỏi sự bất cập trong vấn đề quản trị. Với việc Luật Giáo dục ĐH có hiệu lực từ năm 2013, các trường ĐH kinh tế đã có hành lang pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả quản trị trong bối cảnh đang tiến tới mô hình tự chủ.
Nhiều bất cập trong quản trị đại học
Theo ông Nguyễn Quang Dong, Trường ĐH Kinh tế, mô hình quản trị các trường ĐH công lập hiện nay là mô hình nhà nước kiểm soát hoàn toàn. Ngoại trừ ĐH quốc gia, các trường khác đều được Bộ GD-ĐT giao chỉ tiêu đào tạo, kèm theo chỉ tiêu ngân sách. Bộ thẩm định và cho phép mở ngành, quy định khung chương trình. Các trường không được tự chủ về tài chính (5 trường được thí điểm tự chủ nhưng học phí vẫn phải thực hiện theo mức chung của Nhà nước). Tất cả các chương trình, dự án đầu tư cho cơ sở vật chất đều cần xin ý kiến của Bộ.
Giờ lên lớp của sinh viên Trường Đại học Ngoại thương. Ảnh: Bảo Kha
Vài năm gần đây, Bộ GD-ĐT bắt đầu chuyển đổi sang mô hình nhà nước giám sát, giao một số chức năng, nhiệm vụ quản trị cho Hội đồng trường. Dù vậy, nhiều chuyên gia nhìn nhận: Sự quản lý của cấp Bộ đối với các trường còn cứng nhắc, ôm đồm và chưa hiệu quả, quyền hạn giao chưa đủ, mang tính "ban phát" theo từng thời điểm trước sự đòi hỏi của các trường ĐH và sức ép của xã hội. Còn có sự lẫn lộn giữa quản lý nhà nước về giáo dục và quản lý của cơ sở trường ĐH. Các trường ĐH Việt Nam nói chung và trường kinh tế nói riêng, do ảnh hưởng của cơ chế tập trung từ nhiều năm nên chủ yếu thực hiện nhiệm vụ từ trên giao xuống, chưa có nhiều quyền tự quyết. Trong khi đó, hoạt động của Hội đồng trường còn mờ nhạt và lúng túng. Sự nhập nhằng về trách nhiệm và quyền hạn giữa Đảng ủy, Ban giám hiệu và Hội đồng khoa học có những bất cập không thể sớm giải quyết.
Xã hội hóa cao, cần tăng tính tự chủ
Từ góc nhìn của nhà quản trị, ông Nguyễn Đông Phong, Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, rất khó để chỉ ra đâu là đặc thù của trường ĐH khối kinh tế, bởi hầu hết các ĐH trên thế giới đều đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực. Tuy vậy, trong điều kiện đặc thù của Việt Nam, cũng có thể tìm ra những nét riêng. Trước tiên, với khoa học kinh tế, Nhà nước không nhất thiết phải đặt hàng các trường đào tạo theo "đơn". Thay vào đó, xã hội sẽ nhập cuộc và can dự vào chương trình đào tạo của nhà trường. Do vậy, tính xã hội hóa đối với chương trình đào tạo của các trường ĐH khối kinh tế là rất cao. Từ đó, việc chia sẻ kinh phí đào tạo giữa nhà trường và xã hội cũng cởi mở hơn rất nhiều. Các trường có nhiều điều kiện để tham gia việc hoạch định chính sách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho từng địa phương, cho từng vùng và quốc gia. Ngoài ra, trong bộ máy tổ chức của một trường ĐH khối kinh tế cũng cần tính đến việc thành lập các đơn vị xuất bản, thông tin kinh tế, các trung tâm dịch vụ và các công ty TNHH, công ty cổ phần. Đây chính là thế mạnh và nét đặc sắc cần khai thác và phát huy đối với một trường ĐH chuyên đào tạo, nghiên cứu và tư vấn khoa học kinh tế.
Đó là tính đặc thù mà theo ông Nguyễn Đông Phong, các trường khối kinh tế cần lưu ý khi được Nhà nước giao quyền tự chủ gắn liền với trách nhiệm giải trình.
Đi sâu vào khía cạnh quản lý liên quan tới quyền tự chủ, theo ông Nguyễn Đức Thành, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, mô hình quản lý giáo dục hiện nay ở Việt Nam thuộc mô hình phổ biến ở Liên Xô cũ và các nước Đông Âu. Quyền lực tập trung vào Bộ GD-ĐT, tiếp đó là trường rồi mới đến các khoa/bộ môn theo dạng quản lý tập trung từ trên xuống. Theo xu hướng phát triển của ĐH thế giới, trong những năm tới, các trường ĐH công lập khối kinh tế và quản trị kinh doanh nên áp dụng mô hình phổ biến ở các quốc gia đang phát triển. Đó là mô hình quyền lực tập trung ở cấp trường, sau đó là khoa, bộ môn. Nhà trường được trao nhiều quyền tự chủ và chịu trách nhiệm xã hội.
Việc thay đổi mô hình quản lý đòi hỏi phải thay đổi mô hình tổ chức bộ máy của nhà trường. Hiện nay, ở phía Bắc, các trường ĐH đang theo hai mô hình chính: Mô hình trường 4 cấp đối với ĐH Quốc gia và ĐH vùng (ĐH Quốc gia/vùng - trường thành viên - khoa - bộ môn); mô hình 3 cấp (trường ĐH độc lập - khoa - bộ môn). Với xu hướng phát triển chung là đa ngành, quy mô lớn, mô hình 3 cấp không có hiệu quả cao vì mọi việc đều tập trung vào trường, không phát huy được sự chủ động của khoa và giáo viên. Thay vào đó, mô hình 4 cấp với ĐH - trường thành viên - khoa - bộ môn có thể tăng tính tự chủ cho các đơn vị, khoa.
Đổi mới quản trị ĐH còn phụ thuộc rất nhiều vào đổi mới quản lý kinh tế - xã hội, phụ thuộc vào sự phát triển chung của đất nước, song các nhà quản lý giáo dục đều thống nhất: Phê duyệt tự chủ cho các trường lớn là một việc có thể làm ngay, chắc chắn đem lại hiệu quả cao.
Theo Quỳnh Phạm (Hà Nội Mới)
Dạy và học môn Văn: Cô, trò đều... ngán Học sinh ngao ngán, chán học còn giáo viên dù tâm huyết cũng chỉ biết dạy theo "khuôn mẫu"... thực trạng dạy và học môn Văn trong các trường ngày càng bộc lộ nhiều bất cập, chưa có "lối thoát". Ngày càng nhàm chán Có một thực tế những năm gần đây, môn Ngữ văn trong các trường phổ thông đang dần đánh...