GV chủ nhiệm: Áp lực nhưng không thể chối bỏ trách nhiệm!
Vụ việc 5 học sinh nữ đánh đập, lột đồ bạn tại lớp học ở Hưng Yên đã gây làn sóng phẫn nộ mạnh mẽ trong dư luận. Sư việc chưa kịp lắng xuống thì dư luận lại được phen sục sôi với nội dung bênh vực cô giáo chủ nhiệm được một trang mạng đăng tải.
Điều đáng nói là, nội dung này lại được một bộ phận không nhỏ thầy cô bỗng thấy “đồng cảm” với đồng nghiệp của mình, theo kiểu “việc học sinh gây ra, sao giáo viên phải chịu?” hay “giáo viên chúng tôi đâu phải thánh”,…
Một sự đồng cảm đáng trách
Trao đổi về vấn đề này, TS. Vũ Thu Hương cho biết: Sau vụ việc làm rúng động dư luận liên quan đến nữ sinh bị bạn học đánh hội đồng ở Hưng Yên, tôi rất đồng tình với cách xử lý kịp thời và cương quyết của Bộ GD&ĐT.
Tuy nhiên, trước khi kết luận cuối cùng về mức kỷ luật được đưa ra, nội dung bênh vực giáo viên theo hướng chối bỏ trách nhiệm lại được một bộ phận thầy cô tán dương đã thể hiện sự thiếu nhận thức về mức độ nghiêm trọng của vấn đề.
Nội dung chia sẻ có đoạn: “…Hiện nay, giáo viên chủ nhiệm (GVCN) tại các trường phổ thông hầu hết là giáo viên dạy các bộ môn kiêm nhiệm thêm. Cũng hầu hết trong đó, không được đào tạo về quản lý giáo dục một cách bài bản.
Một giáo viên vừa phải đứng nhiều lớp dạy học kiến thức bộ môn, vừa phải quản lý tình hình trong một lớp học thì đạt kết quả cao như thế nào? Đó là còn chưa kể đến việc lương giáo viên ngày nay chẳng thể nào đủ đầy.
Sau mỗi tiết dạy, hàng tá giáo viên lại phải đối mặt nỗi lo cơm áo gạo tiền, áp lực đủ điều. Vậy, còn đâu tâm trí mà bắt họ phải theo sát lớp mình chủ nhiệm với thời lượng 24/24 để biết hết mọi chuyện diễn ra. (…)”
Theo TS. Vũ Thu Hương, với những lý lẽ này, bài báo đã hồn nhiên công nhận: người giáo viên hiện nay không có đủ kiến thức, không được đào tạo bài bản để quản lý học sinh, vậy tại sao họ lại được giao quản lý học sinh?
Video đang HOT
Bài báo cũng thừa nhận giáo viên này đã không dành toàn bộ tâm sức cho việc giáo dục trẻ với lý do cơm áo gạo tiền. Giáo viên có thể không ngay lập tức biết hành động của các em nhưng chẳng lẽ cô lại “không biết tí gì” về tâm tính, về suy nghĩ của học sinh? Nếu vậy, cô có gọi là hoàn thành trách nhiệm của 1 GVCN lớp hay không?
“Theo phân tích của bài báo trên, giáo viên hầu như chỉ làm việc giảng kiến thức, phải chăng giáo viên chỉ là thợ dạy chữ? Một trong 3 mục tiêu giáo dục học sinh là giáo dục đạo đức, nói như luận điệu trên, có lẽ đạo đức không còn là 1 mục tiêu giáo dục trong các nhà trường? Phải chăng, trẻ chỉ đến lớp để học chữ là xong, còn mọi vấn đề đạo đức của trẻ, người giáo viên phụ trách không phải quan tâm?”, TS. Vũ Thu Hương đặt câu hỏi.
TS. Vũ Thu Hương
GVCN thiếu năng lưc hay thiếu tình người?
TS. Vũ Thu Hương cho rằng: Khi trả lời trên truyền thông, cô chủ nhiệm nói không làm gì sai nên cô không việc gì phải ngại. Thật kì lạ. Một GVCN để tồn tại trong lớp 5 em học sinh có suy nghĩ, hành vi côn đồ, vô nhân tính liên tục hành hạ bạn, chưa kể một số không ít học sinh trong lớp vô cảm trước các hành vi côn đồ mà có thể nói là vô can ư?.
Hơn nữa, 1 trong 5 học sinh tham gia đánh đập, làm nhục bạn lại đang được giao nhiệm vụ lớp phó học tập. Vậy, có còn ai tin được khả năng “chọn mặt gửi vàng” của cô chủ nhiệm khi cô có 1 cán bộ lớp “nhiệt tình, năng động” như vậy?
Thiết nghĩ, nếu là 1 GVCN tốt, chắc chắn cô phải biết 5 đứa trẻ côn đồ này có những suy nghĩ “khác thường” ngay từ trước khi vụ việc xảy ra. Vậy cô đã thực sự can thiệp, giáo dục các em chưa? đã phối hợp với gia đình để giáo dục các em chưa? hoặc đã báo cáo lên Ban Giám hiệu chưa?… Nhưng cô lại “hoàn toàn không biết”. Vậy cô đã hoàn thành trách nhiệm hay chưa?
Bạo lực bao giờ cũng có mầm mống, phát triển rồi mới đến cao trào. Bởi vậy, nếu thật sự có trách nhiệm, có tình yêu thương, chắc chắn việc em Y. thường xuyên bị các bạn bắt, bị đánh trước đó,… sẽ không thể lọt qua mắt một GVCN, có thể bằng nhiều kênh: từ phản ánh của các học trò khác hay từ tâm sự của chính nạn nhân.
Và như vậy, với tình thương và trách nhiệm của một nhà giáo, phối hợp với gia đình, lắng nghe tâm tư học trò, chắc chắn sẽ góp phần đẩy lùi bạo lực học đường, ngăn chặn được hậu quả đáng tiếc. Vì “ở đâu có yêu thương, ở đó có bình yên!”.
“Hiện nay, các cơ quan chức năng đang tiến hành quy trình kỷ luật những cá nhân, tổ chức có liên quan đến vụ việc. Riêng đối với GVCN, nếu cô không thực sự nhận ra lỗi, thiếu chân thành và cầu thị, chắc chắn nhiều người, trong đó có tôi sẽ không ngần ngại “bỏ phiếu mời cô ra khỏi ngành”", TS. Vũ Thu Hương nêu quan điểm.
Theo GDTĐ
Thấy gì từ vụ nữ sinh Hưng Yên bị nhóm bạn lột quần áo đánh dã man giữa lớp
Đã có rất nhiều vụ bạo lực học đường đau lòng xảy ra nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp giải quyết tận gốc rễ thì mới đây, một học sinh lớp 9 Trường THCS Phù Ủng (Hưng Yên) bị 5 học sinh nữ lột quần áo, đánh hội đồng đến mức phải nhập viện tâm thần điều trị.
Trường THCS Phù Ủng, nơi xảy ra sự việc đáng tiếc
Đình chỉ Hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm
Trước khi bị đình chỉ, ông Nhữ Mạnh Phong, Hiệu trưởng Trường THCS Phù Ủng, huyện Ân Thi (Hưng Yên) chia sẻ, khoảng 17 giờ 30 ngày 22/3, một nhóm khoảng 5 nữ sinh lớp 9 đã tham gia đánh hội đồng N.T.H.Y cùng lớp ngay tại lớp học. Thời điểm xảy ra sự việc là khi đã hết giờ học, không có sự chứng kiến của giáo viên.
Nguyên nhân xảy ra sự việc đến thời điểm này vẫn chưa được làm rõ, tuy nhiên gia đình đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng. Công an huyện đã vào cuộc và sẽ có xác minh, kết luận sự việc. Tuy nhiên, theo ông Phong, H.Y là học sinh hiền lành, ít nói, có phần chậm chạp. "Có lẽ vì hiền quá mà trước đó, dù đã bị đánh nhưng học sinh Y không dám nói với gia đình và nhà trường", ông Phong nói.
Ông Phong cho biết, sau khi sự việc xảy ra, nhà trường đã tổ chức cuộc họp kỷ luật. Tuy nhiên, hình thức xử lý cũng mang tính chất giáo dục học sinh. Các gia đình có con tham gia đánh hội đồng đã xin lỗi gia đình H.Y, cam kết sẽ giáo dục, nhắc nhở học sinh không đánh em H.Y nữa đồng thời xin không đình chỉ học đối với học sinh vì các em sắp thi chuyển cấp lên THPT. Do đó, nhà trường chỉ đình chỉ học 4,5 ngày đối với 5 học sinh tham gia đánh bạn. Nhà trường cũng yêu cầu học sinh xoá clip để "bảo vệ danh dự" cho học sinh bị đánh. Tuy nhiên, tối 29/3, clip này bị phát tán lên mạng.
Đại diện gia đình H.Y, ông Nguyễn Văn Doanh bức xúc kể, ban đầu, khi mới hay tin cháu bị đánh, ông chưa xem clip nên chỉ được nhà trường thông báo cháu bị đánh "sơ sơ". Khi ông hỏi, clip đâu để gia đình xem, nhà trường cho rằng, clip đã được xoá, cũng sẽ không phát tán lên mạng. Khi đó, với suy nghĩ nhân văn, ông đã đề nghị không kỷ luật các học sinh tham gia đánh cháu mình. Tuy nhiên, sau đó, khi được tận mắt chứng kiến cảnh 5 nữ học sinh lột quần áo, hành hạ cháu mình, ông đã không cầm được nước mắt. Hiện tại, gia đình đã làm đơn gửi tới các cơ quan chức năng đề nghị xử lý nghiêm các cá nhân liên quan.
Ngoài việc H.Y bị bạo hành man rợ, lột quần áo là xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, thân thể thì điều gia đình bức xúc rằng, đây không phải là lần đầu em bị đánh. Đặc biệt, trong sự việc này, khi giáo viên chủ nhiệm biết chuyện đã đề nghị học sinh xoá clip và không thông tin cho bất cứ ai.
Trao đổi với Phóng viên Tiền Phong, ông Trương Văn Ty, Trưởng phòng GD&ĐT Huyện Ân Thi cho biết, đến 5 ngày sau khi sự việc xảy ra phòng mới nhận được đơn phản ánh của gia đình học sinh. Ngay sau khi nhận đơn, phòng GD&ĐT đã yêu cầu Trường THCS Phù Ủng viết giải trình vì sao chưa báo cáo sự việc dù đã xảy ra 5 ngày. UBND huyện đã đình chỉ chức vụ hiệu trưởng đối với ông Phong, đình chỉ giáo viên chủ nhiệm để xử lý vụ việc. Còn em H.Y, sau khi sự việc xảy ra, gia đình nhận thấy tinh thần em hoảng loạn nên đã đưa đến Bệnh viện thần kinh Hưng Yên để điều trị.
Các giải pháp giáo dục chưa hiệu quả
Trên các diễn đàn cha mẹ học sinh, nhiều phụ huynh bày tỏ sự bức xúc và đề nghị phải có hình thức kỷ luật thích đáng để sự việc tương tự không tiếp diễn.
TS Trần Thành Nam, ĐH giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, qua một số vụ việc gần đây cho thấy, tính chất bạo lực học đường ngày càng tăng nặng, học sinh đánh bạn xu hướng manh động, tàn bạo hơn. Nhà trường vẫn dán nội quy ứng xử nhưng kiểu làm "cho có", không có giải pháp căn cốt, cấp bách để học sinh nhận thức được.
Lý giải, dù có nhiều giải pháp nhưng cái gốc của bạo lực, TS Nam cho rằng, giá trị định hướng cho trẻ lâu nay chúng ta chưa làm triệt để. Ví dụ, các hình ảnh yêu thương, hợp tác trong cuộc sống thì ít nhưng tràn lan các hình ảnh bạo lực đập vào mắt các em. Cha mẹ, thầy cô những người liên quan đến giáo dục học sinh đáng ra phải ứng xử bằng nhân cách, hành vi thì nhiều người vẫn sử dụng bạo lực với con trẻ cho nên khi có mâu thuẫn xảy ra, trẻ ứng xử bằng bạo lực và cho rằng, đó là hành vi chấp nhận được.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, cần phải lên án mạnh mẽ hành động của nhóm học sinh nữ cố tình làm nhục bạn. "Đây là hành vi vi phạm pháp luật, các em phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình", ông Lâm nói. Theo TS tâm lý Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, việc đánh bạn đã là hành vi không thể chấp nhận thì việc nữ học sinh đi lột quần áo của bạn là việc tối kỵ, cố tình xúc phạm thân thể, danh dự của người khác. Điều này cũng cho thấy, những học sinh tham gia đánh bạn không có giá trị yêu thương, tôn trọng con người thậm chí bị lệch lạc về tư tưởng, nhận thức. Coi việc lột đồ, làm nhục người khác làm hả hê.
Ông Lâm cũng khẳng định, lâu nay Bộ GD&ĐT, các cơ quan có nhiều giải pháp nhưng vẫn liên tiếp có các vụ bạo lực học đường chứng tỏ các giải pháp đó chưa hiệu quả. Lâu nay chúng ta mới nói đến kỹ năng nhưng chưa nói đến giá trị sống, học sinh lớp 9 nhưng chưa nhận ra được các giá trị về đạo đức, lòng yêu thương, sự tôn trọng như thế là không được. Vì vậy, sau sự việc này, không chỉ nhà trường nơi xảy ra sự việc mà tất cả các trường học khác cần phải xem lại tất cả các chương trình giáo dục đã hiệu quả hay chưa.
TS Lâm cho rằng, trong tâm lý học lưu ý đến các vấn đề, đầu tiên giáo viên chủ nhiệm, giáo viên giảng dạy hàng ngày phải nắm bắt tâm lý, tình cảm, sự khác lạ của học sinh. Rõ ràng, trước khi bị đánh, lột đồ nghiêm trọng như lần này, em H.Y đã từng bị "bắt nạt". Vậy lớp trưởng, đoàn thanh niên, giáo viên chủ nhiệm ở đâu mà không phát hiện để có biện pháp răn đe, nhắc nhở. Khi sự việc xảy ra, lại coi đây là chuyện nhẹ, yêu cầu học sinh xoá video định giấu nhẹm chuyện đi cũng là vì bệnh thành tích.
Bộ GD&ĐT đã cầu Sở GD&ĐT kiểm tra, báo cáo sự việc cũng như làm rõ trách nhiệm các bên liên quan. Tổ chức thăm hỏi, động viên học sinh, phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra, xử lý sự việc. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đề nghị các trường tăng cường tư vấn tâm lý học đường, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức Đoàn, Đội cũng như nâng cao vai trò người đứng đầu nhà trường trong việc xây dựng văn hoá học đường
Theo Tiền Phong
Cái ác vẫn "sống" ở chốn học đường Vụ việc nữ sinh lớp 9 ở Hưng Yên bị đánh đập dã man là hệ quả của bệnh thành tích trong ngành giáo dục. Chính nó tạo ra sự vô cảm, thiếu trách nhiệm, làm cho bạo lực học đường phát sinh Dư luận ngày 30-3 bàng hoàng và căm phẫn trước vụ việc nữ sinh lớp 9A của Trường THCS Phù...