Gượng dậy để sống: Anh phụ hồ khuyết tật ‘gánh’ ba đứa con
Anh Tân ít giao thiệp, lúc giải lao thường ngồi lặng lẽ. Trừ một lần chủ nhà hỏi chuyện gia đình, anh Tân mới giãi bày: “Mẹ em, vợ em đã chết vì Covid-19.
Vợ em lúc đó sinh con mới hơn một tháng…”.
Cao điểm đợt dịch Covid-19 thứ 4 diễn ra khốc liệt tại TP.HCM (từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 9.2021) khiến nhiều gia đình chịu cảnh đau thương. Từ trong mất mát, những người ở lại gượng dậy để sống, lo cơm áo gia đình và tương lai cho con trẻ.
Chỉ trong vòng một tuần lễ, anh Nguyễn Tấn Tân (37 tuổi, làm nghề phụ hồ, ngụ 687/29/15 Lạc Long Quân, P.10, Q.Tân Bình, TP.HCM) mất đi 2 người phụ nữ thân yêu của mình do Covid-19: Mẹ ruột và vợ.
Từ nhỏ anh Tân bị teo cơ chân, đi đứng khập khiễng. Đường đời của anh nay càng chênh vênh với gánh lo 3 đứa con, trong đó đứa nhỏ nhất lúc mất mẹ chỉ mới 35 ngày tuổi.
“Anh ơi ráng nuôi con, con còn nhỏ quá”
Tôi tình cờ biết anh Tân khi anh theo chủ thầu xây dựng đến xóm tôi làm phụ hồ. Anh Tân ít giao thiệp, lúc giải lao thường ngồi lặng lẽ. Trừ một lần chủ nhà hỏi chuyện gia đình, anh Tân mới giãi bày: “Mẹ em, vợ em đã chết vì Covid-19. Vợ em lúc đó sinh con mới hơn một tháng…”.
Cha con anh Tân. Ảnh NHƯ LỊCH
Một buổi tối, chúng tôi theo anh Tân đến thăm gia đình anh. Trên bàn thờ, hai di ảnh mẹ chồng – con dâu đặt cạnh nhau, nghi ngút khói nhang. 20 giờ, ông Nguyễn Văn Mỹ (62 tuổi), cha anh Tân, lủi thủi thu dọn cơm cúng rồi chế gói mì tôm làm canh ăn bữa tối.
“Bây giờ tui ở nhà, nấu ăn cho con cháu đi làm. Trong nhà này, có 2 người phụ nữ nhờ được lắm mà chết hết rồi, nay chỉ còn toàn đàn ông con trai. Nhiều khi nói ra là muốn khóc hà. Ban đêm, tui khóc hoài, khóc đến nỗi mắt mờ. Nghĩ mà tức, vợ tui đang khỏe lắm, tự dưng mất đi…”, ông Mỹ nghẹn lời. Hiện nay, ông Mỹ ở cùng cha con anh Tân và 2 người con trai chưa lập gia đình.
Anh Tân cho hay mẹ anh là người đầu tiên trong gia đình nhiễm Covid-19 và được điều trị tại Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM). Sau đó, vợ anh Tân cũng nhiễm bệnh khi mới sinh con khoảng một tháng. Hôm người vợ có dấu hiệu trở bệnh nặng, anh Tân đưa chị đến nhiều bệnh viện nhưng không nơi nào tiếp nhận, nên đành trở về nhà. Buổi tối cùng ngày, chị sốt lạnh hai lần, khó thở. Dường như biết mình sắp đi xa, chị dặn anh Tân: “Anh ơi ráng nuôi con, con còn nhỏ quá”.
Rạng sáng 19.8.2021, bệnh tình vợ anh nguy kịch nên gia đình đưa vào Bệnh viện Trưng Vương. Anh Tân kể rằng khi anh đẩy băng ca đưa vợ vào phòng cấp cứu, mẹ anh đang điều trị Covid-19 tại đó nhìn thấy, bà kêu: “ Sao để nó bệnh nặng quá mới đưa vô đây?”. Lúc đó bà đòi tháo ống thở ô xy để nói chuyện với con trai. Nhưng anh Tân rầu rĩ báo tin: “Thôi, mẹ ráng khỏe rồi về, chứ bác sĩ bảo vợ con mất rồi!”. Nghe vậy, bà mẹ bị sốc và suy sụp, qua đời khoảng một tuần sau đó (ngày 25.8.2021).
Cuối mỗi ngày làm phụ hồ, anh Tân lượm ít ve chai ở công trình xây dựng (được chủ nhà hoặc chủ thầu cho)
Sau khi TP.HCM bước vào trạng thái “bình thường mới”, vào cùng ngày 13.11.2021, tro cốt của mẹ ruột và vợ anh Tân được gửi vào một ngôi chùa khá gần nhà. Anh Tân bộc bạch: “Gia đình em lo sợ dịch bệnh bùng phát lại, chùa tiếp tục đóng cửa thì không biết gửi tro cốt ở đâu. Cho nên mới gửi sớm tro cốt của mẹ và vợ em vào chùa, dù lúc đó chưa đến lễ cúng 100 ngày cho người mất”.
Chênh vênh đường đời
Bần thần bên chiếc xe mua ve chai được “độ” lại bằng những miếng inox lượm lặt chắp vá, giờ đây nằm im lìm trước nhà, anh Tân cho hay đó là xe bán hủ tiếu của vợ mình trong nhiều năm qua. Người phụ hồ ngậm ngùi: “Em không biết chữ, vừa dốt lại vừa tật nguyền, còn vợ em có ăn học, đẹp gái, siêng năng. Phước đức lắm, em mới lấy được cổ! Vậy mà…”.
Theo anh Tân, vì anh không biết chữ nên vợ anh luôn lo liệu các giấy tờ cho con cái như làm khai sinh, đăng ký nhập học. Chị còn đứng ra cúng đầy tháng và đặt tên cho đứa con trai bé bỏng, không ngờ chỉ năm ngày sau đó, mẹ – con đột ngột ly biệt vì dịch bệnh khốc liệt.
Anh phụ hồ Nguyễn Tấn Tân
Vợ chồng anh Tân đã sống với nhau 18 năm, có được 3 mặt con (2 trai, 1 gái). Do không có tiền đóng học phí, con trai đầu của anh đã bỏ học lớp 10 trường nghề, theo người bà con phụ đi lấy rác. Đứa con trai út mới 35 ngày tuổi đã mồ côi mẹ, anh Tân gửi nhờ người chị dâu ở trọ gần nhà mình chăm sóc. Anh Tân nhớ lại: “Mẹ mất, thằng nhỏ thiếu hơi mẹ, khóc ngày khóc đêm! Xót ruột, em lấy áo mẹ nó đắp lên người, nó vẫn khóc. Em đốt nhang xin mẹ nó phù hộ, nó cũng cứ khóc… May có bác dâu nó vỗ về”.
Lúc biết thương thì xa nhau rồi…
Anh Tân cho biết trong thời gian vợ chồng chung sống trước đây, anh từng nhiều lần “gây lộn” với vợ, khiến không khí gia đình nặng nề. Anh bộc bạch: “Hồi đó em đi làm về mệt, vợ buôn bán từ sớm cũng mệt, nên cổ nhờ làm cái gì là em hay nổi quạu, vợ chồng thường xuyên cãi nhau. Em thực sự biết thương vợ, vợ chồng em hạnh phúc chỉ mới được một năm mấy đây thôi”.
Ngoài giờ học, bé N.P.Q.N (con gái của anh Tân, học lớp 9) luôn bên cạnh đứa em sơ sinh. Chia sẻ về người mẹ quá cố, cô bé N.P.Q.N bày tỏ: “Theo suy nghĩ của con, mẹ là người phụ nữ tuyệt vời nhất con từng thấy. Con hay nhớ những lúc mẹ đứng bán đồ ăn cho khách và các món mẹ nấu rất ngon. Đôi khi làm sai, con cũng bị mẹ rầy, nhưng bây giờ dẫu muốn được mẹ la mắng lần nữa cũng không thể có”.
Cuối mỗi ngày đi làm, anh Tân tranh thủ lượm ve chai, gom góp kiếm thêm chút tiền nuôi con. Người phụ hồ khuyết tật này tâm sự từ ngày vợ mất, anh cảm thấy chới với vì không còn chỗ dựa lớn trong đời. Anh Tân thổ lộ: “Ban đêm nằm chèo queo một mình, tui hay giở hình vợ con ra coi, nước mắt chảy lúc nào không hay”. (còn tiếp)
Chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời
Theo Bộ Y tế, tính từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có hơn 9 triệu ca nhiễm, hơn 5,3 triệu bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh, tổng số ca tử vong do Covid-19 là hơn 42.000 ca, dẫn đến tình trạng rất nhiều trẻ em rơi vào cảnh mồ côi.
Giữa tháng 9.2021, trong giai đoạn khốc liệt của đợt dịch thứ 4 diễn ra tại TP.HCM, Báo Thanh Niên đã phát động chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời nhằm hỗ trợ khẩn cấp và bảo trợ dài hạn các em nhỏ mồ côi do đại dịch Covid-19.
Ngay từ khi được phát động, chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời của Báo Thanh Niên đã nhận được rất nhiều sự quan tâm và ủng hộ từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm cùng bạn đọc trong và ngoài nước. Đến nay, chương trình đã huy động được hàng tỉ đồng và hỗ trợ khẩn cấp, nhận bảo trợ lâu dài cho hàng ngàn trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19.
Cặp chồng Tây vợ Việt đón Tết bên "đàn con" chó mèo khuyết tật ở Sài Gòn: Chúng mình sẽ đến các trạm cứu hộ, tự tay lắp ráp và tặng xe lăn cho các bé!
12 bé cún, mèo, khỉ khuyết tật được cặp vợ chồng Sài Gòn nhận nuôi và chăm bẵm như con của mình.
Cả hai còn thành lập trung tâm chuyên sản xuất và thiết kế xe lăn, chân giả cùng các giải pháp dành cho thú cưng kém may mắn.
Năm nay, gia đình chị Trần Anh Thư (31 tuổi, bác sĩ đa khoa) và anh Oscar Fernando Ruiz Bonilla (45 tuổi, quốc tịch Colombia) đón Tết bên "đàn con" gồm 11 bé chó mèo và một chú khỉ bị liệt, thay vì đi du lịch như mọi năm. Hai vợ chồng dành thời gian cùng các bé xem phim và tận hưởng khoảng thời gian bình yên bên nhau. Bởi với họ, Tết là để nghỉ ngơi.
Trước đó, đôi vợ chồng tất bật hoàn thành những chiếc xe lăn dành tặng chó mèo khuyết tật để kịp gửi đi trước khi công ty giao hàng nghỉ Tết và ngừng nhận đơn. Trung tâm Forever Wheelchair - nơi sản xuất và thiết kế xe lăn, chân giả cùng các giải pháp dành cho thú cưng bị tàn tật - do anh Oscar và chị Thư thành lập, bận rộn hơn bao giờ hết.
"Chúng mình cố gắng, thậm chí làm xuyên đêm, để có thể gửi xe lăn sớm được chiếc nào hay chiếc đó. Mỗi khi nghĩ tới các bé chó mèo khuyết tật phải lết trên sàn, chúng mình lại phấn đấu hết sức", chị Thư nói.
Clip: Gặp gỡ cặp vợ chồng Tây - Việt "hồi sinh" những bước đi cho chó, mèo khuyết tật (Thực hiện: KingNews)
Anh Oscar và chị Thư bên "đàn con" đáng yêu của mình
Những chiếc xe lăn - đôi chân mới dành tặng chó mèo tàn tật
Năm 2017, khi vừa đến Việt Nam, anh Oscar đã nhận nuôi một bé cún và đặt tên Sophie. Nhưng không may, thú cưng qua đời do bị đánh bả ngay trong sân nhà tại Thảo Điền (TP.HCM). Ngày hôm đó, nhiều bé cún và mèo khác cũng bị làm hại.
"Tôi đã rất buồn", Oscar nhớ lại. Một người bạn về sau đã liên lạc với anh và nói rằng có một chú chó Pug bị liệt hai chân sau, cần giúp đỡ. "Bé cần một gia đình!" - câu nói khẩn thiết chạm đến trái tim Oscar. Sau khi cân nhắc khả năng của bản thân, anh đã nhận lời và đặt cho bé cún cái tên Moto.
Để giúp con vật tiện di chuyển, Oscar bắt đầu đặt từ nước ngoài xe lăn chuyên dụng dành cho chó mèo. Không hài lòng về chất lượng xe lăn nhập ngoại, anh quyết định mày mò, tự thiết kế nhiều mẫu xe lăn, cho đến khi có được mẫu giúp Moto thoải mái nhất và bước đi trở lại. Không riêng Moto, anh cũng nghĩ tới việc làm xe lăn giúp những chó mèo khác.
Trên hành trình tìm lại bước đi cho thú cưng tàn tật, anh Oscar gặp cô bác sĩ Anh Thư. Đó là một ngày năm 2019, chỉ sau 24 giờ từ khi gặp mặt, anh chị trở thành người yêu của nhau. Tình yêu sét đánh phát triển nhanh, cặp đôi ra mắt gia đình hai bên sau 3 ngày và đính hôn sau một tháng.
Cùng năm, anh Oscar chính thức nghỉ công việc kinh doanh nhà hàng để đầu tư toàn bộ thời gian cho Forever Wheelchair. Anh nhập máy móc về xưởng để thiết kế xe lăn, chân giả chất lượng và chuyên nghiệp hơn.
Những chú cún, mèo khuyết tật được vợ chồng anh Oscar nhận nuôi và thiết kế xe lăn phục vụ đi lại
Do Việt Nam hiện chưa có trường lớp đào tạo làm xe lăn cho chó mèo, anh Oscar tự học những khoá học về giải phẫu cơ thể chó mèo, công nghệ in 3D, cơ khí. Quá trình hoàn thành một chiếc xe lăn gồm công đoạn thô hình thành khung xe bằng kim loại, hoàn thành các bộ phận khác từ kỹ thuật in 3D, lắp ráp tại xưởng và cuối cùng kiểm tra chất lượng xe.
Để kiểm định chất lượng, anh phải thường xuyên quan sát cảm nhận của các bé, xem xét cơ thể của chúng có thực sự dễ chịu khi đi xe hay không, sau đó khắc phục những khó khăn và nhược điểm.
Chị Thư cho biết, những chiếc xe lăn được lót đệm bảo hộ toàn thân và yên ngồi êm ái với những loại yên khác nhau, phù hợp cho từng bé chó mèo khác nhau. Ngoài ra, nhờ bộ phận nhún giảm xóc, nên khi thú cưng lên hay xuống dốc, gặp gốc cây hay đá, sẽ không bị va đập lên bụng như các dòng xe khác.
"Xe lăn còn hạn chế lật, giúp thú cưng tự tiểu tiện trên xe và đứng lên, nằm xuống theo ý thích. Rất nhiều bé bị gãy cột sống gặp phải tình trạng bí tiểu và táo bón, phải sử dụng ống thông thì sau khi sử dụng xe lăn, đã có thể tự đi vệ sinh", chị Thư nói và hi vọng từng bé chó mèo bị tật đều được tiếp cận và sử dụng xe lăn, không chỉ giúp di chuyển êm ái và dễ chịu, mà còn có một cuộc sống mới thoải mái.
Các mẫu xe lăn do vợ chồng chị Thư làm ra được các bác sĩ ở nhiều phòng khám trải nghiệm và tin tưởng vì an toàn và không gây biến chứng cấn loét cho các bé về sau. Đến nay, Forever Wheelchair đã làm hơn 500 xe lăn, chinh phục thị trường trong nước lẫn quốc tế.
"Hồi xưa, khi chưa nhận nuôi cún mèo tàn tật, mình không thể cảm nhận được nỗi đau của các bé. Cho đến khi có Moto và các bé khác, mỗi ngày ngắm nhìn và chăm sóc các con, chúng mình mới hiểu những bé tàn tật khác không có xe lăn sẽ buồn như thế nào", chị Thư tâm sự.
Xưởng thiết kế xe lăn chó mèo của anh Oscar
Anh Oscar cùng các nhân viên dành nhiều tâm huyết thiết kế xe lăn tặng chó mèo tàn tật
Tại Việt Nam, nhiều gia đình có khả năng chi trả để mua một chiếc xe lăn chất lượng cho thú cưng. Anh Oscar và chị Thư rất trân trọng, vì khoản tiền kêu gọi có thể giúp thêm nhiều bé khác ở trạm cứu hộ, cũng như những bé trong gia đình khó khăn.
Forever Wheelchair còn có chương trình "Thắp Nắng Cho Em" để kêu gọi các bạn trong cộng đồng yêu chó mèo đóng góp giúp đỡ thú cưng bị tật. Trước năm 2020, phần lớn xe lăn dành tặng cho các bé đều từ tiền túi của vợ chồng chị Thư, nhờ công việc bác sĩ đa khoa.
"Về sau, nhiều người tin dùng và mua xe lăn của chúng mình, nên đã lan truyền và lan tỏa câu chuyện của Trung tâm và quỹ Thắp Nắng Cho Em. Thú cưng khuyết tật được giúp đỡ nhiều hơn và thời gian hoàn thành xe lăn cũng nhanh hơn", chị Thư kể.
Chó mèo bị liệt thường phải lết trên đường, khiến chân bị loét, chảy máu đau đớn. Nhiều bé thường xuyên bị trói cột nên tinh thần rất căng thẳng và buồn bã. Có bé phải nằm lâu nên liên tục bị bí tiểu và táo bón. Xe lăn giúp chúng tự do chạy nhảy, tinh thần vui vẻ và đặc biệt không còn bị lở loét, tiểu tiện dễ dàng.
Nhìn mỗi bé chó, mèo được tự do chạy nhảy trở lại, vợ chồng chị Thư cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Những người chủ cũng xúc động, thậm chí bật khóc khi thấy thú cưng của mình bước đi trở lại.
"Nếu mà bạn thực sự có tình yêu đối với chó mèo thì hãy chăm sóc và có trách nhiệm đến ngày cuối cùng của cuộc đời em bé đó", nữ bác sĩ gửi gắm.
Những chiếc xe lăn giúp thú cưng khuyết tật dễ di chuyển
Bé chó vui chơi bên "đôi chân" mới của mình
Chú mèo có "tài xế" riêng chở đi dạo mỗi buổi chiều đầy nắng
Cho yêu thương và nhận lại thương yêu!
Anh Oscar và chị Thư hiện nuôi 12 "đứa con". Mỗi đứa một tính cách khác nhau, nhưng đều được anh chị chăm bẵm như một người cha/ người mẹ đối với đứa con của mình.
Mỗi buổi sáng, sau khi thức giấc, hai vợ chồng dẫn cún đi dạo trên xe lăn, sau đó về nhà. Cô giúp việc sẽ cho các bé ăn rồi vệ sinh nhà cửa. Anh Oscar lên xưởng, cùng các nhân viên làm xe lăn, còn chị Thư tiếp tục công việc ở phòng khám của mình. Khi có bé cần làm xe lăn, chị sẽ là người trao đổi bằng tiếng Việt và dịch lại cho chồng.
Buổi chiều, anh chị tiếp tục dẫn thú cưng đi dạo, vệ sinh, mặc áo ngủ và cho các bé lên phòng ngủ chung. Mỗi cuối tuần, hai vợ chồng cùng nhau mang xe lăn đi tặng cho các bé trong danh sách cần giúp đỡ.
"Mỗi bé cún hay mèo đều giống như trẻ con. Khi được chăm sóc cẩn thận, chúng sẽ tìm thấy niềm vui và cuộc đời mới. Và chúng mình, cũng cảm thấy lạc quan và hạnh phúc hơn trong cuộc sống", chị Thư nói.
Với anh Oscar, những đứa con bốn chân bé nhỏ chính là động lực, là lý do của cuộc sống. Chúng đánh thức anh mỗi sáng để làm việc chăm chỉ hơn, thậm chí thức đêm để tiếp tục công việc của mình.
Mỗi ngày, cặp vợ chồng đều dành thời gian đưa "các con" đi dạo ở công viên gần nhà
Những con vật thể hiện tình cảm với "bố mẹ" của mình - hai người đã cho chúng một đôi chân mới, cuộc sống mới
Trong số những "em bé" của gia đình, đặc biệt có một bé khỉ bị liệt, được anh Oscar và chị Thư đặt tên là Hồng. Bé Hồng vốn sống trong môi trường tự nhiên, nhưng bị kẻ xấu săn bắt. Sau khi chụp X-quang, các bác sĩ chẩn đoán bé bị chấn thương cột sống do bị bắn bằng phi tiêu. Con vật đáng thương bị liệt nửa thân dưới, không đi lại được, không kiểm soát được tiểu tiện.
Trước khi được phát hiện và cứu sống, mỗi ngày, Hồng phải lết trên mặt đất để kiếm ăn từ những vụn thức ăn thừa do những con khỉ khác để lại. Hai chân con vật đầy những vết lở và hoại tử, gương mặt nhiều sẹo và thân hình rất gầy gò, ốm yếu, dính đầy chất thải. Bé còn bị thiếu máu.
Qua trao đổi và được sự đồng ý của cán bộ trung tâm kiểm lâm, anh Oscar và chị Thư được phép chăm sóc đặc biệt cho chú khỉ, giúp phục hồi vết hoại tử và làm xe lăn cho bé tập đi. Từ đó, con khỉ đáng thương dần tìm lại cơ hội nhỏ nhoi để có thể bước đi một lần nữa.
Mỗi ngày, ngoài việc cho bé ăn những thức ăn giúp phục hồi bệnh thiếu máu, chị Thư lau chùi cơ thể khỉ từ hai đến ba lần bởi con vật không kiểm soát được tiểu tiện. Nữ bác sĩ cũng bôi thuốc để giúp khỉ mau lành vết loét và có thể sẵn sàng tập đi trên xe lăn trong thời gian gần nhất.
Nếu may mắn thích nghi được trên xe lăn, chạy nhảy vui vẻ và hoà nhập với đồng loại như trước đây, thì Hồng sẽ được chuyển đến sống tại trung tâm bảo tồn động vật hoang dã.
"Tuy nhiên tương lai là một điều không nói trước được, chỉ biết rằng chúng mình sẽ cố gắng làm những gì tốt nhất và phù hợp nhất với sức khỏe của bé", chị Thư nói.
Chị hi vọng, người dân hãy nói không với việc nuôi khỉ làm thú cưng, bởi niềm vui lớn nhất của chúng là được sống trong môi trường tự nhiên với bạn bè đồng loại và gia đình. Đừng vì thấy đáng yêu mà tìm mua khỉ con để chăm sóc, từ đó sẽ kích thích các đối tượng săn bắt trái phép. Hệ luỵ, nhiều bé bị tàn tật, cụt chi, mất tự do vốn có, về sau ảnh hưởng đến công tác bảo tồn động vật hoang dã và thiên nhiên.
Bé khỉ tên Hồng được chị Thư chăm sóc cẩn thận mỗi ngày
Trong năm mới, Forever Wheelchair dự định thực hiện hiệu quả chương trình "One day forever home" để mỗi bé cún mèo tàn tật từng bị bỏ rơi đều sẽ tìm được một gia đình mới thật sự yêu thương.
Anh Oscar và chị Thư cũng đang dành dụm một khoản tiền từ công việc bác sĩ và kinh doanh để sắm một chiếc xe ô tô đủ to. Nhờ vậy, mỗi lần đi đâu, cặp vợ chồng sẽ chở các bé cún, mèo đi theo, không muốn để chúng phải ở nhà một mình.
"Chúng mình sẽ cùng nhau đến các trạm cứu hộ hoặc nơi có cún, mèo liệt bị bỏ rơi cần giúp đỡ, tự tay lắp ráp và tặng xe lăn. Thăm các bé và quay video tìm chủ mới, tận tay chở các bé về với một gia đình mới - một căn nhà mà các bé thực sự được đón nhận và được yêu thương", chị Thư tâm sự.
Niềm hạnh phúc của anh Oscar và chị Thư là được nhìn thấy những con vật đáng thương một lần nữa chạy nhảy, vui chơi trở lại
Cuộc sống ở con rạch ô nhiễm nhất Sài Gòn Là một trong những khu "ổ chuột" còn sót lại ở Sài Gòn, rạch Xuyên Tâm bị ô nhiễm nặng do các loại rác thải của nhiều hộ dân sinh sống dọc hai bên rạch xả xuống mặt nước làm tắc nghẽn dòng chảy. Nhằm chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường và tăng khả năng thoát nước, rạch Xuyên Tâm được...