Gửi tiết kiệm online hút khách
Trong khi lãi suất tiền gửi tại quầy giảm, nhiều ngân hàng thương mại đã chuyển sang tập trung hút khách gửi online.
Khách hàng gửi tiết kiệm online vào VPbank. Ảnh: Sao Mai
Cộng lãi suất, hoàn phí thanh toán
Hình thức gửi tiền online hiện được nhiều ngân hàng khuyến khích khách hàng sử dụng và cũng được nhiều người lựa chọn trong bối cảnh dịch Covid 19 đang diễn biến phức tạp. Chị Lê Thanh (ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, từ khi dịch Covid-19 bùng phát tới nay, tôi gần như không ra quầy giao dịch ngân hàng mà chọn giao dịch, thanh toán và cả gửi tiết kiệm qua kênh online. Ngoài việc hạn chế tiếp xúc, phòng tránh lây lan dịch bệnh, gửi tiết kiệm online cũng có mức lãi suất cao hơn, lại có thể tất toán bất cứ khi nào cần, kể cả cuối tuần, ngày lễ, thay vì phải chờ giờ làm việc của ngân hàng.
Hiện có khoảng 96% lượng giao dịch được thực hiện qua các ứng dụng ngân hàng điện tử và hệ thống ngân hàng tự động. Chỉ còn khoảng 4% lượng giao dịch tại VPBank là trực tiếp ở các quầy giao dịch và tỷ lệ này sẽ giảm khi VPBank liên tục cải thiện độ ổn định của hệ thống ngân hàng điện tử, tích hợp thêm nhiều tính năng mới nhằm tạo ra một hệ sinh thái ngân hàng số. Kết thúc quý I/2020, giá trị giao dịch qua các kênh số hóa của VPBank đã tăng 25% và số lượng giao dịch tăng 50% so với cùng kỳ…
Tổng Giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh
Thực tế cho thấy, ở nhiều ngân hàng chênh lệch giữa lãi suất tiết kiệm online và lãi suất tiết kiệm tại quầy ở cùng kỳ hạn tới hơn 1 điểm phần trăm một năm. Như Eximbank, ở kỳ hạn 6 tháng áp dụng biểu lãi suất tại quầy giảm chỉ còn 5,6%/năm trong khi gửi online tới 6,75%/năm. Các khách hàng gửi tiền online qua BIDV Online, BIDV SmartBanking sẽ được cộng thêm 0,2%/năm lãi suất với tất cả các kỳ hạn so với lãi suất niêm yết tại quầy giao dịch. Tại Nam A Bank kỳ hạn 6 tháng tại quầy là 6,8%/năm thì gửi online lãi suất tới 8%/năm; hay kỳ hạn 14 tháng biểu lãi suất tại quầy chỉ 7,4%/năm trong khi gửi online tới 8,35%/năm… Với PVCombank khách hàng gửi tiết kiệm online sẽ được cộng 0,3 điểm % so với gửi tại quầy. Hiện lãi suất gửi tại quầy của ngân hàng này cao nhất là 7,99%/năm kỳ hạn từ 18 – 60 tháng.
Trong khi đó, lãi suất tiền gửi online của ACB cao hơn khoảng 0,25 điểm phần trăm so với giao dịch tại quầy. Với các khoản tiền gửi dưới 50 triệu đồng, lãi suất tiền gửi online của SHB cao hơn khoảng 0,2 điểm phần trăm so với giao dịch trực tiếp tại quầy, trong khi Techcombank cao hơn khoảng 0,6 điểm phần trăm… Ngoài ưu đãi lãi suất, nhiều ngân hàng sẽ hoàn phí hoặc tặng quà cho các giao dịch online.
Kỳ vọng vốn rẻ đi vào sản xuất, tiêu dùng
Theo lãnh đạo một ngân hàng, chi phí nhân sự và tiền thuê mặt bằng thường chiếm một số tiền lớn trong nguồn tài chính của mỗi ngân hàng. Khách hàng gửi tiền tiết kiệm trực tuyến nhiều, ngân hàng sẽ cần số lượng nhân viên ngồi tại văn phòng ít hơn, và số tiền phải chi cho thuê mặt bằng cũng ít hơn nên lãi suất dành tặng cho khách hàng từ 0,1% – 0,3% là số tiền được trích ra từ nguồn tiền đó.
Giám đốc Chiến lược Ngân hàng số OCB Nguyễn Thiện Tâm cho biết, kể từ thời điểm dịch Covid-19 xảy ra ở Việt Nam, các giao dịch điện tử thông qua kênh OMNI của OCB đã tăng trưởng trên 50%.
Video đang HOT
Dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều kênh đầu tư “chao đảo”. Giá vàng lên xuống thất thường, thị trường chứng khoán ngập trong sắc đỏ, bất động sản “bất động”, sản xuất, kinh doanh đang chậm lại, việc gửi tiết kiệm online tiện lợi cùng với những chính sách phí ưu đãi, “kích thích” mạnh mẽ nhiều nhà đầu tư, người dân chọn kênh gửi ngân hàng để tích lũy an toàn.
Khi ngân hàng dồi dào đồng vốn thanh khoản dư thừa sẽ sẵn sàng cung ứng cho nền kinh tế. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tính đến ngày 31/3 cho thấy, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế và hệ thống ngân hàng tăng 1,3% so với đầu năm. Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nhận định đây là tín hiệu tương đối khả quan vì tín dụng gần như không tăng trong 2 tháng đầu năm. Trong năm 2020, NHNN dự kiến tín dụng tăng thêm cho nền kinh tế khoảng 900.000 tỷ đồng đến 1,1 triệu tỷ đồng (tăng khoảng 11% – 14%). “NHNN sẽ điều hành hoạt động ngân hàng để bảo đảm cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế, kể cả trong giai đoạn phòng chống dịch cũng như phục hồi sau dịch với mức lãi suất cho vay thấp hơn” – Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định.
Trâm Anh
Người dân gửi tiền nhiều nhất vào ngân hàng nào?
Thống kê tại 25 ngân hàng thương mại cho thấy năm 2019 người dân và các doanh nghiệp trong nước đã mang hơn 700.000 tỷ đồng (hơn 30 tỷ USD) đi gửi ngân hàng.
Thống kê từ báo cáo tài chính của 25 ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, tính đến cuối năm 2019 tổng số tiền người dân và doanh nghiệp đang gửi tại các nhà băng này lên tới hơn 7 triệu tỷ đồng, tăng 15% so với cuối năm 2018.
Trong đó, nhóm ngân hàng TMCP quốc doanh (Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank) vẫn là những nhà băng có số tiền gửi của người dân cao nhất và vượt xa nhóm ngân hàng tư nhân.
Mỗi ngày gửi ngân hàng gần 350 tỷ
Ước tính, tổng lượng tiền gửi tại 4 nhà băng này tương đương khoảng 50% toàn hệ thống. Trong đó, Agribank và BIDV là hai cái tên có lượng tiền gửi của khách hàng vượt 1 triệu tỷ đồng đến cuối năm 2019.
Tuy nhiên, trong các ngân hàng công bố báo cáo tài chính năm gần nhất, Vietcombank là ngân hàng ghi nhận số tiền người dân gửi thêm nhiều nhất với gần 126.500 tỷ tăng thêm. Tính bình quân, mỗi ngày người dân và doanh nghiệp trong nước lại mang gần 350 tỷ đồng đi gửi tại Vietcombank.
Đến cuối 2019, tổng tiền gửi của khách hàng tại nhà băng này đạt hơn 928.400 tỷ đồng (gần 40 tỷ USD), cao thứ 3 trong nhóm có tiền gửi nhiều nhất (sau BIDV và Agribank).
Cùng có mức tăng trên 100.000 tỷ là BIDV với hơn 124.500 tỷ đồng tăng thêm, tương đương mức tăng bình quân hơn 340 tỷ mỗi ngày.
Số dư tiền gửi đến cuối 2019 của ngân hàng cũng đã vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, tăng 13%.
Người dân và doanh nghiệp đã gửi thêm vào BIDV hơn 100.000 tỷ đồng năm qua. Ảnh: Quỳnh Trang.
Dù có mức tăng thấp nhất trong nhóm quốc doanh nhưng Vietinbank vẫn là ngân hàng được nhiều khách hàng lựa chọn gửi tiền hơn nhóm ngân hàng tư nhân với gần 67.000 tỷ tăng thêm năm qua.
Tổng số dư tiền gửi tại nhà băng này hiện đạt gần 892.800 tỷ, cao thứ tư hệ thống.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng tư nhân những năm gần đây có sự phân hóa rất mạnh về quy mô tài sản cũng như lượng tiền khách hàng gửi vào.
Người dân gửi tiền vào ngân hàng nào nhiều nhất?
Toàn hệ thống hiện ghi nhận 7 nhà băng tư nhân có lượng tiền gửi khách hàng trên 200.000 tỷ đồng gồm SCB, Sacombank, ACB, MBBank, SHB, Techcombank và VPBank. Đây cũng là những ngân hàng có quy mô lớn nhất nhóm hiện nay.
Trong đó, SCB dẫn đầu với trên 438.300 tỷ tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn, tăng 14%. Trong khi đó, 5/6 nhà băng còn lại cũng ghi nhận số dư tiền gửi của người dân và doanh nghiệp tăng 14-15% như Sacombank tăng trên 51.000 tỷ; ACB tăng 38.100 tỷ; hay SHB tăng 34.100 tỷ...
Riêng VPBank với số tiền gửi tăng thêm hơn 43.000 tỷ đồng, tương đương hơn 25% so với số dư hồi cuối năm 2018. Đến cuối 2019, tổng số dư tiền gửi của người dân tại ngân hàng này cũng là gần 214.000 tỷ (trên 9 tỷ USD).
Những ngân hàng có lượng tiền gửi của người dân và doanh nghiệp lớn nhất.
Nhóm ngân hàng phía sau bao gồm Eximbank, LienVietPostBank, HDBank và VIB với quy mô tiền gửi trên 100.000 tỷ.
Đáng chú ý, VIB là ngân hàng có tỷ lệ tăng lượng tiền gửi của người dân cao nhất năm qua, lên tới 44%.
Cụ thể, năm 2018, số dư tiền gửi của khách hàng tại nhà băng này mới là gần 85.000 tỷ, nhưng với gần 37.500 tỷ tăng thêm một năm qua đã giúp chỉ tiêu tài chính này của VIB tăng mạnh lên mức tương đương Eximbank, HDBank và LienVietPostBank.
Bình quân, mỗi ngày người dân và doanh nghiệp trong nước lại mang hơn 100 tỷ đồng đi gửi vào nhà băng này. Trong khi con số bên phía Eximbank là 56 tỷ/ngày; LienVietPostBank là 33 tỷ/ngày, thậm chí tăng trưởng tiền gửi của HDBank còn âm hơn 2.000 tỷ.
Hầu hết ngân hàng còn lại đều duy trì đà tăng 2 chữ số với khoản tiền gửi của người dân, trong đó, MSB tăng 27%, TPBank tăng 21%; NCB và VietBank đều tăng trên 20%...
Hiện nay, các ngân hàng nhỏ chịu rất nhiều bất lợi trong cuộc đua huy động tiền gửi của người dân. Trong khi nhóm ngân hàng lớn chiếm ưu thế với hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch rộng, nhóm ngân hàng nhỏ phải dùng lãi suất làm ưu thế cạnh tranh.
Trên thị trường hiện nay, chênh lệch lãi suất giữa các nhóm ngân hàng rất lớn ở các kỳ hạn 6-12 tháng, lên tới trên 2%/năm.
Như trường hợp người dân gửi tiền tại nhóm ngân hàng quốc doanh (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) chỉ được lãi suất 6,8%/năm thì nhóm ngân hàng cỡ nhỏ như CBBank, NCB, Vietcapital bank đều niêm yết xấp xỉ 8%/năm.
Theo Zing.vn
Lãi suất ngân hàng nào cao nhất hôm nay 6/4? Lãi suất ngân hàng hôm nay 6/4 cao nhất là 8,30% đối với khách hàng cá nhân gửi tại quầy Ngân hàng Quốc dân (NCB), kỳ hạn 36 tháng. Nếu gửi trực tuyến, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) có mức lãi suất cao nhất, lên tới 8,56%. Theo cập nhật mới nhất, lãi suất ngân hàng hôm nay 6/4 đang dao động...