Gửi nữ thủ khoa xuất sắc Bùi Thị Hà, em còn chờ đợi đến bao giờ?
Hãy gạt bỏ những lời hứa chờ đợi đi em. Thêm một năm “ chăn lợn” là thêm một năm kiến thức mai một dần, tinh thần em phải nghĩ suy nhiều nữa.
Thủ khoa ‘nuôi lợn’ vẫn đợi Hà Giang, không được sẽ về Hà Nội dạyNữ thủ khoa đi chăn lợn từng rơi nước mắt gửi thư tới Bí thư Triệu Tài VinhHàng vạn cuộc đời đang bị “hủy diệt” bởi sự lãng phí nguồn nhân lực giáo dục
LTS: Câu chuyện về em Bùi Thị Hà – nữ thủ khoa đầu ra của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đang được dư luận hết sức quan tâm.
Hiện Hà đã từ chối lời mời của một số trường tư ở Hà Nội và vẫn đang chờ đợi một công việc ở quê nhà như mong ước.
Trước các ý kiến khen chê, thầy giáo Khánh Văn gửi những dòng tâm sự sẻ chia với nữ thủ khoa.
Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.
Mấy ngày nay, bỗng nhiên em đã trở thành đề tài tranh luận cho nhiều người. Trên các tờ báo, họ nói về em nhiều lắm.
Có người cảm thông, sẻ chia với em nhưng người chê trách em cũng nhiều. Vì thế, chắc tâm can em cũng đang rối bời nhiều lắm.
Nhưng thôi, em cũng đừng buồn phiền em nhé, những thị phi của thiên hạ âu cũng là lẽ thường tình.
Đọc những thông tin về em, về hoàn cảnh gia đình em nữa, tôi hiểu vì sao em luôn tha thiết với quê hương mình nên muốn được về công tác ngay tại quê nhà.
Ừ, thì ước mong của em có gì sai trái đâu.
Ai lại chẳng muốn được gần cha mẹ để đỡ đần khi những người sinh trưởng ra mình mỗi ngày mỗi già.
Nhất là em, chỉ còn một người mẹ cả đời đã cố gắng và hi sinh vì con cái.
Ba chị em của em đều học hành đến nơi đến chốn đó là điều ai cũng ngưỡng vọng.
Ước mơ của nữ thủ khoa là sau khi ra trường được dạy học tại một trường nơi quê hương Hà Giang (Bùi Thị Hà ngoài cùng bên phải). Ảnh: NVCC
Thế nhưng, với một người đã sống ở đất thủ đô suốt 4 năm trời ở cái thời đại công nghệ thông tin này sao em còn lãng mạn nhiều đến thế.
Những câu chuyện cổ tích em học ở nhà trường có lẽ chỉ mãi mãi là cổ tích thôi em.
Sẽ không có phép màu hay một ông tiên, ông phật nào có thể hiện lên để giúp em những lúc này.
Vì thế, chuyện em viết thư cho Bí thư tỉnh ủy chắc có lẽ cũng chỉ là một chi tiết tăng thêm tính bi kịch cho cái nghề mà em đã và đang theo đuổi mà thôi.
Video đang HOT
Em biết không? Nước mình hiện nay có hơn 400 trường đại học và cao đẳng. Trong đó, có 58 trường đại học, 57 trường cao đẳng, 40 trường trung cấp có ngành đào tạo ngành sư phạm.
Vì thế, mỗi ngôi trường cũng sẽ có một người thủ khoa như em mà.
Cái danh hiệu và thành quả 4 năm học tập của em thật đáng trân quí nhưng em cũng nên nhớ rằng nước ta hiện nay có hàng trăm nghìn sinh viên sư phạm đang thất nghiệp.
Và, có lẽ, Hà Giang của em cũng không nằm ngoài sự khó khăn như thế.
Nếu em chịu khó đọc báo, tìm tòi thì chỉ từ đầu năm đến nay cũng đã có rất nhiều địa phương đã thanh lí hợp đồng đối với giáo viên đang dạy.
Nói thế, để em biết rằng xin vào các trường công lập bây giờ không hề đơn giản. Nhất là với em… đi xin việc bây giờ thì nghèo cũng là cái tội em à.
Em biết không, lí thuyết và cuộc đời khác nhau nhiều lắm đó, em là thủ khoa thì cũng chỉ là chuyện của kết quả của 4 năm học tập mà thôi.
Tôi không dám đi sâu vào vấn đề, sợ chạm vào nỗi đau của em. Nhất là những người đang trong hoàn cảnh như em.
Thế nhưng, có điều này em cũng phải cần biết.
Đó là, cô bé Phạm Thị Hằng (ở Tuyên Quang), cùng trường, cùng khoa với với em, học sau em một khóa và cũng là nữ thủ khoa xuất sắc đầu ra năm 2017 hiện đang giảng dạy tại một trường dân lập ở Bắc Ninh rồi đó.
Nếu em không chấp nhận đi xa, cứ ngồi ở nhà chờ đợi công việc thì không biết em phải chờ đợi đến bao giờ?
Nếu có đợt tuyển viên chức thì bây giờ ở đâu cũng đều phải thi cả.
Tấm bằng xuất sắc của em chỉ thêm một chút lợi thế thôi. Nhưng, thi thì có nhiều vòng thi lắm.
Em phải phỏng vấn, em phải thi soạn giáo án, thi thực hành…
Kiến thức “học” mà không được “hành” nhiều năm thì nếu tham gia thi chắc gì em có lợi thế hơn những sinh viên họ mới ra trường hay những giáo viên đang dạy hợp đồng để chen chân vào các trường công lập?
Cách đây hàng chục năm về trước, tôi cũng đã từng trở về quê hương giống như em sau khi tốt nghiệp.
Tôi cũng có hoàn cảnh na ná như em bây giờ, cũng nghèo khó và cũng chỉ còn mẹ già. Nhưng, rồi phải chấp nhận đi xa.
Vì thế, tôi tin rằng mẹ em cũng sẽ không trách em đi làm xa quê đâu. Biết đâu, em đi xa mẹ em sẽ hạnh phúc và khỏe hơn nhiều, bởi chị gái em ra trường cũng chưa tìm được công việc.
Mỗi người có một lựa chọn cho riêng mình. Vậy nên, điều quyết định là ở em thôi.
Em còn trẻ, có thành tích học tập cao. Nhưng, nó sẽ trọn vẹn hơn khi em có công việc mà mình yêu thích.
Hãy gạt bỏ những lời hứa chờ đợi đi em. Thêm một năm “chăn lợn” là thêm một năm kiến thức mai một dần, tinh thần em phải nghĩ suy nhiều nữa.
Em cũng chẳng cần phải đợi để vào các trường công lập, hay nhất thiết phải ở quê làm gì. Ở đâu cũng là đất nước mình, là quê hương cũng mình cả.
Em cứ đến một vùng đất mới, tình yêu nghề, tình yêu công việc sẽ “hóa quê hương” thôi em à.
Bởi nhà thơ Đoàn Văn Cừ đã từng viết: “Khi yêu rồi đâu cũng đẹp như thơ”, chỉ khi nào em làm việc em mới cảm thấy mình hạnh phúc. Hi vọng em sẽ có những quyết định sáng suốt cho tương lai của mình.
Theo giaoduc.net
Tâm sự buồn của Thủ khoa Sư phạm ở nhà nuôi lợn, trồng rau
Tốt nghiệp Thủ khoa Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 với tấm bằng xuất sắc nhưng hơn 1 năm nay, em Bùi Thị Hà (quê Hà Giang) vẫn không tìm được việc làm, em ở nhà phụ mẹ nuôi lợn, trồng rau, bán hoa quả ngoài chợ...
Mỏi mắt mong ngóng đợt thi tuyển công chức
Thủ khoa Bùi Thị Hà cho biết đã dần quen và không còn thấy buồn lắm với những lời xì xào bàn tán, "hỏi thăm" của hàng xóm, bạn bè.
Giờ này năm ngoái, Hà là 1 trong 100 thủ khoa xuất sắc được vinh danh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Cầm tấm bằng xuất sắc trở về quê với ước mong cháy bỏng trở thành cô giáo dạy Văn nhưng suốt 1 năm mong ngóng, đợi chờ thấp thỏm hi vọng, Hà vẫn không tìm ra cơ hội nào hiện thực ước mơ.
Bùi Thị Hà là 1 trong 100 thủ khoa xuất sắc được vinh danh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám hồi tháng 8/2016.
Hà sinh ra trong gia đình thuần nông thuộc hộ cận nghèo, bố em đột ngột qua đời trong một vụ tai nạn giao thông khiến kinh tế gia đình càng thêm eo hẹp. Để nuôi các con ăn học, mẹ Hà một mình tần tảo bươn chải làm đủ mọi nghề nuôi 3 chị em học đại học. Chị gái của Hà mới tốt nghiệp Học viện Hành chính Quốc gia, còn em trai đang là học viên năm 4 trường Sĩ quan Chính trị. Không ít lần vì quá thương mẹ mà Hà định nghỉ học giữa chừng.
Nhưng khát vọng được trở thành cô giáo đã giúp em nỗ lực vượt khó và xuất sắc trở thành thủ khoa đầu ra của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 vào năm 2016.
Bằng Thủ khoa xuất sắc ngành Sư phạm Ngữ văn của Bùi Thị Hà.
Tốt nghiệp ra trường, ấp ủ nguyện vọng về quê cống hiến nhưng không tìm được việc. Nữ thủ khoa đã viết tâm thư gửi Bí thư tỉnh ủy Hà Giang bày tỏ ý nguyện xin được việc làm vì hoàn cảnh gia đình khó khăn.
"Ngay sau đó, Phó Chánh văn phòng tỉnh Hà Giang cũng xuống tận nhà hỏi thăm, động viên em đợi khi nào có đợt thi tuyển giáo viên sẽ gọi. Thế nhưng em chờ 1 năm qua vẫn không có đợt. Em không biết sẽ đợi đến bao giờ", Hà kể.
Ở nhà, vì không muốn quên kiến thức, kỹ năng, Hà vừa chăm chỉ trồng rau, nuôi lợn, bán hàng giúp mẹ, vừa đi dạy kèm gia sư. Một tuần Hà dạy kèm gia sư buổi tối cho 1 em lớp 7, 1 em lớp 2 (từ thứ 2 đến thứ 6), Hà cũng kiếm được 600 nghìn; chủ nhật em dạy gia sư môn Văn ở một lớp học nhỏ do một người chị mở.
Nữ thủ khoa tâm sự: "Bây giờ việc chính của em là đi bán hoa quả ở chợ của thành phố Hà Giang, buổi tối em vẫn đi dạy kèm để kiếm thêm thu nhập. Thời gian rảnh em phụ giúp mẹ nuôi lợn, trồng rau. Trước đây, nếu chỉ đi dạy gia sư thì em vẫn có thời gian phụ mẹ, nhưng bây giờ đi chợ bán hàng về mệt nên em cũng không hỗ trợ được nhiều".
Bùi Thị Hà trong một lần nhận được học bổng Fuyo (Nhật Bản) khi em còn là sinh viên.
Hà kể, mới đây lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Giang cũng liên hệ tới em và thông tin giờ đây để có việc làm gần nhà thì không có và ngỏ ý hỏi em làm xa thì có đi hay không.
"Em được hỏi có đồng ý làm việc ở huyện Xín Mần cách nhà khoảng hơn 100 cây số. Em rất muốn theo nghề, hơn nữa đã 1 năm ở nhà nên nghĩ xa cũng được, miễn được đi dạy. Thế rồi em đồng ý, nhưng cũng chỉ nhận được phản hồi khi nào có kế hoạch tuyển dụng thì tạo điều kiện cho em đi làm, còn thời gian cụ thể thì cũng chẳng hay", Hà ngậm ngùi.
Theo Hà, năm em tốt nghiệp (năm 2016), Thủ đô Hà Nội có chính sách "trải thảm" với các thủ khoa được tuyên dương nhưng ngành nghề em học thì không được.
Thành phố chỉ có ưu đãi đối với các ngành công chức, từ năm ngoái đến hiện tại Hà Nội chưa có đợt thi tuyển viên chức nào. Năm em tốt nghiệp, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 (nơi em theo học) cũng không có chính sách giữ thủ khoa lại công tác.
Hơn một năm trôi qua, Thủ khoa Bùi Thị Hà vẫn mong ngóng, chờ đợi cơ hội để hiện thực ước mơ được đứng trên bục giảng.
"Nếu đến Tết vẫn không có hi vọng, em sẽ thay đổi tư tưởng"
Cầm tấm bằng thủ khoa xuất sắc ĐH Sư phạm Hà Nội 2 trở về quê hương, với mong ước trở thành cô giáo dạy Văn nhưng đã hơn một năm trôi qua, mơ ước làm cô giáo của Bùi Thị Hà vẫn còn dang dở.
Hà thú thật, tư tưởng của em vẫn là muốn được làm gần gia đình (ở tỉnh Hà Giang) và làm nhà nước (đi dạy ở trường công). Mong ngóng đợt thi tuyển công chức nhưng mỏi mắt, Hà dự định sẽ đợi từ đây đến Tết.
"Nêu đến Têt vẫn không có hy vọng, em chắc cũng sẽ phải thay đổi tư duy, đi tìm công việc dạy học ở trường tư hoặc thậm chí là công việc không liên quan đến nghề dạy học mất thôi", Hà nói.
Mười giờ đêm, ngôi nhà cấp 4 của gia đình Hà đã xây được hơn 10 năm nay vẫn sáng đèn. Sau một ngày lao động vất vả, Hà lại ngồi vào bàn học để ôn lại kiến thức trong thời gian chờ việc.
Hà tâm sự, em đã không còn buồn lắm trước những sự dò xét, xì xào bàn tán của hàng xóm láng giềng. Tuy nhiên, điều em buồn nhất đó là người em họ của em (học lớp 12) cũng ước mơ trở thành cô giáo, rất thích ngành Sư phạm nhưng mẹ cô bé đã cấm không cho con gái thi vào Sư phạm.
"Mày nhìn gương chị Hà đi, tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc vẫn thất nghiệp kìa, tuyệt đối không được thi Sư phạm!" - Vì em mà em họ của em đã không được thi trường mà nó thích...", Hà nghẹn ngào.
Trao đổi với PV Dân trí tối ngày 8/10, bà Nguyễn Thị Phương Lan - Chủ tịch UBND TP Hà Giang cho biết: "Chúng tôi đã nắm được thông tin về trường hợp của em Bùi Thị Hà từ năm trước. Tuy nhiên, số giáo viên đối với cấp đấy (cấp THPT) lại đang thừa.
Thực ra nếu nói thiếu giáo viên thì theo định biên cũng thiếu nhiều, nhưng biên chế thì địa phương lại không có. Số lượng giáo viên bị thiếu sẽ tùy theo từng năm. Nếu tính số lượng theo định biên thì thiếu khoảng 20 thầy cô ở mỗi cấp. Đây cũng là thực trạng chung, địa phương cũng đã có kế hoạch và mong muốn tuyển những thí sinh có kết quả học tập tốt.
Năm nay khả năng phải qua Tết mới tổ chức thi tuyển. Đây là còn chưa thể nói trước được nếu chỉ có 1 - 2 người đăng ký thì tỉnh cũng khó có thể thi tuyển công chức ngành Sư phạm. Việc tổ chức thi tuyển công chức ngành Sư phạm bây giờ cũng đã được tỉnh phân cấp về các huyện/thành phố, chỉ là nếu có biên chế thì thành phố sẽ làm thôi".
Ông Vũ Văn Sử - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang cho biết: "Trường hợp của Hà là một trường hợp đặc biệt, học giỏi và gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Sau khi em ra trường, tôi đã đích thân tới tận nhà để động viên và chúc mừng em.
Tuy nhiên, em vẫn phải chờ có đợt thi tuyển tới đây. Hiện việc thi tuyển công chức theo Nghị định của Chính phủ và không đặc cách đối với thủ khoa, tất cả đều công bằng. Nhưng tôi tin với khả năng của mình em sẽ thi đỗ và đóng góp cho ngành giáo dục tỉnh nhà".
Theo Dantri
Hà Nội vinh danh 84 thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc năm 2017 Trong số cử nhân được vinh danh, có một em đạt điểm học toàn khóa tuyệt đối, một em là thủ khoa kép. Tối 23/8, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, UBND thành phố Hà Nội tổ chức lễ tuyên dương 84 thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc các đại học, học viện trên địa bàn. Hai em có thành tích đặc...