GS.VS Nguyễn Văn Hiệu: “Nhân tài Đất Việt giới thiệu các công trình giá trị nhất với xã hội”
“Chúng tôi chọn ra những công trình có giá trị nhất, có hiệu quả cao nhất để giới thiệu với xã hội, đó là mục đích của việc trao giải Nhân tài Đất Việt”, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu, Chủ tịch Hội đồng Ban giám khảo giải thưởng Nhân tài Đất Việt khẳng định.
GS.VS Nguyễn Văn Hiệu, Chủ tịch Hội đồng Ban giám khảo giải thưởng Nhân tài Đất Việt
GS đánh giá như thế nào về số lượng và chất lượng sản phẩm, công trình tham dự giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm nay?
Năm nay, có 3 loại công trình được giải thưởng ở 3 lĩnh vực Khoa học Tự nhiên, Y dược và công nghệ thông tin.
Với các công trình nghiên cứu về Công nghệ thông tin, nói chung những năm gần đây, chất lượng công trình không tăng được nhiều như những năm đầu. Có một khuynh hướng là nhiều tác giả có công trình rất hay nhưng không muốn dự thi. Lý do chính người ta sợ mất bản quyền tác giả. Bởi, những công trình Công nghệ thông tin, phần mềm sáng tạo… giống như là hàng hóa, giá trị của nó rất lớn, nếu dự thi sẽ bị lộ nên người ta thiệt.
Tôi nghĩ ở nước ta, số lượng sản phẩm Công nghệ thông tin có giá trị cao không ít. Nhưng nhiều cơ quan, công ty họ chưa muốn tham gia. Tuy vậy, nếu xem xét những chất lượng công trình dự thi đã đi vào ổn định.
Nhiều tác giả tham gia giải thưởng Nhân tài Đất Việt đều mong muốn, sau khi đoạt giải thưởng sẽ được Chính phủ hoặc tổ chức, doanh nghiệp để ý và áp dụng sản phẩm đó vào thực tiễn. Với tư cách là Chủ tịch hội đồng Ban giám khảo, GS thúc đẩy việc này như thế nào để các tác phẩm, công trình dự thi được áp dụng vào thực tiễn?
Đó không phải mong muốn của các tác giả mà còn là mong muốn của Ban tổ chức. Chúng tôi chọn ra những công trình có giá trị nhất, có hiệu quả cao nhất để giới thiệu với xã hội, đó là mục đích của việc trao giải Nhân tài Đất Việt. Chúng tôi hết sức kêu gọi các doanh nghiệp hãy bỏ vốn đầu tư khai thác phát triển các phần mềm đó.
Có rất nhiều người có sản phẩm, công trình tốt, khả năng ứng dụng cao trong thực tiễn nhưng họ không mang tác phẩm, công trình của mình dự thi. Vậy, GS có cách nào để các sản phẩm, công trình đó được xã hội biết đến và rộng rãi hơn nữa?
Nhà nước phải làm thế nào để quản lý thật tốt Quyền Sở hữu Trí tuệ. Đảm bảo tuyệt đối để không ai ăn cắp được thì người ta sẵn sàng đưa sản phẩm của mình ra cho người khác xem.
Video đang HOT
GS đánh giá thế nào về các công trình được giới thiệu tham dự giải thưởng Nhân tài Đất Việt về lĩnh vực Khoa học Tự nhiên?
Những năm đầu có rất nhiều công trình có chất lượng cao đưa ra, mọi người nhất trí và thán phục ngay. Hiện nay, sản phẩm Nhân tài Đất Việt về lĩnh vực Khoa học Tự nhiên bắt đầu gặp khó khăn. Năm đầu tiên được 3 công trình, năm thứ 2 được 2 công trình, năm thứ 3 được 1 công trình. Đưa ra xét thì nhiều nhưng cuối cùng thảo luận chỉ được có 1 công trình.
Giờ, Hội đồng không muốn hạ thấp trình độ của các công trình. Cố gắng tiếp tục tìm công trình khác ngang với các công trình đã được giải thưởng nhưng khó khăn quá. Trong khi đó, Petro Việt Nam sẵn sàng đóng góp 5 giải thưởng và tôi đóng góp 1 giải thưởng nhưng không có công trình xứng đáng để trao.
Còn công trình Vật lý hạt nhân của GS Nguyễn Văn Đỗ và GS Trần Đức Thiệp dự giải năm nay, ông có điều gì chia sẻ?
Đây là một công trình rất xứng đáng bởi ngành Vật lý hạt nhân trong nước ít người giỏi. Hai GS này là 2 người giỏi nhất Việt Nam nên không ai đủ trình độ đề xét công trình của họ. Chúng tôi phải gửi ra nước ngoài xin ý kiến nhận xét của các giáo sư có tiếng và Việt kiều ở nước ngoài.
Xin trân trọng cảm ơn GS!
Theo DT
"Nóng bỏng" vòng Chung khảo Nhân tài Đất Việt 2011
17 nhóm tác giả có sản phẩm lọt vào Chung khảo Nhân tài Đất Việt 2011 lĩnh vực CNTT đã hoàn tất phần thuyết trình, bảo vệ sản phẩm của mình trước Hội đồng Chung khảo trong ngày 18/11. Những gương mặt xuất sắc nhất sẽ được vinh danh tại lễ trao giải tối 20/11.
Hội đồng Chung khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2011 trong lĩnh vực CNTT gồm 11 thành viên là những tên tuổi có uy tín trong lĩnh vực Công nghệ thông tin. Các giám khảo gồm: GS.VS Nguyễn Văn Hiệu (Chủ tịch Hội đồng chung khảo), TS. Nguyễn Minh Hồng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, TS. Nguyễn Long - Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam, TS Nguyễn Minh Dân, Thiếu tướng TS. Nguyễn Viết Thế, TS. Hoàng Lê Minh, TS Nguyễn Sỹ Huề, TS Phùng Văn Ổn, TS Trần Quý Nam, TS Phạm Quang Hiếu, TS Hoàng Quốc Lập, PGS.TS Lương Chi Mai, ông Lê Hồng Hà.
Giáo sư - Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu
Nhà báo Phạm Huy Hoàn - TBT báo điện tử Dân trí, Trưởng BTC - phát biểu trước vòng Chung khảo.
Trước khi nghe các nhóm thí sinh thuyết trình, bảo vệ sản phẩm của mình, Hội đồng Giám khảo đã có cuộc họp kín. Giáo sư - Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu, Chủ tịch Hội đồng giám khảo, nhà báo Phạm Huy Hoàn - Tổng biên tập báo điện tử Dân trí, Trưởng Ban tổ chức - gửi lời cảm ơn tới các thành viên Hội đồng, những người rất tâm huyết, đồng hành cùng Giải thưởng nhiều năm qua. Giáo sư Hiệu hy vọng, Giải thưởng năm nay sẽ tìm được những người thực sự xuất sắc để vinh danh.
Đúng 8h30, phần thuyết trình của các nhóm tác giả được bắt đầu. 17 sản phẩm được chia thành 2 hệ thống: sản phẩm có tiềm năng ứng dụng và sản phẩm đã ứng dụng trong thực tiễn. Tương ứng với đó, Hội đồng Giám khảo sẽ chia thành 2 hội đồng nhỏ, phản biện các tác giả.
Ở cả 2 hội đồng, không khí bảo vệ diễn ra khá căng thẳng, kịch tính. Các tác giả, nhóm tác giả dù chuẩn bị rất kỹ lưỡng phần thuyết trình của mình song đứng trước những "cây đa, cây đề", không phải tác giả nào cũng hoàn toàn tự tin, nhất là khi bị các giám khảo "soi" rất kỹ.
Ở hội đồng các sản phẩm đã được ứng dụng rộng rãi, sau phần thuyết trình vừa khít với thời gian cho phép, nhóm tác giả của sản phẩm Bộ card xử lý tín hiệu HDTV với 4 thành viên bị các giám khảo "xoay" với hàng loạt câu hỏi liên quan đến sản phẩm. Những sản phẩm tiếp sau cũng nhận được rất nhiều câu hỏi "hóc" từ phía các giám khảo.
Những câu hỏi của các giám khảo không chỉ xoáy sâu về chất lượng thực tế của các sản phẩm mà còn tập trung vào quy mô ứng dụng thực tế cũng như giá thành so với các sản phẩm cùng loại ở trong nước cũng như của nước ngoài sản xuất...
Anh Lê Văn Giáp, tác giả sản phẩm "Chợ ứng dụng di động Việt" rất tự tin cả trước và sau phần bảo vệ của mình. Theo anh Giáp, anh đã chuẩn bị rất kỹ cho phần bảo vệ và đặc biệt rất tự tin vào sản phẩm của mình, về cả tính thực tiễn lẫn ứng dụng.
Các nhóm tác giả hăng say thuyết trình về sản phẩm của mình.
Nhóm tác giả AT MediaSoft đến từ Đà Nẵng gồm những thành viên có tuổi đời còn rất trẻ và là 3 anh em ruột. AT MediSoft mang tới Giải thưởng năm nay sản phẩm "Mắt thần IVA" có tác dụng cảnh báo những tai nạn cho người già. Đây là sản phẩm được Hội đồng giám khảo đánh giá cao về mục đích sử dụng.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Lê Việt Hoàng, người anh cả, cho biết: "Anh em trong một nhà chính là lợi thế để các thành viên trong nhóm có thể làm việc với nhau ăn ý và nhịp nhàng hơn. Sở dĩ nhóm mang sản phẩm của mình đến Giải thưởng năm nay là muốn giới thiệu rộng rãi hơn sản phẩm của mình, và xem như đây là một dịp để học hỏi thêm kinh nghiệm từ các tác giả khác. Nhóm sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp quý báu từ Ban giám khảo để sản phẩm của mình được hoàn thiện hơn."
Không khí ở hội đồng phản biện các sản phẩm có tiềm năng ứng dụng cũng căng thẳng không kém. Các câu hỏi xoay quanh vấn đề làm thế nào để có thể hoàn thiện sản phẩm và định hướng ứng dụng sản phẩm của các nhóm tác giả. Các giám khảo xoáy sâu vào những "lỗ hổng" cần phải hoàn thiện của từng sản phẩm. Đây thực sự là một cơ hội để các nhóm tác giả có thể dần hoàn thiện sản phẩm của mình, đưa nó vào ứng dụng trong thực tế.
Sự tập trung cao độ của các giám khảo.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Long - Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam - các sản phẩm tham dự năm nay chưa có nhiều biến động, còn thiếu tính đột phá. Tiêu chí của Giải thưởng rất cao, nhiều năm nay, BTC rất mong muốn có những sản phẩm đột phá.
"Các sản phẩm thuộc nhóm đã ứng dụng thực tế có hàm lượng công nghệ chưa nhiều. Rất nhiều sản phẩm đã được ứng dụng rộng rãi, đã được triển khai tốt nhưng không tham gia. Điều này khiến các sản phẩm tham dự đòi hỏi phải vượt qua được các sản phẩm không tham gia thì mới xem như là đạt yêu cầu. Đây là một trở ngại rất khó cho các nhóm tham dự.
Về nhóm sản phẩm có tiềm năng ứng dụng, mạng xã hội vẫn là chủ đề nổi trội. Tuy nhiên, các tác giả ở tuổi đời khá trẻ nên vẫn còn nhiều cân nhắc. Tuy nhiên, rõ ràng, với xu thế của mạng xã hội hiện nay, nó phải gắn kết công nghệ phát triển với xu thế mới. Do vậy, sản phẩm nào hàm chứa các công nghệ mới thì sẽ có ưu thế lớn hơn."
Lễ trao giải Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2011 được tổ chức tại Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2 - Đài THVN vào 20h00 ngày 20/11 và được tường thuật trực tuyến trên báo điện tử Dân trí.
Theo DT
TT-Huế: Cảm phục cậu học trò mồ côi cha 2 lần cứu bạn trong lũ Đo la em Nguyên Minh Hoa, cậu hoc sinh lơp 8/5, Trương THCS Phu Đa (huyên Phu Vang, Thưa Thiên Huê) đa xa thân cưu ban trong đơt lu ngay 10/11 vưa qua. Cang khâm phuc hơn khi biêt răng cach 4 năm, Hoa cung tưng cưu ban hoc bi lu cuôn trôi. Câu chuyên xay ra vao chiêu tôi ngay 10/11 vừa...