GS.TS Trần Đức Viên gửi tâm tư đến Tân Bộ trưởng giáo dục
Muốn lấy lại vị thế của người Thầy, ở đó sự liêm chính của Thầy và Trò được thượng tôn, thật đơn giản. Điều đó phụ thuộc rất lớn vào mục tiêu giáo dục: nền giáo dục ấy nhằm đào tạo ra các công dân hay các thần dân trong tương lai.
GS.TS Trần Đức Viên, nguyên Giám đốc Học Viện Nông nghiệp Việt Nam
Đó là chia sẻ của GS.TS Trần Đức Viên, nguyên Giám đốc Học Viện Nông nghiệp Việt Nam về vấn đề của giáo dục hiện nay.
Theo GS. TS Trần Đức Viên, ngành giáo dục trong những năm qua đã có nhiều cố gắng, làm được nhiều việc, đã tạo lập nên những thành tích rất đáng trân trọng, nhiều điểm sáng, nhiều vùng sáng, làm lay động biết bao con tim của những người trong và ngoài ngành: những cô giáo ngày đêm bám bản, bỏ lại đằng sau cả tuổi thanh xuân, cả thời đẹp nhất của cuộc đời mình, hết lòng hết sức vì học sinh thân yêu; các học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi quốc tế; các sinh viên lọt vào danh sách các gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu, gương mặt trẻ tiêu biểu châu Á, những người lính biên phòng kiêm thày giáo bản…
Nhưng vẫn còn đó những băn khoăn như các mô hình trường chuyên lớp chọn theo cách “bòn nơi khố rách đãi nơi quần hồng”; và còn nhiều điểm chưa sáng, vẫn còn đó những khoảng tối như bạo lực học đường, gian lận thi cử, các hành vi vô luân, phi giáo dục vẫn còn tồn tại đâu đó trong nhà trường.
Đành rằng cái tốt là cơ bản, điều làm chúng ta chưa yên tâm, chưa vừa lòng là thiểu số nhưng cũng đã đủ lớn để tạo nên các nỗi âu lo không nhỏ về nền giáo dục của đất nước, về đạo đức học đường, về đạo đức xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Sa sút đạo đức người thầy sẽ làm sụp đổ toàn bộ giá trị xã hội
GS.TS Trần Đức Viên cho rằng những tồn tại trên có nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân từ bản thân nhà giáo.
Để dành lại vị thế người thầy, trước hết Nhà giáo phải có ý thức tự tôn, phải biết tự trang bị cho mình bản lĩnh, độ dày tầng văn hóa để có thể ngẩng cao đầu trong xã hội.
Video đang HOT
Một khi thầy không ra thầy, trò không ra trò, một khi lâu đài về trí tuệ, lâu đài về đạo đức bị xâm hại, bị tổn thương thì, thì lỗi không phải chỉ là do Thày và Trò, không chỉ là lỗi của ngành GD&ĐT, mà lỗi từ rất nhiều phía.
Nhưng người thầy góp phần tạo nên những sa sút đạo đức nhưng cũng là nạn nhân của tất cả những mất mát và xói mòn ấy. Khó khăn lớn nhất trong việc được sống xứng đáng như một người Thầy của các nhà giáo hiện nay là chế độ lương. Thu nhập không đủ sống là kẽ hở cho những toan tính ít lương thiện len vào.
Nguyên nhân thức hai là từ xã hội và môi trường giáo dục.
Nếu như môi trường xã hội chưa trong lành, chưa tiên học lễ hậu học văn, pháp luật, lẽ phải và các giá trị cao đẹp chưa được coi trọng và thượng tôn, nếu như ngành giáo dục chưa thực sự dành cho người thầy sự tôn trọng thì sự nỗ lực của mỗi nhà giáo, dù rất lớn và rất đáng trân quý, nhưng sẽ không mấy có ý nghĩa, không có sức nặng trong công cuộc xác lập lại vị thế người thầy.
Sự sa sút về phẩm hạnh người Thầy sẽ kéo theo một hệ quả lớn, có thể làm sụp đổ toàn bộ quá trình giảng dạy đạo đức hay nhân cách cho học sinh.
Nếu như mọi nguồn cơn của nền giáo dục đều “trước hết và quan trọng nhất là do chính nhà giáo”, thì nền giáo dục của chúng ta đã không ở những thang bậc như hiện nay trong lòng dân, trong nhận thức xã hội.
Đòi hỏi người thầy phải cố gắng lấy lại được vị thế trong một xã hội là đúng nhưng chưa đủ.
Trông chờ gì ở tân Bộ trưởng?
GS.TSTrần Đức Viên cho hay, trong bức thư gửi nhà giáo khi lên nhậm chức, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn có viết: “Hơn ai hết, chúng ta mong mỏi vị thế của nhà giáo chúng ta cần phải được củng cố, sự tôn nghiêm của nghề cần phải được giữ gìn. Điều này cần nhiều phía và liên quan nhiều yếu tố, nhưng trước hết và quan trọng nhất là do chính nhà giáo chúng ta”.
GS Viên đặt câu hỏi có phải những phiền lòng và lo âu về giáo dục, về sự tôn nghiêm của nghề giáo, về vị thế cao cả của nhà giáo trong thời đại ngày nay phụ thuộc chủ yếu và trước hết vào chính các nhà giáo?
Theo GS Viên, để dành lại vị thế người thầy, trước hết Nhà giáo phải có ý thức tự tôn, phải biết tự trang bị cho mình bản lĩnh, độ dày tầng văn hóa để có thể ngẩng cao đầu trong xã hội. Nhưng quan trọng và mang tính quyết định hơn là xây dựng được một xã hội, một môi trường giáo dục, ở đó những điều cao đẹp và các giá trị nhân bản được tôn trọng, đề cao và vinh danh, được sinh sôi và nảy nở.
Muốn lấy lại vị thế của người Thầy, ở đó sự liêm chính của Thầy và Trò được thượng tôn, thật đơn giản, GS. Trần Đức Viên cho rằng chỉ cần làm đúng những lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng dạy, Thầy ra Thầy thì tự khắc Trò sẽ ra Trò, Trường đã ra Trường, tự nhiên Lớp sẽ ra Lớp, tự khắc ở đó sẽ có sự tôn nghiêm của nghề giáo, sẽ có vị thế cao cả, được kính trọng và ngưỡng mộ của nhà giáo.
Muốn vậy, cũng thật là đơn giản, chỉ cần thay đổi cách dạy, cách học, cách kiểm tra, đánh giá người Thầy người Trò nói riêng, đánh giá và sử dụng, trọng dụng con người, nhất là người tài nói chung. Điều đó phụ thuộc rất lớn vào mục tiêu giáo dục: nền giáo dục ấy nhằm đào tạo ra các công dân hay các thần dân trong tương lai?
Từ mục tiêu, chương trình đào tạo được thiết kế vì người học, vì con trẻ hay là vì người lớn; Nếu vì con trẻ, chương trình đào tạo sẽ không còn bị áp đặt từ bên trên, từ bên ngoài nhà trường; nhờ thế, sẽ không còn các chương trình đào tạo được thiết kế quá tải về kiến thức, trong đó có nhiều thứ không thiết thực, người học không cần, không muốn học, nhưng họ buộc phải học đối phó, học để thi, để có mảnh bằng, để được yên thân; nên học thiếu thực chất, thiếu thực lực, thiếu thực học, nên cũng thiếu thực tài.
Chương trình đào tạo được thiết kế vì người học sẽ không còn chỗ cho lối giáo dục nặng về điểm số, nặng về thi cử, nặng về thành tích, không quan tâm đến sự hứng thú của người học và tính thực tiễn của các kiến thức.
Xã hội trong sạch đã, nền giáo dục nghiêm cẩn đã, thì rồi mọi thứ sẽ tự vào khuôn phép. Nên ngành GD&ĐT, trước hết là các quan chức của Ngành phải thực tâm, phải thành tâm coi trọng người Thầy, coi trọng người Trò, coi người học là trung tâm, chứ không phải những thứ khác là trung tâm đã, rồi mới nói và làm về các thứ khác, việc khác.
Hội đồng trường Đại học: Vẫn hữu danh vô thực
Một trong những vấn đề liên quan đến tự chủ đại học đó là cuộc chuyển giao quyền lực từ cơ quan sở hữu sang Hội đồng trường (đối với các trường ĐH công lập). Nhưng thực tế cho thấy Hội đồng trường hiện nay vẫn chỉ là hữu danh vô thực.
Theo GS. TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Học Viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết theo yêu cầu của Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật giáo Giáo dục ĐH sửa đổi 2018 (hay còn gọi là Luật số 34), chậm nhất là sau 6 tháng (nghĩa là hạn chót là ngày 15/8/2020), tất cả cơ sở giáo dục ĐH công lập, trừ khối trường công an, quân đội, phải có hội đồng trường được thành lập theo quy định của Luật.
Nhưng đến ngày 30/10 vừa qua, theo báo cáo của cơ quan chức năng mới có 31/35 cơ sở giáo dục trực thuộc Bộ GD&ĐT (4 đơn vị đang tiến hành quy trình), 54 cơ sở giáo dục ĐH trực thuộc các Bộ, ngành khác thành lập Hội đồng trường theo Luật mới, trên tổng số 175 trường ĐH công lập (chiếm 46,3%). Bộ GD&ĐT đang tiếp tục đốc thúc các cơ quan quản lý trực tiếp của các trường ĐH để đến hết năm nay về cơ bản các trường ĐH công lập đều có Hội đồng trường.
"Nếu thiếu vắng sức ép về mặt hành chính, thì không ít trường gần như vẫn tìm cách để đứng ngoài cuộc; với các trường đã thành lập Hội đồng trường, thì dường như thiết chế này hoặc là vẫn đang hoạt động như một bộ máy quản lý mở rộng của Hiệu trưởng hoặc là một tổ chức tư vấn cho hiệu trưởng", GS. Trần Đức Viên khẳng định.
Hay nói như TS. Mai Văn Tỉnh, nguyên chuyên viên cao cấp của Bộ GD&ĐT, mặc dù đã quy định trong luật nhưng thực tế vai trò, nhiệm vụ của hội đồng trường trong các cơ sở giáo dục ĐH tự chủ vẫn chưa rõ ràng. Nhiều người ví von hội đồng trường giống như "hồn Trương Ba, da hàng thịt" và cho rằng một trong những nguyên do dẫn tới lúng túng của các trường là do việc xây dựng luật chưa thực sự đứng trên góc độ của các trường.
Và nếu việc thực thi không mang tính thực chất, minh bạch, không ai đảm bảo hội đồng trường làm tốt yêu cầu giải trình xã hội. Bởi nếu hội đồng trường mà đa số thành viên là người của trường vẫn sẽ chỉ đứng về lợi ích của trường, không phải vì người học.
Ở góc nhìn của cơ quan giám sát của Quốc hội, ông Nguyễn Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đưa ra nhận định của ủy ban khi giám sát thực tiễn triển khai tự chủ ĐH: thiết chế hội đồng trường của nhiều cơ sở giáo dục ĐH vẫn còn mang nặng tính hình thức, không hiệu quả vì chưa có sự phân chia mạch lạc, rõ ràng vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng trường trong quan hệ với bên ngoài và nội bộ trường, trong quan hệ với hiệu trưởng, với các tổ chức đoàn thể, chính trị khác.
Vẫn chưa muốn bỏ cơ quan chủ quản?
Phân tích mối quan hệ giữa cơ sở giáo dục ĐH với cơ quan chủ quản, GS. TS Trần Đức Viên cho hay trong quá trình vận hành tự chủ ĐH, người ta thấy phản ứng của các trường ĐH với cơ quan chủ quản có thể chia làm hai nhóm: Hoặc là chưa muốn từ bỏ cơ quan chủ quản, chưa muốn thoát ra khỏi cơ chế cũ, phát triển tuy có chậm đấy, nhưng lành và an toàn; hoặc là đón nhận cơ chế tự chủ ĐH như đón một luồng sinh khí mới, đòi hỏi cơ quan chủ quản trả lại các quyền tự chủ đã được luật định để có thể phát huy cao nhất các lợi thế do tự chủ ĐH mang lại.
Một số ít trường thuộc loại này thường có khúc mắc và đôi khi là xung đột về tự chủ ĐH với cơ quan chủ quản. GS. Viên nêu thực tế tình trạng số đông vẫn muốn duy trì lề thói tuân thủ quản lý từ trên xuống và hiện tượng một vài xung đột giữa cơ quan chủ quản với trường trực thuộc thời gian qua đã gióng lên hồi chuông báo động về việc "cái áo" của cơ chế chủ quản cũ đã chật hẹp, cần phải giải quyết mối quan hệ này một cách căn cơ, bài bản, khoa học.
"Có như thế mới giúp hai bên "tâm phục khẩu phục" để từng bước xóa bỏ cơ chế chủ quản theo tinh thần của Chính phủ, để các trường "gọi dạ bảo vâng" buộc phải trưởng thành; còn các trường muốn bứt phá thì có khung pháp lý đủ rộng cho họ tự tin bước trên con đường tự chủ vì đã được pháp luật bảo vệ. Tại sao có sự chậm chạp đến như vậy? Rõ ràng là còn có những điều gì đó chưa thực sự tạo ra động lực và nguồn lực cho tự chủ ĐH, có thể là do môi trường cho tiến trình nàycủa chúng ta còn đang ở tình trạng 'trong chưa ấm, ngoài chưa êm", GS. Trần Đức Viên thông tin.
Theo ông, trong quá trình đổi mới giáo dục ĐH, cơ chế quản lý theo tư duy "bao cấp, kế hoạch hóa" đã được cải tiến dần, nhà nước ngày càng giao thêm quyền tự chủ về nhiều mặt cho trường ĐH. Nhưng việc dịch chuyển từ hệ thống ĐH dựa vào nhà nước sang hướng vào thị trường, cũng như từ bỏ một thói quen cũ, một tư duy cũ là mối quan hệ giữa 3 thiết chế lãnh đạo-quản trị-quản lý trường ĐH (Đảng ủy-Hội đồng trường-Ban giám hiệu) không phải là câu chuyện ngày một ngày hai, nhất là khi những điều đó đã thấm vào con người, trở thành một thứ văn hóa trong quản lý, điều hành.
Thêm nữa, cho đến nay, hai lĩnh vực quyết định quan trọng nhất trong hoạt động, là tài chính và nhân sự chủ chốt của trường ĐH trực thuộc, phần lớn vẫn nằm trong tay bộ chủ quản. Cụ thể là kinh phí hàng năm cho các trường ĐH do bộ chủ quản phân phối theo cơ chế cấp phát còn đậm chất xin-cho, các nhân sự quan trọng nhất của trường ĐH, trong đó có hiệu trưởng, hiệu phó do bộ chủ quản quy hoạch, 'phê chuẩn kết quả bầu, phê chuẩn kết quả miễn nhiệm...
Bộ chủ quản vẫn có cơ chế kiểm soát trường trực thuộc về nhiều mặt và trường trực thuộc phải có trách nhiệm báo cáo việc thực hiện các hoạt động với bộ chủ quản. Trường ĐH, trên thực tế, không có quyền tự quyết định thực sự đối với nhiều vấn đề của cơ sở mình theo luật định. "Như một quán tính có từ thời bao cấp, nếu cơ quan chủ quản vẫn 'vô tư' can thiệp vào việc tác nghiệp thường ngày của nhà trường, điều đó sẽ hạn chế sự sáng tạo của cơ sở giáo dục, tạo ra sự ỷ lại vào cấp trên, sinh ra sự trì trệ của cả hệ thống", GS Viên nói.
Tuyển sinh đại học năm 2021: Cách nào tăng tỉ lệ đỗ? Hiện nay các trường đại học (ĐH) sử dụng đa dạng các hình thức xét tuyển. Thí sinh cần tối ưu hóa các phương thức, tránh tình trạng 1 ngành xét tuyển bằng nhiều phương thức, nhưng thí sinh lại chỉ tham gia theo 1 phương thức sẽ làm giảm cơ hội trúng tuyển. Thí sinh cần tìm hiểu kỹ từ đề án...