GS.TS Nguyễn Thị Doan: Cần đổi mới hơn nữa tư duy về giáo dục – đào tạo
Cần đổi mới hơn nữa tư duy về giáo dục – đào tạo từ các cấp lãnh đạo đến từng con người Việt Nam để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh mới.
Cần đổi mới hơn nữa tư duy về giáo dục – đào tạo từ các cấp lãnh đạo đến từng con người Việt Nam để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh mới và thực hiện tốt chủ trương giáo dục – đào tạo là “quốc sách hàng đầu” của Đảng.
Đó là ý kiến của GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch nước khi trao đổi với phóng viên Dân trí về vấn đổi mới giáo dục, đổi mới công tác của Hội Khuyến học góp phần chấn hưng giáo dục Việt Nam hiện nay, về thực hiện giáo dục cho người lớn…
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Cần đổi mới hơn nữa tư duy về giáo dục – đào tạo
Mỗi đảng viên phải gương mẫu trở thành công dân học tập
Phóng viên: Thưa giáo sư, kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, vậy Hội Khuyến học Việt Nam đã có kế hoạch triển khai như thế nào?
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Kết luận số 49-KL/TW nêu nhiều vấn đề, đặc biệt có điểm mới là: Việc duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể nhân dân các cấp, trước hết là người đứng đầu các tổ chức và quy định rõ trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện Chỉ thị 11, gắn với việc đánh giá kết quả công tác hằng năm.
Phấn đấu mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và gia đình cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trở thành đơn vị học tập, công dân học tập và gia đình học tập, làm nòng cốt trong việc xây dựng các mô hình học tập trong nhân dân. Đây là điểm nhấn mạnh của Kết luận số 49.
Trong các trường chính trị phải lồng ghép một số chuyên đề về khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập vào chương trình giảng dạy.
Đây là chỉ đạo hết sức sâu sắc của Đảng và trực tiếp là Bộ Chính trị đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT trong giai đoạn từ năm 2020 trở đi.
Bộ Chính trị cũng giao cho Hội khuyến học tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong liên kết, phối hợp, thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, xây dựng mô hình “Đơn vị học tập” trong các cơ quan, trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu, doanh nghiệp… và trong lực lượng vũ trang.
Theo đó, đặc biệt chú trọng tới việc học tập của người lớn, trước hết là các đảng viên. Phải nói đây là bước đổi mới tư duy về xây dựng xã hội học tập vô cùng quan trọng của Đảng ta. Từ đổi mới này, tôi tin tưởng sẽ có sự chuyển biến về tư tưởng, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT.
Hiện nay vấn đề này hình như chưa phải là cấp bách đối với không ít cán bộ, đảng viên, thậm chí cả tổ chức Đảng. Do đó, trong suốt hơn chục năm qua, việc xây dựng cả nước trở thành XHHT chưa có bước tiến như mong muốn.
Ngày 8/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 489/QĐ-TTg về kế hoạch triển khai Kết luận số 49-KL/TW. Theo đó, giao nhiệm vụ cho tất cả các bộ, ban, ngành, UBND các cấp về việc thực hiện kết luận số 49 của Ban Bí thư. Xuyên suốt quyết định này là tư tưởng đổi mới của Chính phủ về xây dựng XHHT.
Đặc biệt, Chính phủ giao thêm nhiệm vụ cho Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất tiêu chí công dân học tập tiếp cận với mô hình công dân toàn cầu giai đoạn 2021 – 2030. Sau khi được Chính phủ đồng ý bộ tiêu chí này, Hội sẽ triển khai mô hình “Công dân học tập” theo bộ tiêu chí trên.
Sau khi kết luận 489 KL/TW ra đời, Hội Khuyến học Việt Nam đã ban hành kế hoạch triển khai toàn hệ thống Hội. Trong kế hoạch này, vẫn tiếp tục triển khai các mô hình học tập và công việc hiện nay, tiến hành xây dựng Bộ tiêu chí “Công dân học tập”.
Hội đã quán triệt kết luận 49, thông qua hội nghị Ban Thường vụ, Ban chấp hành tổ chức viết các chuyên đề về khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT… tổ chức một số hội thảo phục vụ cho nhiệm vụ được giao. Tổ chức Hội sẽ được phát triển thêm sâu rộng hơn trong các doanh nghiệp, lực lượng vũ trang…
GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam
Hội sẽ tổng kết các mô hình học tập hiện nay theo chiều sâu, ví dụ: đánh giá sự hài lòng của nhân dân về việc lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đảng, chính quyền địa phương đối với công tác khuyến học; sự hài lòng của nhân dân đối với việc thực hiện các tiêu chí mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập…lấy sự hài lòng của nhân dân, phát triển kinh tế ổn định xã hội của địa phương để đánh giá tác động việc học tập của nhân dân, tham gia vào xây dựng nông thôn mới như thế nào. Đây là nét mới của Hội. Văn bản của Đảng, Chính phủ đã tiếp sức cho Hội Khuyến học để tiếp tục đổi mới công tác của mình.
Trong tháng 7 tới, Hội Khuyến học Việt Nam và Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức hội thảo về xây dựng và triển khai các tiêu chí công dân học tập trong các trường đại học trước tiên, vì các đại học giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc đào tạo ra các “Công dân học tập” theo bộ tiêu chí này.
Phóng viên: Giáo sư có nói đại học giữ vai trò quan trọng trong giáo dục đào tạo, vậy Hội Khuyến học Việt Nam đã phối hợp với các trường đại học triển khai công tác khuyến học, khuyến tài như thế nào?
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Vui mừng mà nói, lần đầu tiên Hội Khuyến học phối hợp với Bộ GD&ĐT đã thu hút được các trường đại học vào thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng Xã hội học tập (XHHT) để trước tiên triển khai chính Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo.
Một định hướng cơ bản trong Nghị quyết số 29 là chuyển giáo dục đào tạo theo hướng mở. Hội Khuyến học Việt Nam đã phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức các cuộc hội thảo để làm rõ giáo dục theo hướng mở là thế nào, trường đại học đóng vai trò gì trong đào tạo theo hướng mở. Bởi vì muốn mở được thì phải mở cho người học về không gian học tập, về thời gian học tập, chương trình học tập, đối tượng học tập… mà muốn đào tạo theo hướng mở thì các trường đại học bắt buộc phải xây dựng tài nguyên giáo dục mở với nội dung học tập phong phú.
Đại dịch Covid-19 vừa qua nhiều trường đã dạy trực tuyến cho học sinh, đây là minh chứng cho việc học mọi lúc, mọi nơi. Covid – 19 cũng là một phép thử đối với ngành giáo dục trong dạy trực tuyến và trong đào tạo từ xa. Vấn đề này đã được Trường Đại học Mở Hà Nội, Trường ĐH Mở TP.HCM và một số tổ chức thực hiện từ rất sớm nhưng chưa được quan tâm, phát triển.
Sau các cuộc hội thảo, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các trường đại học, đề nghị tập trung xây dựng tài nguyên giáo dục mở. Trong dịch Covid-19 vừa qua, tài nguyên giáo dục mở của các trường đại học đã phát huy được tác dụng, đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên trong điều kiện các trường đóng cửa.
Qua đó, chúng ta thấy sức mạnh của phương pháp học trực tuyến và không phải cứ đến lớp mới là đi học.
Tuy nhiên, tôi e rằng, dịch Covid -19 qua đi thì mô hình giáo dục trực tuyến này cũng sẽ bị chìm, nhiều trường vì phương tiện dạy học còn quá hạn chế toàn diện.
GS.TS Nguyễn Thị Doan: “Học phải theo tư tưởng của Bác “Học không bao giờ cùng” thì mới phát triển bền vững bản thân, gia đình và xã hội”.
Phóng viên: Thưa giáo sư, giáo dục Việt Nam hiện nay đã có bước đổi mới phát triển,vậy Hội Khuyến học Việt Nam đã phát huy vai trò của mình như thế nào để góp phần chấn hưng nền giáo dục hiện nay?
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Giáo dục luôn chứa đựng các vấn đề nhạy cảm, có ảnh hưởng rất lớn đến từng gia đình, thậm chí từng con người. Vấn đề là làm thế nào để những ảnh hưởng đó luôn mang tính tích cực, động viên, khuyến khích mọi người ham học, say mê học tập và luôn muốn cống hiến.
Với Hội Khuyến học thì đầu tiên là vấn đề trẻ em bỏ học và xóa mù chữ. Hội khuyến học các địa phương đã cùng với các nhà trường vận động trẻ em đi học đúng độ tuổi, với các em không có điều kiện đi học, bỏ học Hội đã hỗ trợ cho các cháu vì tất cả sự nghiệp bắt đầu từ đây.
Thứ hai, việc học của người lớn, việc xóa mù cho người lớn: Ở các Trung tâm học tập cộng đồng, Hội Khuyến học đóng vai trò quan trọng trong vận động người đề xuất, các chương trình học tập của người lớn để đưa vào giảng dạy, giúp họ có kiến thức cần thiết để tránh mù nghề.
Về học tập người lớn: Thời gian vừa qua, chúng ta mất thời gian khá dài về việc sính bằng cấp. Cán bộ công chức nhiều người lo đi học để bồi đắp cho mình đủ bằng cấp chứ ít nghĩ đến bồi đắp tri thức nên cả việc dạy và việc học một số nơi không coi trọng chất lượng.
Trước đây, ít ai hiểu nhiều về giáo dục người lớn vì nghĩ rằng người lớn cần gì phải giáo dục, cần gì phải học, đó là một suy nghĩ rất sai lầm. Học phải theo tư tưởng của Bác “Học không bao giờ cùng” thì mới phát triển bền vững bản thân, gia đình và xã hội.
Bác đã dạy: “Ai không học thì lùi, công việc sẽ gạt mình ra”. Sự tụt hậu của đất nước có một lý do là sự học của người lớn chưa được triển khai theo đúng tinh thần Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị và Quyết định 89 của Chính phủ.
Thứ ba, Hội Khuyến học các cấp đã tích cực triển khai mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập” và thu được nhiều kết quả tốt. Sự học trong nhân dân, đặc biệt ở nhiều tỉnh nghèo được quan tâm và phát triển. Vì vậy kinh tế gia đình, địa phương phát triển, ổn định xã hội được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương được duy trì.
Thứ tư, Tổ chức Hội Khuyến học đã phát triển đều khắp ở 63 tỉnh, thành, ở 100% các trường phổ thông, ở các tổ chức chính trị xã hội và nhiều trường đại học. Hội đã ký kết các văn bản hợp tác với nhiều cơ quan để thúc đẩy sự học của người lớn tại cơ quan đó, vì họ là người tham mưu đề ra chủ trương chính sách và triển khai thực hiện chủ trương chính sách đó.
Một đất nước có phát triển hay không, trước tiên phải nhìn vào hệ thống giáo dục, đặc biệt là hệ thống giáo dục đại học hoàn chỉnh sẽ quyết định chất lượng nguồn nhân lực nước nhà. Do vậy, Hội sẽ cố gắng để góp phần vào sự nghiệp trên.
GS.TS Nguyễn Thị Doan: “Đại dịch Covid-19 vừa qua đã cho thấy điều kiện học tập trực tuyến của nhiều trường quá thiếu. Nếu không quan tâm đầu tư thì giáo dục của chúng ta sẽ tụt hậu xa hơn”.
Phóng viên : Làm thế nào để khuyến khích các thầy cô giáo cống hiến hết mình cho sự nghiệp “trồng người” thưa giáo sư?
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Để giải quyết triệt để vấn đề này thì phải giải quyết triệt để từ cơ chế. Cơ chế đầu tư cho giáo dục đào tạo, cơ chế đầu tư cho con người, trong đó có cơ chế tuyển dụng, trọng dụng người giỏi, người tài cho ngành giáo dục. Trước tiên là thu nhập của giáo viên phải được nâng lên để thầy cô giáo không phải lo kiếm sống bằng việc khác.
Đối với cơ chế tuyển dụng giáo viên còn nhiều vấn đề cần suy nghĩ thấu đáo hơn, ví dụ: giáo viên làm việc 10 năm trong ngành nhưng lại bị loại ra vì không có chỉ tiêu hoặc thi không đạt.
Đây là một tác động về tâm lý hết sức lớn lao đối với đội ngũ giáo viên. Có lẽ cần cho đội ngũ này thực hiện đào tạo lại những kiến thức họ còn thiếu vì việc đào tạo lại luôn được đặt ra trong quá trình sử dụng công chức, viên chức.
Việc loại họ ra ngay không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn tác động đến việc làm, chưa nói đến sỹ diện của một nhà giáo. Về chỉ tiêu dành cho giáo dục phổ thông có nên hạn chế quá hay không? Một lớp mà có tới 60 học sinh (đặc biệt là lớp 1, lớp 2) thì chất lượng giáo dục sẽ ra sao?
Vậy cơ chế đối với ngành giáo dục như thế nào? ưu tiên tuyển chọn ai? Cô giáo đã cống hiến 10 năm rồi thiếu cái gì thì cho người ta đi học lại cái đó. Đào tạo, bồi dưỡng lại là một quá trình, không phải ai cũng giỏi ngay được.
Thời gian qua, Nhà nước cũng đã đầu tư nhiều cho phát triển cơ sở vật chất, vào xây dựng trường học nhưng hạ tầng cho giáo dục vẫn còn lạc hậu, thiếu thốn. Đại dịch Covid-19 vừa qua đã cho thấy điều kiện học tập trực tuyến của nhiều trường quá thiếu. Nếu không quan tâm đầu tư thì giáo dục của chúng ta sẽ tụt hậu xa hơn.
Bên cạnh đó, khi các nhà đầu tư xin cấp dự án xây dựng khu dân cư thì trong quy hoạch có diện tích dành cho xây trường, sân chơi cho trẻ em, nhưng có nơi không thực hiện. Có tỉnh được xây dựng trường học xong, chưa sử dụng đã xuống cấp hoặc bỏ hoang, rất lãng phí tiền của của dân.
Đây là vấn đề cơ chế, quản lý và thực hiện cơ chế. Chủ trương của Đảng và Nhà nước về giáo dục đào tạo hết sức chính xác. Giáo dục được đưa lên là Quốc sách hàng đầu từ năm 1996 nhưng tại sao triển khai vào thực tế lại quá khó khăn. Phải chăng do tư duy, do nhận thức về sự nghiệp trồng người chưa được nhiều người quan tâm.
Làm dự án thì có ngay lợi ích còn dạy Người muốn có hiệu quả thì phải có cả một quá trình đầu tư rất kỳ công trong thời gian dài như Bác Hồ đã dạy: “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”.
Nếu làm giáo dục cũng theo kiểu chạy theo số lượng để thu tiền mà không chú ý tới chất lượng thì theo tôi là có tội với đất nước. Song lại chỉ dựa vào bằng cấp để cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ vào các vị trí mà không chú ý đến năng lực thực tế thì tội lại được nhân lên nữa.
Cho nên cần phải đổi mới về tư duy, nhận thức về giáo dục đào tạo vì đất nước phát triển là do giáo dục. Giáo dục đào tạo bồi đắp trí tuệ cho con người. Phát triển kinh tế phải bằng trí tuệ. Thời kỳ phát triển bằng lao động cơ bắp đã qua rồi.
Do đó, trăn trở lớn nhất của tôi hiện nay là làm thế nào để đổi mới hơn nữa tư duy, đổi mới nhận thức về giáo dục đào tạo từ các cấp lãnh đạo đến từng con người Việt Nam; cần phải có đột phá tư duy trong đầu tư giáo dục, đột phá trong quản lý giáo dục. Coi giáo dục đào tạo đúng với vị trí là “Quốc sách hàng đầu”. Có như vậy, đất nước mới phát triển được nhờ giáo dục đào tạo, phát triển bằng trí tuệ, bằng sáng tạo.
Xin trân trọng cám ơn Giáo sư!
Điểm sáng xây dựng "xã hội học tập" trên cao nguyên Bắc Hà
Qua 5 năm triển khai Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2015-2020", xã vùng cao Tà Chải (Bắc Hà - Lào Cai) được ghi nhận là "điểm sáng" trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Tại đây ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương "gia đình học tập", "dòng họ học tập", "cộng đồng học tập" tiêu biểu được vinh danh.
Bà con Na Lang sẵn sàng chia sẻ cách làm ăn, chăm sóc mận, phát triển kinh tế gia đình.
Xây dựng mô hình học tập
Những năm qua, Tà Chải đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, như: duy trì đạt chuẩn phổ cập tiểu học, xóa mù chữ; phổ cập THCS; GDMN đúng độ tuổi. Các danh hiệu gia đình, dòng họ, cộng đồng học tập hàng năm được duy trì và tăng lên đáng kể. Năm 2019, số hộ gia đình đạt danh hiệu "gia đình học tập" của xã tăng 1,8% so với năm 2018; cộng đồng thôn bản học tập, đơn vị học tập duy trì 100%; hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng xã liên tục là đơn vị dẫn đầu toàn huyện, được công nhận đơn vị xuất sắc của tỉnh, của huyện.
Tà Chải cũng duy trì, giữ vững danh hiệu "cộng đồng học tập" cấp xã được công nhận năm 2016.
Ông Mai Quang Huy, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Bắc Hà, cho biết: "Tà Chải là xã vùng II, có 771 hộ, 3.097 nhân khẩu, gồm 10 dân tộc anh em cùng chung sống ở 6 thôn, bản. Nơi đây đang có những bước đi vững chắc trong xây dựng "Cộng đồng học tập cấp xã giai đoạn 2016-2020", với việc xác định công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập có vị trí quan trọng, cần ưu tiên trước nhất, nhằm góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đặc biệt khi địa phương đang chú trọng phát huy nội lực, chung tay duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã chuẩn nông thôn mới đã đạt được từ năm 2014 và "hiện thực hóa" mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2020.
Chia sẻ kinh nghiệm, cách làm của Tà Chải, ông Vàng Đình Vi, Phó chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Tà Chải, cho biết: Xã luôn xác định, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập phát triển mạnh hay yếu gắn liền với sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Vì vậy, Tà Chải chú trọng xây dựng chương trình hành động cụ thể, phù hợp cho cả giai đoạn 2016-2020, trong đó chú trọng huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; tăng cường quán triệt, học tập đến đảng viên trong chi bộ; đưa tiêu chí "xây dựng mô hình học tập" vào việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các chi bộ, thôn bản, nhờ đó phong trào có sức lan tỏa sâu rộng, được bà con hưởng ứng, tham gia tích cực, tự giác.
Trưởng thôn Na Lang Lâm Văn Bình chia sẻ về những nỗ lực trong xây dựng cộng đồng học tập tại thôn.
Tiêu biểu có thể kể đến các thôn "kiểu mẫu" như Na Lang với 129 hộ, 10 dân tộc anh em cùng sinh sống, "điển hình' trong xây dựng "cộng đồng học tập"; Na Thá, điển hình xây dựng các "dòng họ học tập".
Kênh kết nối hiệu quả
Đến thăm thôn kiểu mẫu Na Lang đúng lúc bà con người Tày đang xây kè, góp sức gia cố đoạn đường cạnh sân nhà họp thôn, tiếng loa truyền thanh vang vọng trên nóc nhà văn hóa thôn- chương trình thời sự của Trung tâm văn hóa, thể thao, truyền thông huyện Bắc Hà.
Trưởng thôn Na Lang, ông Lâm Văn Bình cho biết: "Đây là kênh hữu hiệu để bà con Na Lang nắm được tin tức thời sự trong tỉnh, trong nước và của huyện nhà, nhất là chương trình phổ biến kiến thức, ứng dụng khoa học kĩ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế nông hộ hiệu quả... Chính vì thế, thôn thường mở loa vào các buổi sáng, trưa, tối, thời điểm phát sóng thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài PT-TH tỉnh Lào Cai và Trung tâm văn hóa, thể thao, truyền thông huyện. Giờ đây, tiếng loa truyền thanh cơ sở đã thành quen thuộc, không thể thiếu trong cuộc sống đồng bào quê tôi".
Theo chia sẻ của Trưởng thôn Lâm Văn Bình và Bí thư Chi bộ thôn Na Lang Đào Trọng Đề, mặc dù thôn có tới 10 dân tộc khác nhau cùng sinh sống, nhưng người dân lại đoàn kết và có ý thức trách nhiệm cao với các công việc của thôn, xóm.
Theo rà soát đánh giá mới đây, Na Lang có 129 hộ thì có tới 117 hộ đạt "gia đình học tập", trong đó có nhiều hộ tiêu biểu, như Trần Ngọc Hà, Giàng Seo Giả, Lương Minh Điện, Lâm Văn Sử... Vui nhất là sự học của con em địa phương đã được bà con quan tâm, nhờ đó, thôn không có tình trạng trẻ nghỉ học giữa chừng. Với người lớn thì học tập, bảo ban nhau cách làm ăn, chăm sóc vườn mận, trồng rau, bảo vệ môi trường... Cùng với xây dựng nông thôn mới, đến nay, cuộc sống của bà con đã có nhiều đổi thay, hiện thôn chỉ còn 3 hộ nghèo.
Hội Khuyến học xã Tà Chải hiện có 6 chi hội thôn bản, 4 Ban khuyến học do xã quản lý, 2 ban khuyến học dòng họ học tập với tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt đạt trên 25% dân số toàn xã, tỷ lệ hộ dân sử dụng intenet đạt trên 90%. Những năm qua, Hội Khuyến học xã Tà Chải đã phát động nhiều phong trào thi đua thiết thực như: Xây dựng quỹ hội, xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học... Hội Khuyến học xã cũng đã có những cách làm hay, sáng tạo để "xã hội hóa" nguồn lực đầu tư cho công tác khuyến học.
Theo thống kê, 5 năm qua, Quỹ khuyến học cấp xã của Tà Chải luôn duy trì 120-150 triệu đồng đồng, quỹ các chi hội thôn, bản duy trì 65-70 triệu đồng... Tất cả quỹ vận động được hàng năm đều sử dụng vào việc trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, chăm ngoan học giỏi, khen thưởng hội viên sản xuất giỏi chân chính, nhất là gia đình, dòng họ học tập tiêu biểu, xuất sắc trên địa bàn, qua đó tạo "sức bật" để xây dựng phong trào 'xã hội học tập' địa phương ngày càng phát triển vững chắc.
Khuất Linh
Theo kinhtenongthong
Làm gì để khỏi dốt? Sáng nay 14/5, Hội Khuyến học Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học: Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Tham dự hội thảo có đại diện Ban Tuyên Giáo TƯ, Bộ GD&ĐT, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thuộc Hội Khuyến học Việt Nam....