GS Vũ Trọng Hồng: Nước của Việt Nam chưa đủ tiêu chuẩn
Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, an ninh nước ở Việt Nam chưa được hiểu đầy đủ. Nếu xét theo tiêu chuẩn quốc tế, nước ở Việt Nam chưa đạt chuẩn.
Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, an ninh nước là một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu Quốc hội, đặc biệt trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ, lũ lụt, sạt lở đất diễn ra phức tạp ở miền Trung thời gian qua.
Trước đó, tại hội nghị giải trình hồi tháng 8 của Ủy ban KH-CN-MT của Quốc hội về an ninh nguồn nước và quản lý an toàn hồ đập, các ý kiến cũng đều thống nhất rằng, nguy cơ mất an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập của Việt Nam là hiện hữu trong cả hiện tại và tương lai, khi 63% nguồn nước mặt của Việt Nam được tạo ra bởi các lưu vực sông nằm ngoài lãnh thổ.
Điều đó khiến chúng ta gặp khó khăn trong việc chủ động quản lý, khai thác nguồn nước, chưa kể đến việc ứng xử của một số quốc gia ở thượng nguồn làm ảnh hưởng đến nguồn nước chảy vào Việt Nam.
Trước những lo ngại trên, báo Đất Việt đăng tải những chia sẻ của GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT về an ninh nước và những đánh giá của ông về mức độ nghiêm trọng của nguy cơ mất an ninh nguồn nước của Việt Nam.
Hiểu về an ninh nước chưa đủ
Trong dự thảo Báo cáo chính trị của BCH Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có đề cập đến an ninh nguồn nước như sau:
“Xây dựng chiến lược an ninh nguồn nước quốc gia. Hoàn thiện chính sách, pháp luật, nhất là cơ chế tài chính về khai thác, sử dụng tài nguyên nước bảo đảm công bằng, hiệu quả, bền vững trên nguyên tắc của kinh tế thị trường và quản lý tổng hợp nguồn nước, bảo đảm nghiêm ngặt an ninh nguồn nước, nhất là nước sạch cho sinh hoạt”.
Ở đây, khái niệm an ninh nguồn nước được hiểu là phải đảm bảo đủ nước cho người dân.
Trước đó, trong Luật Thủy lợi cũng chỉ đề cập đến an ninh nguồn nước với một câu khi quy định về nguyên tắc trong hoạt động thủy lợi: “góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước”. Còn trong Luật Tài nguyên nước thì không đề cập.
Như vậy, an ninh nguồn nước, theo cách của chúng ta hiện nay và trên các văn bản pháp luật, chưa được định nghĩa đầy đủ. Trên thế giới, khái niệm về an ninh nguồn nước đã tiến xa hơn.
Quốc tế định nghĩa an ninh nguồn nước là làm sao người dân hàng ngày có đủ lượng nước đúng tiêu chuẩn.
Nhưng để thực hiện được điều này dẫn giải không đơn giản. Chúng ta mới coi an ninh nguồn nước là phải đủ lượng nước, còn mặt chất lượng chưa được đề cập đầy đủ.
Nước hợp vệ sinh khác với nước tiêu chuẩn. Nước tiêu chuẩn là nước mà trước hết tất cả các độc tố, kim loại nặng phải được khử sạch, chứ không phải chỉ làm cho nước trong bằng cách khử qua cát sỏi. Hiện nay, nhiều trạm nước ở nông thôn mới chủ yếu xử lý độ đục và xử lý các chất gây ra bệnh truyền nhiễm ngoài da họ nên dùng clo.
Nhưng nước đủ tiêu chuẩn còn phải có thêm oxy để tạo ra nguồn nước lợi cho sức khỏe, chúng ta không làm được. Ngay ở các khu đô thị lớn/siêu đô thị, vốn được coi là nơi có nước sạch nhất, nước rất trong, để dài ngày thì quanh bồn nước vẫn không bị đen, nhưng độ pH (độ chua) chưa đảm bảo vì sờ vào nước để qua đêm vẫn bị nhớt. Để khử được pH thì rất tốn chi phí, mà để nồng độ này cao, ăn uống vào về lâu dài sẽ gây loãng xương.
Video đang HOT
Cho nên, gọi là nước tiêu chuẩn (tức theo chuẩn quốc tế) thì Việt Nam còn xa mới đạt được.
ĐBSCL phải đối mặt với tình trạng hạn hán ngày càng nặng nề. Ảnh: NLĐ
Trước đây, người dân ở nông thôn hoàn toàn uống nước sông tự nhiên, bây giờ tiến bộ hơn, như ở ĐBSCL có kênh nước sinh hoạt riêng, kênh nước sản xuất riêng. Nước ở nông thôn hiện nay do Bộ NN-PTNT phụ trách, người ta lấy nước từ kênh tưới đưa vào, trừ một số xã có trạm xử lý nước thì chủ yếu xử lý độ đục và xử lý các chất gây ra bệnh truyền nhiễm ngoài da, còn xử lý kim loại nặng thì chưa làm được, mà dân số ở nông thôn vẫn chiếm hơn 60% dân số Việt Nam.
Chữ an ninh nước có trọng lượng rất lớn, vì đó là một trong 3 trụ cột (gồm an ninh lương thực, an ninh năng lượng và an ninh nước). Nói đến an ninh nước mà chỉ nghĩ đến việc bị phụ thuộc vào nguồn nước ở bên ngoài lãnh thổ thì chưa đủ.
An ninh nước ở đây có ý nghĩa sâu sắc, mà chính Việt Nam phải làm, đó là phải xây dựng được tiêu chuẩn về nước theo đúng chuẩn quốc tế. Chừng nào chúng ta chưa đủ năng lực để xây dựng tiêu chuẩn nước (theo chuẩn quốc tế) thì khi ấy an ninh nước còn chưa đảm bảo.
Trở lại với mối quan tâm của các đại biểu Quốc hội về an ninh nước, tôi xin nhấn mạnh, an ninh nước gồm cả lượng và chất, mà trước tiên muốn đảm bảo an ninh nước thì phải có nguồn nước sạch.
Vừa thừa vừa thiếu
Theo một đề tài khoa học do Bộ Thủy lợi (cũ) thực hiện cách đây mấy thập kỷ (và đến nay chưa có đề tài nào thay thế), nguồn nước bên ngoài vào Việt Nam khoảng 500 tỷ m3, chủ yếu từ sông Mekong, sông Hồng và một số sông nhánh; còn trong nước khoảng 300 tỷ m3.
Tôi kiến nghị cần có một đề tài khoa học đánh giá lại vấn đề này, trong đó 300 tỷ m3 nước trong nội địa thì không cần đánh giá lại nữa vì nó được tính từ lượng mưa. Còn 500 tỷ m3 nước từ bên ngoài vào thì cần xem lại vì hiện nay nhiều nước ở thượng nguồn đã tiến hành chuyển nước, đặc biệt là chuyển nước ra ngoài lưu vực.
Cách kiểm tra không có gì phức tạp. Ví dụ, vào mùa cạn nhất cần đánh giá còn bao nhiêu nước từ sông Mekong và sông Hồng chảy về, không kể sông nhỏ.
Ở đây, lượng nước quan trọng đối với Việt Nam không phải là 500 tỷ m3 nước chảy từ bên ngoài vào mà là 300 tỷ m3 trong nội địa và đến nay vẫn chưa dùng hết.
Thử tính toán: Lượng nước dùng nhiều nhất để tưới cho nông nghiệp, nước tưới vào cây lúa rồi bốc hơi luôn. Kể cả nông dân tưới kiểu chảy tràn suốt cả vụ thì một triệu hecta lúa mất chừng 20 tỷ m3 nước, cộng cả ĐBSH và ĐBSCL được hơn 4 triệu hecta trồng lúa, như vậy cùng lắm hết 100 tỷ m3.
Nước công nghiệp và nước dân sinh không đáng kể, chừng mấy chục tỷ m3, còn lại chảy ra sông, ra biển.
Như vậy, về lượng nước chúng ta không thiếu, nhưng vì sao vẫn phải kêu gọi trữ nước? Luật Thủy lợi 2017 quy định một trong các nguyên tắc của hoạt động thủy lợi là: “Chủ động tạo nguồn nước, tích trữ, điều hòa, chuyển, phân phối, cấp, tưới, tiêu, thoát nước giữa các mùa và vùng; bảo đảm yêu cầu sản xuất, sinh hoạt theo hệ thống công trình thủy lợi, lưu vực sông, vùng và toàn quốc”.
Nếu nguồn nước thực sự sạch thì dẫu có thực hiện tất cả các hoạt động trên, 300 tỷ m3 nước vẫn đủ. Nhưng vì chất lượng nước không đảm bảo nên nước bị thiếu.
Một ví dụ đơn giản, nước sông Tô Lịch có nhiều nhưng không ai dám dùng vì gần 200 họng nước thải sinh hoạt đổ ra, trong đó có nước thải của bệnh viện, nước rửa xe có cả dầu mỡ đổ xuống… nên bùn ở sông Tô Lịch vào loại ô nhiễm nhất.
Bên cạnh đó, chúng ta còn bị thiếu nước do thiên tai . Lũ lụt, sạt lở đất đều làm mất nguồn nước, mà miền Trung vừa rồi là điển hình. Cho nên, thiếu nước cũng có lý do là do chất lượng nước không giữ được, thiên tai xảy ra không phòng chống tốt thì phải chịu. Còn về lượng hóa, với 300 tỷ m3 nước trong nội địa, chúng ta có thừa.
Với ĐBSCL, hạn mặn là thiên tai. Khi hạn hán xảy ra thì xâm nhập mặn càng nặng nề, càng bị thiếu nước. Thế nhưng, vì ĐBSCL có vị trí như một bán đảo với 3 mặt Đông, Nam và Tây Nam giáp biển nên công bằng mà nói, người dân vùng ven biển luôn luôn bị thiếu nước ngọt.
Trong một lần đi công tác đến huyện Thạnh Phú, Bến Tre, một vị lãnh đạo có hỏi tôi: Tại sao ông không hiểu được người dân nơi đây nói gì? Tôi trả lời rằng, đó là tại nước. Huyện Thạnh Phú khi ấy quanh năm bị xâm nhập mặn, người dân phải ăn nước nhiễm mặn.
Bởi đứa trẻ từ lúc lọt lòng đến khi lớn lên đều ăn uống bằng nước nhiễm mặn nên giọng bị thay đổi. Nói ra điều này không phải tôi suy diễn mà Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng đã có khuyến cáo.
Nếu ĐBSCL thiếu nguồn nước thì miền Bắc lại thiếu về chất. Phải làm rõ điều này để cho chính sách về nước phù hợp với từng vùng.
Chằng hạn, ĐBSCL dứt khoát phải chuyển nước ngọt, còn miền Bắc không cần chuyển nước mà phải bảo vệ được môi trường nước. Điểm này, cơ quan quản lý nhà nước cũng đã nhận thức rõ. Hiện nay, ở Đồng bằng Bắc Bộ, các trạm cấp nước trên sông, hồ đã và đang tiến hành xử lý nước, nhưng với ĐBSCL vẫn chưa có một chiến lược nào nên buộc người dân phải khai thác nước ngầm, và khai thác nước ngầm quá mức thì gây nên tình trạng sụt lún.
Rõ ràng, thực trạng trên đòi hỏi phải có giải pháp đối ứng, không phải chỉ đấu tranh với thượng nguồn để họ xả nước. Dù thượng nguồn có xả nhiều mà nước ô nhiễm cũng không dùng được, mà càng phát triển thì ô nhiễm càng tăng. Chúng ta phải xử lý ô nhiễm mới tăng được nguồn nước.
Một tác động khác đến an ninh nước của Việt Nam đó là phát triển dân số quá nhanh. Tăng dân số khiến ô nhiễm tăng, ô nhiễm tăng khiến lượng nước sạch giảm.
Cho nên, để đảm bảo an ninh nước, phải giải quyết cả mấy mặt: Thứ nhất, bảo vệ nguồn; Thứ hai, bảo vệ môi trường thông qua việc xả thải; Thứ ba, vấn đề phát triển dân số cần theo từng bước; Thứ tư, phải khắc phục, phòng chống thiên tai được tốt.
Để an ninh nước thực sự là một trụ cột, sánh ngang với an ninh lương thực, an ninh năng lượng thì phải nâng tầm nó lên, bắt đầu từ chiến lược, cho đến pháp luật, thể chế, tổ chức bộ máy và các biện pháp hành động.
Trước mắt là phải bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về an ninh nước, sau đó mới đi vào thể chế, bộ máy. Kkhông phải cứ có nhiệm vụ quan trọng là lại sinh ra bộ máy, mà hiện nay đã có sự lồng ghép, nhất là thời đại công nghệ không cần nhiều người, chỉ cần tinh là có thể giải quyết được.
Về tổ chức, hiện Bộ Xây dựng phụ trách nước đô thị, Bộ NN-PTNT phụ trách nước nông thôn, ngoài ra còn có Bộ Y tế. Các đơn vị phụ trách này có thể giữ nguyên, nhưng những vị trí, bộ phận làm việc phải được nâng cấp, cần có những chuyên gia thực sự.
Tiếp đó, cần đầu tư kinh phí xử lý nước. Phải đầu tư xuống tận các trạm của địa phương, khi đó mới tác động được đến ý thức của người dân.
Hiện nay, nước chỉ hợp vệ sinh nên mới rẻ, còn khi đảm bảo đủ tiêu chuẩn quốc tế thì giá sẽ đắt, người dân sẽ có ý thức hơn. Phải có lộ trình nâng giá nước lên để tránh gây sốc. Muốn vậy, chỉ tính chi phí trực tiếp, chưa vội tính khấu hao vào giá nước, hoặc nếu có tính cũng chỉ được tính ở mức thấp. Để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư khi chưa tính khấu hao thì chính quyền tỉnh, thành phố cần có phương án bù đắp.
Liệu Đồng bằng sông Cửu Long có thể ngọt lại?
Cách nay chừng 10 năm, nếu ai nói chuyện ĐBSCL oằn mình trong cơn hạn nặng, đối với nhiều người, không khác gì chuyện viễn tưởng.
Sự đỏng đảnh của thời tiết, sự khó lường của khí hậu và những cơn tai biến bất ngờ xuất hiện ngày càng nhiều, cứ như thể thiên nhiên đang đưa ra lời cảnh báo không thể hoài nghi. Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam chỉ là một trong những nạn nhân trong hiện tượng biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan này, dẫu vậy, gần 100 triệu người dân Việt không thể khoanh tay đứng nhìn.
Vựa lúa của cả nước đã phải trải qua những ngày tháng 2, tháng 3 khát nước. Không chỉ người dân vùng ĐBSCL, chính những khán giả, độc giả ở khắp mọi miền cả nước cũng không còn lạ lẫm gì với những cánh đồng nứt nẻ, khô trắng. Đành rằng, vùng đất này đã lường trước khó khăn, những kịch bản đối phó với hạn mặn đã được triển khai hiệu quả, giảm thiểu tới mức thấp nhất hệ lụy của thiên tai nhưng vùng 'nước nổi' lại thiếu nước vẫn là điều khiến không ít người cảm thấy xót xa.
Nông dân ĐBSCL vật lộn với hạn mặn. Ảnh minh họa
Đối với người dân vùng ĐBSCL, đó là nỗi đau gắn với 'miếng cơm, manh áo'. Dù cơn hạn kỷ lục đã đi qua, vẫn có những vườn hoa quả như sầu riêng, chôm chôm, xoài... đang khô héo vì đất đã bị nhiễm mặn. Sẽ cần rất nhiều nước để đất đồng bằng ngọt lại, vậy nhưng bao giờ trở lại ngày xưa?
Quả thật, đó là một nghịch lý. Theo một vị chuyên gia nhiều năm nghiên cứu về ĐBSCL, mỗi năm ĐBSCL chỉ tiêu thụ tối đa khoảng 60 tỷ m3 nước và dẫu 10 năm nữa, lượng tiêu thụ cũng chỉ dừng lại ở con số đó. Thế nhưng, vào mùa mưa, khu vực này nhận được chừng 200-300 tỷ m3 nước, từ nước mưa và nước trên thượng nguồn Mekong đổ về. Lại nữa, khi nền khoa học công nghệ thế giới phát triển vượt bậc, những vùng đất sa mạc ở Trung Đông có thể biến thành những vườn rau mà vùng đất hai mặt giáp biển của Việt Nam lại cam tâm chịu khát là một chuyện khó tin nhưng... có thật.
Việc nhận diện và tìm giải pháp cho vấn đề nêu trên đã được đặt ra và lại đang được bàn thảo sôi nổi trong những ngày gần đây. Bắt đầu từ Hội nghị giải trình về An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ đập do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chủ trì. Tại đây, những quan chức lãnh đạo các Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường đều thống nhất, an ninh nguồn nước là vấn đề quan trọng và cấp bách. Sự chủ động về nguồn nước là điều rất cần thiết, đặc biệt khi nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào lưu vực, các con sông bắt nguồn từ nước ngoài.
Tiếp sau đó, nhiều tiếng nói từ các nhà khoa học đã vang lên. Mong muốn giới khoa học và các nhà quản lý điều hành ngồi lại với nhau, tìm ra một giải pháp giải khát cho vùng đồng bằng, dù chưa trở thành những lời kêu gọi mạnh mẽ thì cũng đã nung nấu trong tâm trí những người có nhiều tâm huyết với ĐBSCL. Có nhiều lý do để hy vọng, nguyện vọng này sẽ sớm thành hiện thực.
Giải pháp đầu tiên được đề cập là khả năng trữ nước, chuyển nước ở vùng ĐBSCL. Lựa chọn cải tạo, mở rộng, xây mới một trục dẫn nước chính cho toàn vùng ĐBSCL có thể nên được cân nhắc. Cùng với đường trục đó, khôi phục hiện trạng những vùng chứa nước sẵn có ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, xây thêm những hồ thủy lợi chứa nước mới, tạo thành những "má khỉ" trữ nước và điều tiết nước với trục dẫn nước chính.
Tính toán nêu trên không thể là viển vông bởi nhiều lẽ. Thứ nhất, những vùng trũng chứa nước tự nhiên mà người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long gọi thân thuộc là "láng lung", từ xưa tới nay đã góp phần trữ nước và điều tiết nước rất tốt cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, và hiện giờ, chỉ cần phát huy hơn nữa vai trò của chúng. Một trục chính dẫn nước đồng thời sẽ giúp xử lý vấn nạn xâm nhập mặn, khi việc ngăn mặn, đẩy mặn có thể chỉ cần tập trung ở đường trục này.
Thứ hai, về vấn đề kinh phí, chắc chắn đây sẽ là một đại dự án, công trình trọng điểm quốc gia. Tuy nhiên, ưu tiên cho ĐBSCL không chỉ mang tính chất an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, mà còn phải là một lựa chọn tất dĩ ngẫu. ĐBSCL vốn đã chịu thiệt thòi nhiều trong phân bổ đầu tư. Thay vì lập lại thế cân bằng bởi những đại dự án hạ tầng chưa thật sự cần thiết, đầu tư vào đường dẫn nước chính và hệ thống má khỉ, trữ nước, điều hòa lượng nước và cung cấp nước cho toàn vùng ĐBSCL vào mùa khô là lựa chọn không cần phải hồ nghi.
Thứ ba là vấn đề thực thi. Không ít dự án ngăn mặn, chống hạn... đã được triển khai ở ĐBSCL với số vốn tổng cộng có lẽ đã lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng. Không cần viện dẫn tới đợt hạn mặn kỷ lục vừa qua, nếu xét về toàn cục, hiệu quả của các dự án này vẫn là một dấu hỏi lớn.
Từ đây, có thể thấy, thay vì đầu tư vào những dự án nhỏ, có tính chất cục bộ, cô lập, không thể chống nổi diễn biến quá khắc nghiệt của thời tiết và khí hậu, lựa chọn đầu tư tổng thể nên được xem là giải pháp căn cơ, thậm chí tiết kiệm hơn. Chiến lược đúng, lựa chọn đúng nhân sự, xây dựng phương án đúng và giám sát cẩn trọng, tin rằng chúng ta sẽ nhận được những kết quả khả quan.
Nghĩ về ĐBSCL, theo nhiều quan điểm, không nên dừng lại ở việc hóa giải những cơn hạn mặn. Đó còn là vấn đề cân nhắc về cơ cấu cây trồng, cả về số lượng, chủng loại lẫn sản lượng. Nước là tài nguyên, đất đai cũng là một dạng tài nguyên, mà nếu lạm dụng, việc phục hồi lại độ màu cho đất sẽ rất lâu dài và khó khăn. Đã đến lúc chúng ta nên nhìn lại, hiệu quả sử dụng nguồn nước và nguồn đất đai tại khu vực này, không thể vắt kiệt chất màu trong đất để những trái dưa hấu, sầu riêng, măng cụt... phải chịu cảnh chất đống ở cửa khẩu, hoặc chịu cảnh bán rẻ như cho.
Về phía người nông dân, họ chỉ biết vắt sức, đổ mồ hôi, chấp nhận cảnh được mùa mất giá như một lẽ dĩ nhiên và khắc phục bằng cách cố tăng diện tích và sản lượng cây trồng, sử dụng có khi đến lạm dụng phân bón, hóa chất, thuốc trừ sâu. Cái vòng luẩn quẩn ấy nếu không được tháo gỡ, vừa bất công cho những người bỏ công bỏ của đầu tư những vườn cây ăn trái, vừa ăn lạm vào phần của tương lai, khi đất đã mỏi, còn nước thì đã cạn.
Thời gian qua, rất nhiều lần, tư tưởng thuận thiên trong phát triển vùng ĐBSCL đã được đưa ra, như một giải pháp cốt lõi để hóa giải những tồn tại hiện hữu. Nhưng khi thiên nhiên ngày càng khó lường, khi sức ép từ sự sinh tồn của con người lên thiên nhiên ngày càng lớn, "thuận thiên" cũng cần phải được hiểu theo một cách khoa học.
Đập Tam Hiệp không "cứu" nổi TQ nếu đại họa 66 năm trước tái hiện, giải pháp duy nhất là gì? Trước khi Trung Quốc đón nhận mưa lớn phá kỷ lục nhiều năm liền, vào tháng 5 vừa qua Bộ Thủy lợi nước này đã tổ chức huấn luyện phòng chống lũ trên sông Dương Tử (Trường Giang). Đợt huấn luyện ngày 28/5/2020 lấy bối cảnh hồng thủy (lũ lớn) năm 1954 trên sông Dương Tử, bao gồm các hoạt động điều tiết...