GS Việt tại Harvard: Không nên cho trẻ đi học trước khi khai giảng
GS Ngô Như Bình của Đại học Harvard cho rằng nếu khai giảng không thực tiễn và không có mục đích cụ thể mà chỉ gây phiền phức, tốn kém thì nên bỏ.
Là giảng viên môn tiếng Việt tại trường đại học hàng đầu thế giới, GS Ngô Như Bình từng học tập và công tác tại Liên Xô (cũ) và Mỹ. Ông chia sẻ với Zing.vn góc nhìn về khai giảng nhân dịp mùa tựu trường năm nay.
Những mùa khai giảng đơn sơ, nhiều kỷ niệm
- Khi còn là cậu học sinh, kỳ nghỉ hè của giáo sư và các bạn diễn ra như thế nào?
- Từ năm 1958 đến hết năm 1965, Hà Nội còn thanh bình. Khi ấy, tôi là học sinh cấp một, hai. Thông thường, 31/5 là ngày cuối cùng chúng tôi đi học. Nếu ngày này trùng vào chủ nhật, 30/5 là ngày cuối cùng của năm học đó. Thời ấy, mọi người đi học và đi làm 6 ngày/tuần.
Chủ nhật cuối cùng trong năm học, chúng tôi thường đi cắm trại để chuẩn bị chia tay thầy cô và bạn bè trong suốt mùa hè. Cảm giác rất háo hức.
Ngày ấy là thời bao cấp, những lớp ngoại khóa miễn phí cho trẻ em được mở ra như ở Câu lạc bộ Thiếu niên. Hè đến, các bạn tôi, một số đi học nhạc, một số đi học vẽ, một số khác được gia đình cho về quê thay đổi không khí.
Chúng tôi có rất nhiều hoạt động song dứt khoát không có chuyện học hành. Nghỉ hè là nghỉ hè. Chúng tôi chỉ làm những việc không liên quan sách vở.
Đôi khi, bố mẹ tôi bảo: “Này con, con chơi nhiều thế thì chữ thầy trả thầy hết. Bây giờ con phải mở sách ra và ôn lại”. Tôi sợ lắm. Bố mẹ thường tìm nhiều cách để khuyến khích.
GS Ngô Như Bình từng chia sẻ nếu chiến tranh không xảy ra, có lẽ ông sẽ trở thành một vận động viên bơi lội chuyên nghiệp. Ảnh: NVCC.
- Thời đó, nước ta khai giảng thế nào? Khai giảng ở Liên Xô và Mỹ -những nơi ông từng học tập và công tác – ra sao?
- Khai giảng diễn ra rất đơn giản, thường vào ngày 1/9. Ngày tựu trường trùng vào chủ nhật thì có thể chuyển sang ngày khác, thường là lùi lại hôm sau.
Khi tôi học cấp một, hai, khai giảng chỉ là đến tập trung. Thầy, cô hiệu trưởng đến chào hỏi học sinh, nói một vài câu. Thời gian diễn ra chưa đầy 10 phút. Sau đó, học sinh về lớp học. Giáo viên chủ nhiệm giới thiệu các môn học trong năm nay. Sau đó, những tiết học bắt đầu.
Năm nào khai giảng cũng diễn ra như vậy, trừ năm 1960, chúng tôi có thêm lễ duyệt đội vì ngày 2/9 năm đó kỷ niệm 15 năm ngày lễ độc lập. Nhiều gia đình lo con phải mặc quần xanh, áo trắng duyệt đội. Ai là đội viên thì đeo thêm khăn quàng đỏ. Thời ấy khó khăn và nghèo lắm nên chuyện thu xếp cho con một cái quần xanh, áo trắng là cả vấn đề.
Hoành tráng hơn mọi năm nhưng khai giảng năm đó cũng chỉ diễn ra trong vòng 30 phút. Sau đó, học sinh về lớp học. Khi chiến tranh lan ra đến Hà Nội, chúng tôi tránh tập trung đông người nên không có khai giảng năm học.
Bên Liên Xô ngày xưa khai giảng cũng như ở Việt Nam thời đó. Mỹ thì không có lễ khai giảng.
GS Ngô Như Bình là giảng viên tiếng Việt tại ĐH Harvard, Mỹ. Ảnh: NVCC.
Nghỉ hè mất đi ý nghĩa vì trẻ bị ép học
Video đang HOT
- Một số ý kiến cho rằng học sinh ngày nay không được nghỉ hè theo đúng nghĩa. Mùa hè của các em bị đánh cắp bởi bài tập và những lớp học thêm. Thậm chí, nhiều trường còn cho học sinh học chính trước khai giảng. Giáo sư nhận định thế này về vấn đề này?
- Đối với người lớn cũng như trẻ em, một kỳ nghỉ dài như nghỉ hè là thời gian để giải tỏa áp lực. Ngoài việc nghỉ ngơi, hè cũng là lúc các em tham gia hoạt động ngoại khóa như văn nghệ và thể thao. Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm để các em hòa mình vào những công tác xã hội như từ thiện, xếp sách báo ở thư viện hay thủ thư.
Các hoạt động này không chỉ giúp các em phát triển toàn diện mà còn có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc hình thành nhân cách, ý thức tập thể và tinh thần trách nhiệm công dân.
Tôi biết học sinh bây giờ học nhiều hơn chúng tôi ngày xưa hoặc so với các bạn ở các nước phát triển. Ngoài học chính, các em còn phải đến những lớp học thêm. Việc học thêm kéo dài sang cả mùa hè. Như thế đồng nghĩa học sinh bị hạn chế trong trong việc giải tỏa áp lực.
Điều này dẫn đến mất cân bằng giữa học tập và nghỉ ngơi, là một phần nguyên nhân cho những chứng bệnh tâm lý ở trẻ. Hơn nữa, không có thời gian tham gia hoạt động ngoại khóa hay công tác xã hội khiến trẻ phát triển lệch và thiếu kỹ năng sống. Hậu quả, nghỉ hè mất đi ý nghĩa của nó.
Bên cạnh đó, cho học sinh học trước khai giảng rõ ràng là việc không nên làm. Nếu muốn, các trường có thể cho khai giảng trước bởi một khi học sinh đã học đến gần cả tháng rồi thì sau đó khai giảng làm gì?
Qua các phương tiện truyền thông đại chúng, tôi thấy khai giảng ở Việt Nam rầm rộ quá. Lễ lạt như vậy vừa tốn kém về mặt tiền bạc, vật chất, vừa tốn kém về thời gian.
Để tổ chức một buổi khai giảng như vậy, học sinh phải đến chuẩn bị trước bao nhiêu ngày thì bấy nhiêu ngày bố mẹ phải đưa đón, từ đó nảy sinh ra nhiều vấn đề khác. Do đó, khai giảng còn cần hay không?
Nếu tổ chức, trường hãy làm thật đơn giản và gọn nhẹ để tránh gây phiền phức, tốn kém. Nếu thấy không đem lại lợi ích thiết thực, đây chỉ là dịp trường báo cáo “thành tích” lên sở giáo dục các cấp, rồi sở báo cáo lên bộ thì rõ ràng phải mạnh dạn bỏ.
Theo Zing
Giáo sư Đại học Harvard: 'Tiếng Việt là nỗi đau của tôi'
"Tiếng Việt là nỗi đau của tôi bởi thời gian gần đây, tôi thấy nó đang mất dần sự trong sáng. Người Việt viết sai nhiều quá", giáo sư Ngô Như Bình nói.
- Được biết trước khi là chủ nhiệm chương trình tiếng Việt tại Đại học Harvard, giáo sư từng dạy tại Đại học Lomonosov của Nga. Cơ duyên nào đã đưa ông đến với Harvard?
- Cơ duyên đến khi tôi được tuyển vào dạy một khóa mùa hè, diễn ra trong 10 tuần, của Học viện Đông Nam Á Mùa hè (SEASSI). Do đó, cuối năm 1991, tôi xin phép Đại học Lomonosov sang Mỹ để chuẩn bị.
Sự kiện ấy diễn ra tại Đại học Washington ở thành phố Seattle (Mỹ). Trong quá trình giảng dạy, tôi hay tin Đại học Harvard đang tuyển giảng viên dạy tiếng Việt.
Khi đó, tôi phân vân bởi người Việt sống tại Mỹ rất đông. Nhiều người trong số đó có học vị rất cao. Bên cạnh đó, Harvard lại quá nổi tiếng khiến tôi có tâm lý ái ngại. Tuy nhiên, các đồng nghiệp ở SEASSI đã động viên và ủng hộ tôi rất nhiều.
Cuối cùng, tôi quyết định nộp đơn. Sau nhiều vòng phỏng vấn qua điện thoại, tôi trở thành giảng viên tiếng Việt tại Đại học Harvard.
Giáo sư Ngô Như Bình trong văn phòng làm việc. Ảnh: NVCC.
Tôi không biết lý do chính xác mình được nhận. Tuy nhiên, tôi phỏng đoán khi đó, nhiều người Việt sống tại Mỹ nhưng không ai được đào tạo về ngôn ngữ một cách bài bản ở Việt Nam và Liên Xô. Người Mỹ rất trân trọng những thành tựu của Liên Xô về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, đặc biệt về giảng dạy ngoại ngữ.
Harvard liên tục dạy tiếng Việt từ năm 1971. Tuy nhiên, đến năm 1994, trường mới chính thức thành lập chương trình tiếng Việt tại bộ môn Ngôn ngữ và Văn minh Đông Á và đứng bình đẳng với 3 thứ tiếng: Trung, Nhật và Hàn.
- Giáo sư viết rất nhiều sách dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, ông có thể chia sẻ rõ hơn ý tưởng của mình với những bộ sách này?
- Từ lúc công tác tại Đại học Lomonosov, tôi cùng các đồng nghiệp người Nga biên soạn một số giáo trình dạy tiếng Việt cho người nói tiếng Nga. Cuốn giáo trình xuất bản vào năm 1989 và hiện tại, một số nơi vẫn sử dụng.
Khi sang Mỹ, tôi dùng một cuốn sách do người Mỹ biên soạn vào năm 1972. Kiến thức cơ bản của giáo trình nói chung khá tốt nhưng một số nội dung có vấn đề. Khi sử dụng, chúng tôi phải sửa một số chỗ, thậm chí biên soạn lại.
Tôi thấy nước Mỹ khi đó chưa có một cuốn sách dạy tiếng Việt nào giới thiệu về tiếng Việt hiện hành. Do đó, tôi dùng tất cả kiến thức và kinh nghiệm khi học ở Việt Nam và Nga để biên soạn giáo trình dạy tiếng Việt cơ bản dành cho năm thứ nhất. Cuốn sách hoàn thành vào năm 1994.
Sau đó, tôi thu thập lý kiến của một số đồng nghiệp và sinh viên rồi chỉnh sửa và hoàn thiện giáo trình. Kết quả, cuốn Elementary Vietnamese được xuất bản vào năm 1999.
Năm 2010, tôi biên soạn và xuất bản giáo trình ở trình độ cho năm thứ 2 và năm thứ 3 tên là Continuing Vietnamese. Hiện tại, nhà xuất bản đang chỉnh sửa lại để xuất bản lần thứ hai.
- Nhu cầu của sinh viên quốc tế về tiếng Việt ra sao? Suy nghĩ về Việt Nam trước và sau khi họ học tiếng Việt là gì?
- Việt Nam học là ngành thu hút nhiều sinh viên cũng như số người nghiên cứu tương đối ổn định. Mỹ là một trong những nước đầu tư mạnh nhất thế giới vào bộ môn này, dù còn khá non trẻ so với nhiều nước khác như Pháp và Nga.
Trong số những sinh viên của tôi, một số ít chỉ đăng ký học một năm nhưng họ nói rằng nhờ môn học này, họ có thể sử dụng tiếng Việt trình độ thấp và được trang bị kiến thức cơ bản về Việt Nam. Nhiều sinh viên học với tôi hai, ba hay bốn học kỳ, thậm chí lâu hơn.
Nhiều người Mỹ biết về Việt Nam qua cuộc chiến tranh ở thế kỷ trước. Sau khi học xong lớp của tôi, họ nghĩ rằng cuộc chiến đó xảy ra là điều không may cho cả Mỹ và Việt Nam.
Tôi cũng cho sinh viên xem bộ phim Người Mỹ trầm lặng để họ thấy nếu tiếp tục can thiệp vào Việt Nam như vào đầu những năm 1950, người Mỹ sẽ thất bại. Tôi không nói đó là quan điểm của tôi, của người Mỹ hay của Hà Nội. Tôi nói với họ rằng đó là nhận định của tác giả cuốn Người Mỹ trầm lặng Graham Greene. Ông là người Anh, mà người Anh là đồng minh thân cận của Mỹ trong rất nhiều cuộc chiến.
- Điều đầu tiên ông thường nói với những sinh viên tham gia lớp tiếng Việt của ông là gì?
- Tôi nói rằng tôi rất biết ơn khi họ đã đăng ký học môn của mình. Trong môn học này, tôi chỉ cung cấp phương tiện ngôn ngữ để giúp họ tìm hiểu về Việt Nam. Tôi nghĩ họ hài lòng với cách tiếp cận ấy.
Giáo sư Ngô Như Bình cho biết từ năm 1994, tiếng Việt tại Đại học Harvard đứng ngang hàng với 3 thứ tiếng: Trung, Nhật và Hàn. Ảnh: NVCC.
- Trong những năm dạy tiếng Việt tại Đại học Lomonosov và Đại học Harvard, giáo sư từng gặp sinh viên Việt nào tham gia lớp học của ông chưa?
- Tôi chưa từng gặp sinh viên người Việt khi công tác tại Liên Xô. Tuy nhiên, tại Đại học Harvard, năm nào tôi cũng dạy một số sinh viên Mỹ gốc Việt.
Gia đình họ rời Việt Nam với những nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, cha mẹ họ vẫn luôn hướng về Tổ quốc và muốn con cái giữ tình cảm với quê hương, học tiếng Việt để hiểu về cội nguồn văn hóa.
Nhiều sinh viên sinh ra tại Việt Nam nhưng lớn lên ở Mỹ. Họ chỉ có thể nói nhưng không biết viết. Tuy nhiên, khi học đến năm thứ 3, nhiều bạn đã có những bài thuyết trình sâu sắc. Một số người khi trở về Việt Nam, nói chuyện về văn học và lịch sử Việt Nam với các bạn trẻ cùng tuổi khiến nhiều người bất ngờ về sự hiểu biết của họ.
Một số không thể nói tiếng Việt và ghi tên vào học như một người Mỹ. Một sinh viên từng kể với tôi rằng: "Lần đầu em gọi điện thoại cho bà nội ở Việt Nam và nói tiếng Việt, bà nội đã khóc".
- Các tác phẩm của giáo sư chủ yếu nhằm mục đích dạy tiếng Việt cho sinh viên quốc tế. Song, trong đó nổi bật lên 2 cuốn sách dạy tiếng Anh dành cho người Việt. Xin ông chia sẻ thêm về điều này.
- Khi mới sang Mỹ, tôi không biết tiếng Anh. Tuy nhiên, sau đó, tôi đã nỗ lực học tập và có thể sử dụng thành thạo. Tôi cũng nhận thấy nhiều người Việt sống ở Mỹ đã lâu nhưng tiếng Anh còn yếu.
Khi tôi biên soạn những cuốn sách dạy tiếng Anh đó, thị trường chủ yếu là giáo trình dạy tiếng Anh - Anh. Trong khi đó, tôi quan niệm các biến thể của tiếng Anh (tiếng Anh tại các nước sử dụng tiếng Anh) là bình đẳng.
Ngoài ra, tiếng Anh - Mỹ ngày càng phổ biến nên một cuốn giáo trình dạy tiếng Anh - Mỹ là cần thiết.
Tôi đã biên soạn công trình này cùng một người Mỹ và dạy tiếng Anh hoàn toàn qua nghe. Tuy phương pháp này không bài bản song phù hợp với những người ít thời gian và không có điều kiện đến lớp. Họ có thể học qua CD, trên mạng hay lúc lái xe.
- Khó khăn lớn nhất của người Việt khi học tiếng Anh là gì?
- Khó khăn của người Việt khi học tiếng Anh cũng có cùng cơ sở với khó khăn khi học tiếng Pháp, tiếng Nhật hay tiếng Tây Ban Nha. Đó là những chuyển di tiêu cực trong tiếng mẹ đẻ. Chuyển di tiêu cực của người Việt khi học tiếng Anh lớn hơn chuyển di tiêu cực của người Việt khi học tiếng Trung chẳng hạn.
Tiếng Anh có trọng âm nhưng tiếng Việt không có trọng âm. Cũng như người Anh, người Đức hay người bản ngữ nhiều thứ tiếng châu Âu khác khi học tiếng Việt là phải chú ý đến thanh điệu.
Hệ thống ngữ âm của hai thứ tiếng khác nhau nhiều. Do đó, giáo viên tiếng Anh nên giới thiệu những khác biệt về ngôn ngữ để tránh chuyển di tiêu cực.
- Từng trải qua rất nhiều trường đại học (từ Việt Nam đến Mỹ), xin ông chia sẻ sự khác nhau giữa phương pháp giảng dạy ở các nước.
- Nền giáo dục ở đâu cũng có những cái hay riêng. Tại Mỹ, kể từ bậc trung học trở lên, đặc biệt là đại học, truyền thụ kiến thức là mục đích quan trọng nhưng không phải là mục tiêu cuối cùng. Mục tiêu cuối cùng của họ là dạy người học tư duy phản biện và cách tự học.
Trong khi đó, lối giáo dục ở Liên Xô rất bài bản. Nước Nga hiện nay kế thừa tinh hoa giáo dục từ thời Liên Xô song cũng thay đổi khá nhiều.
Về Việt Nam, tôi nghĩ giáo dục sau này sẽ không chỉ dừng lại ở truyền thụ kiến thức. Người học không chỉ ghi nhớ máy móc mà phải đưa ra ý kiến của mình. Những ý kiến đó có thể khác với ý kiến của giáo viên và sách giáo khoa.
- Là một nhà ngôn ngữ, ông có cảm nghĩ thế nào về tiếng Việt?
- Tiếng Việt là điều làm tôi luôn trăn trở làm sao để giảng dạy có hiệu quả, để cho mọi người thấy cái hay và cái đẹp của tiếng Việt. Nó là nỗi đau của tôi bởi trong thời gian gần đây, tôi thấy tiếng Việt đang mất dần sự trong sáng.
Người Việt viết sai nhiều quá. Ở đây, tôi không đề cập vấn đề viết tắt cũng như tiếng lóng trong thời đại công nghệ phát triển. Tôi muốn nói đến mảng tiếng Việt chuẩn, đặc biệt là báo chí. Tôi thấy họ viết sai về cấu trúc ngữ pháp và cách dùng từ.
Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng tiếng nước ngoài diễn ra tràn lan, vô ý thức trong những tình huống và ngữ cảnh mà tiếng Việt hoàn toàn đủ phương tiện, từ và thành ngữ để diễn đạt.
Tôi nghĩ vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt phải được đặt ra một cách rất nghiêm túc.
Giáo sư Ngô Như Bình hiện là chủ nhiệm chương trình tiếng Việt tại bộ môn Ngôn ngữ và Văn minh Đông Á của Đại học Harvard (Mỹ).
Ông nhận bằng cử nhân về ngôn ngữ và văn học Nga tại Đại học Quốc gia Hà Nội vào năm 1973. 5 năm sau, ông nhận bằng tiếng Đức tại Đại học Ngoại ngữ (nay là Đại học Hà Nội).
Năm 1982, ông lấy bằng tiến sĩ ngôn ngữ tại Viện hàn lâm Khoa học Nga và tham gia giảng dạy ngôn ngữ học và tiếng Việt tại Đại học Lomonosov trước khi đến Mỹ vào năm 1992.
Theo Zing