GS Trịnh Xuân Thuận: Tôi không tin UFO
“Các thông tin cho thấy thường sự xuất hiện của UFO chỉ do một người, hoặc một vài người nhìn thấy, chụp một tấm ảnh chứ không nhiều. Tôi không tin UFO. Nếu quả có những người ngoài hành tinh đến thăm chúng ta, tại sao họ không đến công khai, nói cho mọi người biết về họ”.
Sáng 7/12, tại trụ sở liên hiệp Các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam (Vusta), Giáo sư Trịnh Xuân Thuận, nhà vật lý thiên thể, đã có buổi gặp mặt và trò chuyện với các nhà khoa học về vấn đề “Phổ biến kiến thức” nhân chuyến về nước sau 7 năm.
GS Trịnh Xuân Thuận: “Thiên nhiên ban tặng cho chúng ta rất nhiều thứ, nhưng nếu ta tiếp tục phá hỏng thì không thể lấy lại được”.
Bằng sự hiểu biết của mình, GS đã giới thiệu những công trình nghiên cứu của ông về sự hình thành các thiên hà, những kiến thức về sự bí ẩn trong vũ trụ. Với một lối phổ biến khoa học rất gần gũi, dễ hiểu, dễ nghe, SGTT xin trích đăng những trả lời của ông về các thắc mắc của các nhà khoa học, các đại biểu tham dự về vũ trụ, trái đất, tâm linh…
Thời tiết đang có những dấu hiệu bất thường, trái đất nóng lên từng ngày, là một nhà thiên văn học, ông có bình luận gì về những biểu hiện của biến đổi khí hậu này?
Vấn đề ở đây tôi cho là do con người, không phải đến từ thiên nhiên. Khí C02, sự nóng lên của trái đất, vấn đề ô nhiễm toàn cầu… đi kèm với tốc độ phát triển kinh tế của chúng ta. Như tôi đã nói, thiên nhiên ban tặng cho chúng ta rất nhiều thứ, nhưng nếu ta tiếp tục phá hỏng thì không thể lấy lại được.
Trái đất là một hành tinh vô cùng đặc biệt trong hệ mặt trời, các nhà khoa học đã mất rất nhiều công lên tận sao Hỏa để tìm kiếm sự có mặt của nước, những tế bào vật chất ở đây nhưng vẫn vô vọng. Vì thế, chúng ta phải bảo vệ trái đất bằng mọi giá. Nếu vẫn tiếp tục những biến đổi khí hậu như hiện nay, thì sẽ đến lúc con cháu chúng ta sẽ không còn chỗ để sinh sống.
Nhiều người cho rằng thiên hạ đang đại loạn, có tin đồn năm 2012 sẽ là năm tận thế, ý kiến của ông là như thế nào?
Về chuyện cho rằng năm 2012 là năm tận thế, tôi cho rằng đó là do tín ngưỡng chứ không phải khoa học. Thực tế, trong khoa học có câu chuyện ở một thời điểm nào đó các hành tinh sẽ trùng nhau trên một đường thẳng, nhưng dù có như thế đi chăng nữa thì cũng sẽ không có chuyện gì xảy ra. Như trước đây, bao nhiêu người nói năm 2000 sẽ là năm tận thế, nhưng thực tế đâu có chuyện đó xảy ra.
Video đang HOT
Vũ trụ của chúng ta sẽ tồn tại trong bao nhiêu lâu nữa, thưa ông?
Tương lai của vũ trụ tùy thuộc vào chất lượng và năng lượng trong vũ trụ. Hiện nay vũ trụ sẽ giãn nở đến vô tận. Những ngôi sao sẽ chết, mặt trời cũng sẽ chết trong khoảng 4 tỷ năm nữa. Khi đó vũ trụ sẽ lạnh đi, các ngôi sao và dải ngân hà sẽ tắt. Như vậy sẽ khó tồn tại sự sống. Tuy nhiên đây là câu chuyện quá xa. Cần nhất trong vấn đề hiện tại đó là bảo vệ trái đất trước sự “tấn công” của chính chúng ta. Trái đất nóng lên, băng tan ra, đó là câu chuyện rất gần, chỉ 50-100 năm nữa, chứ không phải cái chết của vũ trụ trong hàng tỷ năm nữa.
Có những thông tin về chuyện thiên thạch sẽ va chạm vào trái đất, liệu trái đất có nguy hiểm gì không và nó sẽ tồn tại được trong bao lâu nữa?
Là nhà khoa học, tôi có thể chụp ảnh nghiên cứu những đổi thay của bầu trời, tính được quỹ đạo đường đi của những thiên thạch sẽ có tác động vào trái đất hay không. Mọi người có thể yên tâm, hiện tại không có thiên thạch nào sẽ đổ vào hay gây nguy hiểm cho trái đất. Nếu giả sử có đi chăng nữa, khoa học hiện đại cũng sẽ có những biện pháp làm nổ thiên thạch hoặc di chuyển đường đi để thiên thạch không ảnh hưởng gì đến trái đất.
Thi thoảng vẫn có những thông tin như UFO – vật thể bay lạ xuất hiện, ý kiến ông về những UFO này như thế nào?
Tôi làm khoa học, mà khoa học thì luôn đòi hỏi sự minh bạch, bằng chứng. Các thông tin cho thấy thường sự xuất hiện của UFO chỉ do một người, hoặc một vài người nhìn thấy, chụp một tấm ảnh chứ không nhiều. Tôi không tin UFO. Nếu quả có những người ngoài hành tinh đến thăm chúng ta, tại sao họ không đến công khai, nói cho mọi người biết về họ.
Liệu có bói toán trong khoa học không thưa ông?
Bản thân tôi thì không cho là như vậy. Tôi không tin có ngôi sao định vị số mệnh của con người khi sinh ra. Bởi ví dụ một con người sinh ra, có lực hấp dẫn, ngôi sao và trái đất… những thứ khó ảnh hưởng nên tính cách của một con người, chưa nói tới cả số phận cuộc đời của họ.
Có nhiều trường hợp ví dụ sau nhật thực thì rất nhiều sâu bệnh, bầu trời thay đổi thường ảnh hưởng đến nông nghiệp, thủy lợi. Ông có thể sử dụng thiên văn học để “báo động” cho mùa màng Việt Nam, giúp ích cho thủy lợi hay không?
Đây là vấn đề không chỉ riêng của thiên văn học mà còn liên quan tới rất nhiều các lĩnh vực khoa học khác như khí tượng thủy văn, thủy lợi, vật lý… nên không thể giải quyết ngay được. Tôi chỉ có thể chia sẻ những kinh nghiệm trong lĩnh vực thiên văn học.
Trong hơn 20 ngày ở Việt Nam lần này, GS Trịnh Xuân Thuận sẽ dành thời gian đến các trường ĐH FPT, ĐH Quốc gia Hà Nội, Quy Nhơn, Hoa Sen, trung tâm văn hóa Pháp ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM… để phổ biến những phát hiện mới trong thiên văn học, vũ trụ học, trò chuyện về khoa học và phật giáo, vị trí của con người trong vũ trụ… và những vấn đề khoa học nói chung.
Theo Thanh Tuyền
SGTT
Giáo dục giới tính: Cần một chương trình toàn diện
Giáo dục giới tính là tiến trình suốt cả đời người, là chuyện phải làm hàng ngày, trước hết là ở gia đình nhằm trang bị kiến thức, hình thành nhân cách, tạo nên một nền tảng vững chắc cho sức khoẻ tình dục, sức khoẻ sinh sản sau này.
Nó bao gồm những hiểu biết về phát triển tính dục, các mối quan hệ, hình ảnh về thể chất và vai trò giới, tình bạn, tình yêu, tình dục. Giáo dục giới tính đề cập đến các khía cạnh về sinh học, văn hoá xã hội, tâm lý và tâm linh của vấn đề giới tính, từ lĩnh vực nhận thức (thông tin) đến lĩnh vực tình cảm (cảm xúc, giá trị, thái độ) và lĩnh vực hành vi (kỹ năng truyền thông, giao tiếp và kỹ năng quyết định) của mỗi cá nhân.
Giáo dục giới tính đôi khi có thể bắt đầu từ chuyện cái mụn của tuổi dậy thì.
Tính dục: có từ trứng nước
Tính dục gắn với con người từ trong trứng nước. Khi thụ tinh thì đã sẵn các nhiễm sắc thể X,Y, phân định giới tính cho đứa trẻ, dù đến tháng thứ ba trong bụng mẹ, thai nhi mới có đủ bộ phận sinh dục! Thiên nhiên còn trang bị sẵn một hệ thống các tuyến sinh dục, để tới tuổi nào đó thì sẽ cho kích hoạt... tạo ra các kích thích tố cần thiết để phát triển giới tính. Chờ đến lúc đó mới "dạy" thì nhiều khi đã muộn!
Cha mẹ có bổn phận dạy con cái ngay từ trong gia đình, không thể "khoán" cho ai khác. Và phải dạy rất sớm vì đây là vấn đề liên quan đến nếp sống của mỗi gia đình, đến giá trị, lòng tin, thái độ và nhất là hành vi, hình thành nhân cách của mỗi con người để có một cuộc sống hạnh phúc về sau. Ngay từ lúc mới sinh, trẻ đã được học về tình yêu thương, trìu mến, vuốt ve, cưng nựng, học về những mối quan hệ anh chị em, cha mẹ, ông bà... Trẻ học về giới tính khi cha mẹ chăm sóc, chuyện trò hàng ngày, lúc vui chơi với chúng, lúc thay quần đổi áo cho chúng, dạy chúng biết các bộ phận của cơ thể từ mắt mũi, tai miệng, đến bộ phận sinh dục... Ngay từ lúc đó, trẻ đã học "không phân biệt đối xử" với các bộ phận trong cơ thể mình, và có trách nhiệm gìn giữ vệ sinh đâu đó đàng hoàng. Trẻ lớn dần thì hiểu biết sẽ mở rộng thêm về sinh lý học, về các hành vi, thái độ, giá trị liên quan giới tính của gia đình cũng như môi trường văn hoá xã hội chúng đang sống.
"Thầy" dạy tốt "trò" mới học tốt
Thẳng thắn, chân tình, cởi mở và khoa học trong trao đổi là cách tốt nhất để truyền thông giữa cha mẹ và con cái suốt giai đoạn tuổi thơ cũng như ở tuổi tiền dậy thì và dậy thì, tuổi thanh niên, nhờ đó tạo nên một phương cách xử thế khi trẻ trưởng thành cho vấn đề sức khoẻ tình dục, sức khoẻ sinh sản. Do vậy, cha mẹ cũng phải trang bị cho mình đủ kiến thức để tự tin và có phương pháp tiếp cận phù hợp với từng lứa tuổi.
Thế nhưng do từ trước người lớn chúng ta cũng chưa hề được "giáo dục giới tính" nên không tránh khỏi lúng túng. Do vậy, để có thể "vượt qua chính mình", cần xem xét lại một số nhận thức, quan điểm của bản thân về giới tính, về tình dục để có thái độ thích hợp. Trang bị kiến thức cơ thể học, sinh lý học tuy vậy không khó bằng cách nhìn nhận vấn đề, tức "quan điểm" - cũng gọi là các "giá trị" - của chính bản thân. Cần thấy rằng khi nói đến tình dục, không thể chỉ nói chuyện giao hợp mà phải bao gồm toàn bộ các khía cạnh liên quan như thể chất, đạo đức, xã hội, tâm linh, tâm lý và cảm xúc. Giáo dục giới tính là giáo dục toàn diện các khía cạnh đó, chứ không phải chỉ dạy cách dùng bao cao su hay sử dụng thuốc ngừa thai.
Cần có một chương trình giáo dục giới tính toàn diện, không manh mún, lẻ tẻ, mà có hệ thống, được soạn thảo không bởi một vài cá nhân "có thẩm quyền" nào đó theo quan điểm riêng của họ rồi áp đặt cho mọi người mà phải do một nhóm chuyên viên y học, giáo dục, tâm lý xã hội... ngồi lại với nhau để thống nhất một số nguyên tắc cơ bản - các giá trị - để có tiếng nói chung. Chẳng hạn tính dục là một phần tự nhiên và lành mạnh của đời sống con người. Tính dục không đơn thuần là chuyện giao hợp. Với con người, tính dục bao hàm sinh học, đạo đức, xã hội, tâm linh, tâm lý, cảm xúc...
Nói đến tình dục, không thể chỉ nói chuyện giao hợp mà phải bao gồm toàn bộ các khía cạnh liên quan như thể chất, đạo đức, xã hội, tâm linh, tâm lý và cảm xúc. Giáo dục giới tính là giáo dục toàn diện các khía cạnh đó, chứ không phải chỉ dạy cách dùng bao cao su hay sử dụng thuốc ngừa thai.
Mọi người ai cũng có nhân phẩm, mỗi người là một cá thể độc đáo trong bối cảnh văn hoá chung. Đừng vì thấy người ta khác mình mà cho là sai lạc, bệnh hoạn rồi đối xử kỳ thị, bất công. Mỗi cá nhân có kiểu hành xử tình dục riêng, miễn là không mang lại bệnh hoạn, tai hoạ cho mình hay cho người và không trái thuần phong mỹ tục, văn hoá chung của cộng đồng. Mỗi người tự quyết định và chịu trách nhiệm về hành vi tính dục của mình và những hậu quả nếu có. Do vậy, cần có đủ kiến thức và kỹ năng để tự bảo vệ. Cũng cần nhớ trẻ con thích "khám phá" và tò mò học hỏi về tính dục là một tiến trình phát triển tự nhiên.
Chương trình này sẽ không chỉ dành riêng cho các nhà giáo dục, cho nhà trường - từ nhà trẻ đến sau đại học - mà còn cho truyền thông đại chúng, cho các tổ chức xã hội, tôn giáo, và cho các bậc phụ huynh - kể cả người giúp việc trong gia đình... để tránh "ông nói gà bà nói vịt".
Về nội dung, ít nhất phải đề cập về sự phát triển của con người - từ trong bụng mẹ đến tuổi trưởng thành, mối tương quan giữa các yếu tố thể chất, tâm lý, các mối quan hệ, tương tác, các kỹ năng cá nhân - đối với bản thân cũng như giữa người với người - đến các hành vi tính dục - dựa trên nền tảng văn hoá mỗi cộng đồng - rồi mới đến các vấn đề về sức khoẻ tình dục, sức khoẻ sinh sản với các bệnh lây truyền qua đường tình dục v.v... Trong mỗi nội dung đó, phải dạy cả về kiến thức, thái độ, về các giá trị, về hành vi, lối sống, cách ứng xử phù hợp trong môi trường văn hoá của cộng đồng.
Theo BS Đỗ Hồng Ngọc
SGTT
Sách thiếu nhi dạy gian lận và vô lễ? Một số phụ huynh phản ánh cách gian lận trong thi cử và những lối ứng xử thiếu lịch sự lại được in rõ ràng một cuốn sách dạy kiến thức cho trẻ em 6-12 tuổi, từng tái bản lần thứ nhất. Sách in những chiêu dạy trẻ em cách gian lận Cuốn sách có nhiều kiến thức khoa học thường thức và...