GS Trần Văn Nhung: Việt Nam nên học Singapore về dạy học tiếng Anh
Nguyên Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Trần Văn Nhung cho rằng việc học tiếng Anh bao năm vẫn ‘lẹt đẹt’ là do thiếu chiến lược bài bản và Việt Nam nên học tập Singapore trong đầu tư cho tiếng Anh.
Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020″ đã gây tranh luận về việc chọn ngoại ngữ nào là trọng tâm. Ngày 24/9, VnExpress có cuộc phỏng vấn GS Trần Văn Nhung, người một năm trước viết tâm thư gửi Bộ Chính trị đề nghị phải có quyết sách trong dạy và học tiếng Anh.
- Từng là Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo, ông đánh giá thế nào về việc dạy học tiếng Anh hiện nay?
GS. Trần Văn Nhung. Ảnh: H.P.
- Việc dạy học ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng trong nhà trường, câu lạc bộ, trung tâm ngoại ngữ phải ghi nhận có nhiều cố gắng. Trình độ tiếng Anh của thanh niên Việt Nam qua thời gian khá hơn nhiều. Có em học trong nước nhưng liên tục, bền bỉ và sáng tạo trong tự học nên nói tiếng Anh rất tốt. Cơ hội để người Việt học tiếng Anh tăng lên khi có nhiều phương tiện công nghệ thông tin, truyền thông, người nước ngoài đến Việt Nam nhiều, chưa kể liên tục có các hội nghị, hội thảo nói tiếng Anh.
Nhưng so sánh trình độ của học sinh, sinh viên và thanh niên Việt Nam với người cùng lứa tuổi ở các nước khác, nhất là khu vực ASEAN, thì còn thấp hơn nhiều. Hầu hết các nước ASEAN đều nói tiếng Anh, phổ cập trong công việc cũng như giao tiếp hàng ngày.
- Vì sao đưa tiếng Anh vào dạy và học đã lâu mà trình độ tiếng Anh của người Việt, đặc biệt là học sinh, sinh viên vẫn còn kém?
- Tôi nghĩ thầy cô giáo, học sinh, sinh viên, nhà quản lý giáo dục, nhà trường đã có nhiều cố gắng, nhưng việc dạy, học và sử dụng tiếng Anh ở nước ta chưa trở thành chiến lược quốc gia. Cách đây hơn một năm, tôi từng viết bức tâm thư gửi Bộ Chính trị và Ban Bí thư, đề nghị cần đưa việc này thành “quốc sách”, biến tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai sau tiếng Việt, chứ không đơn thuần chỉ là việc một ngoại ngữ. Cần có chỉ đạo quyết tâm từ bên trên xuống thì mới có thể dạy và học tốt được. Với quan điểm toàn cục, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Giáo dục đã và đang chỉ đạo, định hướng chiến lược ngoại ngữ cho đất nước ta trong thời hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, trong đó có vai trò đặc biệt của tiếng Anh. Chỉ khi cả hệ thống chính trị và xã hội vào cuộc để định hướng và ủng hộ ngành giáo dục và đào tạo thì chiến lược này mới thành công.
Tiếng Anh cần được phổ cập ở mọi nơi, mọi hoàn cảnh, nơi nào có điều kiện thì cố gắng từng bước dạy các môn học bằng tiếng Anh. Các trường đại học càng cần nhanh chóng và mạnh mẽ hơn nữa. Nếu chỉ xem nó là ngoại ngữ, không gắn vào chuyên môn, thực tiễn thì tiếng Anh khó “sống” được. Cái khó nhất vẫn là giáo viên. Nhưng chúng ta vẫn phải mạnh dạn làm dần, thầy cô có thể vừa dạy vừa học thêm.
- Thế hệ của giáo sư gặp khó khăn gì khi tiếp cận với tiếng Anh?
Video đang HOT
- Xin nêu một ví dụ, khoảng năm 1986-1987, khi dạy Giải tích toán học (Calculus) cho sinh viên năm thứ nhất của Khoa Toán – Cơ – Tin học, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội), tôi đã thử nghiệm dạy bằng tiếng Anh. Thầy cũng còn kém tiếng Anh, trò còn bỡ ngỡ, nhưng tôi đã đi dần từ những từ khóa/keywords và cấu trúc ngữ pháp đơn giản. Thầy trò vừa dạy vừa cùng nhau học. Sau ba tháng đã khá lên nhiều và tôi thử hỏi sinh viên có muốn trở lại học bằng tiếng Việt không, các em vẫn muốn tiếp tục thực hành với tiếng Anh.
Thế hệ chúng tôi ngày trước gặp nhiều khó khăn, nhất là trong những năm chiến tranh và bị cấm vận, học tiếng Nga ở Việt Nam đến 6 năm, nhưng chỉ biết đọc sách Toán, nói sai trọng âm hết. Khi chuyển sang học tiếng Anh thì sách giáo khoa rất hiếm, có mỗi cuốn của thầy Vũ Tá Lâm, lại phải dùng sách giáo khoa của Nga và từ điển Anh-Nga. Rốt cục tiếng Anh là công cụ thời đại thì không được học bài bản, còn các thứ tiếng khác dù được học bài bản thì rất ít khi dùng đến. Thật lãng phí thời gian và sức lực.
Thế hệ trẻ bây giờ thuận lợi hơn, có Internet, sách báo, tivi, được giao tiếp với người nước ngoài…, nên nếu có đủ nghị lực, động lực và mục đích rõ ràng để tự học tiếng Anh thì sẽ tiến bộ nhanh. Thông minh, giỏi tiếng Anh hơn cha chú, thế hệ trẻ sẽ hợp tác, cạnh tranh lành mạnh, hiệu quả và bình đẳng với “thiên hạ”.
Theo GS Nhung, phải biến tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai chứ không phải đơn thuần là một ngoại ngữ nữa. Ảnh: Giang Huy.
- Theo ông, giải pháp đột phá để nâng cao trình độ tiếng Anh cho người Việt Nam là gì?
- Hãy nhìn sang Singapore, sau năm 1965 khi tách ra thành một đảo quốc độc lập từ Malaysia, ông Lý Quang Diệu chỉ đạo Bộ Giáo dục nước này dùng luôn (copy) sách giáo khoa phổ thông của nước Anh cho trường học, nhất là đối với các môn khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ. Dù ông là người gốc Hoa và có người khuyên rằng nên đưa tiếng Hoa vào Singapore nhưng Lý Quang Diệu không đồng ý. Ông cho rằng tiếng Anh phải được đưa vào trong nhà trường, giao tiếp trong công sở.
Trước sự phản đối kịch liệt của cộng đồng người gốc Hoa ở Singapore khi quyết định dùng tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức trong các trường học, ông Lý Quang Diệu nói: “Muốn chống lại thì hãy bước qua xác tôi”. Lý Quang Diệu hiểu rõ một điều muốn thịnh vượng về kinh tế và vươn lên tầm cao thế giới để biến Singapore thành một quốc gia kỹ trị thì không có con đường nào khác ngoài việc phải làm cho trẻ con giỏi tiếng Anh thật sự, ngay từ bé khi bước chân vào nhà trường.
Trong khi đó Malaysia lại chủ trương dùng tiếng Malay là chủ yếu. Kết quả là rất nhiều học sinh, sinh viên nước này bỏ ra nước ngoài, trong đó có nhiều thanh thiếu niên con nhà giàu. Mỗi năm nước này bị chảy máu ngoại tệ nhiều tỷ đôla Mỹ, chất lượng đại học đi xuống.
Cách đây ít năm, Thủ tướng Mahathir Mohamad khi ấy đã rút ra bài học kinh nghiệm đắt giá về giáo dục và yêu cầu người dân trở lại với tiếng Anh, cá nhân ông là người tiên phong. Tôi từng nghe ông nói chuyện bằng tiếng Anh rất trơn tru trong một giờ đồng hồ. Nói vậy để biết chỉ cần một quyết định lệch hướng có thể khiến nền giáo dục đi xuống, tiền và chất xám bị chảy ra nước ngoài.
Tôi thấy rằng Việt Nam nên học tập Singapore về dạy và học tiếng Anh. Việc áp dụng ban đầu sẽ khó cho cả giáo viên và học sinh, nhưng khó vẫn phải làm vì đó là cách nhanh nhất. Cố GS Bộ trưởng Tạ Quang Bửu từng nói: “Dạy ngoại ngữ giống như dạy bơi, cứ ném xuống ao. Đó là cách nhanh nhất để biết bơi”.
- Cùng với tiếng Anh, Bộ Giáo dục đưa nhiều ngoại ngữ vào lộ trình xây dựng ngoại ngữ thứ nhất. Ý kiến của giáo sư thế nào?
- Vấn đề này đã được bàn đến nhiều, UNESCO cũng khuyến khích các nước không nên có sự “độc trị” của một ngoại ngữ, ngoài tiếng Anh nên học thêm các thứ tiếng khác, bởi mỗi ngoại ngữ như một cửa sổ giúp nhìn ra vườn hoa nhiều hương sắc. Học nhiều là tốt nhưng đừng lan man quá vì ngoại ngữ chỉ là công cụ cần thiết. Còn kiến thức tổng hợp và các kỹ năng đa chiều mới là điều quyết định giúp một người hội nhập quốc tế.
Điều cuối cùng, thi gì thì thi, học gì thì học, nhưng cần chú trọng ba môn Văn, Toán và Tiếng Anh. Vì Toán tạo khung tư duy logic, hệ thống cho mọi khoa học. Văn học là nhân học, dạy cách ăn nói, dạy làm người và chung sống. Tiếng Anh để giao tiếp, làm ăn với thế giới hội nhập đầy thách thức ngày nay.
Theo VNE
Kinh nghiệm học tiếng Anh từ thực tập sinh đầu tiên của NASA
Từ nam sinh không hiểu gì tiếng Anh tới thực tập sinh đầu tiên của Việt Nam ở Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA), Trương Ngọc đã trải qua giai đoạn thực sự khó khăn.
Bước vào năm thứ tư ngành Vũ trụ và Hàng không, ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) cũng là lúc Trương Ngọc nhận được suất thực tập 3 tháng tại trụ sở của NASA ở Sillicon Valley, Mỹ.
Hiện tại, Ngọc sống giữa đất Mỹ và hàng ngày làm việc cùng các nhà khoa học nước ngoài bằng tiếng Anh, nhưng ít ai biết cách đây 4 năm - khi còn học phổ thông, tiếng Anh của em rất tệ - như lời Ngọc thú nhận.
ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (hay còn gọi là ĐH Việt Pháp) có quy trình tuyển sinh hoàn toàn khác với các trường công lập ở Việt Nam. Để dự tuyển vào trường Ngọc phải viết bài luận và phỏng vấn bằng tiếng Anh.
"Tiếng Anh của em tệ đến mức mở web của trường ra không hiểu gì. Khi phỏng vấn, các thầy nói em nghe cũng chẳng hiểu gì. Cuộc phỏng vấn đó đúng là một thảm họa. Lúc đầu, em dùng đủ mọi ngôn ngữ cơ thể, sau đó may mắn có một cô phiên dịch giúp".
Ngọc kể lại hôm đó đúng là một ngày may mắn với em. Khi em mô tả lại thí nghiệm đo gia tốc trọng lực của Trái Đất, em lấy bút dạ vẽ lên bảng, nhưng thực ra các thầy cũng chẳng hiểu gì.
"Cô phiên dịch nói thực ra buổi hôm đó các thầy chẳng hiểu gì đâu. Nhưng có một "key answer" là thầy hiệu trưởng hỏi em "thế tóm lại kết quả có ra 9,8 không?". 9,8 là giá trị tiêu chuẩn mà các nhà khoa học đo được. Tất nhiên, sinh viên đồ đạc dởm, đo thế nào được 9,8.
Em trả lời "không, em chỉ đo được 8 phẩy mấy thôi", thầy nói "ok, you pass". Thực ra, thầy chỉ muốn kiểm tra xem mình có làm thí nghiệm thật không".
Ngọc chia sẻ khi quyết định học "science" cũng là lúc em nghĩ mình cần phải học tiếng Anh. Động lực của em xuất phát từ khoa học. Tài liệu tiếng Việt cũng rất nhiều và tốt nhưng không thỏa mãn hết đam mê, câu hỏi của chàng trai yêu Vật lý và Vũ trụ.
"Nếu bây giờ mình có thể tự đọc được tiếng Anh nghĩa là mình có thể khám phá một thế giới khác, không phải phụ thuộc ai dịch. Đó là động lực đầu tiên. Động lực thứ hai là em nghĩ những người làm khoa học phải trao đổi với nhau rất nhiều. Mình muốn làm nhà khoa học thì phải có khả năng trao đổi".
Trương Ngọc - sinh viên năm thứ 4 ngành Vũ trụ và Hàng không, ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ngọc chụp tại mô hình nhà ga vũ trụ quốc tế. Ảnh: NVCC.
Quá trình học tiếng Anh của Ngọc cũng đòi hỏi nhiều sự kiên trì. "Ban đầu, em mua một cuốn luyện nghe. Em nghe không hiểu gì, sau đó vừa nghe vừa nhìn phần "transcript", nghe đi nghe lại, rồi đọc theo. Dần dần, em bớt nhìn đi. Quan trọng không chỉ là nghe được, mà học được cách sử dụng từ trong ngữ cảnh. Em nghe hết level này đến level khác. Nghe hết "advanced" rồi nghe đến IELTS".
Mỗi ngày em dành khoảng 3 tiếng cho tiếng Anh, chia nhỏ ra nhiều lần, làm nó trở thành một thói quen hằng ngày giống như tập thể dục. Em cảm thấy rất sung sướng khi tự đọc được tài liệu, tự hiểu được những gì họ nói. Ngọc cho rằng đôi khi mình phải thích và có động lực thì việc học tập sẽ hiệu quả hơn, giống như em lấy mục tiêu làm khoa học để buộc mình phải học tiếng Anh.
Ngọc cho biết em chủ yếu tự học và có tham gia 2 khóa IELTS. Việc học ở trường hoàn toàn bằng tiếng Anh với những giảng viên người nước ngoài cũng đóng góp một phần không nhỏ trong việc giúp em làm quen và dần thích nghi với môi trường nghe nói tiếng Anh.
"Bây giờ, việc học tập và nghiên cứu của em dùng tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt. Ở trường, chương trình học của bọn em bằng tiếng Anh, thầy giảng tiếng Anh, tài liệu tiếng Anh. Bây giờ, em sử dụng tiếng Anh thoải mái trong các hội nghị lớn mà không bị choáng ngợp. Mục tiêu của em là nói được tiếng Anh như người bản ngữ".
Ngọc nói bây giờ còn trẻ, phải tận dụng thời gian, đặc biệt là trước những cơ hội học tập rất rộng mở như hiện nay. "Em thấy các em cấp 3 vẫn hay kêu không biết học gì, hay ở Việt Nam thiếu tài liệu. Ngược lại, tài liệu học tập trên Internet bây giờ rất nhiều. Bạn có thể học từ các giáo sư nước ngoài, các khóa học online của các trường hàng đầu thế giới như Harvard, Stanford...".
Được biết, cơ hội trở thành thực tập sinh ở NASA của Ngọc cũng là nhờ khả năng tự tìm kiếm cơ hội, học hỏi và kết nối của em với một giáo sư của NASA khi ông sang Việt Nam tham dự chương trình "Gặp gỡ Việt Nam" của GS Trần Thanh Vân vào tháng 7 năm ngoái.
Chính vị giáo sư này là người đã nhận em sang phòng thí nghiệm của ông để nghiên cứu về vấn đề mà cả hai cùng quan tâm. Ông cũng là người kêu gọi ngân sách cũng như bỏ tiền túi để chi trả cho 3 tháng thực tập tại NASA của Ngọc.
Theo Nguyễn Thảo / VietNamNet
GS Trần Văn Nhung: Học tiếng Anh trong nước không khá được Theo GS Trần Văn Nhung, sau nhiều lần tự học tiếng Anh trong nước, ông vẫn chưa tự tin và không khá lên được. Mới đây, GS Trần Văn Nhung - nguyên Thứ trưởng GD&ĐT, Tổng thư ý Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước - chia sẻ bức thư gửi Bộ Chính trị về việc đề xuất dạy và học tiếng...