GS Phan Đình Diệu: Nhà toán học Việt Nam đầu tiên đi du học ở Liên Xô (cũ)
GS Phan Đình Diệu là nhà toán học Việt Nam đầu tiên đi du học ở Liên Xô (cũ) mà luận án TSKH được đăng thành một tuyển tập riêng của Viện Toán học mang tên V. A. Steklov của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô.
GS Phan Đình Diệu, nhà toán học, khoa học máy tính của Việt Nam đã qua đời lúc 10h sáng 13/5, sau một thời gian lâm bệnh. Lễ viếng GS Phan Đình Diệu bắt đầu từ 9h30 ngày 18/5/2018, tại Nhà Tang lễ Bệnh viện TWQĐ 108, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội; Lễ Truy điệu vào hồi 10h30.
Linh tính lạ kỳ: Trưa chủ Nhật ngày 13/5/2018, khi đang đọc và chỉnh sửa lại bài viết cũ của mình về GS Phan Đình Diệu, tôi nhận được tin buồn: GS Phan Đình Diệu đã từ trần vào sáng hôm đó tại Hà Nội, hưởng thọ 83 tuổi.
GS TSKH Phan Đình Diệu (12/6/1936 – 13/5/2018, quê quán Can Lộc, Hà Tĩnh) là nhà toán học, nhà khoa học máy tính của Việt Nam, người có nhiều đóng góp quan trọng xây dựng nền khoa học, giáo dục, văn hóa nước nhà .
Ông là một trong những người được ghi nhận có công đầu trong việc đào tạo và phát triển ngành tin học Việt Nam, là chuyên gia trong các lĩnh vực: Toán học kiến thiết, logic toán, lý thuyết thuật toán, ôtômat và ngôn ngữ hình thức, lý thuyết mật mã và an toàn thông tin…
GS Phan Đình Diệu
GS Diệu là viện trưởng đầu tiên của Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển (nay là Viện Công nghệ Thông tin Việt Nam), Chủ tịch sáng lập Hội Tin học Việt Nam, phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Chương trình Quốc gia về Công nghệ Thông tin khóa I (1993-1997), …
Trên trang cá nhân của GS Phan Dương Hiệu (con trai GS Phan Đình Diệu) ngày 27/6/2017, thông báo đã mua được trên trang sách của Hội Toán học Mỹ cuốn sách in công trình khoa học của GS Phan Đình Diệu mang tên: “Some Questions in Constructive Functional Analysis” (tạm dịch “Một số vấn đề về Giải tích hàm Kiến thiết”), được xuất bản trong “Proceedings of the Steklov Institute of Mathematics”, 1974.
Khi mới ra trường làm cán bộ giảng dạy trẻ của Khoa Toán-Cơ-Tin học, trường ĐH Tổng hợp HN, tôi đã nghe tin về cuốn sách này và sau đó được nhìn thấy bản tiếng Nga trong Thư viện Khoa và Trường.
Tôi không hiểu gì mấy về nội dung cuốn sách nhưng, cũng như nhiều người khác, tôi rất trân trọng và khâm phục một thành tựu khoa học ở đỉnh cao.
Ngay lúc đó tôi cũng được biết GS Phan Đình Diệu là nhà toán học Việt Nam đầu tiên đi du học ở Liên Xô (cũ) mà luận án TSKH được đăng thành một tuyển tập riêng của Viện Toán học mang tên V. A. Steklov của Viện Hàn lâm KH Liên Xô. Tôi láng máng hiểu được rằng công trình này của GS Phan Đình Diệu là những kết quả mới mẻ, hệ thống và rất quan trọng về toán học kiến thiết.
Ngoài việc nghiên cứu và ứng dụng toán học, tin học và làm quản lý ra, GS Phan Đình Diệu còn dành nhiều thời gian cho giảng dạy, nói chuyện, viết báo về toán học, tin học, khoa học, triết học, văn hóa …
Các hoạt động khoa học này góp phần làm cho ông nổi tiếng và được hâm mộ ở trong nước và quốc tế.
Tôi còn nhớ một bài viết rất hay của GS Phan Đình Diệu trên Tạp chí Toán học và Tuổi trẻ (số 56, tháng 10-11/1970) giới thiệu về Bài toán thứ 10 do David Hilbert đề xuất năm 1900 tại Paris.
Sau chặng đường dài 70 năm “chạy tiếp sức” của nhiều nhà toán học tài năng trên thế giới, người hoàn tất chặng đường cuối cùng năm 1970 là nhà toán học Nga 23 tuổi Iu. V. Matchiasevich (1974-), sinh viên của ĐH Tổng hợp Saint Petersburg (CHLB Nga).
Video đang HOT
Bài toán được phát biểu như sau: “Hãy chỉ ra một phương pháp mà nhờ nó, sau một số hữu hạn các phép toán có thể khẳng định rằng một phương trình Diophantine là có nghiệm nguyên hay không”.
Phương trình Diophantine là phương trình có dạng P(x, y,…, z) = 0 trong đó P (x, y,…, z) là một đa thức với hệ số nguyên của các ẩn x, y, …, z và khi giải người ta chỉ tìm các nghiệm nguyên hoặc nghiệm nguyên không âm của nó. (Như thế phương trình Fermat chỉ là một phương trình Diophantine đặc biệt).
Tiếc thay, câu trả lời cho bài toán Hilbert số 10 lại ở dạng phủ định: Không tồn tại phương pháp chung để với mọi phương trình Diophantine cho trước, có thể khẳng định được rằng nó có nghiệm nguyên hay không.
Khi trân trọng công trình khoa học xuất sắc của GS Diệu, tôi cũng rất trân trọng tình cảm và đóng góp khoa học từ những người con của GS Phan Đình Diệu như: GS Phan Dương Hiệu, PGS Phan Thị Hà Dương, Phan Thị Quỳnh Dương.
Tôi đặc biệt quý trọng những người con, người cháu, những công dân biết trân trọng, sưu tập, gìn giữ và phát huy những di sản văn hóa, khoa học, nghệ thuật, …, do cha ông, dân tộc mình để lại.
Đấy là những người con, người cháu, những công dân hiếu nghĩa và có văn hóa cao, biết uống nước nhớ nguồn.
Người ta thường nói: Đằng sau sự thành công của người đàn ông có bóng dáng một người phụ nữ.
Đối với GS TSKH Phan Đình Diệu, đó là phu nhân Văn Thị Xuân Hương thông minh, xinh đẹp và đảm đang, cả việc nước việc nhà.
Chị Hương là em gái của PGS Văn Như Cương, một nhà toán học, một thầy giáo toán và hiệu trưởng tài năng, độc đáo với bộ râu quý hiếm.
Hai đồng nghiệp và tôi đã dịch cuốn sách của A. D. Aczel từ tiếng Anh ra tiếng Việt “Câu chuyện hấp dẫn về Bài toán Fermat”, NXBGDVN, Hà Nội-2000 (178 trang, đến nay đã được tái bản 6 lần).
GS Phan Đình Diệu là một trong những người đầu tiên tôi gửi tặng cuốn sách này. GS nói với tôi: “Cám ơn Nhung đã tặng mình cuốn sách về Định lý lớn Fermat! Khi cuốn sách vừa đến tay, mình đã đọc một mạch chừng 2-3 tiếng đồng hồ liên tục, từ trang đầu đến trang cuối. Cuốn sách hay quá”!
Vĩnh biệt Anh, GS TSKH Phan Đình Diệu kính mến!
GS.TSKH Trần Văn Nhung (14/5/2018)
Theo Dân trí
GS Phan Đình Diệu: Một nhà chiến lược khoa học tài năng, một người thầy tận tình
GS Phan Đình Diệu, không chỉ là một nhà khoa học đóng góp cho sự nghiệp phát triển Toán học và Tin học, ông còn là một người trí thức đóng góp trí tuệ và tâm huyết cho đất nước, từ những ngày tuổi trẻ cho đến những năm tháng cuối.
GS. Phan Đình Diệu - nhà toán học, khoa học máy tính của Việt Nam, Viện trưởng đầu tiên của Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển (nay là Viện Công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), người sáng lập Hội Tin học Việt Nam, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Chương trình quốc gia về Công nghệ thông tin khoá 1 (1993-1997) đã qua đời ngày 13/5/2018, sau một thời gian lâm bệnh.
Người đầu tiên xây dựng và phát triển ngành Tin học
GS. Phan Đình Diệu sinh năm 1936 tại xã Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình có truyền thống hiếu thuận và hiếu học.
Vào năm 4 tuổi, GS. Phan Đình Diệu đã được thầy giáo cõng đi học cùng các anh chị lớn, và ngay khi 8 tuổi đã được thay mặt thiếu nhi diễn thuyết trước cả hội trường lớn vào những ngày tháng 8 năm 1945 lịch sử.
Ông được ghi nhận là một trong những người có công lao đầu tiên xây dựng và phát triển ngành tin học (Công nghệ Thông tin - CNTT) tại Việt Nam. Trong cuộc đời mình, ông cũng nổi tiếng với sự chính trực và có những đóng góp tâm huyết về chính sách phát triển khoa học giáo dục nước nhà.
Từ trái sang: GS Tạ Quang Bửu, GS Lê Văn Thiêm và GS Phan Đình Diệu. Ảnh: Facebook GS Hà Huy Khoái
Sinh ra và lớn lên ở Hà Tĩnh, ông học Trường ĐH Sư phạm Khoa học với một lý do đơn giản là để có học bổng vì kinh tế khó khăn. Trong thời gian này, ngoài việc miệt mài học tập, ông cũng đã tự học tiếng Anh và tiếng Pháp, và rất say mê tìm hiểu về triết học. Sau đó, ông đã tìm thấy sự say mê với ngành Toán học. Năm 1957, ông tốt nghiệp thủ khoa và được giữ lại trường giảng dạy.
Khi ở tuổi 30 vào năm 1967, ông đã hoàn thành luận án tiến sĩ khoa học ở Liên Xô ngành Toán học tính toán và Điều khiển học, ĐH Tổng hợp quốc gia Moskva. Sau đó, ông về nước và bắt đầu tập trung nghiên cứu và phát triển ngành Khoa học máy tính ở Việt Nam.
Các công trình khoa học đột phá của ông trong giai đoạn này được in thành một cuốn sách của tạp chí khoa học uy tín Steklov của Nga, và năm 1974 được Hiệp hội Toán học Mỹ dịch và xuất bản bằng tiếng Anh thành cuốn sách dài 228 trang với tên gọi "Some Questions in Constructive Functional Analysis".
Năm 1971, ông được đề nghị làm Trưởng phòng Toán học tính toán của Uỷ ban Khoa học Nhà nước vào thời điểm cả nước chỉ mới có một dàn máy tính đuợc đặt tại đây, đòi hỏi phải được nghiên cứu để sử dụng và đào tạo cán bộ. Ông đã tìm hiểu và học tập để xây dựng những tập thể cán bộ không những biết sử dụng máy tính, mà còn có khả năng nghiên cứu ở trình độ cao về một số hướng phát triển hiện đại của khoa học máy tính và tin học.
GS Phan Đình Diệu, một trí thức lớn của Việt Nam. Nguồn ảnh: Lê Anh Dũng (Vietnamnet)
Khi đó, nhận định về tình hình thế giới, cho rằng thông tin, tri thức sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng và coi đây là cuộc cách mạng lớn thay đổi nhân loại, ông đã đề xuất dự án thành lập một Viện nghiên cứu lấy tên là Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển. Năm 1977, Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển chính thức được thành lập, và ông là Viện trưởng đầu tiên.
Viện là tiền thân của Viện Tin học và Viện Công Nghệ Thông Tin hiện nay.Dưới sự lãnh đạo tâm huyết và quyết đoán của ông và với sự quyết tâm và làm việc hăng say các cán bộ của Viên, năm 1981, chiếc máy vi tinh đầu tiên sản xuất tại Việt Nam và Đông Á. Ông cũng đã lãnh đạo nhóm nghiên cứu hợp tác và phát triển các đề tài mật mã với Ban cơ yếu Trung ương.
GS. Phan Đình Diệu đã tích cực xây dựng những hợp tác khoa học với quốc tế. Những kết quả nghiên cứu của ông đã là những đóng góp quan trọng trong ngành. Ông đã được mời đến giảng bài hoặc làm giáo sư mời nhiều trường đại học uy tín trên thế giới ở Pháp, Mỹ, Đức, Nga, Canada, Tây Ban Nha, Nhật, Hung, Bugary, Ba Lan, Phần Lan.
Ông đã tổ chức những Hội nghị tin học quốc tế đầu tiên ở Việt Nam tạo cơ hội để các cản bộ trẻ của Việt Nam giao lưu học hỏi với các đồng nghiệp của nước ngoài. Với sức ảnh hưởng của mình, ông đã mời các chuyên gia Tin học nước ngoài về nước để đào tạo và phát triển các nhóm nghiên cứu trong nước, nhiều chuyên gia đã gắn bó lâu dài và trở thành người bạn khoa học của Việt Nam.
Với sự phát triển của đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ trong cả nước, ông đã sáng lập ra Hội tin học Việt Nam vào cuối năm 1988 và đảm nhận trách nhiệm Chủ tịch Hội hai khoá đầu tiên.
Ban Giám hiệu Trường Đại học Công nghệ chúc tết GS.Phan Đình Diệu vào tháng 12/2015.
Một người thầy tận tình, nghiêm khắc
Không chỉ là một nhà khoa học và một nhà chiến lược khoa học tài năng, GS. Phan Đình Diệu còn là một người thầy gần gũi, tận tình mà nghiêm khắc với học trò. Ông có thời gian làm cán bộ giảng dạy tại Khoa Công nghệ Thông tin (sau này là Trường ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội), và là chuyên gia cao cấp của Đại học Quốc gia Hà Nội.
GS. Phan Đình Diệu dành cả cuộc đời cho chủ trương xây dựng và phát triển hệ thống các tổ chức đào tạo - nghiên cứu CNTT tiên tiến tại Việt Nam, đặc biệt đối với các khoa CNTT trọng điểm. Ông quan tâm đề xuất chủ trương xây dựng bảy khoa CNTT trọng điểm trong Chương trình quốc gia về CNTT tới năm 2000 của Việt Nam.
Ông tích cực ủng hộ và tạo điều kiện cho Đề án hiện đại hóa Khoa CNTT - Đại học Quốc gia Hà Nội với tổng kinh phí 4 tỷ đồng (3 tỷ đồng tới Khoa CNTT, 500 triệu đồng tới Khoa Điện tử - Viễn thông và 500 triệu đồng tới Khối phổ thông trung học chuyên Toán - Tin); nguồn kinh phí này đã phát huy hiệu quả trong việc hình thành một nền tảng khởi đầu quan trọng phát triển Khoa CNTT, trường ĐHCN lớn mạnh như ngày nay.
Giáo sư rất quan tâm tới việc phát triển các nhóm khoa học - công nghệ tiên tiến về CNTT. Vào khoảng hai năm 1999-2000, sau khi nghe PGS. TS Hà Quang Thụy trình bày định hướng một nhóm nghiên cứu về khai phá dữ liệu và phát hiện tri thức từ dữ liệu, trước mắt tập trung vào học máy mô tả phức và khai phá tập phổ biến, Giáo sư Phan Đình Diệu rất vui, khuyến khích và động viên nhóm.
Sự động viện của Giáo sư Phan Đình Diệu, một nhà khoa học chiến lược, đã tăng thêm niềm tin và động lực để nhóm nghiên cứu này tích hợp một cách hiệu quả hoạt động đào tạo chất lượng cao với hoạt động nghiên cứu - triển khai tiên tiến để phát triển vững mạnh và bền vững nhóm nghiên cứu Khai phá dữ liệu (trước đây) và Phòng Thí nghiệm Khoa học dữ liệu và Công nghệ tri thức (hiện nay) của Trường ĐHCN, ĐHQGHN.
Trong suốt sự nghiệp dạy học, ông đã dạy nhiều môn Toán học, Tin học và Triết học, biên soạn nhiều giáo trình, đặc biệt là các môn học có tính chất khai mở, dự báo những hướng đi mới của sự phát triển khoa học tính toán, như các sách về Logic toán: cơ sở toán học của tin học, Lý thuyết độ phức tạp tính toán, Lý thuyết mật mã và an toàn thông tin. Những bài viết khoa học, những cuốn sách và giáo trình đều được ông viết rất trong sáng, sâu sắc, chặt chẽ và đầy tính sư phạm.
Các con trai, gái, dâu, rể đều theo đuổi sự nghiệp khoa học - giáo dục và công tác tại các môi trường Pháp, Mỹ, Việt Nam. Trong đó GS Phan Dương Hiệu, PGS Phan Thị Hà Dương, là những nhà toán học sớm đạt được nhiều thành tựu từ khi còn trẻ.
Từ năm 2003, ông tham gia diễn đàn cải cách giáo dục của 23 nhà khoa học trong và ngoài nước do GS Toán học Hoàng Tuỵ khởi xướng, có tên là "Hướng về giáo dục". Phương châm "cải cách giáo dục: mệnh lệnh của cuộc sống" đã được nhóm duy trì trong các hoạt động góp ý, phản biện chính sách sau này.
Không chỉ là một nhà khoa học đóng góp cho sự nghiệp phát triển Toán học và Tin học, ông còn là một người trí thức đóng góp trí tuệ và tâm huyết cho đất nước, từ những ngày tuổi trẻ cho đến những năm tháng cuối.
Ông đã là Đại biểu Quốc hội khoá 5 trước khi nước nhà còn chia cắt và khoá 6 ngay khi đất nước thống nhất. Ông đã là Uỷ viên uỷ ban đối ngoại, uỷ viên Uỷ ban Văn hoá và Giáo dục của Quốc hội. Với tư duy độc lập, logic, kết hợp với sự tìm hiểu sâu sắc về triết học và chính trị xã hội, Giáo sư Phan Đình Diệu đã có những cách nhìn sâu rộng về thời cuộc, xu hướng phát triển và những sự đổi thay cần thiết cho đất nước.
Những ý tưởng của ông là một sự nhất quán xuyên suốt trải qua những đổi thay của các thời kỳ vì đã được xây dựng trên cơ sở khoa học, phân tích các dữ liệu thực tế, phân tích các vấn đề cốt lõi của sự phát triển nền kinh tế và xã hội, mang một tầm nhìn xa và vẫn còn giá trị sau nhiều thập kỷ.
Tuyết Nga
Theo Dân trí
Một ngày với Toán học - khơi niềm yêu thích toán trong HS, SV "Một ngày với Toán học" là chương trình do Trường ĐHSP Hà Nội 2 phối hợp với Viện Toán học tổ chức vào ngày 20/5 tới đây với sự tham gia của khoảng 500 học sinh phổ thông và sinh viên đại học. Ngày hội sẽ có các hoạt động quảng bá toán học, như các bài giảng đại chúng về toán; trưng...