GS Nguyễn Minh Thuyết: Nên quy định giá “trần” và “sàn” cho SGK mới
Chỉ còn thời gian rất ngắn nữa sẽ áp dụng triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới, có 4 điểm cần rốt ráo triển khai mới kịp tiến độ.
Theo kế hoạch, Ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông đã hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông 2018 và được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thông qua vào tháng 12/2018.
Sau khi có chương trình, các nhà xuất bản (NXB) tập hợp tác giả để viết sách giáo khoa (SGK) lớp 1. Hiện có 5 bộ sách được Hội đồng quốc gia thông qua để áp dụng.
Đây là những kết quả rất tốt đẹp nhưng theo GS Nguyễn Minh Thuyết, mới đạt nhiều lắm khoảng 30% Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội. Phía trước còn rất nhiều việc quan trọng. Nếu không tổ chức tốt các công việc trước mắt, tác dụng của chương trình mới và SGK sẽ hạn chế.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới. (Ảnh: Đ.T).
Giáo viên “chăm chăm” đợi tập huấn SGK
Chia sẻ với PV Dân trí, GS Nguyễn Minh Thuyết cho hay, hiện Bộ GD&ĐT đang tập huấn giáo viên về chương trình trên quy mô toàn quốc.
Nếu trước đây, chúng ta tập huấn dạy các cuốn SGK cụ thể thì hiện nay, chương trình mới quan trọng và là cái gốc – trên thế giới cũng như thế. SGK chỉ là tài liệu tham khảo.
“Từ trước đến nay, chúng ta chỉ có một bộ SGK do NXB Giáo dục ấn hành. Do đó, cuốn SGK bị “thổi” vai trò quá lớn nên “át” luôn chương trình, thi cử hoặc kiểm tra đánh giá cũng theo SGK nên giáo viên chỉ biết đến SGK.
Hiện, giáo viên đang được Bộ GD&ĐT tập huấn về chương trình. Tuy nhiên, tôi được biết, hiện tâm lý của giáo viên là chờ đợi tập huấn SGK, không chú ý đến tập huấn chương trình”, GS Thuyết cho hay.
Cũng theo vị Tổng chủ biên này, giáo viên dạy theo đúng SGK đã đạt “sàn” của chương trình mới. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu chỉ có thế thì rất khó đẩy chất lượng giáo dục lên.
“Vì vậy, tôi mong muốn các báo cáo viên đả thông tư tưởng của giáo viên phải năng động chứ không như trước đây nữa”, GS Thuyết đề xuất.
Video đang HOT
Hiện, giáo viên đang được Bộ GD&ĐT tập huấn về chương trình nhưng tâm lý chờ đợi tập huấn SGK. (Ảnh: Minh hoạ).
Tránh “chỉ đạo ngầm” trong lựa chọn SGK
Sở dĩ GS Thuyết nhấn mạnh việc “khách quan, công bằng” trong lựa chọn SGK bởi hiện có 5 bộ SGK. Vì thế, địa phương phải được giới thiệu kĩ về các bộ SGK, để nghiên cứu.
Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới cho rằng, Nghị quyết 88 giao quyền lựa chọn SGK cho các trường phổ thông là rất đúng và chính xác. Ở nước ngoài, quyền này được đưa đến từng giáo viên. Muốn làm được điều này, họ phải có thông tin, hạn chế cầm tay chỉ việc của các cơ quan quản lý giáo dục.
“Trước hết phải thay đổi quan điểm về SGK. Khi kiểm tra chuyên môn, các nhà quản lý cần đánh giá theo chương trình chứ không phải dò theo từng chữ trong SGK. Quan niệm ấy cổ lắm rồi, bởi giờ quản lý đầu ra chứ không phải đầu vào. Có những bài đáng ra dạy 3 tiết nhưng học sinh ở đó quá rành nên chỉ dạy một tiết và ngược lại”, GS Thuyết cho hay.
Việc giao các trường và giáo viên lựa chọn SGK là có lý, tôn trọng quyền dân chủ nhưng làm được việc này, theo GS Thuyết, các SGK phải đến tay giáo viên. Chẳng hạn, các Sở Giáo dục mua sách hoặc các NXB đưa chế bản SGK lên mạng nếu kinh phí quá eo hẹp.
Thứ hai, các Sở Giáo dục giới thiệu từng bộ sách, tổ chức hội thảo cho các nhà trường để phân tích và đánh giá các bộ SGK phù hợp với địa phương. Trên cơ sở đó, các trường sẽ có cách lựa chọn phù hợp.
Ngoài ra, các NXB phối hợp để sớm lên giá cho từng bộ sách, thấp nhất bao nhiêu, cao nhất bao nhiêu, tránh việc cạnh tranh kiểu “cá lớn nuốt cá bé”. Cần có chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp chỉ đạo ngầm, hoặc xử lý vận động hành lang khi lựa chọn sách.
Các NXB phối hợp để sớm lên giá cho từng bộ sách, thấp nhất bao nhiêu, cao nhất bao nhiêu, tránh việc cạnh tranh kiểu “cá lớn nuốt cá bé”.
Cực hiếm giáo viên ngoại ngữ
Để triển khai thành công chương trình phổ thông mới, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất rất quan trọng.
Mặc dù vài năm tới chúng ta mới dạy môn Ngoại ngữ bắt buộc nhưng khó khăn lớn nhất, hiện giáo viên ngoại ngữ cực hiếm.
Nguyên nhân không phải các đại học đào tạo thiếu mà theo GS Nguyễn Minh Thuyết, do lương của ngành giáo dục không hấp dẫn được người có ngoại ngữ.
“Người có tiếng Anh không thiếu việc nhưng thử nghĩ xem, họ vào trường để dạy lấy lương 3 triệu hay đi làm công ty du lịch lương mười mấy triệu?” – GS Thuyết băn khoăn.
Ngoài ra theo chuyên gia này, không chỉ giáo viên Ngoại ngữ mà giáo viên Tin học cũng sẽ khó khăn. Như vậy, làm thế nào để đủ biên chế giáo viên cho dạy 2 buổi/ngày?
Tỉ lệ học sinh trên lớp quá tải – nhất là trường điểm, sẽ rất khó cho việc dạy chương trình mới.
Sớm đổi mới thi cử
Và cuối cùng, theo GS Thuyết, để đảm bảo chương trình mới thành công, phải nghiên cứu đổi mới thi cử vì nếu thi cử như hiện nay, chương trình mới rất khó thành công.
Chương trình mới đòi hỏi học sinh thực hành, phải trải nghiệm thực tế. Do đó, cô trò phải khảo sát thực tế xem tình hình ô nhiễm ra sao, người ta giải quyết thế nào.
“Nhưng thi như hiện nay chỉ trên giấy, nghĩa là chỉ có thể kiểm tra kiến thức và kĩ năng làm bài tập của các em. Điều này khiến giáo viên chỉ tập trung dạy kiến thức kĩ năng giải bài tập để ứng phó với các đề thi lắt léo nên khó theo chương trình thực hành”, GS Thuyết lo ngại.
Mỹ Hà
Theo dantri
Tránh "lợi ích nhóm" trong việc lựa chọn sách giáo khoa
Theo Luật Giáo dục 2019 thì việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) cho chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ giao cho UBND cấp tỉnh quyết định thay vì các cơ sở giáo dục phổ thông như quy định trước đó.
Vậy làm thế nào để việc lựa chọn SGK đảm bảo khách quan, công bằng, hạn chế được thấp nhất tình trạng tiêu cực, "lợi ích nhóm" đã và đang tiếp tục là vấn đề được dư luận xã hội đặt ra.
Khác với một chương trình, một bộ sách như hiện nay, việc thực hiện một chương trình nhiều SGK được đánh giá là sẽ phát huy được sức mạnh trí tuệ của xã hội, của các nhà khoa học, các nhà giáo tâm huyết đầu tư cho SGK. Tuy nhiên, xung quanh việc chọn bộ SGK nào để dạy trong nhà trường, hiện đang có rất nhiều ý kiến trái chiều.
UBND các tỉnh sẽ được giao chủ trì lựa chọn SGK cho chương trình mới.
Có ý kiến lo ngại tiêu cực, "lợi ích nhóm" có thể xảy ra trong việc chọn sách cũng như việc áp từ cấp Sở xuống trường sẽ làm mất quyền của giáo viên bởi chỉ giáo viên mới biết loại SGK nào là phù hợp nhất. Nguyên lãnh đạo một trường Đại học Sư phạm bày tỏ lo ngại rằng, nếu thẩm quyền chọn sách được giao cho UBND lựa chọn cho toàn tỉnh rất có thể sẽ nảy sinh tình trạng chọn sách do quan hệ, do lợi ích cá nhân, không phù hợp với yêu cầu giáo dục.
"Về nguyên tắc, những cuốn sách đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt đều đạt yêu cầu và đều có thể sử dụng trong nhà trường phố thông. Khi thực hiện một chương trình, một bộ sách thì không có cạnh tranh nhưng khi thực hiện nhiều SGK thì sẽ có cạnh tranh mà đã cạnh tranh thì cũng dễ phát sinh tiêu cực.
Chẳng hạn, các NXB có tiềm lực về tài chính, quan hệ sẽ thuận lợi, chiếm ưu thế hơn trong chiến dịch quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình. Thậm chí, cũng có thể chiết khấu mạnh tay hơn để thu hút các đối tác...
Trong cuộc cạnh tranh này, nếu bộ SGK nào ít được sử dụng hơn thì nhóm tác giả, NXB đó cũng sẽ dễ thua lỗ và sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Câu chuyện độc quyền SGK lại tiếp tục tái diễn trong một hình thức mới" - vị này nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng nhận định, lựa chọn bộ SGK nào là việc rất quan trọng, không phải nhà trường nào cũng đủ khả năng thẩm định. Vì thế, giao UBND các tỉnh, thành phố lựa chọn là phương án phù hợp, đảm bảo an toàn trong bối cảnh hiện nay.
GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, nêu quan điểm: "Nếu để mỗi trường tự lựa chọn bộ SGK cho mình dựa trên ý kiến của giáo viên và phụ huynh học sinh, thoạt nhìn thì có vẻ sẽ rất dân chủ nhưng đặt tình huống SGK được chọn học một thời gian, phụ huynh học sinh kêu không phù hợp, yêu cầu nhà trường chọn lại sẽ thế nào? Đó là chưa kể, mỗi giáo viên sẽ có một ý kiến khác nhau, rất khó để thống nhất. Điều này sẽ rất dễ xảy ra tình trạng loạn, gây khó khăn trong quá trình thực hiện.
Vì thế, chủ trương để mỗi địa phương chọn sách phù hợp với mình sẽ hợp lý và an toàn hơn trong dạy học, chỉ đạo cũng như kiểm tra, đánh giá". Tuy vậy, GS Phạm Tất Dong cho rằng, để hạn chế tiêu cực và khả năng cạnh tranh không lành mạnh giữa các NXB, Bộ GD&ĐT phải đưa ra được các tiêu chí cụ thể, rõ ràng quy định việc chọn SGK.
Đặc biệt, trước khi đưa về tỉnh và các địa phương, các nhóm tác giả, NXB phải công khai toàn bộ sách để các Hội đồng chuyên môn do các địa phương thành lập và đông đảo giáo viên, học sinh có điều kiện tham khảo, tìm hiểu kỹ. Việc công khai các SGK đã được phê duyệt cũng là một cách để thể hiện sự minh bạch, tạo sự yên tâm hơn cho toàn xã hội.
Bên cạnh đó, trong Hội đồng chuyên môn do UBND các tỉnh thành lập để chọn sách phải quy đủ thành phần là các chuyên gia đầu ngành, các nhà sư phạm và thầy cô giáo có kinh nghiệm. Đơn cử như đối với SGK môn Toán hoặc Tiếng Việt, phải có ít nhất 2 người là các chuyên gia, GS đầu ngành trong lĩnh vực này; có các nhà sư phạm và các thầy cô giáo giỏi có kinh nghiệm... để việc lựa chọn đảm bảo chính xác, khách quan, công bằng và kín kẽ.
"Dù tất cả SGK đã được phê duyệt đều đảm bảo chất lượng và bám sát vào khung chương trình. Song trên thực tế, chất lượng giữa các cuốn SGK này chắc chắn sẽ không đồng đều, mỗi bộ sách sẽ có những điểm mạnh, yếu khác nhau. Do đó, mỗi địa phương lựa chọn bộ SGK nào cũng phải có sự cân nhắc các yếu tố phù hợp văn hóa, địa lý, lịch sử vùng miền" - GS Phạm Tất Dong chia sẻ.
Đồng quan điểm trên, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Việc giao UBND các tỉnh lựa chọn SGK trong bối cảnh hiện nay là phù hợp. Tuy nhiên, ông Khuyến cũng cho rằng, về lâu dài, cần nghiên cứu để tiến tới có thể giao việc lựa chọn SGK cho Hội đồng chuyên môn của các nhà trường thực hiện khi thấy đủ điều kiện.
Dưới góc độ khác, TS Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng: Về nguyên tắc, các địa phương phải thực hiện đúng Thông tư hướng dẫn chọn SGK và cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm giám sát quá trình tổ chức chọn sách, tập huấn sử dụng sách. Những vấn đề tiêu cực, nếu có bằng chứng rõ ràng sẽ phải xử lý theo quy định của pháp luật.
"Khi suy nghĩ SGK được xem như "pháp lệnh" chưa thay đổi thì việc chọn SGK trong bối cảnh "nhiều SGK" sẽ vẫn chịu những áp lực. Do đó, việc cần quan tâm làm trong lúc này là tuyên truyền về việc thay đổi bản chất trong sử dụng SGK. Khi việc này được hiểu đúng thì việc chọn SGK sẽ giảm bớt căng thẳng" - TS Phạm Tất Thắng nêu ý kiến.
Huyền Thanh
Theo cand
Kỳ vọng gì ở Chương trình giáo dục phổ thông mới? Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đang được khởi động và sẽ được áp dụng bắt đầu từ năm học tới. Vấn đề đặt ra ở đây là, đội ngũ giáo viên làm sao phải đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Nói cách khác, ở chương trình GDPT mới, bản thân giáo viên là tác nhân giữ vai trò quyết...