GS. Nguyễn Minh Thuyết: Cách đánh vần mới chưa phù hợp với học sinh lớp 1
Trước cách đánh vần K, C, Qu đưa hết về chữ Cờ, chữ Uôn thêm Ua – nờ- uôn… GS. Nguyễn Minh Thuyết cho biết, cách đánh vần này không nằm trong chương trình đổi mới giáo dục tổng thể của Bộ Giáo dục do Giáo sư Thuyết làm tổng chủ biên.
GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, cách đánh vần đang gây xôn xao và hoang mang cho các phụ huynh thực ra đã được dạy ở các trường tiểu học từ nhiều năm nay và nó không nằm trong chương trình đổi mới giáo dục phổ thông tổng thể dự kiến bắt đầu từ năm học 2019.
Đây là tài liệu thí điểm của Trung tâm Công nghệ giáo dục, chính vì thế phụ huynh nên yên tâm.
Về cách dạy, GS. Thuyết chia sẻ vì ông không theo sát lắm nhưng chỉ qua dư luận cũng như chia sẻ của các bậc phụ huynh thì ông cũng được biết.
Theo GS. Thuyết cách đánh vần này có vẻ mới mẻ lạ lẫm nhưng trong ngôn ngữ học thì nó đúng chứ không sai, nó chỉ khác với cách học cũ nên các phụ huynh thấy hoang mang và cho rằng “lạ”.
Cách đánh vần theo ngôn ngữ K, C, Qu cả ba chữ này đều thể hiện âm Cờ, nên đều đánh vần là Cờ. Ki đánh vần Cờ – i – ki, theo đúng ngữ âm học.
Tuy nhiên, theo GS. Nguyễn Minh Thuyết cách dạy này đưa nhiều ký hiệu ngữ âm quá không hợp lý ở góc độ học sinh tiểu học, mục tiêu dạy các em biết đọc, biết viết tiếng Việt là chính nên đưa cách đánh vần này vào cũng không hiệu quả vì các em còn quá nhỏ.
Trong sách giáo khoa hiện hành thì có cách dạy đơn giản hơn còn đánh vần như thế này thì phức tạp hơn. Ví dụ Uôn đánh vần Ua – nờ -uôn, đánh vần như thế nàu Ua thể hiện âm đôi. Hay chữ Yên đánh vần Ua – nờ – yên thêm chữ a vào cũng không đúng vì chỉ cần đánh vần y – ê là được không cần a.
GS. Nguyễn Minh Thuyết cho biết sách tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lớp 1 chỉ là tài liệu thực nghiệm khoa học, được phép dạy trong một số trường tiểu học. Do được chỉ đạo ghép với mô hình trường học mới (VNEN), nhiều tỉnh thành muốn áp dụng VNEN đã tiếp nhận sách này, đưa vào một số trường tiểu học ở địa phương mình.
Một giáo viên dạy lớp 1 ở Hà Đông, Hà Nội chia sẻ cách dạy này chị đã được tập huấn từ 3 năm trước và việc đánh vần này lúc đầu chị cũng thấy lạ nhưng đi tập huấn và đánh vần quen nên chị thấy việc đánh vần này mới nghe có vẻ khó, phức tạp nhưng khi dạy các con cũng tiếp thu nhanh.
Sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lớp 1 được xem như tài liệu cụ thể hóa những nghiên cứu khoa học của GS. Hồ Ngọc Đại. Sách được nguyên Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho phép đưa vào thực nghiệm ở một số trường tiểu học, xem như hình thức khuyến khích nghiên cứu khoa học.
Theo infonet.vn
Bộ Giáo dục đã chấp nhận cách đánh vần "lạ" cho học sinh lớp 1
Đại diện Bộ GD-ĐT cho hay cách đánh vần mà nhiều phụ huynh cho là "lạ" so với trước đây được học là theo chương trình Công nghệ giáo dục theo hướng ngữ âm học và thực tế đã được tổ chức, triển khai dạy học nhiều năm nay, chứ không phải năm nay mới có.
Như VietNamNet đưa tin, mới đây một đoạn clip ghi lại cảnh cô giáo hướng dẫn phụ huynh cách dạy con lớp 1 đánh vần đang hút sự quan tâm của nhiều người với những tranh luận trái chiều vì cho rằng khó hiểu.
Trong đoạn clip được phụ huynh ghi lại, cô giáo hướng dẫn phụ huynh cách đánh vần từng âm tiết trong từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, cách đánh vần này vẫn khiến các bậc phụ huynh thấy "ngờ ngợ" và có vẻ khác thường.
Đoạn clip sau khi được đăng tải ít giờ đã thu hút hàng trăm nghìn lượt xem, chia sẻ và bình luận trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng cách đánh vần này không giống với cách đánh vần thông thường mà trước đây các phụ huynh từng được học.
Nhiều người đã hướng sự chỉ trích về cách dạy học của cô giáo trong đoạn clip.
Để làm rõ vấn đề này, VietNamNet đã liên hệ tới ông Nguyễn Đức Hữu, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT).
Trao đổi với VietNamNet, ông Hữu cho hay, "cái lạ này" xảy đến bởi các phụ huynh trước đây quen với cách đánh vần như chương trình đại trà hiện hành. Nhưng tài liệu Tiếng Việt 1 theo chương trình Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại thì đi theo hướng ngữ âm học và bao nhiêu năm nay đã tổ chức, triển khai dạy học như thế rồi chứ không phải năm nay mới có, thực chất không phải cái gì đó mới hay phát hiện mới lạ. Có thể với những phụ huynh thấy lạ tai nên câu chuyện mới xôn xao như vậy, chứ những năm trước đây những trường, địa phương theo chương trình này đã dạy học như vậy mà không có vấn đề gì"
Cô giáo trong đoạn clip hướng dẫn phụ huynh để có thể hỗ trợ con khi ở nhà. "Thế nhưng dạy theo chương trình Công nghệ Giáo dục thì cách đánh vần và phát âm khác với chương trình đại trà hiện hành nên khiến nhiều phụ huynh xôn xao".
Theo ông Hữu, thực tế có nhiều giáo viên, phụ huynh học sinh sau khi tiếp cận chương trình này cũng đánh giá là bình thường, không vấn đề gì.
"Chương trình Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại nghiêng về ngữ âm học cho nên người ta dạy theo hướng đó và Hội đồng thẩm định quốc gia của Bộ GD-ĐT đã thẩm định là không sai khi đưa ra một cách tiếp cận mới, nhưng khác hay như các phụ huynh nói là "lạ" với cách của chương trình đại trà hiện hành", ông Hữu giải thích.
Bộ GD-ĐT đã thẩm định và cũng chấp nhận phương pháp của GS Hồ Ngọc Đại, bởi dạy cho học sinh luật chính tả, tiếp cận theo hướng ngữ âm học.
"Hội đồng thẩm định quốc gia đã thẩm định và chấp nhận cho phép địa phương nào muốn thì tổ chức dạy học theo tài liệu của chương trình này. Bộ cũng không xác minh đây là trường học nào hay cô giáo nào bởi họ dạy theo yêu cầu của tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục", ông Hữu nói.
Thanh Hùng
Clip: Lê Cheryl
Theo vietnamnet.vn
Thẩm định chương trình, viết sách giáo khoa: Còn nhiều việc để lo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đang bước vào giai đoạn thẩm định để ban hành nhưng lại có những thông tin về việc một số thành viên soạn thảo chương trình đang tham gia viết sách giáo khoa (SGK). Một tiết học của học sinh lớp 1/2 Trường tiểu học Kỳ Đồng Q.3, TP.HCM. Chương trình SGK GDPT mới sẽ...