GS Ngô Bảo Châu: “Học cũng như đi bộ”
GS Ngô Bảo Châu đã giao lưu với học trò yêu toán cùng nhiều thầy cô giáo dạy toán trường THCS Trưng Vương, Hà Nội.
Sau khi dự lễ khai giảng năm học mới ở trường THCS Trưng Vương, Hà Nội với tư cách là học sinh cũ, GS Ngô Bảo Châu đã giao lưu với học trò yêu toán cùng nhiều thầy cô giáo dạy toán thuộc nhiều thế hệ của trường. Trả lời một học sinh lớp 6H2 về việc làm sao học giỏi toán được như Ngô Bảo Châu, GS Châu so sánh chuyện học cũng giống như đi bộ.
Không nên bước vội
Một người muốn đi bộ giỏi thì phải đi từ từ, theo đúng trình tự chân trái đặt lên trước chân phải, chân phải đặt lên trước chân trái. Đi bộ mà bước vội thì sẽ rất chóng mệt. Việc học cũng vậy, không được vội, không nên sốt ruột quá mà học trước chương trình, biến việc học thành cuộc chạy đua…
“Học là để cho mình, để hiểu thấu đáo ngay cả những gì đơn giản nhất. Có nhiều khi chúng ta ham chạy theo giải những bài toán khó, mẹo mực mà không còn thời gian để ngẫm nghĩ cho hết, cho thấu đáo những bài toán đơn giản. Đây có lẽ là điều lớn nhất tôi đã học được ở thầy Tôn Thân khi tôi còn là học sinh trường Trưng Vương. Thoạt tiên tôi cảm thấy thất vọng vì thấy thầy ra bài nào cũng dễ quá. Nhưng sau đó tôi thấy cách thầy giảng rất hiệu quả. Thầy lật lại bài toán, đưa ra những cách giải khác nhau, phân tích thấu đáo logic của bài toán…”, GS Châu chia sẻ.
GS. Ngô Bảo Châu về trường THCS Trưng Vương dự khai giảng
Thầy Tôn Thân mở rộng vấn đề: “Theo thầy, muốn đi bộ tốt trước hết người ta phải có đủ hai chân. Nghĩa là muốn học tốt thì các trò phải học giỏi toàn diện, đủ cả văn và toán, phải trau dồi không những trí tuệ logic mà còn cả trí tuệ xúc cảm, trí tuệ, tâm hồn, đạo đức phải phát triển song hành”.
GS Châu tâm sự, những nhà khoa học đích thực làm việc không phải để phấn đấu đạt một giải thưởng gì đó. Động cơ lớn nhất để các nhà khoa học làm việc chính là tình yêu khoa học, khát khao khám phá những bí ẩn của thiên nhiên cũng như của toán học. Điều này nghe có vẻ trừu tượng nhưng thật sự lại là sức mạnh giúp các nhà khoa học vượt qua mọi thử thách trong cuộc sống. “Việc tôi thi trượt vào lớp 6 chuyên toán Trưng Vương cũng là một thử thách và tôi đã vượt qua. Khi ta lớn lên thì thử thách cũng lớn hơn. Nhưng sức mạnh lớn nhất của mỗi con người chính là tình yêu trong sáng của mình với những giá trị nhân bản, trong đó có tình yêu cuộc sống, tình yêu tri thức, tình yêu đồng loại”, GS Châu nói.
Video đang HOT
Trả lời câu hỏi toán bằng thơ
Nguyễn Minh Hoàng, học sinh lớp 6H1 đưa ra một câu hỏi khiến NGND Vũ Hữu Bình nhận xét “trong số các thầy cô ngồi đây chỉ có GS Ngô Bảo Châu mới trả lời được”: “Tại sao 1 1 = 2?”.
Theo thầy Bình, 1 1 = 2 tưởng như là điều hiển nhiên nhưng để chứng minh được nó đòi hỏi người học phải được trang bị những kiến thức toán học mang tính hàn lâm. Các tác giả sách giáo khoa toán phổ thông chương trình cải cách trước đây cũng đã từng đưa vào những vấn đề toán học của đại học với hy vọng sẽ làm cho học sinh có tư duy toán học hết sức chặt chẽ.
Học sinh trường THCS Trưng Vương
“Ban đầu người ta tưởng như thế là tốt cho thế hệ trẻ, nhưng về sau họ thấy không thể dạy tất cả những gì về toán cho học sinh phổ thông”, thầy Bình nói. Thầy Bình cũng khuyên các em học sinh không nên chọn những bài toán quá hóc búa để giải vì sẽ dễ làm người học nản lòng mà nên chọn những bài khó vừa phải để trong quá trình làm còn thấy hứng thú.
Tuy nhiên, GS Ngô Bảo Châu cũng không trả lời câu hỏi của Hoàng. Theo GS Châu, những câu hỏi kiểu như tại sao 1 1 = 2, 1 2 = 3, 1 3 = 4 … mang tính triết học cao. 1, 2, 3, 4… là dãy số tự nhiên và cũng là cơ sở cho phép quy nạp toán học. “Trình bày vấn đề này rất dài dòng và nặng nề nên tôi xin được đánh tháo bằng một bài thơ: Logic bần đạo không rành. Cháo chay quy nạp lại thành cháo khê. Xơi vào lại hóa cháo mê. Quy đi nạp lại biết về nơi nao? Bài thơ này tôi viết lên blog nhân có một bạn hỏi làm sao giải thích thuyết quy nạp cho ai cũng hiểu”.
Theo tiền phong
Học Lịch sử bằng phương pháp thực nghiệm
Một phương pháp học Lịch sử mới giúp cho học sinh dễ hiểu và biết phát huy gìn giữ di sản đã được Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ tổ chức ngay tại Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá).
Chương trình học tập, sinh hoạt Lịch sử cho đối tượng là học sinh phổ thông có chủ đề "Thành nhà Hồ - Nơi kết nối các giá trị văn hoá Việt".
Bắt đầu buổi học thực nghiệm, các em học sinh được đi thăm quan di sản thế giới Thành nhà Hồ.
Thông qua hình thức thăm quan thực tế, chiêm ngưỡng những hình ảnh lịch sử sống động và đặc biệt là phần thi trải nghiệm ngay giữa lòng di sản, các em học sinh được tiếp nhận kiến thức Lịch sử một cách đầy đủ, toàn diện, chân thực và lý thú nhất.
Đối tượng tham gia chương trình này là các em học sinh trường THPT trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá. Mục đích chương trình nhằm góp phần giới thiệu, quảng bá giá trị di tích lịch sử Thành nhà Hồ nói riêng, các giá trị văn hoá Việt Nam nói chung tới thế hệ trẻ.
Trong buổi học tập dưới hình thức dã ngoại, các em học sinh được các hướng dẫn viên dẫn đi thăm quan Thành nhà Hồ, phòng trưng bày hiện vật Lịch sử. Sau khi trải nghiệm thực tế, học sinh tiếp tục được tham gia một phần thi sôi nổi ngay trong lòng Di sản thế giới. Chương trình này được mô phỏng theo Game show - Đường lên đỉnh Olympia nhằm kiểm tra lại những kiến thức mà các em vừa lĩnh hội được.
Thăm phòng trưng bày hiện vật liên quan đến lịch sử Thành nhà Hồ và Vương triều Hồ.
Phần thi theo các chủ đề như: đoán ý đồng đội, nhận diện Lịch sử, trò chơi ô chữ... với những câu hỏi liên quan đến Thành nhà Hồ và vương triều Hồ, giúp học sinh có hệ thống kiến thức xuyên suốt, và toàn diện về lịch sử Thành nhà Hồ.
Em Lê Thị Phương, lớp 10C2, Trường THPT Lưu Đình Chất (huyện Hoằng Hoá) chia sẻ: "Từ trước đến nay, em chỉ học Lịch sử qua sách vở và thuyết trình chay trên lớp nên rất khô và khó nạp. Hôm nay được thăm quan, nhìn ngắm trực tiếp di sản khiến cho không khí buổi học rất lý thú, sinh động. Em chưa từng được tham gia một buổi học Lịch sử nào lý thú và bổ ích như vậy".
Mong muốn có nhiều hơn những buổi học thực nghiệm dưới dạng sinh hoạt dã ngoại, đó là tâm sự chung của hầu hết các học sinh tham gia chương trình này.
Sau khi trải nghiệm thực tế, HS chia thành các nhóm tham gia phần thi mô phỏng theo Game show - Đường lên đỉnh Olympia.
Ông Nguyễn Xuân Toán, Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ nhấn mạnh: "Thành nhà Hồ vừa được công nhận là di sản văn hóa thế giới, đó là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam. Để bảo vệ, giữ vững danh hiệu là một việc thiết yếu. Trong bối cảnh phương pháp dạy và học Lịch sử trong các nhà trường phổ thông đang bộc lộ nhiều hạn chế khi kiến thức mà giáo viên truyền thụ có phần khô cứng, sách vở thì mô hình dạy học thực nghiệm cần được quan tâm và nhân rộng".
"Hoạt động học tập bằng hình ảnh trực quan sẽ giúp các bạn học sinh trở thành những tuyên truyền viên tích cực để quảng bá hình ảnh Thành nhà Hồ đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Đồng thời thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản xứng tầm là di sản văn hoá chung của cả nhân loại. Để Thành nhà Hồ trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn và địa chỉ giáo dục truyền thống Lịch sử cho cả nước, cần có sự tham gia của tất cả mọi người, nhất là các bạn trẻ", ông Toán cho biết thêm.
Nguyễn Thùy
Theo dân trí
2010: năm của nhiều giải thưởng quốc tế đáng nhớ Liên quan đến lĩnh vực giáo dục, trong năm 2010 chúng ta đã dành được một số giải thưởng mang tầm quốc tế đáng nhớ. Cùng Dân trí điểm lại một số giải thưởng làm nức lòng những người quan tâm. GS Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng Fields Ngày 19/8/2010, hàng triệu trái tim người Việt Nam như vỡ òa khi tên...