GS Ngô Bảo Châu: ‘Đích của cuộc sống phải đủ cao quý’
20 năm xa quê hương, GS Ngô Bảo Châu nhớ nhất bữa cơm tất niên và tiếng pháo đêm giao thừa. Trong dịp về Việt Nam đón Tết, anh đã chia sẻ với VnExpress về những trăn trở và dự định của mình trong năm mới.
- Ra nước ngoài học rồi ở lại làm việc nhiều năm, điều gì khiến giáo sư nhớ nhất trong cái Tết cổ truyền của Việt Nam?
- Tôi đã không ở trong nước 20 năm và đây là lần thứ ba trong thời gian xa quê tôi được đón Tết Nguyên đán cùng gia đình. Tôi nhớ nhất tiếng pháo giao thừa. Vào tối 30 Tết, sau khi ăn bữa cơm tất niên, cả gia đình ngồi quây quần trò chuyện hoặc xem tivi. Tôi nhớ nhiều năm tôi cùng bố mẹ ngồi xem bác Vũ Quần Phương bình thơ trên tivi, háo hức chờ đến giờ phút giao thừa để thắp hương cho ông bà và được đốt pháo.
Cái cảm giác chờ đợi ấy rất đặc biệt, đó là sự trông ngóng đến thời điểm quan trọng. Để rồi khi đồng hồ điểm 12h, chính tay mình được đốt pháo, tiễn biệt tất cả những gì của năm cũ, đón năm mới sang. Giờ phút tiếng pháo rộ lên cũng là cái mốc đánh dấu sự chấm dứt của năm cũ. Và sáng mùng 1 Tết tỉnh dậy, hương pháo vẫn còn quanh quẩn trong nhà, xác pháo hồng trải khắp mặt sân, tôi có cảm giác mê lòng, niềm vui khó tả.
Bây giờ không còn pháo, người ta khó để phân biệt đâu là thời điểm chuyển năm, và chúng ta cũng không biết phải chờ đợi gì đêm giao thừa nữa.
- Trong một năm qua, điều gì đáng nhớ và đáng quên đối với anh?
- Điều đáng nhớ nhất đối với tôi là buổi lễ khai trương của Viện nghiên cứu cao cấp về toán hôm 18/1. Theo chủ quan của tôi đó là dấu ấn trong lịch sử rất non trẻ của Toán học Việt Nam.
Còn đáng quên thì nhiều thứ lắm.
- Năm đầu tiên đảm nhận nhiệm vụ giám đốc khoa học của Viện Toán cao cấp, anh thấy sự khác nhau giữa hoài bão của anh và thực tế như thế nào?
- Cũng không có nhiều cái bất ngờ bởi mọi khó khăn, trở ngại cá nhân tôi, anh Lê Tuấn Hoa và những người tham gia chương trình đều dự đoán được từ trước. Giữa hoài bão của tôi, những cái đáng ra toán học Việt Nam đạt được so với thực tế là một khoảng cách tương đối lớn. Theo tôi, việc Viện toán ra đời sẽ đóng vai trò để thu hẹp khoảng cách đó.
Việc xây dựng và hoạt động của Viện toán có rất nhiều thuận lợi. Ý tưởng xây dựng Viện nghiên cứu Toán cao cấp không phải là mới. Trước đây thầy Hoàng Tụy và cựu Viện trưởng Viện nghiên cứu của Mỹ đã có dự án tương tự. Họ gặp Thủ tướng Phan Văn Khải trình bày, được Thủ tướng ủng hộ nhưng chưa thể thành lập vì nhiều lý do. Và lần này, Viện Toán cao cấp ra đời là sự mong chờ của các nhà Toán học, của Chính phủ và sự ủng hộ của công luận.
Video đang HOT
Khi Viện hình thành, để cho nó hoạt động tốt thì yếu tố quan trọng nhất là sự tham gia tích cực của các nhà khoa học Việt Nam, từ đó ý tưởng thành hiện hữu, từ hiện hữu thành những hoạt động thực chất về khoa học.
Giáo sư Ngô Bảo Châu tâm sự về Tết ở Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà.
- Sau hiện tượng “Ngô Bảo Châu”, năm vừa qua Toán học Việt Nam lại đì đẹt với kết quả thấp nhất trong lịch sử 35 năm tham dự kỳ thi Olympic. Anh suy nghĩ gì về điều này?
- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả thi Olympic Toán thấp, nhưng theo tôi nguyên nhân lớn nhất là chúng ta bỏ chuyên toán cấp 1-2. Một số ý kiến ngây thơ cho rằng học sinh chuyên toán học lệch. Đó là suy nghĩ phiến diện và không đúng với thực tế. Từ ý kiến đó người ta quyết định bỏ chuyên toán cấp 1-2.
Đó là điều rất dở vì thi toán quốc tế là đỉnh của phong trào thi đua, cái lợi thực chất cho tương lai của đất nước không chỉ ở đỉnh mà là cả phần cơ sở của hệ thống chuyên toán. Nghĩa là muốn có học sinh chuyên ở cả nước phải có từng quận, huyện; muốn có học sinh chuyên cấp 3 phải có chuyên các lớp dưới. Chính phong trào đó mới đem lại rất nhiều giá trị đặc biệt cho khoa học và xã hội.
Khi người ta bỏ phần nền tảng mà chỉ giữ lại phần ngọn (chuyên toán cấp 3), ngay lập tức chúng ta chưa nhìn thấy rõ ảnh hưởng. Sau 5-6 năm thì các trường chuyên như Amsterdam, chuyên tự nhiên không còn tìm được học sinh giỏi để tuyển nữa. Lúc đó mới ảnh hưởng đến thi toán quốc tế.
Tuy nhiên, tôi thấy điều đáng lo ngại hơn kết quả thi quốc tế Toán là điểm đầu vào của khoa toán ở các trường đại học lớn. Điểm đầu vào rất thấp chứng tỏ sự quan tâm của xã hội, nhất là của giới trẻ đối với khoa học cơ bản nói chung, toán học nói riêng ngày càng thấp đi.
- Phát biểu trong lễ tuyên dương tổ chức tại Mỹ Đình một năm trước, anh nói “tinh thần yêu thương đoàn kết trong cộng đồng toán học Việt Nam là cái rất hiếm hoi và đáng quý”. Sau thời gian làm việc ở trong nước, anh có thể chia sẻ nhiều hơn về điều “đáng quý” này?
- Nếu không có tinh thần đoàn kết và yêu thương trong cộng đồng toán học thì việc xây dựng Viện Toán cao cấp là không khả thi. Khi có ý tưởng đã được cộng đồng ủng hộ, không ai ganh tỵ, cân đo xem ông Ngô Bảo Châu có được ưu tiên hơn với người khác không. Và dù chưa biết kết quả thế nào nhưng mọi người đều có lòng tin. Một cái may của cộng đồng toán học là có sự tin tưởng lẫn nhau.
Tôi nghĩ ở cộng đồng ngành khoa học khác, một phần chưa có thành tích vang dội như toán học, phần khác là sự ủng hộ, niềm tin lẫn nhau, không khí khoa học chưa được đoàn kết và trong sáng như trong toán học.
- Trong cuộc chia sẻ quan điểm với anh Hoàng Tô (Chủ tịch HĐQT công ty Tinh Vân), anh có nói: “Có một con đường bổ đề cơ bản đã đi qua. Một con đường cuộc sống vẫn đang đi tiếp và hy vọng nó không đến đích quá sớm”. Xin hỏi, cái đích mà anh muốn hướng tới là gì?
- Đích của cuộc đời hiển nhiên không ai muốn đến quá sớm. Trong cuộc sống có những cái đích khác nhau, chúng ta cần có nó để sắp xếp cuộc sống một cách hợp lý, nếu không cuộc sống sẽ trở thành hỗn loạn. Đương nhiên cái đích phải đủ cao quý mới trở thành cứu cánh cho mình.
Đối với tôi cho đến năm 2010, phần lớn thời gian, năng lượng dành cho nghiên cứu toán học, đặc biệt là bổ đề cơ bản. Bây giờ là một giai đoạn khác, tôi vẫn còn những chương trình thuần túy về toán học và vẫn có một vài mục đích khác. Chẳng hạn như tôi muốn đào tạo được nhiều học trò hơn, cùng với Viện toán tiếp thêm năng lượng, sức sống mới cho Toán học Việt Nam. Đó là những mục đích đủ cao quý để sắp xếp cuộc sống của mình. Ngoài ra còn có những cái đích cá nhân như lo chuyện học hành cho con.
- Năm vừa qua, vấn đề được nhắc đến nhiều nhất là giao thông với tình trạng ùn tắc, tai nạn. Nếu coi ùn tắc giao thông ở Việt Nam hiện nay là một bài toán khó thì lời giải của anh là gì?
- Lời giải rất hiển nhiên, đáng lẽ phải thực hiện từ cách đây 5-10 năm nhưng giờ mới được chuẩn bị như phát triển giao thông công cộng, tàu chạy trên đệm từ trường (monorail).
Rõ ràng cách duy nhất để cải thiện giao thông đô thị là có nhiều giao thông công cộng hơn. Ở Việt Nam nói đến phương tiện công cộng là nói đến xe buýt nhưng đó không phải là phương tiện tối ưu vì nhiều khi nó còn làm tắc đường hơn. Có những cách khác mà nước ngoài đã sử dụng, có thể đầu tư ban đầu lớn nhưng đạt hiệu quả lâu dài.
Giải pháp hiện tại để chống tắc là cấm taxi hoạt động trong giờ cao điểm, điều này thể hiện sự phân biệt đối xử và không hiệu quả. Tại sao taxi không được đi mà ôtô lại được đi? Như vậy có phải là có tiền, có ôtô thì được tham gia giao thông, còn không có tiền, phải đi taxi không?
Trong tất cả nước tôi đến họ đều ưu tiên cho phương tiện công cộng như xe buýt, taxi, không có nước nào ưu tiên xe ôtô, xe cá nhân cả.
Theo VNE
Bối rối với tan trường lúc 19g
Chiều 31-1, nhiều phụ huynh và cả giáo viên ở Hà Nội vẫn chưa biết tường tận về việc đổi giờ học, hoặc còn quá nhiều băn khoăn về việc thay đổi này.
Ông Nguyễn Hiệp Thống, phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, khẳng định đa số phòng GD-ĐT và các trường đã có phương án bố trí thời khóa biểu phù hợp, có giải pháp khắc phục khó khăn.
Phương án đó phải phổ biến cho toàn bộ giáo viên, học sinh và thông báo cho phụ huynh. Theo ông Thống, nếu giáo viên, học sinh nào đến giờ không rõ về việc đổi giờ học thì trách nhiệm thuộc về các hiệu trưởng, trưởng phòng GD-ĐT.
Bà Bùi Thị Vân Anh - trưởng Phòng GD-ĐT Cầu Giấy - cho biết đối với bậc mầm non, tiểu học, THCS bất cập chỉ nằm ở hai vấn đề. Thứ nhất là thời gian nghỉ trưa của học sinh quá ngắn và phát sinh việc làm ngoài giờ của giáo viên để đáp ứng nhu cầu phụ huynh.
Do 100% học sinh trên địa bàn Q.Cầu Giấy đều học hai buổi/ngày tại trường nên phòng đã thống nhất phương án lùi giờ của ca học chiều khoảng 30 phút. Như vậy học sinh tan học ca sáng lúc 11g30 thì bắt đầu học ca chiều lúc 14g30. Do chiều chỉ là buổi học phụ nên dù lùi 30 phút, học sinh vẫn không bị về quá trễ. Tuy nhiên, bà Vân Anh cho biết phương án này chỉ thực hiện được khi học sinh học hai buổi/ngày.
Theo quy định, các trường mầm non, tiểu học vẫn phải đón học sinh sớm hơn 30 phút và trả muộn hơn 30 phút so với quy định giờ học, do phần đông học sinh hai bậc học này được cha mẹ đưa đến trường và phải đi học về nhà phù hợp với giờ làm việc của cha mẹ. Để thực hiện việc này, cán bộ, giáo viên sẽ phải làm thêm giờ. Bà Vân Anh bày tỏ băn khoăn: "Chúng tôi không hiểu tiền trả cho giáo viên làm thêm giờ lấy ở đâu ra. Theo Luật lao động, cán bộ công nhân viên chức nhà nước nếu làm thêm cũng không được quá 200 giờ/năm. Bây giờ, để thực hiện "đổi giờ học" sẽ có nhiều người phải tăng số lượng giờ làm thêm ngoài quy định".
Bà Vân Anh cho biết quy định học sinh tiểu học tan học lúc 17g30, nhưng theo chương trình học hiện nay có những buổi học sinh tan học từ 16g30. "Chúng tôi không thể giữ trẻ ở trường đúng giờ mới cho ra được, những phụ huynh đón sớm chúng tôi vẫn phải trả học sinh".
Bất cập nhất và cũng gây bức xúc nhất là việc học sinh THPT phải tan học lúc 19g. Chị Hằng, ở khu tập thể Trung Tự (Hà Nội) đang có con học Trường THPT Kim Liên, cho biết thời tiết mùa đông ở miền Bắc chỉ 17g đã tối, trong khi các cháu phải học đến 19g. "Lớp của con tôi có hơn 50 học sinh nhưng có đến 46 cháu bị cận thị. Tôi lo ngại với tình trạng thiếu sáng phòng học trong khi phải học quá muộn, sẽ còn nhiều cháu mới bị cận thị, nhiều cháu bị tăng độ".
Phụ huynh đón học sinh tan học ở Trường tiểu học Thịnh Hào, Q.Đống Đa, Hà Nội.
Một số phụ huynh có con học lớp 10 Trường THPT Lê Quý Đôn bức xúc không biết việc đổi giờ giải quyết việc ùn tắc giao thông đến đâu nhưng khiến nhiều gia đình bị xáo trộn lớn. Các cháu còn nhỏ, phần đông đi xe đạp đến trường, nếu giờ tan học lúc 19g họ không thể cho con đi xe đạp, vì giao thông thời điểm đó rất nguy hiểm. Mà không đi xe đạp, có nghĩa bố mẹ phải đưa đón. Thay vì về nhà lúc 17g-18g, nhiều phụ huynh phải chờ đón con lúc 19g.
Ở một số trường THPT, để tránh học chéo ca đối với một lớp, đảm bảo đến trường lúc 14g, tan học lúc 19g, nhà trường phải bố trí lại thời khóa biểu theo hướng tăng số tiết/buổi. Theo giáo viên một trường THPT thuộc Q.Đống Đa, tất cả các buổi học/tuần của học sinh phải học sáu tiết/buổi. Như vậy học sinh sẽ bị quá tải, chưa kể trở về nhà, ăn cơm tối xong là 20g-21g, học sinh không còn đủ sức ngồi vào bàn học nữa.
Bà Bùi Thị Minh Nga, phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, băn khoăn nhiều cô giáo phải dạy học đến 19g trong khi con nhỏ lại tan học lúc 17g, chưa biết phải xoay xở thế nào.
Xe buýt, cảnh sát giao thông làm việc sớm hơn Sở GTVT Hà Nội cho biết để đảm bảo giao thông theo quyết định điều chỉnh giờ học, giờ làm của UBND TP Hà Nội, các lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông sẽ phải tham gia điều tiết giao thông từ 6g (sớm hơn 30 phút). Thời gian hoạt động phục vụ giờ cao điểm của hệ thống xe buýt sẽ kéo dài hơn 60 phút so với hiện nay để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Cụ thể, giờ cao điểm sáng bắt đầu từ 6g-9g, cao điểm chiều từ 16g30-19g30. Ngoài ra, trên những tuyến có nhiều trường ĐH, lượng phương tiện cá nhân cao như Nguyễn Trãi, Cầu Giấy, Xuân Thủy... sẽ tăng tần suất xe buýt trong giờ cao điểm từ 10 phút/lượt hiện nay lên 7-8 phút/lượt... nhằm đáp ứng nhu cầu của hành khách. Sở GTVT điều chỉnh giờ chạy và tăng chuyến của sáu tuyến buýt nhanh từ 86 chuyến/ngày hiện nay lên 123 chuyến/ngày. Ông Nguyễn Quốc Hùng, giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết cơ quan này đang nghiên cứu tổ chức thêm sáu tuyến buýt nhanh khác với tổng số 97 chuyến/ngày nhằm đáp ứng hiệu quả việc đổi giờ. * Theo ông Nguyễn Xuân Tân - phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cũng từ ngày 1-2 các loại xe máy, xe thô sơ không được phép lưu thông trên đường Pháp Vân - Cầu Giẽ theo quyết định của Bộ GTVT nhằm tăng năng lực lưu thông cho ôtô trên tuyến đường có mật độ phương tiện đông đúc và cũng để chuẩn bị việc nâng cấp tuyến đường quan trọng ở cửa ngõ thủ đô này. TUẤN PHÙNG
Theo TTO
Nghề dễ tìm việc làm. Xa hôi đang co nhiêu thay đôi theo sư phat triên cua khoa hoc, công nghê, theo đo nhiêu nganh, nghê mơi ra đơi đê đap ưng sư thay đôi đo. Đăc biêt la linh vưc viên thông, phat triên rât nhanh, keo theo sư ra đơi môt loat nghê mơi. Trong số đó, nghê Sưa chưa điên thoai di đông (ĐTDĐ) la...