GS Ngô Bảo Châu: ‘Chúng ta có một lớp kế cận tài năng’
4 huy chương vàng, một huy chương bạc, xếp thứ ba toàn đoàn, đây là thành tích cao nhất sau 43 năm Việt Nam tham gia Olympic Toán quốc tế.
PV đã có cuộc trao đổi cùng GS Ngô Bảo Châu về nền Toán học Việt Nam hiện nay nhân dịp GS về nước làm việc trong mùa hè năm nay.
- Thưa GS Ngô Bảo Châu, trong một cuộc hội ngộ gần đây của các nhà Toán học Việt Nam, một GS cho rằng Toán học của chúng ta đang yếu trầm trọng về mọi mặt. Ông nghĩ sao?
– Tôi cho rằng bối cảnh của Việt Nam hiện nay rất khác cách đây 10 năm. Còn nhớ năm 2003, khi tôi cùng một GS người Pháp hợp tác đào tạo Toán giữa Việt Nam với Pháp, tình hình ngày đó là không chừng Toán học Việt Nam sẽ biến mất, không có đội ngũ kế cận, không có ai đi học toán.
Nhưng sau đó, tình hình đã thay đổi rất nhiều. Chúng ta có một lớp kế cận tài năng. Nếu tính về con số thì có thể thấy Toán học Việt Nam cao hơn nhiều so với những nước có nền giáo dục đại học (ĐH) phát triển hơn Việt Nam như Singapore về các bài báo quốc tế.
Liệu có đúng toán học Việt Nam yếu trầm trọng không? Tôi không nghĩ đến mức bi quan như thế. Vì dù sao Việt Nam cũng là nước nhỏ về mặt khoa học. Toán học Việt Nam phản ánh vị thế của ĐH Việt Nam trên thế giới, nhưng thậm chí còn đứng cao hơn nhiều so với vị thế ĐH.
Tôi nói chuyện với các nhà khoa học trên thế giới, nói đến Toán học, họ có một sự tôn trọng nhất định đối với Việt Nam. Xét một cách rộng hơn, kể cả các nhà Toán học Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài, bức tranh Toán học của chúng ta rất tốt.
Tôi lấy ví dụ như cách đánh giá định tính, trong Toán học có một đánh giá được mọi người tin tưởng đó là những người được báo cáo mời ở Đại hội Toán học thế giới, 4 năm tổ chức một lần.
Ở các đại hội, ngoài trao giải thưởng Fields còn có các báo cáo, có người báo cáo toàn thể, có người báo cáo ở tiểu ban. Dù báo cáo ở tiểu ban, đó là một vinh dự rất lớn.
Người được báo cáo có công trình sáng giá nhất trong chuyên ngành đó. Đây là dấu ấn đối với cá nhân mỗi người. Ở các trường ĐH trên thế giới, đến thời gian tổ chức đại hội, ai cũng mong chờ xem khoa mình có ai được báo cáo. Vì đây là một cuộc đánh giá khá khách quan.
Năm 2006, tôi được báo cáo mời, 2010 được giải Fields. Trước tôi có một GS Toán gốc Việt được báo cáo mời từ năm 70 của thế kỷ trước, bây giờ đã có một số các nhà Toán học Việt Nam ở nước ngoài được vinh dự này.
Đại hội lần trước ở Seoul, Hàn Quốc là GS Vũ Hà Văn (ĐH Yale) báo cáo mời tại tiểu ban, năm nay có hai người là anh Đinh Tiến Cường (ĐH Paris 6), anh Phạm Hữu Tiệp (ĐH Arizona).
Đồng thời, các nhà Toán học trên đều là những cộng tác viên của Viện Toán cao cấp Việt Nam (VIASM). Tôi tin rằng đây là xu thế chung. Những năm tới, các nhà Toán học của Việt Nam tiếp tục khẳng định tên tuổi của mình trên thế giới. Vai trò của VIASM là nếu không cuốn hút được các nhà Toán học về Việt Nam thì cũng giữ cho họ được mối tương tác thường xuyên với Việt Nam.
Tại IMO lần thứ 58, đoàn Việt Nam đứng thứ 3 trên tổng số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, sau Hàn Quốc và Trung Quốc.
Video đang HOT
Vậy chúng ta còn điều gì lo lắng, thưa GS?
- Chất lượng Toán học của Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Hàng năm, khi xét hồ sơ nghiên cứu ở VIASM, tôi cùng hội đồng khoa học thấy rõ điều đó. So với Mỹ, Pháp, chúng ta đúng là yếu toàn diện nhưng không đến mức trầm trọng. Nếu tính cả các nhà Toán học Việt Nam ở nước ngoài, chúng ta không thua kém Trung Quốc. So với khủng hoảng vào những năm 2000, tình hình hiện tại là tốt hơn so với mong đợi.
Đó là sự nỗ lực suốt một thời gian dài của rất nhiều nhà Toán học Việt Nam từ những năm 2002, 2003. Những lớp học cao học quốc tế mà cá nhân tôi với GS Lê Tuấn Hoa, GS Đỗ Đức Thái đã bỏ nhiều công xây dựng. Mỗi lớp đó đã tạo ra mỗi năm mấy chục tiến sĩ. Không phải ai cũng giỏi, ai cũng làm toán nhưng đã tạo ra một đội ngũ khá mạnh.
Hay những nỗ lực của các nhà Toán học trong TP.HCM như anh Đặng Đức Trọng, anh Dương Minh Đức đã đào tạo một lớp sinh viên Toán học rất tốt ở ĐH quốc gia TPHCM.
Sau này, các bạn ấy rất thành công như Nguyễn Hoài Minh (ĐH Bách khoa Zurich, Thụy Sĩ), Nguyễn Lực (ĐH Oxford, Anh)… Các bạn ấy còn đang rất trẻ nhưng đã có uy tín trong ngành Toán học Việt Nam. Các bạn ấy vẫn thường xuyên về Việt Nam cộng tác.
Vấn đề còn lại của chúng ta là Toán ứng dụng. Lực lượng người Việt ở nước ngoài cũng có nhưng rất mỏng. Trong nước thì đào tạo toán ứng dụng hầu như chưa có nên khi thực hiện đề toán ứng dụng còn nhiều khúc mắc vì thực sự thiếu những người giỏi nghề.
- Điều này có phải do chúng ta không có môi trường để phát triển toán ứng dụng không, thưa ông?
- Ở Mỹ, cử nhân toán học hầu như không có thất nghiệp. Thị trường lao động đòi hỏi ngày một nhiều kỹ năng xử lý dữ liệu. Còn thị trường lao động của Việt Nam dường như vẫn là thị trường lao động phổ thông.
Tuy rất thiếu những người có vị trí chuyên môn rất cao, lao động phân tích dữ liệu của Việt Nam chưa chú trọng. Cũng có thể ở Mỹ không phải chỉ trả lời nhu cầu hiện tại mà họ luôn đi trước một bước. Họ sợ bị tụt hậu so với các nước khác.
- Thưa ông, chúng ta có hướng nào để giải quyết bài toán này?
- Chúng ta đang thiếu nhất là lá cờ đầu trong toán ứng dụng. Lĩnh vực của tôi không phải toán ứng dụng. Kỳ vọng năm sau khi GS Hồ Tú Bảo, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản – JAIST về làm việc lâu dài tại Việt Nam sẽ lôi cuốn thêm nhiều người khác hoạt động trong lĩnh vực Toán ứng dụng về Việt Nam làm việc.
Viện Toán học cao cấp Việt Nam cũng có kế hoạch thành lập trung tâm khoa học dữ liệu để kết nối các nhà Toán học ứng dụng trong nước và ngoài nước.
Theo Zing
Nam sinh đạt điểm cao nhất Olympic Toán mong gặp GS Ngô Bảo Châu
Hoàng Hữu Quốc Huy (Bà Rịa - Vũng Tàu) tâm sự em rất mong được gặp GS Ngô Bảo Châu và TS Lê Bá Khánh Trình.
Trong cuộc thi Olympic Toán quốc tế (IMO) 2017, Hoàng Hữu Quốc Huy (THPT chuyên Lê Quý Đôn, Bà Rịa - Vũng Tàu, 35 điểm) đoạt huy chương vàng. Quốc Huy cùng 2 thí sinh khác (từ Iran và Nhật Bản) có điểm số cá nhân cao nhất IMO 2017.
Chia sẻ với Zing.vn từ Rio De Janeiro (Brazil), Huy cho biết em vẫn còn lâng lâng như lúc ban tổ chức thông báo kết quả chính thức.
"Em rất hạnh phúc và tự hào với thành tích này. Đây là thành quả của một quá trình rất dài, là công sức, sự bồi dưỡng của nhiều thầy cô", Huy vui mừng chia sẻ.
Sẽ nhập học ĐH Bách khoa TP.HCM
Chàng trai này cho biết huy chương vàng và số điểm cao nhất trong kỳ thi năm nay là "bất ngờ nho nhỏ" với cá nhân Huy và các thành viên trong đoàn. Lúc hoàn thành bài thi, Huy đã đoán được số điểm, nhưng chỉ dám nghĩ mình sẽ được huy chương bạc.
"Đề thi có một câu rất khó, em không làm được nên hơi hoang mang. Khi có kết quả chính thức, màu huy chương được đổi, em và cả đoàn rất vui mừng", 9X tâm sự.
Đoàn Việt Nam tham dự Olympic Toán quốc tế. Ảnh: Thầy Ngô Xuân Ái.
Huy cho biết GS Ngô Bảo Châu và thầy Lê Bá Khánh Trình là hai thần tượng, là động lực để em phấn đấu mỗi ngày.
"Em vẫn mong có một ngày được gặp hai thần tượng của mình, đối với người mê Toán như em thì không còn gì vui hơn nữa", Huy bộc bạch.
Được biết, trước khi lên cấp 3, thành tích môn Toán của Huy rất bình thường. Nhưng ba năm tại trường THPT chuyên Vũng Tàu đã cho Huy sức bật rất lớn. Nói về điều thú vị này, Huy cho rằng có thể do môi trường học chuyên cộng thêm sự hướng dẫn của các thầy cô đã tạo điều kiện cho em phát huy năng khiếu.
Huy cho biết trước hôm sang Brazil, em đã rất phấn khích, vì đây là lần đầu chàng trai này ra nước ngoài. Hơn nữa, đây còn là cái nôi của bóng đá thế giới, quê hương của nhiều cầu thủ tài năng. Tuy nhiên, ngoại ngữ còn hạn chế nên không giao lưu nhiều với các thành viên đến từ các đoàn khác là điều tiếc nuối với nam sinh.
Sau khi quay về nước, Huy sẽ dành thời gian nghỉ ngơi và dự định nhập học tại ĐH Bách khoa TP.HCM, ngôi trường em thích từ lâu.
Sức bật tuyệt vời
Trước đó, ông Nguyễn Thanh Giang - Giám đốc Sở GD&ĐT Vũng Tàu - nói với Zing.vn rằng việc Huy đoạt giải cao trong cuộc thi IMO 2017 là hạnh phúc đến rơi nước mắt của những người làm giáo dục của tỉnh.
"Huy là học sinh có sức bật và năng lực học tập tuyệt vời. Không có điều kiện, nhưng dưới sự giúp đỡ trực tiếp của trường THPT chuyên Lê Quý Đôn về học phí, học bổng, Huy đã vươn lên vượt bậc", ông Giang nói.
Quốc Huy cùng thầy Hùng trong những ngày tập trung tại Hà Nội. Ảnh: FBNV.
Thầy Lê Quốc Hùng - Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Quý Đôn - bày tỏ niềm hạnh phúc: "Đêm qua, tôi không ngủ được vì theo dõi thông tin kết quả kỳ thi của đoàn Việt Nam. Hơn một tuần qua, tôi theo dõi rất sát sao từng bước đi của đoàn. Thành tích Huy giành được là hạnh phúc to lớn của cá nhân tôi và tập thể trường THPT chuyên".
Thầy Trần Quang Vinh - giáo viên trực tiếp dạy Toán ba năm cấp 3 trường THPT Lê Quý Đôn cho Huy - tiết lộ thời học cấp 2, Quốc Huy chỉ học trường bình thường. Cậu thi vào cấp 3 với điểm số không quá cao nên học lớp chuyên Toán 2 (lớp có trình độ thấp hơn so với chuyên Toán 1).
Nhưng đến giữa năm học lớp 10, nhờ sự nỗ lực vươn lên, Huy được chọn vào lớp chuyên Toán 1. Cậu giành giải nhất cuộc thi học sinh giỏi quốc gia môn Toán học năm lớp 12.
Theo thầy Vinh, Huy phát triển mạnh vào cuối năm lớp 11, đầu năm lớp 12.
Là thầy giáo trực tiếp dạy Quốc Huy, thầy Vinh kể nhiều lần nam giáo viên cũng khâm phục cậu học trò của mình. Do có hoàn cảnh khó khăn, nam sinh chưa từng đi học thêm, tự nghiên cứu, học qua bạn bè, thầy cô.
"Đặc biệt, Quốc Huy rất khiêm tốn. Nếu em làm được 10 phần, tôi hỏi kết quả sau khi thi, em chỉ nói 3-4 phần. Tham gia kỳ thi Olympic Toán quốc tế lần này, em nói với tôi là làm bài tốt nhưng cũng có phần chưa hài lòng. Vì vậy, kết quả của em khiến tôi rất bất ngờ", thầy Vinh nói.
Học sinh Việt Nam đoạt 4 huy chương vàng gồm Hoàng Hữu Quốc Huy (THPT chuyên Lê Quý Đôn, Bà Rịa - Vũng Tàu, 35 điểm); Lê Quang Dũng (THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa, 28 điểm); Nguyễn Cảnh Hoàng (THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An, 28 điểm); Phan Nhật Duy (THPT chuyên Hà Tĩnh, Hà Tĩnh, 25 điểm).
Một huy chương bạc thuộc về Phạm Nam Khánh (THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, 21 điểm).
Đỗ Văn Quyết (THPT chuyên Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc, 18 điểm) đoạt huy chương đồng.
Đặc biệt, Hoàng Hữu Quốc Huy cùng 2 thí sinh khác (từ Iran và Nhật Bản) có điểm số cá nhân cao nhất IMO 2017.
Với tổng số 155 điểm, đoàn Việt Nam đứng thứ ba trong bảng tổng sắp không chính thức (sau Hàn Quốc 170 điểm, Trung Quốc 159 điểm).
Theo Zing
Từ 'vua về nhì' đến chàng trai giành HCV Olympic Toán quốc tế Nghe tin con báo giành huy chương vàng Olympic Toán quốc tế, gia đình Nguyễn Cảnh Hoàng rất vui sướng. Từ tối qua đến giờ, ngôi nhà luôn rộn tiếng nói cười, lời chúc mừng. Trong 12 năm theo học, Nguyễn Cảnh Hoàng từng tham gia rất nhiều cuộc thi Toán và lần nào cũng giành giải nhì. Bởi vậy, khi nghe tin...