GS. NGND Đinh Xuân Lâm: Cây đời xanh mãi
Nếu bạn có dịp đi xe buýt ở Hà Nội, nhất là trên tuyến xe số 18 mà gặp một cụ già tóc bạc phơ với đôi mắt sáng và nụ cười hiền từ pha chút hóm hỉnh thì rất có thể, đó là GS. NGND Đinh Xuân Lâm.
Ông được xem là một trong “tứ trụ” (“Lâm, Lê, Tấn, Vượng”, gồm Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng) của sử học Việt Nam đương đại.
GS. NGND Đinh Xuân Lâm.
Chuyện ông dành trọn cả cuộc đời mình để dạy lịch sử, nghiên cứu sử Việt Nam, đi theo Cách mạng, cống hiến hết mình cho Tổ quốc, nhân dân với Huân chương kháng chiến hạng Ba, danh hiệu GS. NGND thì hầu như ai cũng biết. Dù là những năm tháng đứng trên bục giảng ở trường THPT Lam Sơn (Thanh Hóa) hay ĐH Tổng hợp (nay là ĐH Quốc gia Hà Nội), thậm chí trong những ngày sơ tán trên rừng Đại Từ (Thái Nguyên) đói rét, khổ cực thì GS. Đinh Xuân Lâm vẫn luôn để lại trong lòng học trò những ấn tượng tốt đẹp. Không chỉ có vốn tri thức uyên bác, tư duy khúc triết, phong thái làm việc ung dung, hòa nhã, nhiều thế hệ sinh viên khoa Lịch sử (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) vẫn truyền tai nhau về sự tận tình, nhiệt huyết khi truyền dạy kiến thức, sự thân tình, gần gũi trong ứng xử giữa thầy Đinh Xuân Lâm và học trò…
Tôi không có may mắn được học GS. Đinh Xuân Lâm ngày nào trên giảng đường đại học, dù cũng trưởng thành từ mái trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Nhưng sau này công việc đã giúp tôi có cơ hội được gặp và trò chuyện cùng với GS. Đinh Xuân Lâm. Ấn tượng về những cuộc gặp ấy ngoài sự khâm phục, kính trọng một nhân cách khoa học toàn vẹn thì điều tôi khắc sâu nhất chính là sự giản dị đến ngỡ ngàng trong cuộc sống hàng ngày của người thầy đáng kính.
Ở tuổi ngoại bát tuần, GS. Đinh Xuân Lâm vẫn ngày ngày đi xe buýt từ nhà riêng ở Thái Thịnh lên phố Lò Đúc để làm việc. Nhiều người biết chuyện hoặc là không tin, hoặc là không ngừng thắc mắc tại sao ông lại chọn loại phương tiện di chuyển vất vả như xe buýt, nhất là trong những ngày mưa hay khi nắng nóng gay gắt. Câu trả lời hóa ra rất đơn giản: “Các con tôi cũng muốn đưa đón tôi từ nhà lên chỗ làm việc nhưng tôi từ chối ngay. Tôi tự đi và về nên có thể chủ động được về mặt thời gian, miễn sao phù hợp với sức khỏe của mình. Huống hồ con cái còn công việc, sao có thể đưa đón mãi được. Tôi chọn xe buýt chứ không phải taxi hay xe ôm, thứ nhất là vì tôi đi làm gần như mỗi ngày nên nếu “có người đưa đón riêng” thì tốn kém quá. Trong khi đó, đi xe buýt cũng có những cái hay của nó chứ không chỉ toàn những điều khó chịu như nhiều người vẫn nói. Chẳng hạn, tôi luôn được các bạn trẻ nhường ghế ngồi, lái xe cũng có nhiều người lái cẩn thận, từ tốn lắm…” – GS. Đinh Xuân Lâm chia sẻ.
Trong căn phòng chót vót tận trên tầng 20 của Chung cư 93 Lò Đúc, lần nào tôi đến cũng chỉ thấy có một mình GS. Đinh Xuân Lâm ở đó. Lại nhìn đến những tấm ảnh được bày trang trọng trong tủ kính hay trên mặt tủ, tôi không khỏi thắc mắc nên có lần đã đánh bạo hỏi ông. Một cách vui vẻ, ông bảo căn phòng này là do người con trai và con dâu cả của ông, hiện đang sống và làm việc ở Budapest (Hungary) mua biếu, để ông có không gian làm việc yên tĩnh, tập trung. Nơi đây cũng rất gần với Viện sử học Việt Nam và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nên ông có thể đi bộ sang đó bất cứ lúc nào. Chẳng thế mà nhiều lần tôi đến thăm ông, sau khi câu chuyện kết thúc đều thấy ông chuẩn bị vài cuốn sách hoặc cuốn tạp chí hay để đem sang Viện và Hội cùng trao đổi với những người bạn, người đồng nghiệp đam mê nghiên cứu lịch sử như mình.
Video đang HOT
Hỏi chuyện về gia đình, ông bảo cả 3 người con (gồm 2 trai, 1 gái) của ông đều không có ai theo ngành sử học. Mà ông thì chẳng ép buộc ai bao giờ, ngay cả với con cái cũng vậy. Thành ra, điều ông đang canh cánh trong lòng hiện nay chính là gia tài sách về lịch sử mà ông đã dành trọn đời để sưu tập cũng có, mà tự viết, biên soạn cũng có sẽ phải xử trí ra sao sau này. Nhiều đơn vị, tổ chức cũng đã đặt vấn đề xin lại để sử dụng vào mục đích nghiên cứu, bản thân ông cũng đã có một số dự định… Nhưng dù tặng lại ai thì GS. Đinh Xuân Lâm chia sẻ rằng cũng mong những cuốn sách quý một đời ông nâng niu, gìn giữ sẽ được sử dụng một cách hữu ích nhất, trở thành những tài liệu nghiên cứu giúp cho nhiều thế hệ người Việt, thậm chí là người nước ngoài có thể tìm đọc để thêm hiểu, thêm yêu và tự hào về truyền thống lịch sử Việt Nam.
Theo Thu Hương
Đại Đoàn Kết
SV 2012: Đậm chất trí tuệ và hiện đại
Trong SV 2012 lần này, sinh viên được bày tỏ suy nghĩ của mình về chuyện lạm phát, tệ nạn xã hội, giao thông hay sống ảo, thi cử, tình yêu...
Ở trận tranh tài mở màn chương trình SV 2012 với chủ đề Sự trở lại của những nhà thông thái - vui tính, không khí của SV 96, SV 2000 đã được tái hiện bởi những sinh viên thế kỷ 21 hiện đại và năng động nhưng không kém phần thông minh, hóm hỉnh.
Sáng 1-1, kênh VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng chương trình SV 2012 với trận tranh tài mở màn giữa ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐH Thương mại. Chương trình thu hút sự quan tâm của khá nhiều người xem, đặc biệt là giới trẻ.
Trí tuệ mà đậm chất hài hước
Dấu ấn đậm nét mà chương trình SV 2012 để lại trong lòng khán giả chính là tính trí tuệ mà đậm chất hài hước kiểu sinh viên.
Phần Lời chào SV của ĐH Bách khoa Hà Nội với hình ảnh một ban nhạc có đạo cụ được phóng tác theo những dụng cụ kỹ thuật đặc trưng cho ngành nghề đào tạo của trường đã tạo nên không khí sôi động trên trường quay. Phần thi kết thúc với bản nhạc Bài ca Bách khoa đầy bản sắc và niềm tự hào. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải bị lôi cuốn bởi sự độc đáo của phần thi tới mức thốt lên: "Tiếc là chỉ có 2 phút, tôi muốn xem nữa". Ban giám khảo đánh giá cao phần thi này, trừ nhạc sĩ Hồ Hoài Anh cho điểm khắt khe có lẽ vì cách phối nhạc "thập cẩm", hài hước kiểu sinh viên không gây hứng thú cho một người có chuyên môn sâu về âm nhạc.
Sinh viên Trường ĐH Thương mại hồ hởi tham gia chương trình SV 2012. Ảnh: PT
Phần ra mắt của ĐH Thương mại lại là màn trình diễn của một "công ty" với đầy đủ thành phần, ban bệ đậm chất sinh viên thương mại.
Ở phần thi SV thông thái, nếu ĐH Thương mại mang... hai bát cơm ra làm câu đố thì ĐH Bách khoa Hà Nội lại đưa ra ba tấm nylon theo ba kích cỡ khác nhau để thách thức đội bạn. Với những lý giải dí dỏm, thông minh và sáng tạo, cả hai đội đã khiến các thành viên ban giám khảo cũng như khán giả có mặt ở trường quay đi từ ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác...
Phần thi Tài năng SV trở thành yếu tố quyết định kết quả cuối cùng. Trong tình huống căng thẳng đó, ĐH Bách khoa Hà Nội đã thể hiện thành công bản lĩnh của mình. Cả khán phòng và ban giám khảo đã đi từ cảm giác thích thú trước màn đọc rap và vũ đạo sinh động, hài hước mô phỏng giảng đường đến sự xúc động sâu sắc khi nghe bài hát Thầy cô và mái trường qua diễn xuất tinh tế của đội thi này.
Chung cuộc, ĐH Bách khoa Hà Nội thắng cách biệt 1,5 điểm so với ĐH Thương mại.
Sân chơi mới đầy lôi cuốn
Bạn Thái Hà, sinh viên khoa Thương mại quốc tế ĐH Thương mại tham gia thi tài với ĐH Bách khoa, tâm sự: "Sau mấy tuần chuẩn bị và hồi hộp chờ đợi, số đầu tiên của chương trình SV 2012 đã lên sóng trong sự náo nức của bọn em. Là thí sinh tham dự chương trình ngay từ trận mở đầu, trong em có cả sự lo lắng lẫn niềm tự hào. Ở đây, sinh viên chúng em có thể thỏa sức sáng tạo trong những phần thi yêu cầu cả trí thông minh lẫn óc hài hước. Đối với em, thắng hay thua cũng không quan trọng bằng việc em được tham gia sân chơi bổ ích, lôi cuốn chỉ dành riêng cho sinh viên này".
Là khán giả có mặt tại trường quay, bạn Phạm Tuyết Ngân (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "SV 2012 khá thú vị với những phần thi gay cấn, sáng tạo. Tuy chưa là sinh viên nhưng em rất thích chương trình này".
Về những nét mới của SV 2012, nhà báo Lại Văn Sâm, Trưởng ban Thể thao-Giải trí và Thông tin kinh tế Đài Truyền hình Việt Nam, Trưởng ban Giám khảo cuộc thi SV 2012, cho biết: "Các trường tham gia lần này rất sáng tạo trong việc sử dụng kịch bản, đạo diễn. Nhiều màn trình diễn trong phần thi tài năng SV rất ấn tượng. Nếu SV 2000 còn có sự tham gia của khá nhiều thầy cô, các trường còn đầu tư khá nhiều tiền để thuê người viết kịch bản, đạo diễn thì ở SV 2012 các bạn sinh viên chủ yếu tự biên tự diễn.
Đặc biệt, trong chương trình lần này, sinh viên được bày tỏ suy nghĩ của mình về chuyện lạm phát, tệ nạn xã hội, giao thông hay sống ảo, thi cử, tình yêu... Chúng tôi không yêu cầu các bạn giải quyết các vấn đề xã hội mà chỉ muốn qua đó khẳng định rằng sinh viên không thờ ơ, không vô cảm với mọi nhịp điệu đang diễn ra trong xã hội. Và điều quan trọng là chúng tôi muốn sinh viên nói bằng giọng nói của mình, thể hiện đúng chất sinh viên".
"Sự xuất hiện của những trường mới cũng khiến chúng tôi ngạc nhiên. Khi phân bảng thi đấu ở TP.HCM, chúng tôi xếp những đội hạt giống cùng với đội yếu hơn vào một bảng. Thế nhưng, làm tôi bất ngờ không phải những đội hạt giống mà lại là một trường cao đẳng nghề. Mỗi bảng chỉ được chọn một trường nên nhiều lúc tôi cảm thấy rất nuối tiếc. Sinh viên bây giờ sẽ là những chàng trai cô gái vẫn thông minh, dí dỏm nhưng lanh lợi và hiện đại hơn" - nhà báo Lại Văn Sâm nói.
SV 2012 có 52 chương trình, phát sóng lúc 10 giờ Chủ nhật hằng tuần từ ngày 1-1-2012. Có 99 đội chơi. Mỗi vòng thi đều xây dựng các phần thi riêng. Ở vòng loại, sinh viên tham gia các phần thi quen thuộc như Lời chào SV, SV thông thái và Tài năng SV. Vòng 2, sinh viên phải trải qua hai phần thi mới là SV tivi và Bản tin SV. Vòng 3 là hai phần thi Tài năng SV và SV sáng tạo. Vòng 4 sẽ có thêm phần hùng biện Góc nhìn SV. Vòng 5, trận chung kết sẽ là sự xuất hiện của ba đội có điểm số cao nhất ở ba miền Bắc, Trung, Nam và một đội giải Nhì xuất sắc. Đội đoạt giải Nhất sẽ nhận giải thưởng trị giá 50 triệu đồng. Ở SV 2012, nhà báo Lại Văn Sâm sẽ xuất hiện trong vai trò Trưởng ban Giám khảo của cả ba miền. Thành phần ban giám khảo các miền còn có: đạo diễn Đỗ Thanh Hải, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, nhà thơ Phan Huyền Thư, ca sĩ Mỹ Tâm, diễn viên Hồng Ánh..
Theo PLTPHCM
Cụ già cõng cháu lội sông đến trường Rất nhiều năm qua, hàng ngàn hộ dân ở xã Tam Sơn (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) luôn sống trong thấp thỏm âu lo bởi hầu như năm nào cũng có ít nhất một người chết đuối trên dòng sông Mùi chảy qua địa phận xã. Người dân khắc khoải có một cây cầu để thôi không còn thấy những đám tang...