GS hóa học trở thành hiện tượng internet với những thí nghiệm độc đáo
Giáo sư hóa học David G. Evans (người Anh) đang công tác tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Những đoạn video ghi lại những thí nghiệm hóa học vui nhộn của ông đã thu hút tới hơn 15 triệu lượt xem.
Giáo sư hóa học trở thành hiện tượng Internet tại Trung Quốc với những thí nghiệm độc đáo
Thầy David (60 tuổi) bắt đầu chia sẻ những video ghi lại những thí nghiệm hóa học thú vị của mình lên mạng xã hội từ khoảng 1 năm trước.
Vị giáo sư hóa học cũng vô cùng ngạc nhiên khi thấy những đoạn video của mình lại thu hút tới hàng triệu lượt xem và hàng nghìn bình luận. Một số đoạn video thậm chí thu hút tới hơn 15 triệu lượt xem.
Thầy David đã dạy học tại Trung Quốc trong 2 thập kỷ qua.
Hiện thầy đang dạy hóa học tại một đại học ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ngoài ra, thầy cũng giảng dạy tại các trường tiểu học, trung học – nơi thầy khiến các em nhỏ phải ngạc nhiên trước những thí nghiệm của mình.
Thầy tốt nghiệp Đại học Oxford, chuyên ngành dược. Thầy mong muốn “biến” hóa học trở thành một bộ môn thú vị và dễ tiếp thu hơn đối với các học sinh của mình.
Thầy David cho biết: “Một người bạn của tôi gợi ý tôi nên livestream những thí nghiệm của mình. Tôi cố thực hiện những thí nghiệm ngắn, khoảng 1 phút”.
Thầy cũng chỉ ra một thực tế rằng nhiều giáo viên thường tập trung vào việc giảng dạy lý thuyết, khiến học sinh ít có cơ hội được chứng kiến các thí nghiệm. Một trong các nguyên nhân là sĩ số các lớp học quá đông.
Thầy David luôn mong muốn khiến việc dạy và học các môn khoa học trở nên thú vị hơn với học sinh cũng như khuyến khích các em làm thí nghiệm và tiếp thu kiến thức mới trong một môi trường an toàn.
Những giờ học của thầy David luôn chật kín các học sinh – những người luôn háo hức được xem những thí nghiệm như “ảo thuật”.
Thầy David chia sẻ, việc dạy học cho các em học sinh truyền thêm năng lượng cho thầy và tiếp thêm ngọn lửa đam mê với sự nghiệp dạy học.
Trong tương lai, thầy David cho biết thầy vẫn sẽ miệt mài nghiên cứu và có thêm nhiều thí nghiệm mới. Thầy cũng mong muốn tiếp tục dạy học sau khi nghỉ hưu.
Minh Hương
Theo Daily Mail
Bạo lực học đường: Vấn nạn toàn cầu
Các trường học và chính phủ các nước trên thế giới đang đau đầu vì bạo lực học đường ngày càng nghiêm trọng.
Họ buộc đứa con trai 10 tuổi của tôi phải quấn giấy vệ sinh đã sử dụng lên đầu của mình ", một người mẹ ở Bắc Kinh đã than phiền trên WeChat vào năm 2016. Dòng tin của người mẹ này đã nhanh chóng lan truyền khắp mạng xã hội Trung Quốc. Bởi lẽ, nó đã chạm vào một nỗi nhức nhối trong một đất nước mà tình trạng bắt nạt ở trường học đã trở thành chuyện thường ngày ở huyện.
Trường học của con trai cô ấy, một trong những trường xịn nhất Bắc Kinh, đã phớt lờ, xem đó như một "trò đùa tinh quái vô hại giữa những đứa trẻ". Nhưng nhanh chóng sau đó, một loạt báo cáo về những trò bắt nạt ác ý và tồi tệ hơn tại các trường học khác đã được công bố.
Giới quan chức Trung Quốc đã nhanh chóng vào cuộc, thông qua một đạo luật chống bạo lực học đường ở cấp quốc gia và cấp địa phương. Vì thế, hiện nay, chính sách chống bạo lực học đường của Trung Quốc nằm trong số những chính sách khắt khe nhất thế giới. Tại một quận ở Bắc Kinh, các trường công buộc phải báo cáo các vụ bắt nạt, bạo lực học sinh cho giới chức trách ngành giáo dục ở địa phương trong vòng 10 phút khi phát hiện.
Các khảo sát ở Anh Quốc và Mỹ cũng cho thấy mối lo lớn nhất của các bậc cha mẹ khi con đến tuổi đi học là chúng sẽ bị bạn bè bắt nạt. Tại Nhật, ngày càng nhiều học sinh tự sát vào ngày 1.9, chỉ trước khi bắt đầu học kỳ mới, nhiều hơn bất kỳ ngày nào khác.
Nhưng các nhà làm giáo dục lại gặp khó khăn trong việc phát hiện các vụ bắt nạt, chứ đừng nói đến việc ngăn chặn, trong khi nhiều em quá xấu hổ không dám nói cho giáo viên biết mình bị bắt nạt. Một sinh viên tốt nghiệp Đại học Oxford cho biết cậu "bị tổn thương về mặt tình cảm ít nhất 5 năm" sau khi bị tra tấn hồi học cấp 2 ở Hồng Kông.
Trên toàn cầu, xu hướng bạo lực dường như lên tới đỉnh điểm ở các năm đầu của tuổi teen, giảm dần ở các lứa tuổi lớn hơn. Các cậu bé có xu hướng bắt nạt cả bạn nam lẫn bạn nữ, nhiều hơn so với các bạn gái. Con gái có xu hướng bắt nạt các bạn nữ khác. Con trai hay dùng tay chân gây thương tích, còn con gái thích tra tấn tinh thần hơn, như lan truyền tin đồn sai lệch hoặc cô lập một bạn nào đó ra khỏi nhóm (gần đây xu hướng bạo lực ở nữ giới đang gia tăng).
Trẻ em thuộc dân tộc thiểu số, có chiều cao khiêm tốn, béo phì hoặc khuyết tật, đồng tính hoặc có kỹ năng xã hội kém có nguy cơ cao bị bắt nạt. Đáng nói là nạn nhân của các vụ bạo lực học đường có thể quay sang bắt nạt những bạn khác.
Tình trạng bạo lực học đường cũng khác nhau ở khắp nơi trên thế giới. Các số liệu thu thập được chủ yếu dựa trên báo cáo của chính các học sinh nên có thể chưa phản ánh đầy đủ tình trạng nhức nhối của vấn nạn này. Theo đó, nạn bạo lực thường xuyên xảy ra nhất ở châu Phi. Một khảo sát từ năm 2011 cho thấy 70% học sinh Ai Cập từ 13-15 tuổi cho biết bị bắt nạt ít nhất 1 lần trong 1 tháng. Trong khi đó, tại Thụy Điển, theo một khảo sát năm 2014, chỉ có 11% học sinh trong cùng độ tuổi cho biết họ bị bắt nạt trong tháng vừa qua. Tại Mỹ, Anh và Canada, tỉ lệ này khoảng từ 25-33%.
Hầu hết các nước giàu đều có luật chống bạo lực học đường. Tại Anh, tất cả các trường công kể từ năm 2006 được yêu cầu phải áp dụng một chính sách chống bạo lực toàn trường. Đến năm 2015, mỗi bang ở Mỹ đã có luật chống bạo lực. Các bang có các quy định khắt khe nhất như Massachusetts yêu cầu nhân viên trường học phải báo cáo tất cả các vụ bắt nạt cho hiệu trưởng và hiệu trưởng phải "ngay tức khắc thực hiện một cuộc điều tra".
Tuy nhiên, theo Christina Salmivalli, Đại học Turku ở Phần Lan, nhân tố quan trọng chống nạn bạo lực ở các trường là làm sao khuyến khích những người đứng ngoài vào cuộc. Động cơ chính dẫn đến bạo lực là địa vị xã hội. Bằng cách giáo dục những người đứng ngoài cuộc lên tiếng, hoặc ít nhất không cười nhạo nạn nhân, "sự tưởng thưởng xã hội" của nạn bạo lực có thể giảm đi, bà nói.
Cuối những năm 2000, Salmivalli đã lập một chương trình chống bạo lực học đường gọi là KiVa, bao gồm các bài tập xây dựng nhóm và các mô phỏng trực tuyến. Hiện tại, chương trình này được dạy ở hàng ngàn trường học tại Phần Lan và hàng trăm trường học trên thế giới, với kết quả đầy hứa hẹn. Hầu hết các khảo sát về tác động của KiVa cho thấy số vụ báo cáo bị bắt nạt giảm đáng kể.
Cũng có những phương pháp khác. Trường Quốc tế Bắc Kinh đã "cắm" nhân viên an ninh ở mọi phòng thay đồ (giải pháp này lại ít có trường nào có khả năng tài chính làm được). Nhiều tài xế lái xe buýt cho trường học ở Bắc Mỹ chỉ định cả ghế ngồi cho học sinh; những "phần tử" bị nghi ngờ hay bắt nạt người khác được cho ngồi ở ghế đầu.
Mỗi lớp học ở Trường Rhiw-Bechan tại Wales có cả "hộp thư giải sầu" cho học sinh để báo cáo các vụ bắt nạt mà không phải tiết lộ danh tính. Hay một dự luật chống bạo lực học đường được đề xuất vào tháng 3 ở Pennsylvania, Mỹ sẽ cho phép một thẩm phán bắt cha mẹ làm công ích hoặc phạt 500-750USD nếu con họ bị bắt quả tang bạo lực với bạn, từ lần vi phạm thứ 3.
Tuy nhiên, một số phương pháp lại phản tác dụng. Các phương pháp "bắt cặp" kẻ bắt nạt với nạn nhân để hàn gắn mối quan hệ có thể khiến nạn nhân bị tra tấn thảm hơn. Một số hình thức phạt như buộc nghỉ học có thể chỉ là chuyển rắc rối đó sang nơi khác.
Những khác biệt văn hóa cũng làm cho vấn đề bạo lực học đường khó giải quyết. Tại Trung Quốc, chẳng hạn, người lao động từ nông thôn lên thành phố làm việc bị đối xử như công dân hạng hai. Vì thế, con cái của họ khi bị bắt nạt cũng ít nhận được sự thông cảm, quan tâm từ giáo viên. Những bất công như vậy cũng giúp giải thích tại sao một số nạn nhân luôn cho rằng chỉ có thể dùng bạo lực để giải quyết bạo lực.
Theo nhipcaudautu
Trường Trung Quốc tuyển giáo viên tiểu học trình độ tiến sĩ Ngôi trường hàng đầu Bắc Kinh không phải nơi duy nhất đặt ra những yêu cầu khắt khe đối với giáo viên tiểu học và trung học cơ sở. Trường Thực nghiệm ở Bắc Kinh, liên kết với Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS), đã đăng thông báo tuyển dụng trên website vào cuối tháng 11, trong đó tất cả vị...