GS Hồ Ngọc Đại: “Trong giáo dục không có kiểu phạt học trò tát nhau đến sưng má”
GS Hồ Ngọc Đại phản đối cách giáo dục bằng đòn roi và không chấp nhận kiểu trừng phạt học sinh bằng bạo lực, nhất là hành vi bắt học sinh tự tát vào mặt nhau.
Trường THCS Thọ Xuân (huyện Đan Phượng, Hà Nội) – nơi xảy ra sự việc phụ huynh tố giáo viên phạt học sinh tát nhau trong lớp
Hai học sinh nói chuyện riêng trong lớp, bị ghi sổ đầu bài khiến lớp bị trừ điểm thi đua. Giáo viên vì nôn nóng thành tích đã phạt các em lên đứng trên bục giảng để kiểm điểm trước lớp. Học sinh và phụ huynh tố, cô không chỉ “bêu” các em trước lớp mà còn bắt học sinh tự tát vào má nhau để răn đe.
Đây là vụ việc xảy ra ở Trường THCS Thọ Xuân (huyện Đan Phượng, Hà Nội) xôn xao dư luận những ngày qua.
Từ vụ việc này, một lần nữa vấn đề nên hay không sử dụng hình phạt trong môi trường giáo dục lại được đặt ra. Phụ huynh bức xúc tố giáo viên vì trong giáo dục không có kiểu phạt bắt học trò tát nhau đến sưng má như thế.
Phạt thế nào để vừa có tính răn đe, không gây phản cảm và không vi phạm quy định về đạo đức nhà giáo là điều không phải giáo viên nào cũng biết.
Là người đề cao chủ trương “mọi đứa trẻ đều phải được yêu thương và tôn trọng”, GS Hồ Ngọc Đại – tác giả chương trình “ Công nghệ giáo dục” cho biết ông phản đối hình phạt bằng bạo lực mà giáo viên, phụ huynh sử dụng để dạy dỗ học sinh. Kể cả việc giáo viên bắt học sinh đứng trước lớp để bêu tên cũng không nên sử dụng trong môi trường giáo dục.
Ông kể những năm còn công tác tại Trường Thực nghiệm, ông luôn nhắc nhở giáo giáo viên, kể cả phụ huynh không được đánh và cần tôn trọng học sinh.
Có lần, GS Hồ Ngọc Đại chứng kiến việc một bà mẹ đánh con ở ngay trong sân trường. Lý do là học sinh này đến muộn. “Thấy thế tôi giận lắm. Tôi yêu cầu người mẹ phải xin lỗi học trò của tôi ngay. Người lớn không thể cho mình cái quyền được đánh trẻ như thế. Quan điểm của tôi là việc giáo dục bằng quyền uy, áp đặt. giáo dục trẻ bằng hình phạt, đòn roi không nên được khuyến khích” – GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ.
Với TS Nguyễn Thị Ánh Hồng (Trưởng Khoa Văn hóa – Phát triển, Học viện Báo chí Tuyên truyền), thì việc sử dụng hình phạt khi học sinh mắc lỗi là điều cần thiết. Tuy nhiên, kỷ luật cũng phải có tính giáo dục, chứ không nên theo kiểu trừng phạt, khiến học sinh sợ hãi.
Video đang HOT
Bà khuyên các giáo viên trẻ nên áp dụng những hình thức kỷ luật tích cực khi học sinh mắc lỗi. Chẳng hạn yêu cầu trước hoặc sau buổi học, học sinh phải vệ sinh trường lớp, trồng cây xanh, đọc sách, rồi trong giờ sinh hoạt lớp yêu cầu các em phải thuyết trình về ý nghĩa của những việc đó. Hình phạt này được giáo viên nhiều nước sử dụng vì mang tính giáo dục.
Nhiều giáo viên vi phạm quyền trẻ em mà không biết
Hiện nay nhiều giáo viên, kể cả phụ huynh chưa nắm rõ các quy định của pháp luật về quyền trẻ em, chính vì vậy vô tình đã có những hành vi xâm phạm các quyền của trẻ trong việc sử dụng hình phạt để giáo dục.
Để tránh được điều này, Luật sư Nguyễn Anh Thơm dẫn chứng quy định của pháp luật, để giáo viên và phụ huynh lưu ý trong quá trình dạy dỗ học sinh:
Điều 27 Luật Trẻ em 2016 quy định: “Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phat triên toàn diện của trẻ em”.
Theo Điều 4 Luật Trẻ em đã giải thích “Bạo lực trẻ em” là hành vi ngược đãi, gây tổn thương thân thể; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em…
Nếu vi phạm những quy định trên, tùy theo mức độ, người lớn có thể bị xử phạt hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự.
BÍCH HÀ
Theo laodong
Thưởng hay phạt tiền trong giáo dục đều là hạ sách?
Bày tỏ quan điểm về xử phạt hành chính đối với giáo viên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa (Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) nhận định, nếu "dân sự hoá" quan hệ thầy trò bằng hình thức phạt tiền chắc chắn không đạt mục đích và hiệu quả giáo dục.
Thưa bà, những ngày qua, dự thảo xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục vừa được Bộ GD&ĐT công bố đã gây ra những ý kiến trái chiều. Trong đó, có nội dung bị phạt tiền nếu xúc phạm người dạy học cũng như người học. Quan điểm cá nhân của bà ra sao về vấn đề này?
Thực ra, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục không phải là chủ trương mới. Việc xây dựng dự thảo nghị định mới lần này chỉ là nhằm bổ sung nhiều hành vi vi phạm và tăng mức xử phạt để răn đe. Đồng thời, xử lý nghiêm các vi phạm trong môi trường giáo dục vốn đang bị đánh giá là khá nóng và gây nhiều bức xúc thời gian qua.
Đây là một trong những giải pháp của cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục. Qua đó, nhằm giải quyết vấn đề dư luận băn khoăn về nguyên nhân dẫn tới những sai phạm trong giáo dục là do chế tài chưa đủ mạnh, thiếu tính răn đe.
Mặc dù vậy, tôi không đồng tình với giải pháp tăng xử phạt vi phạm hành chính, nhất là tăng mức xử phạt tiền nếu xúc phạm người dạy cũng như người học. Tôi nghĩ, đây không phải là giải pháp đúng và khó có hiệu quả. Thực tiễn những năm qua cho thấy, các nghị định về xử phạt hành chính trong giáo dục hầu như không có hiệu quả, ít tính khả thi. Theo tôi, cần cân nhắc việc quy định về phạt tiền nếu xúc phạm người dạy cũng như người học trong dự thảo nghị định này.
Vậy bà có thể nói rõ lý do vì sao không nên đặt ra những quy định này?
Trước hết, nếu để ngăn ngừa những hành vi sai phạm của nhà giáo và học sinh hẳn chúng ta không thiếu chế tài. Chẳng hạn như nhiệm vụ, quyền hạn của nhà giáo và người học được quy định trong Luật Giáo dục. Việc xử lý vi phạm của cán bộ quản lý và giáo viên được quy định bởi Luật công chức, Luật viên chức...
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đã ban hành "Quy định về đạo đức nhà giáo". Các Sở GD&ĐT và nhà trường còn có quy tắc ứng xử giáo viên, học sinh, các chế tài kỷ luật tương ứng. Ở mức độ vi phạm nặng hơn, gây thương tích cho nhà giáo hoặc học sinh từ 11% sẽ bị xử lý hình sự theo pháp luật. Nếu bây giờ đặt thêm quy định xử phạt hành chính là không cần thiết, thậm chí chồng chéo với luật.
Mặt khác, việc xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền hoàn toàn không phù hợp với tính chất đặc thù của lĩnh vực giáo dục. Trong môi trường này, quan hệ thầy - trò nên được điều chỉnh bởi chuẩn mực đạo đức, văn hóa. Tôi nghĩ, không nên "luật hóa" các quy định, chế tài, nhất là chế tài về tài chính, tức là phạt tiền.
Do đó, hành vi "xúc phạm danh dự, nhân phẩm..." giữa thầy trò, đồng nghiệp nên xử lý theo quy chế, kỷ luật của ngành hơn là xử lý bằng phạt tiền. Bởi nếu "dân sự hoá" quan hệ thầy trò bằng hình thức phạt tiền, nâng mức phạt tiền, chắc chắn không đạt mục đích và hiệu quả giáo dục. Thậm chí, đến một lúc nào đó, e rằng quan hệ thầy - trò sẽ được điều chỉnh bởi đồng tiền, không còn là chuẩn mực đạo đức, văn hóa nữa.
Có ý kiến cho rằng, việc phạt tiền trong giáo dục sẽ "vật chất hóa" môi trường giáo dục và để lại nhiều hệ luỵ. Bà có nghĩ như vậy không?
Đúng là tôi băn khoăn nhiều về hiệu ứng ngược của quy định này.
Đứng về phía người học, gia đình người học, không phải cứ ngang nhiên xúc phạm nhà giáo rồi dùng tiền là có thể khắc phục được hậu quả. Đây không phải là cách ứng xử phù hợp của truyền thống tôn sư trọng đạo.
Nhìn lại, giáo viên hiện đang phải đối mặt với quá nhiều áp lực như yêu cầu đổi mới ngày càng cao khiến thầy cô "oằn mình" lập trình theo. Đồng thời, kỳ vọng của phụ huynh và học sinh lớn, điều kiện dạy học chưa bảo đảm, sĩ số lớp học quá đông đè nặng lên vai của nhà giáo...
Cũng xin nói thêm là làm giáo viên trong bối cảnh hiện nay rất khó. Muốn giáo dục, rèn luyện học sinh cần phải duy trì kỷ luật. Điều này có thể bị một bộ phận học sinh và phụ huynh phản ứng, quy chụp giáo viên hà khắc. Mặt khác, dư luận đôi khi vô tình thổi phồng sự việc. Vì vậy, nếu vì áp lực dư luận mà đặt ra những quy định gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý người thầy là điều đáng phải suy nghĩ.
Làm sao để nhà giáo tâm huyết với nghề khi có quá nhiều áp lực đè nặng trên vai? (Nguồn: Tuổi trẻ)
Cùng với đó, câu chuyện lương giáo viên nhìn chung quá thấp. Nếu bây giờ thêm quy định nâng mức xử phạt tiền, thậm chí mức phạt rất lớn so với lương thu nhập; liệu giáo viên có còn động lực để làm việc? Làm sao để người thầy gắn bó với nghề, tâm huyết với công việc giáo dục học trò, hay sẽ thu mình lại, giảm nhiệt huyết, buông xuôi hoặc hời hợt trong giáo dục? Thậm chí có thể khiên nhiêu ngươi bo nghê, ngươi tre không còn hưng thư và đam mê vơi nghê giáo.
Trong nhà trường, tình thầy trò là mối quan hệ trong sáng dựa trên nền tảng đạo đức truyền thống. Điều đó chi phối tình cảm, hành vi giao tiếp, ứng xử giữa người thầy với học trò. Việc dùng biện pháp hành chính, tài chính can thiệp, chi phối mối quan hệ này có thể làm rạn nứt tình thầy trò và truyền thống tôn sư trọng đạo vốn rất cao đẹp.
Những năm gần đây, tình trạng bạo lực học đường, thầy đánh trò, trò đánh lại thầy, phụ huynh phạt quỳ giáo viên... khiến nhiều người cho rằng đó là thực trạng xuống cấp trong ứng xử giữa thầy và trò. Vậy theo bà, việc phạt tiền có phải cách răn đe nghiêm khắc, hiệu quả để giảm tình trạng bạo lực học đường, tạo môi trường giáo dục thân thiện và an toàn hay không?
Đúng là đang có tình trạng xuống cấp về đạo đức và văn hoá trong ứng xử giữa thầy và trò. Tôi hiểu việc đặt ra quy định xử phạt nói trên xuất phát từ ý tưởng tốt là tăng chế tài để hạn chế và ngăn chặn bạo lực học đường và những sai phạm diễn ra trong môi trường giáo dục. Theo những người soạn thảo, quy định nâng mức xử phạt tiền là nhằm "đánh" trực tiếp vào kinh tế. Qua đó, nhằm ngăn chặn hành vi không phù hợp của giáo viên với học sinh cũng như chiều ngược lại.
Tuy nhiên theo tôi, trong môi trường giáo dục, việc dùng hình thức thưởng tiền hay phạt tiền đều là hạ sách, thậm chí có thể dần tạo ra những hệ quả xấu. Chẳng hạn như hình thành tư tưởng dùng đồng tiền có thể giải quyết mọi việc. Mặt khác, việc vi phạm đạo đức trong môi trường giáo dục đôi khi xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Đó có thể do kỹ năng và phương pháp giáo dục của thầy cô, cha mẹ không phù hợp. Đó cũng có thể do sự phối hợp gia đình, nhà trường trong quản lý học sinh chưa chặt chẽ. Mặt khác có thể do sự can thiệp quá sâu hoặc thái độ thiếu trách nhiệm của một số phụ huynh đối với việc học của con...
Vì vậy, muốn giảm tình trạng bạo lực học đường, tạo môi trường giáo dục thân thiện và an toàn cần nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết, cần tăng cường giữ kỷ cương của nhà trường, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình để xây dựng môi trường giáo dục tốt nhất, an toàn nhất cho trẻ.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, sàng lọc để có đội ngũ giáo viên phẩm chất đạo đức tốt, năng lực chuyên môn giỏi, kỹ năng sư phạm cao. Đồng thời, tạo điều kiện làm cho nhân cách của nhà giáo lớn lên và phải có chế độ đãi ngộ tốt nhất để nhà giáo yên tâm cống hiến cho sự nghiệp "trồng người".
Xin cảm ơn bà!
Nguyệt Anh (thực hiện)
Theo baoquocte
GS Hồ Ngọc Đại: 'Ngô Bảo Châu không phải học trò tôi tự hào nhất mà là một cậu sửa xe' GS Hồ Ngọc Đại - cha đẻ của Công nghệ Giáo dục Thực nghiệm là người gây bão trong dư luận nhiều ngày qua về phương pháp dạy Tiếng Việt. Nhưng ông nói, Công nghệ Giáo dục của ông không chỉ là chuyện dạy Tiếng Việt. Giấc mơ lớn hơn, là tạo nên một thế hệ biết mình là ai, biết mình muốn...