GS Hồ Ngọc Đại: ‘Tôi thương phụ huynh quá!’
Trong hai ngày cuối tuần (12 và 13/5), một hiện tượng giáo dục thu hút sự quan tâm của dư luận: phụ huynh đạp đổ cổng trường để mua đơn đăng ký cho con vào học lớp 1. Chuyện xảy ra tại Trường PTC Thực Nghiệm (Hà Nội). Nói về hiện tượng này, GS Hồ Ngọc Đại, “cha đẻ” của mô hình trường thực nghiệm bày tỏ: “Tôi thương phụ huynh quá!”
Trường Thực Nghiệm nóng vì sao?
Lý giải nguyên nhân về việc chen lấn để mua hồ sơ, nhiều bậc phụ huynh cho biết, do được biết, năm học 2012 – 2013, trường chỉ tuyển 140 em, trong khi số lượng hồ sơ bán ra khá “nhỏ giọt” (200 bộ). Trong khi đó, lâu nay, trường được biết tới là có uy tín, môi trường học chất lượng, và thêm một điểm nhấn, GS Ngô Bảo Châu, người vừa có giải thưởng quốc tế về toán học Fields, từng học tiểu học tại đây.
Chị Hoàng Hường ở quận Ba Đình, chọn ngôi trường này vì con chị được học lớp ít học sinh (40 cháu/ lớp). Bé tới trường không phải còng lưng cõng cặp nặng. Về nhà, bé cũng không phải bò ra để làm bài tập. Hơn nữa, bé được học tiếng Anh nhiều. Ngoài chương trình học trên lớp, bé không phải học thêm bất cứ môn nào, kể cả môn tiếng Anh.
Do vậy, bé thứ hai đến tuổi vào lớp 1 – chị không ngại dậy sớm chen chân xếp hàng, xô đẩy để mua đơn cho con vào học năm học tới.
Anh Hưng (tên nhân vật đã đổi), một phụ huynh ở quận Cầu Giấy cho biết, cả hai cháu (sinh năm 2000 và 2005) đều chọn Trường Thực nghiệm. Bởi mô hình này tôn trong cá tính của học sinh – ngay từ đầu vào lớp 1, con được khẳng định cái tôi trong cách xưng hô: gọi “cô xưng em” chứ không gọi cô xưng con như những trường tiểu học khác. Và học sinh rất thích đến trường.
Lý do nữa được anh Hưng chọn Thực nghiệm là các cô giáo có cách hành xử với học sinh có văn hóa, gây thiện cảm với số đông phụ huynh. Hồi năm 2006, khi cô con gái đầu lòng vào lớp 1, anh rất ấn tượng với cô giáo Diệu Lý chỉ bởi trong ngày tựu trường, cô đã cầm quạt giấy đi từng học sinh xếp hàng ở sân trường quạt cho từng cháu.
“Về chương trình học, ngoài việc có nhiều sự lựa chọn cho phụ huynh nếu muốn cho con học Chương trình đại trà (quy định của Bộ GD-ĐT) hoặc Chương trình thực nghiệm thì cách dạy của trường không chạy theo thành tích” – anh Hưng khái quát. Các con anh học rất thoải mái, không có cảm giác nhồi nhét. Hơn nữa, mỗi môn học như Toán, Văn, Nhạc, Vẽ….đều có giáo viên riêng. Đây là sự khác biệt so với các trường tiểu học khác.
Còn lý do mà chị Vân Anh ở quận Đống Đa chọn mô hình Trường Thực nghiệm cho hai con là bởi “ngộp khuôn viên của trường khi đến tìm hiểu cho con thứ nhất học (năm 2003).
Thêm những lý do khác như lớp học không quá đông, con về nhà ít bài tập và không phải đi học thêm – nên chị tiếp tục chọn ngôi trường này cho đứa thứ hai.
Nhưng theo năm tháng song hành cùng chuyện học của con, chị nhận thấy, trường Thực nghiệm ngày hôm nay đã có một số thay đổi. Một số cô giáo dạy giỏi của trường cũng đã “chạy” sang trường khác. Cô giáo Diệu Lý, người “gây mê” nhiều phụ huynh, nay đã chuyển sang làm quản lý một trường tư thục.
Và quan trọng hơn, môi trường sư phạm dần bị mai một. Sự quan tâm của cô chỉ còn là tiếng đồn theo năm tháng, khiến phụ huynh chạy theo xu hướng “tâm lý đám đông”.
Bất chấp tất cả để con được học trường tốt
Không chỉ “nóng” trước cổng trường Thực Nghiệm dù trước buổi sáng đều có các cơn mưa, câu chuyện “đạp đổ cổng trường mua hồ sơ cho con vào lớp 1″ sôi động không kém trên nhiều diễn đàn dành cho các bậc cha mẹ, các trang mạng xã hội.
Thu thập thông tin qua báo chí, một số thành viên webtretho tỏ vẻ thất vọng về văn hóa của người Thủ đô. Một số khác thở dài: “Người lớn thiếu văn hóa vậy sao mong trẻ con có văn hóa” hay “Buồn thay cho cái gọi là thủ đô văn hiến, nhìn cảnh này rồi cảnh lễ hội hoa, không dám nghĩ người nước ngoài sẽ đánh giá Hà Nội sao nữa”.
Video đang HOT
Một thành viên khác thẳng thắn nhận định “Tìm trường tốt cho con là đúng, nhưng chỉ vì tâm lý đám đông mà làm mọi cách, có những hành vi khiếm nhã thế này thì không chấp nhận được”.
Trên mạng xã hội Facebook, tham gia thảo luận cùng bè bạn, một cư dân mạng biệt danh Hiệp Linh đặt vấn đề: “Tại sao lại làm 1 việc vô giáo dục để cho con cái được giáo dục?”. Tuy nhiên, gợi mở của anh được tranh luận lại ngay: “Chẳng phải là vô giáo dục, nhìn phụ huynh thức đêm đứng chờ xin học cho con thấy mà thương. Đấy là tại ngành, chứ không phải tại dân”.
Biệt danh Đức Bình bình tĩnh phân tích: Có 2 vấn đề ở đây. Một là hệ thống giáo dục phân biệt trường điểm trường thường làm cho tâm lí phụ huynh luôn muốn con mình phải vào trường điểm. Thứ 2 là ý thức của người dân mình quá kém, tại sao không xếp hàng một cách văn hóa, người đến sau phải tôn trọng người đến trước, bố mẹ như vậy thì làm sao dạy trẻ có văn hóa?
Chị Nhật Mai, ở huyện Từ Liêm, từng chen chân mua hồ sơ cho con vào trường này năm ngoái bày tỏ sự cảm thông: “Khi tới đây, không ai nghĩ rằng, lại có đông người như thế không ai nghĩ trước được có cảnh chen lấn này. Nên đến rồi thì cố cho được thì may, không thì cũng thôi. Thực trạng các trường tiểu học ở Hà Nội như vậy nên khó tránh khỏi”.
Nickname capi_hh nêu ý kiến: “Cái gì tốt thì người ta tìm đến là lẽ đương nhiên. Tại sao các trường khác không cố gắng mà làm tốt như vậy nhỉ? Không phải thời bao cấp vẫn còn mà đây chính là kiểu của thời kinh tế thị trường, hàng hóa ở đâu tốt thì người ta mua thôi. Dù phải chen nhau vẫn sướng”.
Không thể trách phụ huynh?
Trao đổi với PV chiều 13/5, GS Hồ Ngọc Đại -”cha đẻ” của mô hình Trường Thực nghiệm chia sẻ: Tôi đã theo dõi hiện tượng phụ huynh xô đẩy để mua đơn cho con qua phản ánh của các báo – và thấy thương phụ huynh nhiều hơn. Đó là quyền lợi sát sườn, tương lai của con em họ…nên không thể trách.
Đáng trách phải trách những người làm giáo dục: Tại sao mô hình có rồi lại không nhân ra để phụ huynh khỏi chen lấn?
“Hiện tượng phụ huynh xô đổ cổng trường nói lên một điều, mô hình giáo dục hiện nay có vấn đề buộc phụ huynh phải tìm đến một mô hình khác” – ông nói. Dù mô hình khác chưa chắc đã tốt hơn, nhưng giữa hai cái tồi tệ, buộc họ phải chọn cái ít tồi tệ hơn.
An ninh phải nhập cuộc mới hết cảnh xô đẩy (Ảnh chụp sáng 13/5, Văn Chung)
Chứng kiến cảnh chen lấn, xô đẩy…GS nhắc đi nhắc lại quan điểm “tôi rất thương phụ huynh học sinh”. Và đáng trách những người làm giáo dục mà nạn nhân của nó là những người làm chương trình năm 2000.
“Họ đổ tiền tỷ vào làm chương trình để “thu lại” sự không bằng lòng của “khách hàng” là phụ huynh. Cuối cùng, đọng lại chỉ là “thành tích của lợi ích nhóm”.
“Khoan vội trách phụ huynh hành xử thiếu văn hóa, bởi họ phải thương con mình. Đối với phụ huynh, con cái là nhất nên phải chọn môi trường tốt hơn cho chuyện học hành, mặc dù sự lựa chọn chỉ là cảm tính” – ông chia sẻ sâu sắc trước những hành vi chưa thanh lịch của các bậc làm cha làm mẹ.
Theo GS, nên hiểu phản ứng của phụ huynh là mong muốn bình thường – mong muốn con được học trong môi trường giáo dục tốt.
“Để không còn phản ứng đó và có niềm tin vào nền giáo dục nước nhà, chỉ có cách giáo dục. Trường Thực Nghiệm cũng phải thay đổi. Hôm nay, họ phản ứng như vậy là cách hành xử tự nhiên, không chê trách được!?” – GS Hồ Ngọc Đại chốt lại.
Theo VNN
Gs Hồ Ngọc Đại tiết lộ bí mật của Gs Ngô Bảo Châu
GS. TSKH Hồ Ngọc Đại lần đầu tiên bật mí về những kỷ niệm với những học sinh cá biệt trong cuộc đời làm "thầy" của mình.
LTS: Trong cuộc chia sẻ với báo Giáo dục Việt Nam xung quanh vấn đề 3 nữ sinh ở Đồng Hỷ - Thái Nguyên đánh bạn ngất xỉu và có thể bị nhận quyết định thôi học, GS. TS Hồ Ngọc Đại đã kể lại câu chuyện về những "học sinh cá biệt" đi qua cuộc đời mình.
Báo Giáo dục Việt Nam trích đăng để quý bạn đọc cùng suy ngẫm, trải nghiệm và soi một chút vào chính mình để rút kinh nghiệm trong cách giáo dục con trẻ hiện nay.
Cậu học sinh "đầu gấu" và căn "biệt thự" tặng thầy giáo cũ
"Tôi không nhớ rõ đó là năm nào nữa. Chuyện xảy ra cách đây cũng lâu lắm rồi, tôi chỉ lờ mờ nhớ hình như là những năm đầu của đổi mới. Một giáo viên chủ nhiệm lớp lên báo cáo với tôi về một trường hợp học sinh rất cá biệt và đề nghị sẽ thực hiện mức kỷ luật đuổi học với học sinh này.
Tôi hỏi: Cậu học sinh ấy cá biệt ở chỗ nào, đã gây ra những lỗi lầm, sai trái như thế nào để phải nhận quyết định buộc thôi học?
Cô giáo cho biết, mỗi buổi đến lớp, cậu bé đều đánh hết bạn này đến bạn khác. Cả lớp đều rất sợ và không ai dám bén mảng đến gần. Hễ nhìn thấy bạn nào trong lớp, không vừa ý là cậu đánh đấm túi bụi. Cả lớp gọi học sinh này sau lưng là "đầu gấu", là "xã hội đen"...
GS. TSKH Hồ Ngọc Đại
Giáo viên chủ nhiệm đã rất nhiều lần nhắc nhở, mời phụ huynh đến lớp và thậm chí có những hình thức xử phạt nhưng cậu bé vẫn không dừng lại việc dùng bạo lực ở lớp học.
Buổi học sáng ngày hôm sau, tôi xuống lớp và hỏi cậu bé lý do vì sao thích đánh bạn đến thế? Tôi vô cùng ngạc nhiên và sững sờ khi cậu bé trả lời: "Em đánh bạn vì em bắt chước bố. Ở nhà, ngày nào em cũng bị bố đánh ít nhất là một lần...".
Tôi liền liên hệ gọi người bố ấy đến trường để hỏi chuyện. Anh này có thừa nhận là ngày nào cũng đánh con nhưng, lại không biết con mình cũng đến lớp đánh các bạn. Tôi đề nghị với người bố ấy: "Anh hãy nghe tôi! Anh hãy dừng việc đánh con lại 1 ngày thôi!"
Người bố ấy đồng ý 1 ngày không đánh con. Ngày thứ 2, tôi lại yêu cầu: "anh hãy dừng đánh con ngày hôm nay nữa!". Anh này cũng đồng ý không đánh con ngày thứ 2. Ngày thứ 3, "anh hãy dừng đánh con ngày hôm nay nữa!". Anh này cũng lại đồng ý không đánh... và từ đấy về sau, người bố này không bao giờ đánh con nữa.
Cậu học sinh cũng không còn đến lớp đánh bạn và còn học rất giỏi.
Bẵng đi một thời gian, năm 2005, người bố đánh con năm nào đến tìm gặp tôi và nói: "Cậu bé đánh bạn năm xưa muốn tặng thầy Hồ Ngọc Đại một căn biệt thự". Tuy nhiên, tôi nhất quyết từ chối. Cậu học trò liền quay sang bàn với bố sẽ tặng thầy giáo cũ một lăng miếu khi trăm tuổi về già..."
"Ngô Bảo Châu, em cứ tiếp tục ngủ với các bạn gái..."
"Chuyện này xảy ra lâu lắm rồi. Năm 1978, trường Tiểu học Thực nghiệm được thành lập, trong đó có tổ chức bán trú cho các cháu ăn, ngủ trưa tại trường. Ngô Bảo Châu là một trong những lứa học sinh "đầu lòng" của trường Tiểu học Thực nghiệm lúc bấy giờ.
Sau một thời gian, có một số giáo viên và học sinh kiến nghị rằng: Ngô Bảo Châu, nó lạ lắm! Nó không chịu nằm ngủ cùng với các học sinh nam mà chui vào ngủ cùng với các em học sinh nữ. Dù còn nhỏ nhưng, con trai, con gái nằm ngủ cùng nhau là không được.
Để giáo dục được trẻ con cần hiểu trẻ con và học cách tôn trọng trẻ con. (Ảnh Thu Hòe)
Tôi gọi Ngô Bảo Châu lên hỏi lý do tại sao thích ngủ với các bạn nữ? Cậu bé Ngô Bảo Châu lúc đó trả lời: Ngủ cùng với mấy bạn nam, các bạn ấy ồn ào lắm, em không ngủ được. Nằm cạnh các bạn nữ, các bạn ấy không gác, không cựa khi ngủ nên em ngủ ngon hơn ."
Tôi bảo: Em cứ tiếp tục ngủ với các bạn gái..."
Cái béo tai và câu nói: "Thầy khỏe thế!"
Đó là câu chuyện về một học sinh 3 lần nghỉ học không phép/tuần. "Cũng lại là một cô giáo lên phàn nàn, đề nghị kỷ luật học sinh vì học sinh mắc lỗi. Tôi hỏi, học sinh mắc lỗi gì? Cô giáo đó nói: Lỗi nghỉ học liên tục không phép.
Tôi gọi học sinh đó lên và hỏi: "Em mắc lỗi gì?
- Dạ, lỗi nghỉ học không xin phép ạ.
- Có biết đó là sai trái không?
- Dạ, có biết ạ.
- Vậy, còn tái phạm nữa không?
- Dạ, có ạ.
Có này..., có này". Tôi đã béo mạnh vào tai cậu học sinh này khiến tai cậu đỏ ửng lên vì đau.
Bạn biết, tôi nhận lại được gì từ học sinh của mình không? Nó quay lại cười hì hì và nói: "Thầy khỏe thế!" Lức đó vừa bực mình lại vừa buồn cười.
Sau đó, tôi hỏi cậu bé nguyên nhân nghỉ học không phép. Cậu học sinh của tôi kể: Trên đường đi học gặp một ông cụ 1 mình đang hì hụi lớp mái nhà. Thấy ông cụ không có ai giúp đỡ, cậu bé liền "sắn ống tay áo" giúp ông cụ vận chuyển ngói lợp mái nhà. Tưởng chỉ mất ít phút nào ngờ mất luôn cả buổi sáng nên đành phải nghỉ học không phép luôn.
2 lần còn lại cũng là những lý do tương tự như vậy. Nghe xong lời giải thích đó, tôi không những không phạt mà còn biểu dương cậu học sinh trước lớp..."
Bạn đọc nghĩ gì về những câu chuyện này? Mời bạn chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc, kinh nghiệm dạy dỗ con trẻ qua phần comment dưới bài! Chân thành cảm ơn!
Theo GDVN
Mẹ GS Ngô Bảo Châu: 'Con gái nhà Châu học mà như chơi' Xung quanh việc học sinh tiểu học Việt Nam đánh vật với bài tập về nhà, PGS. TS Trần Lưu Vân Hiền đã có cuộc trao đổi về việc &'học như chơi" của 3 cô con gái nhà GS Ngô Bảo Châu. Không có lí gì phải học thêm - Thưa PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền, hiện nay học sinh tiểu học và...