GS Hồ Ngọc Đại lên tiếng về chương trình Công nghệ giáo dục
GS Hồ Ngọc Đại, “cha đẻ” của chương trình Công nghệ giáo dục, sáng nay 8-9 đã có những chia sẻ về công nghệ giáo dục đang dẫn tới những luồng ý kiến khác nhau trong dư luận.
GS Hồ Ngọc Đại, “cha đẻ” của chương trình Công nghệ giáo dục (CNGD), sáng 8-9 đã có cuộc trò chuyện diễn ra tại Hà Nội về CNGD trong kỷ nguyên 4.0.
GS Hồ Ngọc Đại noi vê chương trình CNGD
Bàn về nền giáo dục mới, GS Hồ Ngọc Đại cho rằng sứ mạng của giáo dục là cần phải cho trẻ em được những thành tựu mới nhất – chưa từng có và thừa hưởng và tận dụng những thành tựu đã có. “Cho nên tôi luôn nói với các cô giáo của tôi và nhiều bậc phụ huynh là phải thua con mới dạy được con. Trẻ con làm gì cũng có lý của nó. Mình phải căn cứ vào lý của nó để có cách dạy hợp lý”- ông nói.
“Cuộc đời tôi xong rồi, nhưng tôi muốn đất nước này có một thế hệ khác, tự xác định được thời đại của mình. Người lớn không nên lấy mình là khuôn mẫu cho trẻ con. Bố mẹ không nên lấy mình làm chuẩn cho trẻ con”- giáo sư bày tỏ.
Video đang HOT
GS Đại cũng khẳng định việc xây dựng trường thực nghiệm là việc làm có ý nghĩa và trách nhiệm nhất mà ông đã làm cho đất nước. Cũng theo vị giáo sư, cuốn sách ông dành tâm huyết và công phu nhất là Tiếng Việt 1 – CNGD. Trẻ con rất hồn nhiên và tin người lớn, lớp 1 phải đưa những thứ tốt đẹp vào đó.
Chia sẻ về CNGD, GS Hồ Ngọc Đại khẳng định những cái cũ kỹ trong giáo dục chắc chắn thất bại. Một nền giáo dục mới sẽ thành công.
Nền giáo dục hiện đại là nền giáo dục chưa từng có, để cho mỗi cá nhân trong xã hội trở thành chính nó, chứ không phải là bản sao của riêng ai. Ông cũng nhấn mạnh: “Cái gì tôi viết là vì đất nước, vì tương lai”.
Nói thêm về chương trình CNGD, GS Đại khẳng định một lý thuyết giáo dục phải có công nghệ thực thi. “Tôi có CNGD. Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam, trẻ con 6 tuổi nói sõi, 7 tuổi nói đúng, 8 tuổi nói chuẩn… Nhưng khi tôi dạy trẻ con học hết lớp 1, dù ở bất cứ đâu trên đất nước này, chỉ 1 năm đọc thông viết thạo, đúng chính tả và không thể tái mù. Một ông bí thư xã nói với tôi rằng, chỉ mất 5 tháng học tiếng Việt của tôi là có thể viết được đơn, còn cách dạy cũ học hết năm lớp 1 cũng không làm được”- GS Đại cho biết.
Y.Anh
Theo nld.com.vn
Ai chịu trách nhiệm về sách Công nghệ giáo dục?
Con gái tôi vừa nhập học lớp 1 được hơn một tuần. Nhiều lần trò chuyện cùng bố mẹ có con bước vào lớp 1, chúng tôi băn khoăn vô cùng khi tiếp xúc với sách Tiếng Việt 1 theo chương trình Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại.
Dù không ít lần tìm kiếm sự giúp đỡ, tham vấn của giáo viên tiểu học mà bản thân quen biết, nhưng thú thật, tôi đang rối với nội dung và phương pháp dạy tiếng Việt theo chương trình này.
Ngoài cách phát âm khác lạ, xem qua sách Công nghệ giáo dục, dễ dàng nhận thấy hệ thống từ ngữ được lựa chọn để đưa vào sách có vấn đề khi người viết sử dụng quá nhiều từ địa phương; sách đưa vào nhiều từ, cụm từ, thành ngữ có nội dung vượt xa nhận thức, tư duy của trẻ lớp 1. Chẳng hạn: khuýp khùym khuỵp, thế chẻ tre, dĩ hòa vi quý, bạt ngàn man dã...
Văn học là nhân học. Ngay từ lớp đầu cấp này, bên cạnh việc lựa chọn ngữ liệu đảm bảo nguyên tắc học tiếng Việt thông qua âm và chữ, tăng dần số lượng từ ngữ thì việc đưa ngữ liệu phải có tính giáo dục, định hướng thẩm mĩ và uốn nắn tâm hồn trẻ thơ hướng đến lối sống tử tế. Tuy nhiên, nhiều đoạn văn, câu chuyện được trích dẫn trong sách Công nghệ giáo dục với nội dung không trong sáng có thể làm vẩn đục tâm hồn trẻ thơ. Tôi muốn lấy hai ví dụ về câu chuyện "Quả bứa" và "Vẽ gì khó". Những câu chuyện dường như gợi lên suy nghĩ về những cách sống ích kỷ, hám lợi và cách nghĩ lệch lạc, không dám nhìn thẳng vào sự thật, sợ bị đánh giá, bị phê bình...
Trong khi các khối lớp 2, 3, 4, 5 vẫn sử dụng bộ sách của chương trình năm 2000 thì các cháu sinh năm 2012 trở về một vài năm trước lại học thí điểm bộ sách Công nghệ giáo dục lớp 1. Lên các lớp trên, chính các cháu lại quay về học chương trình cũ. Tính kế thừa và tính hệ thống trong giáo dục đã bị đứt gãy. Và ai sẽ chịu trách nhiệm cho một vài lứa học sinh rẽ ngang sang học chương trình Công nghệ giáo dục?
Đặc biệt là song song với việc thực hiện chương trình hiện hành và thí điểm rối rắm đó, Bộ GD-ĐT lại đang tiến hành biên soạn chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể và sách giáo khoa áp dụng cho lớp 1 từ năm học 2019-2020. Vậy là chỉ thêm một năm nữa thôi, các cháu lớp 1 sinh từ năm 2013 lại bắt đầu làm quen với một chương trình mới, bộ sách giáo khoa mới.
Vậy số phận của bộ sách Công nghệ giáo dục mà con tôi và hàng triệu trẻ trên khắp cả nước sẽ học trong năm học này sẽ đi về đâu? Hay nó đã làm tròn "sứ mệnh lịch sử" là chuyển tiếp giữa chương trình cũ và chương trình mới nên sẽ "ra rìa"? Nhưng trước khi thẳng tay dẹp bộ sách này để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nỗi băn khoăn của tôi và nhiều phụ huynh khác hy vọng sẽ có được lời giải đáp: Chất lượng của bộ sách, chất lượng của chương trình Công nghệ giáo dục này như thế nào? Và sau một thời gian dài thực hiện chương trình Công nghệ giáo dục lớp 1 này, Bộ GD-ĐT đã có thống kê đánh giá hiệu quả thực hiện chương trình thí điểm này chưa?
Liệu Bộ GD-ĐT có nhận được phản hồi rằng chương trình Công nghệ giáo dục khá nặng với các cháu đang bập bẹ đánh vần, cha mẹ không thể dạy con vì cách phát âm, cách ghép vần xa lạ? Và cả tình trạng các cháu không theo kịp chương trình làm bùng phát nạn học thêm, rồi cô giáo phải dạy theo chương trình cũ song song chương trình mới khi có dự giờ?... Hàng loạt vấn đề liên quan đến bộ sách mà con cái chúng tôi đang phải làm "chuột bạch" đang chờ Bộ GD-ĐT lên tiếng.
Trang Nguyễn
Theo nld.com.vn
Tiếng Việt công nghệ giáo dục: tranh cãi vì đâu? Dư luận mấy ngày nay xôn xao về một clip dạy đánh vần 'lạ' thật ra là của chương trình công nghệ giáo dục đã tồn tại mấy mươi năm qua. Tài liệu dạy tiếng Việt lớp 1 của công nghệ giáo dục (TV1-CNGD) đến nay tròn 40 năm ra đời nhưng chỉ tính riêng 5 năm gần đây, dưới hai thời bộ...