GS Hồ Ngọc Đại: Không oán trách khi sách Công nghệ Giáo dục bị loại
GS.TSKH Hồ Ngọc Đại nói rằng ông không oán trách khi bộ sách Công nghệ Giáo dục bị loại vì các thành viên trong hội đồng thẩm định đã làm theo trách nhiệm của mình.
Sáng 3/1, Bộ GD&ĐT tổ chức cuộc gặp gỡ, đối thoại với GS.TSKH Hồ Ngọc Đại và PGS.TS Nguyễn Kế Hào ( Trung tâm Công nghệ Giáo dục) về nội dung liên quan thẩm định tài liệu Tiếng Việt bị loại khỏi vòng thẩm định.
Phát biểu tại cuộc họp, TS Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT – cho biết trong đợt thẩm định đầu tiên, có 49 bản thảo sách giáo khoa đăng ký. Trong đó, 38 bản thảo được hội đồng đánh giá đạt, 11 bản thảo không đạt ở cả vòng 1 và 2.
Những cuốn sách không đạt, theo thông tư 33, tác giả có quyền chỉnh sửa theo tham vấn của hội đồng, đề nghị được thẩm định lại. Hiện, một số tác giả có nguyện vọng chỉnh sửa sách và có những người muốn bảo lưu.
GS Hồ Ngọc Đại nói ông không oán trách thành viên của hội đồng khi sách của mình bị loại, vì họ làm theo trách nhiệm. Ảnh: T.H.
Các thành viên của hội đồng làm theo trách nhiệm
PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào nói ông và nhiều phụ huỵnh, học sinh cho rằng bộ sách Công nghệ Giáo dục của GS.TSKH Hồ Ngọc Đại tốt, tạo điều kiện để phát huy khả năng của mỗi học sinh. Việc dạy và học theo sách này đảm bảo an toàn, hiệu quả. Bộ sách Công nghệ Giáo dục bị loại khiến dư luận quan tâm, nhiều người bức xúc.
PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào đề nghị dựa trên kết luận của các hội đồng thẩm định nhưng làm việc theo tinh thần mới, cởi mở hơn. Các chỉ báo được vận dụng linh hoạt để giữ được bản sách riêng của mỗi bộ.
Mỗi bộ sách cần đảm bảo chuẩn đầu ra của từng lớp, cấp học. Việc đánh giá thực tiễn cần được chú trọng. Đây là thước đo đáng tin cậy, không thể thiếu trong đánh giá sách, hoạt động dạy và học ở cấp tiểu học.
Cũng theo ông Hào, hiện nay, cả nước có 48 tỉnh, thành với 900.000 học sinh đang học sách Công nghệ Giáo dục. Trẻ học đến đâu chắc đến đó, không tái mù chữ. Ông kiến nghị không nên loại những cuốn sách này mà đưa vào giảng dạy ở các trường trong năm học mới.
Trong phần trao đổi của mình, GS.TS Hồ Ngọc Đại cho biết ông đến cuộc đối thoại này chỉ muốn được xác nhận bộ sách Công nghệ giáo dục của mình được sử dụng cho năm học mới. Khi bộ sách bị loại trong đợt thẩm định đầu tiên, ông không oán trách thành viên của hội đồng, vì họ làm theo trách nhiệm của mình.
GS Hồ Ngọc Đại nói bộ sách của ông là công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc suốt 40 năm. Phương pháp này đặt câu hỏi: Học sinh cần gì và làm thế nào để có được điều đó. Cuốn sách đã được ông sửa chữa và hoàn thiện suốt thời gian qua, đến giờ đã hoàn thiện.
Video đang HOT
“Khi cùng sân chơi, người viết sách cần tuân thủ luật”
Nêu quan điểm về việc thẩm định sách, PGS Trần Kiều – Chủ tịch Hội đồng môn Toán – cho rằng không phải mọi kết luận của hội đồng đều được tất cả chủ biên tán thành. Tuy nhiên, đó là những ý kiến xác đáng. Hội đồng biết viết sách lớp 1 khó nhất nên thẩm định rất linh hoạt.
Theo PGS Trần Kiều, khó có thể lấy số lượng người sử dụng để nói cuốn sách tiếp tục tồn tại. Nhiều bộ sách khác cũng có hơn một triệu học sinh sử dụng nhưng cũng mất hiệu lực khi thay đổi chương trình. Người viết sách, khi cùng chung sân chơi, cần tuân thủ luật.
PGS Trần Kiều cho rằng sách Toán 1 của GS Hồ Ngọc Đại làm đảo lộn toàn bộ cấu trúc, khung chương trình giáo dục phổ thông mới, khi mang kiến thức từ lớp 6 và 8 xuống cấp tiểu học. Ông khuyên GS Hồ Ngọc Địa nên viết lại theo sự gợi ý của chủ tịch hội đồng.
Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng chương trình là gốc, sách giáo khoa có thể điều chỉnh theo hàng năm. Ảnh: T.H.
Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết bộ đã rà soát toàn bộ quá trình triển khai, lựa chọn nhân sự khi triển khai sách giáo khoa theo chương trình mới.
Bộ GD&ĐT lựa chọn những nhân sự nghiêm túc, trách nhiệm, minh bạch, để đóng góp bộ sách tốt nhất cho học sinh, xã hội, tạo điều kiện thực hiện chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa.
Về đề nghị các cuốn sách phải được thực nghiệm mà PGS.TS Nguyễn Kế Hào nêu ra, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết Bộ GD&ĐT đã làm theo Nghị quyết của Quốc hội. Trong quy định thẩm định sách giáo khoa, hồ sơ gửi lên đã phải có thực nghiệm. Việc thẩm định nhằm mục đích công bố cho xã hội những cuốn sách phù hợp để sử dụng cho chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trước kiến nghị của PGS Nguyễn Kế Hào về việc đánh giá bộ sách Công nghệ Giáo dục theo một cách thức khác, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết chương trình là gốc, chỉ có một chương trình thống nhất trên toàn quốc. Sách giáo khoa có thể điều chỉnh hàng năm.
“Để tạo ra sự công bằng giữa các bộ sách, cần xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí thống nhất trên toàn quốc. Vì vậy, đề xuất của PGS Nguyễn Kế Hào rất khó thực hiện. Chương trình đổi mới sách giáo khoa thay đổi từ mục tiêu thì nội dung phải thay đổi”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ thông tin.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng ghi nhận, tổng hợp ý kiến của GS Hồ Ngọc Đại, PGS Nguyễn Kế Hào để báo cáo Chính phủ.
Ngày 12/9/2019, Hội đồng thẩm định sách giáo khoa thông báo 3 bản thảo sách giáo khoa lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại gồm Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục, Toán Công nghệ Giáo dục và Đạo đức Công nghệ Giáo dục, bị trượt ở vòng đầu tiên.
Ngày 23/9/2019, PGS Nguyễn Kế Hào đại diện cán bộ của Trung tâm Công nghệ Giáo dục, gửi kiến nghị lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ về việc sách bị loại khỏi vòng thẩm định.
Ngày 15/11/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nghiên cứu kỹ ý kiến của GS Hồ Ngọc Đại, PGS Nguyễn Kế Hào và các chuyên gia, dư luận về chương trình thực nghiệm.
Theo Zing
Sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại bị loại: "Thẩm định SGK vẫn trên văn bản, trong phòng họp"
"Tôi không hiểu sao bộ sách được hơn 48 tỉnh thành, hơn 900.000 học sinh sử dụng, độ phủ sóng như vậy, mà Bộ vẫn đánh giá không đạt"?
Tiếng Việt, Toán lớp 1, lớp 2 là những cuốn tài liệu quan trọng nhất của Bộ sách Công nghệ Giáo dục do Giáo sư Hồ Ngọc Đại làm chủ biên vừa bị Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ GD-ĐT loại từ vòng 1.
Thông tin này đã thu hút sự quan tâm của dư luận, bởi sách Công nghệ giáo dục đã được triển khai dạy học trong nhà trường suốt 40 năm qua với khoảng hơn 900.000 học sinh theo học.
PGS.TS Nguyễn Kế Hào cho rằng cần xem lại việc đánh giá sách giáo khoa khi đánh trượt bộ sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại.
Mới đây, PGS.TS Nguyễn Kế Hào, cũng đã thay mặt tập thể cán bộ Trung tâm Công nghệ Giáo dục đã gửi thư kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ bày tỏ ý kiến không đồng tình với đánh giá của Hội đồng thẩm định sách giáo khoa. Phóng viên VOV.VN đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT về vấn đề này.
PV: Thưa ông, mới đây sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại đã bị Hội đồng thẩm định sách giáo khoa đánh trượt ngay từ vòng đầu. Vấn đề này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận, ông có đánh giá gì về vấn đề này?
PGS. TS Nguyễn Kế Hào: Việc đánh giá đương nhiên phải đề ra những chuẩn mực, có những người đại diện được chọn vào để đánh giá. Nhưng tôi thấy công tác đánh giá vẫn trong phòng họp trên văn bản, chưa có thực tế. Tôi đề nghị phải hỏi trên 900.000 học sinh, phải dự giờ bởi "trăm nghe không bằng một thấy". Nhưng nếu đánh giá dựa trên các tiêu chí, mà giữa các tiêu chí đó và thực tế cuộc sống không khớp nhau thì cần xem lại các chuẩn mực đánh giá có chủ quan hay không? Thậm chí, luật đưa ra, nhưng khi áp dụng không hợp lý vẫn phải sửa.
Đây không phải thành tựu của riêng Hồ Ngọc Đại, mà là thành tựu của giáo dục Việt Nam. Năm trước, vấn đề về sách Công nghệ giáo dục cũng đưa ra dư luận, nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng đã phải lên tiếng rằng: "Tôi học Bác Hồ, Bác Hồ đã dạy cái gì có lợi cho dân phải cố gắng làm bằng được. Mà cái này có lợi cho dân".
Thời làm Bộ trưởng, ông Luận cũng rất thận trọng trước khi cho sử dụng rộng rãi sách Công nghệ giáo dục. Khi ấy, ông Phạm Vũ Luận một mình đi tàu lên Lào Cai, thuê xe ôm đến các trường học, xem thực tế học sinh học ra sao và về quyết định cho nhân rộng việc dạy Công nghệ giáo dục. Nhưng không hiểu sao đến giờ, hơn 48 tỉnh, thành sử dụng, trên 900.000 học sinh sử dụng, độ phủ sóng của bộ sách như vậy, mà Bộ vẫn đánh giá không đạt. Bộ sách này cũng đã được nghiệm thu, thẩm định rất nhiều lần, nếu loại ngay từ vòng đầu, thì những hội đồng trước thẩm định trước kia làm việc thế nào?
Khi tôi còn công tác, để nghiệm thu bộ sách, hội đồng phải về tận Hải Phòng, đến các huyện miền núi như Yên Dũng, ngồi gọi từng học sinh lên để xem các em đọc, viết thế nào, nghiệm thu trong hơn 1 tháng, bao gồm cả thực tế và nghiên cứu tài liệu.
PV: Hội đồng thẩm định cho biết thành phần đánh giá sách giáo khoa có cả giáo viên tiểu học, nhưng họ đều nhận định bộ sách này còn khó, thưa ông?
PGS. TS Nguyễn Kế Hào: Tôi chỉ thắc mắc những giáo viên này có trực tiếp dạy lớp 1 hay không? Việc các giáo viên phải ngồi cùng hội đồng với những người là thầy, lãnh đạo của mình, liệu việc đánh giá có thực sự được công tâm? Tôi chỉ biết rằng, cuộc sống đã chứng minh, nhưng kết quả thẩm định lại đi ngược lại với thực tế thì hội đồng đánh giá cần xem xét lại.
Những bộ sách còn lại, được đánh giá đạt chuẩn, nhưng lại không có thực tiễn. Vấn đề là anh đề ra những chuẩn tiêu chí đánh giá như thế nào?
Bộ sách Công nghệ giáo dục đã đi vào cuộc sống mấy chục năm nay, khi nào khó khăn lại đem ra dùng, còn sách mới được đánh giá là tốt, nhưng lại chưa ai nhìn thấy, tất cả mới chỉ trên văn bản, phòng họp. Như vậy liệu có quá coi thường cuộc sống và người dân? Bản thân tôi cũng đã từng đi đến những vùng sâu vùng xa, "3 Tây" gồm Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, những nơi khó khăn nhất, nhưng học sinh vẫn có thể học được bộ sách này và rất thích.
Hội đồng thẩm định cho rằng những ngữ liệu về các bài thơ mang tính tuyên ngôn dân tộc như "Nam quốc sơn hà" vào sách lớp 1 là khó. Nhưng đó là cách để tinh thần dân tộc ngấm vào những đứa trẻ khi từ nhỏ. Tại sao học sinh tiểu học đi học đã phải hát Quốc ca, chắc hẳn các em không thể hiểu hết lời bài hát, nhưng chính những giai điệu hào hùng, đầy tự hào ấy qua năm tháng nuôi dưỡng và hun đúc lên tinh thần dân tộc trong mỗi đứa trẻ. Những thứ đó dần ngấm vào tiềm thức của trẻ giống như lời ru tiếng hát của bà, của mẹ khi còn nhỏ và sẽ theo các em suốt cả cuộc đời.
Mục tiêu giáo dục ở lớp 1 chỉ là đọc thông, viết thạo. Đối với môn Tiếng Việt, cuối năm lớp 1, chuẩn đầu ra các em phải đọc được tối thiểu 30 chữ/phút, chép chính tả 30 chữ/15 phút. Phụ huynh có con học sách của GS Hồ Ngọc Đại ban đầu mới tiếp xúc có vẻ hoang mang, thấy những trẻ khác đã học chữ, nhưng con nhà mình toàn thấy các khối tròn, vuông, tam giác. Đó là cách phân tích ngữ âm, sau đó đưa chữ vào thay thế. Nhưng chỉ sau một học kỳ, thấy kết quả của học sinh học Công nghệ giáo dục khác hẳn, rất ít học sinh đạt mức đọc 30-35 chữ/phút, hầu hết các em đọc với tốc độ 70, thậm chí 100 chữ/phút. Khả năng tập chép cũng nhanh hơn hẳn.
PV: Bộ sách giáo khoa mới phục vụ cho đợt cải cách giáo dục sắp tới với những tiêu chí mới, tuy nhiên, GS Hồ Ngọc Đại cho biết, sẽ không sửa bộ sách, ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?
PGS Nguyễn Kế Hào: Nếu tôi là GS Hồ Ngọc Đại, tôi cũng không sửa, vì nếu sửa sẽ làm mất đi tinh thần của bộ sách. Sách giáo khoa công nghệ giáo dục có hệ thống lý luận nhất quán, phù hợp với đường lối, quan điểm hiện nay. Thứ 2 là có giá trị thực tiễn, thực hiện có hiệu quả.
Những quan điểm, triết lý giáo dục được nêu ra trong đợt cải cách giáo dục sắp tới, thực chất đã được GS Hồ Ngọc Đại nêu ra và đưa vào áp dụng từ lâu. Triết lý lấy học sinh làm trung tâm, giáo dục hướng đến phát triển năng lực cá nhân, không so sánh các học sinh với nhau mà chú trọng vào sự thay đổi, tiến bộ của các em với chính bản thân mình...
Các nhà trường hiện nay đều có khẩu hiệu "đi học là hạnh phúc", "mỗi ngày đến trường là một ngày vui", những khẩu hiệu này đã được GS Hồ Ngọc Đại đưa ra từ cách đây 40 năm ở trường Thực nghiệm, thời điểm mọi người đều nghĩ GS Đại ảo tưởng, nhưng giờ lại thừa nhận.
Ở bậc tiểu học, thầy Đại cũng đã chủ trương bỏ xếp loại điểm số, phương pháp học tập học sinh là trung tâm, thầy là người thiết kế, trò thi công đã được GS Hồ Ngọc Đại áp dụng từ lâu, đến giờ mới thấy ngành giáo dục mới đưa vào.
Hơn nữa, Nghị quyết 29 chủ trương "một chương trình, nhiều sách giáo khoa", nhưng hội đồng thẩm định lại yêu cầu phải đủ, không được thừa, không được thiếu. Như vậy bản chất chỉ là 1 vì tất cả đều phải theo 1 khuôn. Đáng ra chỉ cần quy định chuẩn kiến thức của các bộ sách và chuẩn đầu ra học sinh là đủ.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Theo VOV
Thẩm định sách giáo khoa: Chưa đồng thuận, mời 'trọng tài' Một đợt thẩm định sách giáo khoa mà TS Thái Văn Tài - vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học - đánh giá là bài bản, chặt chẽ trên cơ sở pháp luật đã khép lại ở vòng 2 với 38/49 bản thảo của 9 môn lớp 1 đạt yêu cầu. Tổng chủ biên một bộ SGK vừa đạt yêu cầu thẩm định...